Góp ý báo cáo rà soát Luật Thương mại của ông Phan Thanh Tùng – Phó Chánh Thanh tra Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh

Thứ Năm 12:11 25-08-2011

HỘI THẢO HOÀN THIỆN CÁC BÁO CÁO RÀ SOÁT LUẬT DOANH NGHIỆP, LUẬT ĐẦU TƯ, LUẬT THƯƠNG MẠI

Do VCCI phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức tại Tp.HCM ngày 24/8/2011

 

 

THAM LUẬN: GÓP Ý BÁO CÁO RÀ SOÁT LUẬT THƯƠNG MẠI

 

Phan Thanh Tùng

Phó Chánh Thanh tra Sở Tư pháp

 

 

Qua nghiên cứu dự thảo báo cáo rà soát văn bản pháp luật – Luật Thương mại 2005, chúng tôi xin có một số nội dung trao đổi như sau:

- Báo cáo đã khắc họa được những nét tổng quát về sự cần thiết, tính quan trọng của việc Việt Nam tham gia Tổ chức thương mại thế giới, quá trình theo đuổi tự do hoá thương mại, gia nhập các tổ chức và diễn đàn quốc tế trên thế giới và trong khu vực của Việt Nam; nêu ra những nguyên tắc cơ bản cần tuân thủ khi tham gia vào tổ chức Thương mại thế giới WTO làm định hướng, tiêu chí hoàn thiện pháp luật đầu tư (nói chung) và pháp luật thương mại (nói riêng).

- Báo cáo đã phân tích được những thuận lợi, khó khăn, thách thức khi thực hiện chính sách tự do hoá và thuận lợi hoá thương mại và đầu tư, chủ trương xoá bỏ mọi rào cản thương mại và đầu tư đối với nền kinh tế quốc gia, những mục tiêu, yêu cầu đối với việc hòan thiện pháp luật thương mại.

- Báo cáo đã nêu bật được vai trò của Luật Thương mại năm 2005 trong việc điều chỉnh các quan hệ kinh doanh quốc tế, những tồn tại, bất cập của hệ thống pháp luật về thương nhân và hành vi thương mại (như: không đầy đủ, thiếu cụ thể, chưa rõ ràng minh bạch), nguyên nhân dẫn đến sự tồn tại, bất cập (về yếu tố lịch sử, nhận thức, sự mâu thuẫn chồng chéo giữa các văn bản pháp luật liên quan…) qua đó xác định sự cần thiết trong việc hoàn thiện quy định pháp luật về thương nhân và hành vi thương mại từ đó xúc tiến các họat động thương mại trong nước và nước ngoài một cách hiệu quả hơn.

- Nội dung rà soát Luật Thương mại 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành tương đối toàn diện, đầy đủ, bám sát các tiêu chí đề ra (tính minh bạch, hợp lý, thống nhất và khả thi) và đưa ra nhiều khuyến nghị bổ sung, sửa đổi, hoàn chỉnh các quy định về thương nhân, nhượng quyền thương mại, bán hàng đa cấp, mua bán hàng hóa qua Sở giao dịch, mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, quảng cáo, khuyến mại, gia công thương mại, giám định thương mại, chế tài trong thương mại.

Tuy nhiên, để đảm bảo dự thảo báo cáo rà soát văn bản pháp luật – Luật Thương mại 2005 được đầy đủ và toàn diện hơn, chúng tôi đề nghị cần bổ sung nội dung về kết quả tổ chức thi hành Luật Thương mại trong thời gian qua, những yêu cầu thực tiễn đặt ra để  hoàn thiện quy định pháp luật thương mại, việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước và vai trò của các thiết chế xã hội trong giải quyết những tranh chấp về họat động kinh doanh thương mại.

Mặt khác, về phương diện lý luận thì Luật Thương mại năm 2005 mặc dù có nhiều điểm tiến bộ nhưng cũng cần nghiên cứu tổng thể trong mối quan hệ giữa Luật Thương mại với Bộ luật Dân sự, các luật khác để tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý điều chỉnh hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại.

Trên đây là một số ý kiến góp ý dự thảo báo cáo rà sóat văn bản pháp luật – Luật Thương mại 2005 gửi đến Hội thảo nghiên cứu, xem xét.

 

 

 

Các văn bản liên quan