Hai ý kiến góp ý của ông Nguyễn Khắc Phụng

Chủ Nhật 00:36 04-06-2006

Tôi xin góp hai ý kiến:
         
1- Về phần chung:

a.  Sau khi nghiên cứu bản dự thảo Nghị định, thực sự tôi thấy thất vọng, vì nghị định vẫn được chuẩn theo một tư duy cũ, chưa tập trung chủ yếu vào những  vấn đề mà Luật chưa có điều kiện làm rõ, trong đó có nhiều vấn đề Luật đã  rõ, nhưng Nghị định vẫn lặp lại, về khái niệm “Luật đã rõ” theo tôi hiểu là những vấn đề này trong nhiều năm qua, cả ba đối tượng đều đã hiểu như nhau (Toà án, luật sư và đối tượng điều chỉnh của Luật), thế mà Nghị định vẫn cứ giải thích nên không tập trung, và đương nhiên tác dụng hướng dẫn và làm rõ của Nghị định không làm thoả mãn mong muốn của xã hội.

b.  Một nội dung quan trọng mà xã hội hằng mong mỏi, đó là nội dung hướng dẫn bản thân công chức của cơ quan công quyền, vì theo tôi đối tác này cực kỳ quan trọng trong việc thực thi pháp luật, trước hết họ phải là người hiểu đúng luật để hướng dẫn và chịu trách nhiệm về những sai trái do các đối tượng điều chỉnh của pháp luật do hiểu không đúng lại không được hướng dẫn đầy đủ mà gây ra sai sót trong việc thực thi pháp luật, do đó xã hội vẫn cứ phải nghĩ là pháp luật này chỉ để mình thi hành, chứ cơ quan công quyền là người “luôn đứng ngoài cuộc” để kiểm tra và “bắt bẻ”

Nguyên nhân của vấn đề này có nhiều, nhưng chủ yếu là do cách hiểu về khái niệm “đầu tư” và “quản lý nhà nước” đang là vấn đề lớn gây ra nhiều tranh cãi, theo tôi nên có một chuyên đề hội thảo về hai khái niệm này, trước hết fải làm rõ hai chữ “đầu tư” và nếu hiểu đúng thì đây là việc của nhà đầu tư không kể “nhà đầu tư” đó là ai, còn “quản lý nhà nước” là quản lý theo pháp luật, chứ không phải làm thay, nghĩ hộ để khi soạn thảo các văn bản pháp luật cố ghép cho hết các văn bản pháp luật hiện có vào để phòng “quản lý nhà nước không đủ…”
 
2- Về một số nội dung cụ thể của Nghị định:

a.  Điều 15, 16,  của Nghị định, về lĩnh vực ưu đãi đầu tư, thực chất là Nghị định muốn qui định rõ, chi tiết theo các diều 27, 28 của Luật đầu tư mà các nhà đầu tư rất cần biết, nhưng không cần trải ra mấy điều như Nghị định, mà chỉ cần 01 điều, nhưng nói rõ  theo điều mấy của Luật với những nội dung gì, xem tại phụ lục nào là đủ.

b.  Điều 9, Hình thức đầu tư theo Hợp đồng hợp tác kinh doanh, không nên có, vì khoản 16 điều 3 của Luật đầu tư đã nói rõ và từ khi có Luật đầu tư nước ngoài đến nay chưa có sự hiểu lầm nào (ở đây nói chưa có sự hiểu lầm nào, là nói tới ba đối tượng: Toà án, luật sư, đối tác thực thi Luật), gập các trường hợp như thế này, Nghị định không nên lặp lại. Nhưng cũng với nội dung hợp đồng BBC, thì điều 10 về ban điều phối và ban điều hành lại rất cần cho nhà đầu tư biết mà vận dụng.

c.  Điều 46, Thuê quản lý, tôi đồng ý nên rộng như Nghị định, nhưng nên bỏ câu “nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài” và trong các trường hợp tương tự cũng nên bỏ cụm từ này đối với những việc mà các nhà đầu tư (trong, ngoài nước) đều được hưởng như nhau,  để quen dần tới một Luật hoàn toàn chung trong một tương lai không xa.

d.  Điều 63, 64… Điều kiện, thủ tục thẩm tra đối với dự án đầu tư có điều kiện,  đề nghị có thêm một mục làm rõ cách thẩm định, tôi đề nghị dự án nào đòi hỏi có điều kiện  thì các ngành chức năng phải trình chính phủ và công bố rõ những điều kiện cần có đó (tốt nhất là lượng hoá được những điều kiện đó càng chi tiết càng tốt) và khi thẩm định thì điều kiện thuộc ngành nào chỉ cần qua ngành đó thẩm định,  đạt yêu cầu thì cấp cho nhà đầu tư đó một chứng chỉ “đủ điều kiện”, khi một dự án cần 03 điều kiện, nhưng lại nằm ở 03 ngành khác nhau, thì nhà đầu tư chỉ cần tìm đến đúng địa chỉ của các ngành đó để đề nghị thẩm định, và khi đã có đủ các chứng chỉ “đủ điều kiện” của pháp luật, nhà đầu tư đương nhiên có quyền hành nghề mà không phải xin phép qua bất cứ "hội đồng” nào khác.

e.  Khoản 4,  điều 3…qui định  . . cho phép, nhưng lại ghi là: "nếu việc áp dụng đó không trái với nguyên tắc cơ bản của luật pháp Việt nam”, các doanh nghiệp đọc đến đây thấy điều này chẳng có giá trị gì về khái niệm “có thể thoả thuận” mà tốt nhất là xin tư vấn hỗ trợ.

f.  Chương VI, thẩm quyền chấp thuận và cấp giấy chứng nhận đầu tư, còn nặng về lấy vốn đầu tư làm mốc để phân loại, thực tế trong thời gian qua đã cho ta bài học rất rõ là, khi phân cấp cho các địa phương duyệt các dự án có vốn đầu tư đến 5 triệu đô la, họ đã thoả thuận với các bên ghi vốn chỉ là 4, 95 triệu Đô la đối với dự án mà địa phương muốn giành dự án cho địa phương mình, măc dù dự án đó có thể có vốn lớn hơn. Theo khảo sát của tôi với một số nước, người ta thường qui định ít nhất là 03 tiêu chí:  vốn, qui mô và trình độ liên quan đến công nghệ, thì qui định mới có giá trị kiểm soát của pháp luật.

g.  Về nội dung giấy đăng ký, chấp thuận đầu tư ghi trong các phụ lục kèm theo Nghị định thiếu thực tế, cụ thể: 
              
- phần mục tiêu và phạm vi hoạt động của dự án, yêu cầu liệt kê cả năng lực sản xuất đến từng loại sản phẩm, trên thực tế có nhiều loại công nghệ có thể cho ra nhiều loại sản phẩm hoàn toàn khác nhau, nên nếu có kê thì giá trị của lời kê đó là vô nghĩa, mà nếu ghi theo đơn vị tấn, tạ thì chẳng biết để làm gì.
- Về tiến độ thực hiện dự án, mà yêu cầu dự kiến đến cả ngày thì giá trị thực tế của nó chẳng có ý nghĩa gì, nên nếu đòi hỏi phải ghi thì người ghi cũng không phải suy nghĩ mà cứ ghi, nếu vậy thì giá trị pháp lý của qui định sẽ không còn, nên xem lại có phải “nhà nước” với khái niệm quản lý phải làm đến như thế không?
- Trang 51, mẫu GCH -2 ở điều 1, nói về đăng ký thành lập DN 100% vốn nước ngoài, nhưng trang sau lại là DN liên doanh, đề nghị xem lại.
- Trang 55 mẫu HS -1, Mục III khoản 3 ghi: sơ đồ tổng mặt bằng (kèm theo bản vẽ), nên hiểu là thế nào, sơ đồ tổng mặt bằng đã là bản vẽ, vậy kèm theo bản vẽ là gì? và bản vẽ đó cần tỷ lệ là bao nhiêu? 

Nguyễn Khắc Phụng
                                     
                                     

Các văn bản liên quan