Có cần xây dựng Luật Đầu tư chung không?

Thứ Sáu 13:55 26-05-2006
GÓP Ý CHO DỰ THẢO LUẬT ĐẦU TƯ CHUNG: CÓ CẦN XÂY DỰNG LUẬT ĐẦU TƯ CHUNG KHÔNG?

TS Lê Nết, Trường ĐH Luật TP HCM

Từ năm 1987 đến nay chúng ta đã có Luật Đầu tư, nên ít ai nghĩ rằng bây giờ mình có thể sống mà không có Luật Đầu tư. Hơn nữa, Thủ tướng đã chỉ đạo Luật Đầu tư Chung và Luật Doanh nghiệp Nhà nước phải song hành. Vì thế tư duy nên bỏ Luật Đầu tư chung sẽ không có nhiều người ủng hộ. Tuy vậy tôi xin nêu những cơ sở để bảo vệ quan điểm "không cần phải xây dựng Luật Đầu tư chung".

Trước tiên, rất nhiều nước không có Luật Đầu tư, song vẫn đạt được mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài của mình. Thí dụ Ba Lan chỉ có Luật về các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, và không đặt yêu cầu thẩm định dự án - chỉ có cơ chế khuyến khích đầu tư. Trong cơ chế của chúng ta hiện nay cần có sự bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, chúng ta cũng chỉ cần các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp về các cơ chế ưu đãi đầu tư là đủ. Trong Luật Doanh nghiệp cũng chỉ cần có 1 câu: "Chính phủ qui định các ưu đãi khuyến khích đầu tư trong từng thời kỳ."

Thứ hai, cho đến hôm nay chúng ta đang có hai Luật Đầu tư: Luật Đầu tư nước ngoài và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước. Về bản chất, Luật Đầu tư nước ngoài thực ra là Luật Doanh nghiệp dành cho nhà đầu tư nước ngoài - qui định cách thức thành lập và quản lý DNĐTNN. Nay chúng ta sẽ có Luật Doanh nghiệp thống nhất, thì Luật này sẽ chấm dứt vai trò lịch sử của mình. Đối với Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, luật này cũng đã chấm dứt vai trò, sau khi cơ chế khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước là như nhau. Thực tế là, các doanh nghiệp quan tâm đến Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Nghị định 164/2003/NĐ-CP về Thuế thu nhập doanh nghiệp hơn là các qui định trong Luật Khuyến khích đầu tư trong nước (vì đã lỗi thời). Như vậy, cả hai Luật đều đã hết vai trò, và không cần phải xây dựng Luật đầu tư chung nữa.

Tuy nhiên,vẫn có quan điểm cho rằng cần xây dựng Luật Đầu tư chung, trong khi không trả lời được mục đích của Luật Đầu tư chung là gì. Quan điểm thứ nhất cho rằng Luật Đầu tư chung để quản lý đầu tư có nguồn vốn nhà nước. Tuy nhiên Bà Phạm Chi Lan, trong hội thảo ngày 29/7/2005 tại TP. HCM đã tái khẳng định đây không phải là mục đích của Luật Đầu tư chung.

Quan điểm thứ hai cho rằng Luật Đầu tư chung là để nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp (đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng). Tuy nhiên dùng Luật Đầu tư để nâng cao khả năng cạnh tranh là không thích hợp. Vấn đề này đã được Luật Cạnh tranh điều chỉnh. Cái mà chúng ta cần không phải là tạo thêm các rảo cản cho doanh nghiệp về thẩm định, mức vốn đầu tư, v.v. để "nâng cao khả năng cạnh tranh", mà cần sớm ban hành các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Cạnh tranh và thành lập Hội đồng Cạnh tranh.

Quan điểm thứ ba cho rằng Luật Đầu tư để quản lý điều hoà các nguồn vốn trong khu vực kinh tế tư nhân và hạn chế mở cửa cho ĐTNN (quan điểm của Bộ trưởng Bộ KHĐT Võ Hồng Phúc trong bài phỏng vấn trên Vietnamnet ngày 28/7/2005). Điều này cần phải xem xét kỹ về tính hiệu quả. Cách thức quản lý nguồn vốn theo kiểm "tiền kiểm" từ trước đến nay là không hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp bỏ bao nhiêu công sức chi phí để xây dựng dự án kinh tế kỹ thuật (FS) chỉ để thành lập công ty, rôì không bao giờ dùng lại. Nhiều doanh nghiệp vẽ vời FS thật "ấn tượng" như Rusalka, Ciputra, cùng hàng loạt các dự án lập ra chỉ để lấy giấy phép đầu tư rồi bán lại mà vẫn qua được khâu thẩm định của Bộ KHĐT.

Chính Bộ KHĐT cũng khẳng định rất khó kiểm tra khả năng tài chính của nhà đầu tư (như trả lời của Bộ trưởng BKHĐT gần đây). (Tuổi trẻ ngày 28/6/2005 “Hồi đấy chúng tôi cũng … hơi nghi ngờ”: PV hỏi: “Thưa bộ trưởng, khi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vào VN, chúng ta có kiểm tra khả năng tài chính của họ? Trả lời: Có cái kiểm tra được, cũng có cái không. Nhưng nói chung số sai sót ít thôi. Rút kinh nghiệm, từ 1-1-2003, Bộ KHĐT đã ra một chế tài để hạn chế những doanh nghiệp không có vốn đầu tư bằng cách đưa thêm các điều kiện vào giấy phép đầu tư.” Tuy nhiên, nếu chỉ để đưa các điều kiện như vậy vào giấy phép đầu tư thì không cần phải thẩm định. Chỉ cần qui định trong Luật Doanh nghiệp rằng trước khi triển khai dự án, doanh nghiệp phải xin các chứng chỉ cần thiết. Lúc này, Rusalka sẽ không thể “thế chấp”, “chuyển nhượng” giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh để lừa các doanh nghiệp khác được, vì bản thân tờ giấy đó cũng không có giá trị gì đối với quyền đầu tư trên mảnh đất dự án. Như tình hình hiện nay, Giấy phép đầu tư trở thành “giấy chứng nhận độc quyền đầu tư trên một mảnh đất có vị trí đẹp mà không mất vốn.” Thực tế, nhiều dự án bất động sản không triển khai được cũng một phần là do nhà đấu tư nước ngoài chưa tìm được khách hàng để “bán” giấy phép đầu tư. Họ có thể “bán” giấy phép đầu tư một cách gián tiếp thông qua bán cổ phần của nhà đầu tư tại nước ngoài như trường hợp Xi-măng Chinfon Hải Phòng, Bộ KHĐT cũng không kiểm soát được). Như vậy áp dụng các cách thức quản lý cũ (xét duyệt FS) vào Luật Đầu tư chung thì làm sao quản lý được?

Nên chăng bỏ qui chế tiền kiểm mà áp dụng các biện pháp hậu kiểm. Việc cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh nên thông thoáng, tuy nhiên cần khẳng định rõ cho doanh nghiệp là trước khi tiến hành dự án hay được cấp đất, doanh nghiệp vẫn cần phải hoàn thành một số thủ tục về chuyển vốn đầu tư, mua sắm nguyên vật liệu và xin chứng chỉ qui hoạch (đất đai, kiến trúc, dự án phát triển công nghiệp, nông nghiệp). Việc thành lập doanh nghiệp cho pháp nhân giống như cấp giấy khai sinh cho cá nhân. Đây chỉ là điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ. Để cá nhân đi làm, cần thoả mãn thêm các điều kiện khác về trình độ học vấn, chứng chỉ hành nghề v.v. Thiết nghĩ, tư duy đối với pháp nhân của chúng ta chỉ cần trở lại với những tư duy đối với cá nhân là được. Khi đó, chúng ta sẽ thấy không cần có Luật Đầu tư chung, mà chỉ cần có Luật về Qui hoạch và Kế hoạch phát triển, tham khảo ngành luật Planning Law hiện đang rất phát triển ở các nước.

Các văn bản liên quan