Góp ý Luật Đầu tư

Thứ Sáu 14:23 26-05-2006
Nguyễn khắc Phụng-CTy tư vấn CIBUD

Sau khi nghiên cứu Luật đầu tư mới trình Chính phủ, tôi cũng như nhiều người đều nhận thức rằng đây là Luật đầu tư "chung" mà nhiều người đang mong đợi, qua đó hy vọng sẽ thúc đẩy để xã hội phát triển. Đó là một động lực rất cần cho chúng ta trên con đương hội nhập. Nhưng sau khi nghiên cứu thấy đây là một bộ Luật khá rắc rối so với nhiều bộ Luật mà tôi đã có dịp nghiên cứu, sự rắc rối đó có thể hiểu đơn giản là thực sự khó hiểu vì các điều khoản của Luât, là sự tập hợp từ nhiều Luật có liên quan đến lĩnh vực đầu tư, nhưng lại không xác lập được các tiêu chí thống nhất, đặc biệt là tiêu chí "chung". Nếu coi đây là Luật đầu tư "chung" thì đáng ra đại bộ phận các điều khoản của Luật qui định để dùng chung cho các đối tác gọi là nhà đầu tư, thực sự lại không phải như vậy, với cách tiếp cận khác nhau, tôi thấy nên gọi luật này là Luật đầu tư "ghép chung" thì đúng hơn gọi là Luật đầu tư "chung", tuy nhiên về mặt ngôn từ mà nói thì "ghép chung" vẫn là "chung", nhưng có lẽ người làm Luật là ngưòi "nhà nước"nên khi "ghép" đã phản ảnh vào Luật hai nội dung mang tính chất "nhà nước" khá rõ:

Một là, rất chú trọng thể hiện đậm nét vai trò quản lý nhà nước thông qua việc sử dụng nguồn vốn nhà nước,

Hai là, vì "ghép chung" với tư duy quản lý vốn của nhà nước là chính, nên phải bằng mọi cách đưa hết tất cả các nội dung mang tính chất quản lý sẵn có trong các đạo Luật có liên quan đến đầu tư vào,rồi sắp xếp lại,có chỗ định danh lại,nhưng cố gắng không thiếu để phòng giữ trách nhiệm cho tương lai,và thế là mọi đối tượng có liên quan chịu chung số phận phải" bị quản lý" như các dự án dùng vốn của nhà nước.

Tất nhiên "ghép chung" mà không có tiêu chí chuẩn mực rõ ràng, thì tất yếu sẽ dẫn tới sự rối rắm, khó hiểu. Có nhà đầu tư "tư nhân"đã nói với tôi rằng, em cố gắng tìm trong Luật xem mình ở đâu để còn "tranh thủ" nhưng tìm mãi thấy có mỗi một chỗ có thể "chen chân"vào, đó là "dự án phổ thông" nhưng vẫn phải đến một cơ quan có thẩm quyền xin giấy đăng ký để điền vào, mặc dù Luật nói rằng chỉ cần tự điền vào và tự chịu trách nhiệm về các nội dung đó, nhưng trong thực tế hễ cứ có thủ tục "hành chính" bất kỳ theo kiểu nào, thì cũng hãy "đợi đấy".

Tôi xin đóng góp một số ý kiến cụ thể như sau:

1- Phải xác định lại tiêu chí đầu tư và nhà đầu tư, theo tôi đã gọi là Luật đầu tư "chung" thì tiêu chí này cực kỳ quan trọng, và mặc dù trong phần giải thích từ ngữ của Luật đã nói khá rõ, nhưng trong nội dung các điêù khoản của Luật lại không phải là như vậy. Có lẽ đã đến lúc phải trả lại "quyền" cho nhà đầu tư theo đúng vị trí của nó, nghĩa là đầu tư phải là việc để nhà đầu tư tự lo "tất nhiên mọi nhà đầu tư trước hết phải tuân thủ pháp luật "theo nguyên tắc: Ai đầu tư, người đó tự quyết sách, ai hưởng lợi, người đó tự chịu rủi ro.

Ngay mục 1 của điều 4 đã giải thích về đầu tư như sau: "đầu tư có nghĩa là nhà đầu tư tự bỏ vốn bằng các loại tài sản hữu hình hay vô hình để tiến hành các hoạt động SXKD nhằm mục đích thu lợi nhuận…" như vậy có thể hiểu là, bất cứ ai được gọi là nhà đầu tư đều có hành động giống nhau, nếu bắt đầu từ vốn thì cho dù vốn đó do ai bỏ ra đều không có gì phân biệt (bao gồm cả vốn của nhà nước), còn việc quản lý vốn đó như thế nào là chuyện riêng của những người có vốn chứ không thể bắt mọi người có vốn vào trong một khung quản lý như người dùng vốn của nhà nước, coi như Luật đó là của riêng mình thì không chấp nhận được, thậm chí trong Luật lại tự giành cho mình hẳn một chương (chương VIII) để diễn giải riêng về nguồn vốn này, nếu vậy, chẳng lẽ các nhà đầu tư không dùng vốn nhà nước cũng đòi cho mình có một chương diễn giải về vốn của mình để công bằng sao (nói vậy để thấy sự thiếu công bằng trong việc làm Luật thôi, chứ các nhà đầu tư khác chẳng dại gì đưa vào Luật nội dung này, cho dù người làm Luật cho phép).

Vậy tại sao lại phải đưa vào Luật nhiều nội dung có liên quan đến vốn của nhà nước như vậy, có lẽ, một là với tư duy lấy nguồn vốn để làm Luật rồi "ghép" các nhà đầu tư vào chung trong Luật đó, hai là với tâm lý của người làm Luật chủ yếu là người của nhà nước, nên đầu tiên phải bảo vệ nhà nước trước (không loại trừ do áp lực của xã hội về những tiêu cực làm thất thoát quá nhiều vốn của nhà nước trong thời gian qua đè nặng trong tâm lý của họ) hoặc do một nguyên nhân nào khác?

2- Về mục 9 Điều 4 được giải thích: "Chủ đầu tư là người sở hữu vốn, hoặc người được giao trách nhiệm thay mặt chủ sở hữu vốn, hoặc người vay vốn trực tiếp quản lý, sử dụng vốn để thực hiện hoạt động đầu tư". Về khái niệm này còn phải tranh luận, riêng tôi không tán thành coi "người được giao trách nhiệm thay mặt chủ sở hữu vốn" gọi là chủ đầu tư, hoặc gọi những người này là "doanh nhân", thực chất người đó chỉ được chủ së hữu thuê, các chủ đầu tư tư nhân cũng đã từng huê những người như thế, nhưng không ai gọi người đó là "chủ đầu tư" họ chỉ là người quản lý do ông chủ thuê, sự giải thích như thế là một trong những nguyên nhân gây thất thoát vỗn của nhà nước trong một thời gian dài, giải thích này thể hiện tư tưởng chỉ đạo không rõ,muốn tách vai trò chủ đầu tư là nhà nước, đặt nhà nước ở vị trí cao hơn,chứ ai lại bảo nhà nước là chủ đầu tư thì cũng ngang bằng với anh chủ đầu tư là tư nhân sao. Tôi xin nhắc lại, nếu muốn cho đầu tư phát triển thì Luật đầu tư phải nhận thức lại theo nguyên tắc: Ai đầu tư, ngưòi ấy quyết sách, ai hưởng lợi, người đó chịu rủi ro, xây dựng Luật trên nguyên tắc này thì các đối tượng đầu tư mới bình đẳng và Luật mới trở thành Luật “chung” được.

3- Về mặt quản lý nhà nước về đầu tư, như trên đã trình bầy, Luật đầu tư lần này, đặc biệt từ chương VI trở đi, từ việc phân loại dự án, lập dự án, thủ tục đầu tư, cấp giấy phép đầu tư (trừ chương VIII chuyên đề cập đến đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước), các nội dung quản lý đều lấy tiêu chuẩn của dự án dùng vốn nhà nước buộc các dự án khác phải tuân theo "trừ dự án phổ thông ", chương VII còn qui định các bước triển khai thực hiện dự án đầu tư, tất cả những qui định này hầu như chỉ cần thiết cho các dự án sử dụng vốn của nhà nước, còn đối với các chủ đầu tư tư nhân, họ chỉ cần biết để được chấp nhận đầu tư họ phải làm những công việc gì (tất nhiên phải thuận tiện, thậm chí cả việc phải chi phí, nếu chi phí đó giúp họ nhanh chóng đạt được mục tiêu ý đồ của họ) còn sau khi có giấy phép đầu tư, họ tự biết mình phải làm gì và làm như thế nào cho có hiệu quả nhất miễn sao không vi phạm pháp luật chứ họ chả quan tâm tới các qui định này “trừ những quy định pháp luật có liên quan tới việc hỗ trợ dự án”.

Tóm lại, theo tôi với cách bố cục của Luật đầu tư kiểu này thì Luật không thể trở thành "luật chung"và nếu chưa phải là "luật chung" thì chưa thể phat huy tác dụng như mong muốn, khi khái niệm "chung" chưa được giải quyết triệt để thì những qui định của các điều khoản về quản lý nhà nước sẽ không có cách nào viết khác như Luật đã thể hiện, và như vậy thì các nguồn vốn khác không phải là vốn của nhà nước, còn phải tính xem có nên vào không ? Do đó, tôi xin mạnh dạn kiến nghị như sau:

Đầu tiên phải xác định lại tiêu chí "chung", cứ như Luật đã giải thích về từ ngữ, là mọi hoạt động đầu tư đều bắt nguồn từ vốn để sinh lời, nên không thể phân biệt nguồn vốn để định ra chính sách quản lý, vốn của ai người ấy quản, thậm chí quản như thế nào còn là việc riêng của từng nhà đầu tư, không ai bảo ai và cũng không ai giống ai, không ai lộ điều bí mật này cho ai biết cả, mặc dù Luật là do nhà nước ban hành, nhưng tiền lại của riêng từng nhà đầu tư, nếu nhà nước tách mình ra khỏi nhà đầu tư, hoặc đứng trên nhà đầu tư thì Luật sẽ không còn là "luật chung", hậu quả của nó sẽ ra sao chắc chúng ta đã có nhiều kinh nghiêm để tự phán xét.

Sau khi đã xác định rõ các tiêu chí "chung", thì việc quản lý nhà nước về đầu tư sẽ đơn giản hơn, việc nhà nước quản lý về đầu tư hoàn toàn không dính dáng gì đến quản lý về vốn, nói một cách khác, vốn không phải là yêu cầu phải quản lý ở trong luât đầu tư "chung" này và ngay việc quản lý nhà nước trong mọi lĩnh vực "kể cả quản lý nhà nước về đầu tư" cũng phải có một điểm chung là: "Công khai, minh bạch, bình đẳng, cùng chịu trách nhiệm "người làm sai" kể cả các cơ quan quản lý nhà nước "cũng phải chịu trách nhiệm. Có như vậy mới thúc đẩy xã hội phát triển. Nói về mong muốn của các nhà đầu tư không dùng vốn nhà nước, chỉ dơn giản như sau:

Trước khi tiến hành đầu tư, nhà đầu tư sẽ có một tờ trình với các nội dung sau:

- Tên dự án,

- Địa điểm dự kiến xây dựng dự án,

- Qui mô về vốn và qui mô sản xuất,

- Dự kiến thị trường tiêu thụ,

- Diện tích đất cần dùng, yêu cầu dặc biệt về kiến trúc(nếu có),

- Dự kiến nhu cầu về động lực,

- Vấn đề môi trường (nếu có), hoặc những yêu cầu khác do nhà nước qui định.


Những đề nghị trên nộp cho ai và bao lâu sau sẽ dược trả lời.

Còn đối với Luật đầu tư "chung", nếu đúng nghĩa là Luật dùng chung cho những ai gọi là nhà đầu tư, thì mong muốn của những nhà đầu tư không dùng vốn của nhà nước cũng đơn giản là, ngoài những qui định theo thông lệ như các đạo Luât khác, Luật đầu tư "chung" này cần xác định được các danh mục về đầu tư cần thẩm định để cấp giấy phép đầu tư mà bất kể nhà đầu tư nào cũng phải thực hiện gồm:

1- Danh mục các dự án phải thông qua thẩm định để cấp giấy phép đầu tư", ở một số nước quanh ta mà tôi đã có dịp đọc được, họ chỉ cần một danh mục này "còn ở nước ta do những yêu cầu riêng có thể có thêm một danh mục hạn chế đầu tư". Danh mục những dự án cần thẩm định để cấp giấy phép đầu tư này tối thiểu phải có ba tiêu chí sau:

A - tên Dự án "thí dụ, thủy điện, nhiệt điện, đường xá, cầu, thủy lợi….",
B - qui mô, có thể bằng tiền hoặc bằng công xuất,
C - người thẩm định dự án theo phân cấp, giữa trung ương, địa phương, trong đó cần qui định rõ những nội dung phải thẩm định "danh mục dự án phải thẩm định cũng như nội dung fải thẩm định có thay đổi theo thời gian" và được công bố công khai.

2 - Danh mục dự án có điều kiện, bao gồm cả điều kiện khi có nguồn vốn nhà nước tham gia, những dự án này vẫn phải thẩm định, nhưng chỉ thẩm định riêng từng điều kiện mà luật qui định như: môi trường, an toàn, phòng hỏa hoạn, kỹ thuật, vốn…, việc thẩm định này không tổ chức hội nghị thẩm định chung, mà căn cứ vào từng điều kiện "đã dược qui định rõ, liên quan đến ngành nào thì ngành đó thẩm định, thông qua một chứng chỉ, chủ đầu tư nộp đủ các chứng chỉ của từng điều kiện theo qui định của Luật thì mặc nhiên dược cấp giấy phép kinh doanh, trường hợp dự án đó có đóng góp vốn nhà nước, tùy mức độ đóng góp, nhà nước cũng chỉ thẩm định theo nội dung có liên quan đến phần đóng góp vốn của mình, hoặc do đặc thù của nước ta nhà nước có thể có thêm các danh mục khác, nhưng cho dù danh mục gì thì cũng phải đảm bảo nguyên tắc là những qui định đó phải: công khai, minh bạch, bình đẳng và cùng chịu trách nhiệm.

Thông thường các danh mục này hàng năm có sự thay đổi tùy thuộc vào sự phát triển và hội nhập, nên trong luật chỉ nên đề cập có tính nguyên tắc còn giao lại cho Chính phủ ban hành cụ thể và thay đổi theo từng thời gian, cố gắng giảm bớt những mục phải trình quốc hội, ở ta trước mắt quốc hội họp một năm hai lần, ai biết đâu tới đây, một năm chỉ họp một lần, hoặc ít hơn nữa, còn đầu tư lại là việc luôn nóng bỏng, nếu không sẽ mất thời cơ.

Tóm lại, với mục tiêu để có thể huy động lớn hơn nữa nguồn vốn đầu tư cho kế hoạch dài hạn của nước ta, nên tạm tách các dự án dùng vốn nhà nước ra ngoài luật này, mà chỉ nên ghép Luật đầu tư nước ngoài với Luật khuyến khích đầu tư trong nước thành một luật chung, như vậy chắc chắn sẽ có điều kiện phát huy ngay hiệu quả trong những năm tới.

Các văn bản liên quan