Cải cách Luật DN: kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam

Thứ Sáu 10:15 26-05-2006
Cải cách Luật Doanh nghiệp: kinh nghiệm quốc tế và Việt Nam

Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp

Luật Doanh nghiệp (DN) được Quốc hội khoá X thông qua tháng 7/1999 đã thể hiện một bước đột phá trong quá trình giảm rào cản đối với sự phát triển của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, để tạo một sân chơi bình đẳng cho mọi DN không phân biệt sở hữu và để mở cửa hoàn toàn nền kinh tế trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu thì việc cải cách Luật Doanh nghiệp hay nói cách khác việc ban hành một Luật DN thống nhất là một bước đi quan trọng trong định hướng này. Với mục đích như vậy, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đã tổ chức Hội thảo “Tổng quan kinh nghiệm quốc tế về cải cách quy định kinh doanh và hoàn thiện Luật Doanh nghiệp tại Việt Nam”.

Sự cần thiết phải cải cách Luật Doanh nghiệp

Cải thiện môi trường kinh doanh

Hiện nay, các loại hình DN của nước ta được điều chỉnh bởi ba luật: Luật DN 1999, Luật Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) 2003, Luật về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, phần quy định về hình thức DN có liên quan. Chính vì có nhiều luật điều chỉnh như vậy dẫn đến việc có những khác biệt cơ bản trong quy định về các loại hình DN góp phần chủ yếu tạo ra sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử. Những khác biệt đó chủ yếu tồn tại ở việc quy định khái niệm các loại hình DN, cách tiếp cận xác định DN, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, việc gia nhập thị trường, phạm vi kinh doanh, thời hạn hoạt động, quyền của DN và việc quản trị DN. Việc ban hành Luật DN và Luật đầu tư mới sẽ tạo ra một khuôn khổ pháp lý thống nhất và một sân chơi bình đẳng cho mọi DN kinh doanh tại Việt Nam. Như vậy, tất cả các DN được kinh doanh và đầu tư trong mọi lĩnh vực luật pháp không cấm, được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong lĩnh vực kinh doanh của mình, được quyền lựa chọn, thay đổi hình thức tổ chức DN, hình thức đầu tư.

Tăng cường phát triển kinh tế xã hội

Việc thống nhất Luật DN sẽ tạo thuận lợi cho việc phát triển đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài. Sự gia tăng nhanh chóng về đầu tư và chuyển giao công nghệ đã dẫn đến tăng trưởng mạnh mẽ về năng suất lao động và thu nhập bình quân đầu người. Tỷ lệ nghèo đói giảm từ hơn 70% vào giữa thập kỷ tám mươi xuống khoảng 37% vào năm 1998, và khoảng 29% vào năm 2002. Do đó cuộc cải cách quy định pháp luật đóng vai trò quan trọng trong khuyến khích đầu tư cũng như giảm đói nghèo.

Thể chế hoá những cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập

Việt Nam đang trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng được một nền kinh tế mở với một hệ thống các luật lệ về kinh doanh rõ ràng, minh bạch và tin cậy.

Kinh nghiệm quốc tế về cải cách các quy định kinh doanh

Kinh nghiệm cải cách các quy định kinh doanh quốc tế có thể xem là nguồn tham khảo vô cùng hữu hiệu cho công cuộc cải cách Luật DN ở Việt Nam. Trong phần trình bày về kinh nghiệm quốc tế về cải cách quy định kinh doanh, ông Raymond Mallon – chuyên gia tư vấn của VNCI, đã đưa ra các kinh nghiệm chọn lọc có ý nghĩa nhất đối với công cuộc cải cách quy định kinh doanh ở Việt Nam.

Lợi ích của việc trưng cầu ý kiến nhân dân trong đánh giá quy định

Những thay đổi trong quy định sẽ không phù hợp nếu chúng không được thực thi và không được đông đảo quần chúng ủng hộ[1]. Lợi ích của việc trưng cầu ý kiến trong cải cách quy định có thể thấy được như sau:

- Có thể thảo luận các ý kiến chuyên môn liên quan đến những đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp của quy định;
- Hỗ trợ các nhà lập quy định để hài hoà các lợi ích đối lập nhau;
- Giám sát có chất lượng đối với những đánh giá hành chính về chi phí và lợi ích;

Tuy nhiên, theo OECD việc trưng cầu ý kiến nhân dân cũng cần phải tuân thủ theo các nguyên tắc nhất định như: việc tham khảo ý kiến phải đảm bảo tính linh hoạt và nhất quán; trưng cầu ý kiến phải kịp thời, hài hoà, được áp dụng rộng rãi và thực hiện liên tục; chính sách trưng cầu ý kiến phải minh bạch và đảm bảo rằng ý kiến quần chúng phải được xem xét thích đáng và phản hồi đúng mức; hoạt động trưng cầu ý kiến thường xuyên phải trở thành một phần của văn hoá hành chính.

Đơn giản thủ tục hành chính nhằm giảm chi phí thực thi

Phần lớn các quốc gia trong OECD có chương trình giảm chi phí thực thi quy định DN bao gồm: thiết lập những điểm liên hệ đơn cho các dịch vụ công; ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu để dự thảo luật; đơn giản hay xoá bỏ nhu cầu giấy đăng ký kinh doanh và giấy phép; tư nhân hoá vai trò chứng nhận; máy tính hoá việc phổ biến các quy định và tạo mối tương hỗ với chính phủ bằng điện tử v.v…

Đánh giá tác động của các quy định

Một xu hướng hiện nay của cả các nước phát triển và các nước đang phát triển là đòi hỏi các hình thức đánh giá tác động của quy định pháp luật (RIA) như một phần không thể thiếu của chương trình cải cách. RIA bao gồm một loạt phương pháp để đánh giá có hệ thống các tác động tiêu cực và tích cực của các quy định. OECD cũng chỉ ra những hình thức áp dụng tốt nhất để đạt được kết quả tối ưu từ RIA: tối đa hoá cam kết chính trị đối với RIA; trách nhiệm đối với các yếu tố chương trình RIA được phân bổ thận trọng; đào tạo các nhà lập pháp; sử dụng phương pháp phân tích linh hoạt song nhất quán; lập và tiến hành các chiến lược thu thập số liệu; đặt ra mục tiêu đạt được của RIA; gắn RIA với quá trình hoạch định chính sách; trao đổi kết quả; tăng cường mối liên hệ với quần chúng; áp dụng RIA đối với những quy định hiện hành cũng như quy định mới.

Nâng cao sự quản lý quá trình lập ra quy định

Tổ chức OECD cho rằng kinh nghiệm của các nước thành viên gợi ý rằng một hệ thống quản lý pháp luật hiệu quả cần phải đảm bảo ba yếu tố sau: nó cần phải được thông qua và được ủng hộ tại mức chính trị cao nhất; nó nên bao gồm các chuẩn mực về chất lượng về luật pháp một cách chính xác; nó phải đem lại khả năng tiếp tục quản lý luật pháp. OECD cũng cho rằng các chính sách luật pháp chính xác cần phải: thể hiện được những cam kết của chính phủ đối với việc cải cách môi trường pháp luật; thiết lập được các mục tiêu chính sách rõ ràng và các biện pháp để đạt được các mục tiêu, nêu cao tính trách nhiệm của các quan chức chính phủ trong sử dụng quyền hạn về luật pháp; đẩy mạnh tính hiệu quả các nỗ lực phối hợp và hợp tác, đảm bảo hơn nữa tính chặt chẽ và tính đầy đủ trong việc cải cách môi trường pháp luật; giúp chỉ ra cho các nhà chính trị và cộng đồng biết tại sao các mục tiêu chính sách là quan trọng; nâng cao tính tin cậy và tính minh bạch trong các thay đổi và nâng cao các kết quả; thay đổi tính văn hoá trong luật pháp và yêu cầu các nhà cải cách phải chỉ ra lý do tại sao phải ban hành lại.

Cải cách quy định kinh doanh ở Việt Nam

Soạn thảo tiến tới ban hành Luật DN thống nhất và Luật đầu tư mới

Tư tưởng chỉ đạo soạn thảo luật
Mở rộng quyền tự do kinh doanh: Tất cả các DN được kinh doanh và đầu tư trong mọi lĩnh vực luật pháp không cấm; đảm bảo quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN; DN được quyền lựa chọn, thay đổi hình thức tổ chức DN, hình thức đầu tư; áp dụng rộng rãi cơ chế đăng ký kinh doanh thay cho giấy phép; xoá bỏ cơ chế xin-cho, phê duyệt và những điều kiện kinh doanh bất hợp lý.

Đổi mới chức năng quản lý nhà nước: Chức năng cơ bản của Nhà nước là khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ DN; minh bạch trong quan hệ Chính phủ – DN; duy trì những cam kết trước đây của Nhà nước có lợi cho DN; Nhà nước tôn trọng quyền tự chủ của DN trong việc quản lý nội bộ, thoả thuận, quyết định của DN.

Phù hợp với các nguyên tắc quốc tế và cam kết của Chính phủ Việt Nam trong các thoả thuận hội nhập: Đó là các nguyên tắc tối huệ quốc và đối xử quốc gia; đón trước các bước tiếp trong hội nhập; tạo lập môi trường đầu tư thân thiện: bình đẳng, minh bạch, ổn định, tiên liệu được, hấp dẫn và cạnh tranh.

Những thay đổi cơ bản trong nội dung soạn thảo các luật

Luật DN: Luật DN quy định việc thành lập, tổ chức quản lý, giải thể DN theo các hình thức pháp lý của tổ chức kinh doanh: công ty hợp danh, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, DN tư nhân không phân biệt quy mô, chức năng, hình thức sở hữu. Tất cả các DNNN hoạt động kinh doanh dưới dạng công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và được điều chỉnh theo Luật DN. Các cổ đông nhà nước và không thuộc nhà nước đều bình đẳng như nhau. Các loại hình như hợp tác xã, các hộ kinh doanh cá thể có quy mô khá, các trang trại được khuyến khích chuyển sang hoạt động theo Luật DN. Các DN có vốn đầu tư nước ngoài được mở rộng quyền đăng ký dưới cả 4 hình thức công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, DN tư nhân. Về lĩnh vực kinh doanh, Luật DN thống nhất hạn chế những lĩnh vực cấm hoặc kinh doanh có điều kiện. Thủ tục và điều kiện thành lập DN được áp dụng như nhau đối với mọi loại hình DN, các lĩnh vực dự án có vốn đầu tư nước ngoài đặc biệt cần thẩm định thì đơn giản hoá quy trình thẩm định và bãi bỏ dần theo cam kết quốc tế. Đối với việc quản lý nội bộ DN, Luật DN đề cao quyền tự do kinh doanh và trách nhiệm của DN, quy định rõ trách nhiệm của DN đối với nhà nước, khách hàng, đối tác, địa phương và cộng đồng xã hội; hoàn chỉnh các quy định về tổ chức quản lý nội bộ của từng loại hình DN, bỏ nguyên tắc nhất trí trong hội đồng quản trị của DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Luật đầu tư: Luật tập trung các vấn đề khuyến khích và bảo hộ đầu tư, kể cả đầu tư ra nước ngoài, khuyến khích đầu tư vào các dự án mới, mở rộng, đầu tư chiều sâu, góp vốn, mua cổ phần, chấn chỉnh các chính sách, quy hoạch ngành, vùng cho phù hợp với chính sách và quy hoạch chung v.v…Về chính sách bảo hộ đầu tư, Nhà nước bảo hộ tài sản và vốn hợp pháp của nhà đầu tư, bảo đảm cho DN có vốn đầu tư nước ngoàiđược chuyển vốn và lợi nhuận về nước, bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thay đổi luật chính sách, cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp luật và cam kết quốc tế, độc lập, minh bạch. Chế độ ưu đãi đầu tư được thực hiện trong từng thời gian, đối với một số ngành, địa bàn theo các hình thức như thuế, phí, đất đai, hạ tầng v.v…

Đánh giá tác động của Luật Doanh nghiệp

Luật DN thống nhất là một cải cách diện rộng, trong đó nhiều quy định sẽ được thay đổi và mỗi sự thay đổi có những tác động khác nhau. Các đối tượng chịu tác động tích cực từ sự thay đổi đó là các nhà DN, nhà đầu tư và toàn xã hội. Đối tượng bị tổn thất là các đối tượng thu lợi từ hành vi “tìm kiếm lợi nhuận siêu ngạch” gắn với các quy chế không cần thiết và các công ty có vị thế độc quyền nhờ các quy chế hiện hành.

Các tác động của các thay đổi được đề xuất trong Luật DN thống nhất chủ yếu liên quan đến vấn đề tham gia kinh doanh và quản lý DN. Sự đơn giản hoá việc tham gia kinh doanh bằng cách chuyển từ đăng ký sang cấp phép đối với tất cả các chủ thể kinh doanh phù hợp với những thay đổi gần đây trong đăng ký DN tư nhân trong nước. Các tác động của những thay đổi đối với các quy định về quản trị DN hiện thời liên quan tới (a) các quyền, nghĩa vụ đầu tư và các quyết định kinh doanh chính, (b) huy động và chuyển nhượng vốn cổ phần

Các văn bản liên quan