GS-TS Trần Ngọc Đường: Sửa lắt nhắt là làm tầm thường hóa Hiến pháp

Thứ Hai 10:58 16-08-2010

GS-TS TRẦN NGỌC ĐƯỜNG: Sửa lắt nhắt là làm tầm thường hóa Hiến pháp

 

Việc tổ chức bầu cử và chất lượng hoạt động của các cơ quan dân cử hiện nay ra sao; có cần thiết phải sửa ngay Hiến pháp 1992 để hợp thức hóa việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường trên toàn quốc hay không…

Đó là những nội dung được các đại biểu tập trung thảo luận tại hội thảo “Xây dựng tiêu chí, phương pháp tổng kết thực thi Hiến pháp 1992” sáng 4-8.

Dân thờ ơ là điều đáng suy nghĩ

TS Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp, nói: Nếu chúng ta đã quy định Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân… thì việc đầu tiên để thể hiện điều đó chính là ở công tác bầu cử. Thế nhưng việc bầu cử hiện nay chưa thể hiện quyền làm chủ thực sự của người dân. Nhiều người không biết đó là ai nhưng vẫn bỏ phiếu trao quyền cho người ấy đại diện thực hiện quyền làm chủ của mình, thay mình quyết định những công tác hệ trọng của chính quyền, của đất nước. “Rồi lại có chuyện nhờ người khác đi bầu cử thay cho mình. Tại sao người dân thờ ơ trước quyền làm chủ của mình như vậy? Đó là điều rất đáng suy nghĩ” - TS Lộc tâm tư.

Về hoạt động của các đại biểu dân cử, theo TS Lộc thì sau khi trúng cử xong, suốt cả một thời gian dài người dân cũng ít được biết vị đại biểu do mình chọn ra đó làm những gì. “Tình trạng cứ đến trước, sau mỗi kỳ họp thì đại biểu đi tiếp xúc cử tri, xong rồi lại nhào vào công tác chuyên môn của chính quyền làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hoạt động của các cơ quan dân cử. Mà kinh phí để bầu ra được một vị đại biểu đâu phải ít” - TS Lộc nói.

Chỉ ra hướng khắc phục cho tình trạng trên, TS Lộc cho rằng vấn đề hàng đầu bây giờ là cần một chế độ đại diện thực chất. Ở tầm cao nhất thì cần phải có một Quốc hội hoạt động thường xuyên, chuyên nghiệp. “Về căn cơ, nếu có sửa Hiến pháp 1992 thì cần quy định rõ tính chất đại diện của người đại biểu, mối liên hệ chặt chẽ giữa người đại biểu và người dân chứ không thể quy định chung chung như hiện nay” - ông kiến nghị.

Không có HĐND, lấy ai giám sát?

Hiện nay việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đang được thực hiện ở 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Khi bàn việc nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp 1992, có quan điểm cho rằng cần sửa ngay một vài điều để hợp thức hóa việc thí điểm này nhằm phục vụ cho việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND vào năm 2011. Tuy nhiên, tại hội thảo, hầu hết các đại biểu đến từ HĐND của các địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi đều cho rằng trước mắt cần duy trì HĐND cấp huyện bởi nếu không có HĐND thì sẽ không có lực lượng giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước. “Nếu không có sự giám sát thì sẽ dẫn bộ máy nhà nước đến tha hóa. Vì vậy, chúng tôi rất băn khoăn, lo lắng khi không tổ chức HĐND cấp huyện” - bà Trương Thị Xuân Hồng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi, nói.

Nhìn từ góc độ quy trình sửa đổi Hiến pháp, GS-TS Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, cho rằng không nên nóng vội thay đổi một số điều của Hiến pháp để hợp thức hóa vấn đề trên. Theo GS Đường, nếu được thì nên tiếp tục kéo dài việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường ở các địa phương đã được chọn. Còn ở những nơi khác, trong cuộc bầu cử khóa tới vẫn cứ bầu bình thường. “Cần phải có một tổng kết kỹ càng để định hình rõ ràng hơn mô hình tổ chức chính quyền địa phương của nước ta. Trên cơ sở đó mới có sửa đổi Hiến pháp 1992. Một quy trình sửa Hiến pháp phải hết sức cẩn trọng; làm gấp rút thế này là tầm thường hóa Hiến pháp” - GS Đường lưu ý.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng vấn đề quan trọng là cần một mô hình tổ chức chính quyền địa phương tốt hơn, phù hợp hơn. Trong đó phải phân định cho rõ tổ chức chính quyền đô thị và nông thôn. “Còn vấn đề có sửa một số điều của Hiến pháp liên quan đến tổ chức HĐND và UBND để chấm dứt việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, tiến hành bầu cử thống nhất trong toàn quốc vào năm tới hay không thì còn phải qua nhiều bước nữa” - ông nói.

Hai quan điểm sửa Hiến pháp 1992

Quan điểm thứ nhất cho rằng cần sửa ngay một số điều để phục vụ cho việc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND năm tới. Bởi hai cuộc bầu cử lần này sẽ tiến hành cùng lúc và có tính đến việc xem xét việc thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường. Quan điểm thứ hai cho rằng Hiến pháp là đạo luật mà nhân dân giao quyền cho nhà nước, rất thiêng liêng. Việc sửa đổi phải hết sức thận trọng, phải có thời gian chuẩn bị, không thể sửa lắt nhắt...

MINH CƯỜNG - MAI PHƯƠNG – Theo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh ngày 5/8/2010

 

Các văn bản liên quan