Khung pháp lý toàn diện cho vấn đề thuế

Chủ Nhật 14:03 04-06-2006

Bộ Tài chính đã soạn thảo và đang lấy ý kiến các ban, ngành, các địa phương vào Dự thảo Luật Quản lý thuế. Có thể thấy, với sự ra đời của Luật này, lần đầu tiên các hành vi thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cũng như việc thu thuế đã được điều chỉnh và quy định chung vào một văn bản pháp luật cao nhất nhằm làm cho việc thực hiện các pháp luật thuế được thống nhất, hiệu quả, có chuẩn mực chung. Qua nghiên cứu dự thảo, chúng tôi có những ý kiến trao đổi như sau:
 
Về các khái niệm nêu trong Dự thảo cần làm rõ thêm các khái niệm được coi là các quyền năng mới của cơ quan thuế như:
 
-Cưỡng chế thuế được hiểu như thế nào?
-Điều tra các vụ án về thuế.
-Lập hồ sơ đề nghị khởi tố về thuế.
 
Mặt khác, trong phần giải thích từ ngữ của Luật nên có giải thích khái niệm: "Đối tượng nộp thuế" (Điểm 4 Điều 4) trước khi giải thích các khái niệm như: "Tiền thuế" (Điểm 2, Điều 4) hay "Kỳ tính thuế" (Điểm 3, Điều 4) để mang tính logic cao và dễ tra cứu vì trong dự thảo, khái niệm "Đối tượng nộp thuế" được nhắc đến trước nhưng phần giải thích lại để ở sau.
 
Về khái niệm "thoái trả tiền thuế" nên viết như sau: "thoái trả tiền thuế là việc ngân sách Nhà nước trả lại đối tượng nộp phần tiền thuế mà theo quy định họ không phải nộp" bởi vì trên thực tế, Nhà nước không những thoái trả số tiền thuế nộp thừa cho đối tượng nộp thuế (ĐTNT) mà còn thoái trả những khoản tiền mà thực chất ĐTNT chỉ mới tạm nộp (như thuế thu nhập cá nhân bị khấu trừ tại nguồn chẳng hạn) nhưng khi quyết toán theo quy định họ không phải nộp khoản tiền này.
 
Về nội dung và kết cấu của Dự thảo Luật Quản lý thuế đã quy định khá bao quát, đầy đủ quá trình của giao dịch nộp và thu thuế, cũng đã quy định các biện pháp áp dụng trong việc quản lý thu thuế. Tuy nhiên cũng còn một số điểm nên được bổ sung cho rõ hơn.
 
Ngay trong tờ trình Chính phủ của Bộ Tài chính về việc ban hành Luật Quản lý thuế Phần I đoạn đầu và Phần II, đoạn cuối có nêu:
"-Bổ sung quyền cưỡng chế thuế, điều tra các vụ vi phạm về thuế cho cơ quan thuế nhằm nêu cao tính hiệu lực trong quản lý thuế...".
 
Cũng trong Dự thảo, Điều 8 - Chức năng nhiệm vụ chủ yếu của cơ quan thuế - quy định một trong những nhiệm vụ của cơ quan thuế như sau:

"Thanh tra, kiểm tra...; lập hồ sơ đề nghị khởi tố các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về thuế;...".
 
Có thể thấy, đây là điểm mới nhất trong quy định về vai trò của cơ quan thuế, là một trong những quyền năng mạnh mới được bổ sung cho cơ quan thuế trong quá trình thực thi pháp luật. Với quy định này, vai trò của cơ quan thuế đã được củng cố và nâng cao, phù hợp với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, trong Dự thảo Luật lại chưa có riêng phần quy định cho vấn đề này. Theo chúng tôi, ngay trong Luật (mà không phải chờ Nghị định hướng dẫn thi hành), sau chương 5 (Cưỡng chế thuế) nên bổ sung riêng một chương quy định về: Điều tra, lập hồ sơ khởi tố các vụ vi phạm về thuế để nhằm làm cho việc thực hiện chức năng mới này của cơ quan thuế được rõ ràng, thuận lợi hơn.
 
Một điểm cần nhấn mạnh nữa là trong tương lai, với sự phát triển của nền kinh tế và yêu cầu hội nhập, vấn đề thanh toán không dùng tiền mặt phải được khuyến khích thậm chí trở thành quy định bắt buộc trong các giao dịch kinh tế. Rõ ràng, việc thanh toán không dùng tiền mặt làm cơ sở để quản lý thu thuế là vấn đề rất quan trọng, ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quả thu thuế, cần phải được quy định rõ ngay trong Luật Quản lý thuế.
 
Về hiệu lực thi hành: Như chúng ta đã biết, trước khi có Luật Quản lý thuế, đã có nhiều Luật thuế quy định riêng biệt cho từng sắc thuế đã ban hành như: Luật thuế GTGT, Luật thuế TNDN, Luật thuế TTĐB, Luật thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu...; các luật có liên quan khác như: Luật Kế toán, Luật Kiểm toán, Pháp lệnh xử phạt hành chính. v.v. Hầu hết trong các Luật, Pháp lệnh này đều có các phần quy định để đảm bảo cho Luật, pháp lệnh được thực hiện tốt như phần xử lý vi phạm, tổ chức thực hiện... Với sự ra đời của Luật Quản lý thuế, nếu thiếu sự bao quát, sẽ không tránh khỏi có những điểm chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn với các quy định đã ban hành. Đây là điều mà những người hoạch định chính sách cần phải tính đến và giải quyết thoả đáng khi hướng dẫn thi hành Luật để việc thực hiện pháp luật có liên quan vẫn đảm bảo tính thống nhất, hiệu quả, tích cực.
 
Cuối cùng, Luật Quản lý thuế được thông qua và thực thi vào thời gian nào còn tuỳ thuộc quyết định của Quốc hội nhưng chúng tôi thiết nghĩ, ngành Thuế đang có rất nhiều cải cách quan trọng, kể cả cải cách về các chính sách thuế có liên quan, cả về tổ chức bộ máy cũng như các điều kiện quản lý theo xu thế hiện đại, hội nhập. Đồng thời với các đổi mới trên, nếu Luật Quản lý thuế sớm được ban hành để được thực hiện kịp thời cùng với mô hình tổ chức mới của ngành thì hiệu quả của nó sẽ được nâng cao hơn rất nhiều. Mặt khác, khi có Luật Quản lý thuế chi phối thì các quy trình quản lý thuế đương nhiên sẽ được xây dựng một cách căn bản hơn, ít chỉnh sửa về sau và tạo sự thống nhất cao giữa các quy định mang tính nguyên tắc là Luật với những kỹ năng mang tính cụ thể, chi tiết là các quy trình nghiệp vụ quản lý của ngành Thuế.
 

Các văn bản liên quan