Phải sửa năm chương về bộ máy nhà nước

Thứ Hai 11:01 16-08-2010

Phải sửa năm chương về bộ máy nhà nước

 

Các chuyên gia: Cần sửa đổi năm chương về tổ chức bộ máy nhà nước, đảm bảo phân công rõ ràng và hoạt động minh bạch.

Ngày 3-8, hội thảo “Xây dựng tiêu chí, phương pháp tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992” do Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội và Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Đà Nẵng. Ngay khi bắt đầu, hội trường đã nhanh chóng nóng lên với các góp ý.

Điều trước tiến bộ, điều sau lạc hậu

Phát pháo đầu tiên tại hội thảo, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc đánh giá: Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam đã xác nhận Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Hiến pháp còn nói rõ: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Đây là một sửa đổi rất quan trọng, đưa Hiến pháp 1992 tiếp cận với những hiến pháp tiên tiến. Tuy nhiên, dư luận còn băn khoăn rằng đó chỉ là một sự giáo đầu.

Tại sao? TS Nguyễn Đình Lộc nói: Trong khi Điều 2 quy định chế độ chính trị tiến bộ như trên thì các chương sau đó của hiến pháp quy định việc tổ chức bộ máy để cụ thể hóa Điều 2 lại rất lạc hậu, gần như không có thay đổi nhiều so với Hiến pháp 1980. “Chúng ta quan niệm Quốc hội, Chính phủ, tòa án... theo nhận thức cũ, chưa có sự phân công phối hợp giữa ba nhánh quyền lực: lập pháp, tư pháp, hành pháp. Rõ ràng nếu sửa đổi, bổ sung hiến pháp chỉ như thế này thì có sự vênh nhau giữa Điều 2 với năm chương sau về tổ chức bộ máy nhà nước. Những phần sau đang ngóng cổ lên để chờ sự chỉ đạo của điều trước”.

Ông Lộc kiến nghị: Nếu có sửa Hiến pháp 1992 thì cần phải sửa năm chương về bộ máy nhà nước.

Thiếu minh bạch, bộ máy tha hóa

Bàn về tổng kết việc thực hiện Hiến pháp 1992, GS-TS Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, nhấn mạnh: Cần phải xem xét lại mối quan hệ tác động qua lại giữa tổ chức quyền lực nhà nước với nền kinh tế thể hiện trong Hiến pháp 1992 và các đạo luật khác.

Theo GS Trần Ngọc Đường, trong khi nền kinh tế Việt Nam đã mở cửa và hội nhập nhưng các tổ chức bộ máy quyền lực của nhà nước còn quá kín. Việc đóng kín, thiếu công khai, minh bạch ấy làm cho bộ máy nhà nước đi vào tình trạng tha hóa trầm trọng. Chính vì thế, khi nghiên cứu để sửa đổi Hiến pháp 1992 cần phải chỉ ra vấn đề bộ máy nhà nước chưa được mở sẽ ảnh hưởng gì. Và nếu mở quyền lực nhà nước cho phù hợp với nền kinh tế mở thì cũng phải xác định cho rõ rằng cần mở thế nào.

Quy định phải có tính hiện thực

Chỉ ra hướng khắc phục các vấn đề trên, nhiều ý kiến các chuyên gia cho rằng: Cần phải có sự thống nhất xuyên suốt trong hiến pháp và chỉ đạo của Hiến pháp 1992 đối với hệ thống pháp luật. Lật lại vấn đề mà nguyên bộ trưởng Bộ Tư pháp nêu ở trên, GS Trần Ngọc Đường chỉ ra: Trong bản thân Hiến pháp 1992 còn chứa nhiều mâu thuẫn. Nói quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trong chương một nhưng chương sau không biết cơ quan nào là hành pháp, cơ quan nào là tư pháp và lại giao cho viện kiểm sát chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp. “Các chương chưa có sự thống nhất thì làm sao đảm bảo tính thống nhất của toàn hệ thống” - GS Đường đặt vấn đề.

PGS-TS Đinh Ngọc Vượng góp ý: Các điều khoản ban hành trong hiến pháp phải mang tính hiện thực để thực hiện chứ không phải viết ra rồi để đó. Hoặc muốn thực hiện thì nó phải tuân theo một chuỗi thủ tục khác và chính các chuỗi đó sẽ cản trở việc không thực hiện được các quy định trong hiến pháp.

TS TƯỜNG DUY KIÊN, Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh:

Nghiên cứu quyền phúc quyết hiến pháp của dân

Quyền con người trong Hiến pháp 1992 được quy định và bảo vệ bằng hiến pháp, thể hiện qua các quyền công dân. Thực tế, mặc dù thừa nhận quyền con người song song với khái niệm quyền công dân nhưng nếu nghiên cứu kỹ thì khó phân biệt được quyền nào trong hiến pháp là quyền con người và những quyền và nghĩa vụ nào là của công dân. Việc quy định công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận các vấn đề của nhà nước, địa phương, kiến nghị với cơ quan nhà nước, biểu quyết khi nhà nước tổ chức trưng cầu dân ý còn khá chung chung.

Cho nên nếu có sửa đổi hiến pháp thì cần quy định cụ thể công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước  bằng hình thức trực tiếp là gì và gián tiếp là gì. Cần bổ sung những điểm mới trong hiến pháp về quyền con người, nêu cụ thể con người có quyền được sống và quyền được sống trong môi trường trong lành. Đặc biệt, phải làm rõ quyền được tham gia quyết định hiến pháp và các công việc trọng đại của đất nước bằng hình thức trưng cầu dân ý.

Cần sửa đổi Hiến pháp 1992

Hiến pháp 1992 đã trải qua gần 10 năm thi hành và hoàn thành sứ mạng lịch sử của nó… Nhu cầu sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Hiến pháp 1992 trở thành yêu cầu tất yếu khách quan. Trong đó, nhiều vấn đề hết sức quan trọng của đời sống đang được thực tiễn đặt ra cần phải giải quyết như các vấn đề hội nhập quốc tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, phân công phối hợp và kiểm soát quyền lực, tiếp tục đổi mới, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tăng quyền bảo vệ quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân...

(Trích phát biểu khai mạc hội thảo của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu)

MINH CƯỜNG - MAI PHƯƠNG 

Theo Pháp luật thành phố ngày 4/8/2010

 

Các văn bản liên quan