GS-TS Nguyễn Đăng Dung: Cần thiết lập: “chủ nghĩa hiến pháp”

Thứ Hai 10:55 16-08-2010

GS-TS NGUYỄN ĐĂNG DUNG: Cần thiết lập “chủ nghĩa hiến pháp”

 

“Chủ nghĩa hiến pháp” gắn liền với mục tiêu khắc chế quyền lực của nhà nước để bảo vệ những quyền lợi đáng phải có của người dân.

Tại hội thảo “Xây dựng tiêu chí, phương pháp tổng kết việc thi hành Hiến pháp 1992” diễn ra tại Đà Nẵng mới đây, trong tham luận của mình, GS-TS Nguyễn Đăng Dung, khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội, đã đề cập đến việc cần thiết lập “chủ nghĩa hiến pháp”. Đây là một khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam. Bên lề hội thảo, Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với GS-TS Nguyễn Đăng Dung xung quanh vấn đề này.

Giới hạn quyền lực nhà nước        

. Thưa GS, trong tham luận của mình ông có đề cập đến việc cần thiết lập “chủ nghĩa hiến pháp”. Đây là một khái niệm chưa được quen nghe ở nước ta.

+ Rõ ràng một bản hiến pháp đúng, chuẩn là mong muốn của chúng ta khi lập hiến hay như trong những lần sửa đổi như thế này. Muốn có một hiến pháp đúng nghĩa thì phải có “chủ nghĩa hiến pháp”. Hiểu một cách đơn giản, “chủ nghĩa hiến pháp” là lý luận cần phải có khi thiết lập hiến pháp và là cơ sở để sửa đổi hiến pháp đúng nghĩa.

. Nội dung trọng yếu nhất của “chủ nghĩa hiến pháp” là gì, thưa GS?

+ Trọng tâm của “chủ nghĩa hiến pháp” là giới hạn quyền lực nhà nước, chống lại sự độc quyền quyền lực để bảo vệ quyền lợi đáng phải có của dân. Nó quy định cách thức nhà nước phải làm gì và nhà nước phải làm như thế nào, tập trung theo hướng giới hạn quyền lực.

. Lịch sử lập hiến, lập pháp của Việt Nam cho đến nay nhìn nhận vấn đề này như thế nào, thưa GS?

+ Nếu xét theo tinh thần kiểm soát quyền lực nhà nước như “chủ nghĩa hiến pháp” yêu cầu thì trong lịch sử lập hiến, lập pháp của ta, vấn đề này chưa thực hiện một cách đầy đủ. Nói cách khác, một chủ trương cụ thể là chưa. Các khía cạnh có liên quan đến “chủ nghĩa hiến pháp” đã thể hiện ở đâu đó nhưng chưa nổi bật. Chẳng hạn như muốn giới hạn quyền lực thì phải phân quyền. Thế mà mãi đến năm 2001, khi sửa Hiến pháp 1992 thì chúng ta mới thừa nhận hạt nhân hợp lý đó của thuyết phân quyền.

Tăng quy định kiểm soát

. Hiến pháp 1992 đã quy định nhà nước ta là nhà nước pháp quyền XHCN. Vậy nhà nước pháp quyền theo tinh thần của “chủ nghĩa hiến pháp” mà ông đề cập cần phải như thế nào?

+ Về mặt lý thuyết, khi đã thừa nhận nhà nước pháp quyền thì phải kèm theo “chủ nghĩa hiến pháp”. Chúng ta phải nhận thức được điều này, nếu không sẽ bị vênh. Hai cái này bổ khuyết cho nhau và cần có với nhau. Nếu chúng ta cứ đưa ra tiêu chí này, tiêu chí nọ cho nhà nước pháp quyền mà không đề cập “chủ nghĩa hiến pháp” là khiếm khuyết.

. Vậy theo ông, nếu sửa Hiến pháp 1992 theo hướng toàn diện, chúng ta cần phải thể hiện vấn đề trên như thế nào?

+ Tôi nghĩ tinh thần lần sửa đổi này là phải tăng cường kiểm soát quyền lực, kiểm soát mọi cấp, mọi nơi. Kiểm soát đó gắn chặt với với mục đích bảo vệ quyền lợi của người dân đáng ra được hưởng.

Kiểm soát quyền lực cần phải được quy định, thể chế hóa với một trình tự thủ tục dứt khoát, không thể nói một cách chung chung trừu tượng. Bởi rõ ràng thiết lập bộ máy quyền lực nhà nước là rất cần nhưng người ta luôn băn khoăn về sự độc tài quyền lực cho nên phải có hệ thống quy định chế ước quyền lực ấy.

Không làm được thì phải từ chức

. Vậy nếu không có cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực nhà nước thì hệ quả sẽ là gì?

+ Như tôi đã nói, cái lớn nhất mà “chủ nghĩa hiến pháp” đưa ra là chế ước, kiểm soát quyền lực nhà nước, ở mọi cấp, mọi nơi nhằm bảo vệ quyền lợi của nhân dân đáng ra phải được hưởng. Người dân trao cho anh quyền lực, chức vụ thì phải có cơ sở kiểm soát quyền lực của anh chứ. Nếu không những tài nguyên đáng lẽ của người dân được hưởng lại thuộc về một thế lực quyền lực nào đó, bị thất thoát thông qua quyết định của cơ quan nhà nước mà ta không kiểm soát được, chẳng hạn như chủ trương chuyển đất nông nghiệp thành đất đô thị…

Chính vì thế cần phải có một giới hạn kiểm soát quyền lực như: trách nhiệm, giải trình, từ chức. Anh không làm được thì anh phải từ chức, ví dụ thế.

Hiện chúng ta chưa thấy hết được tinh thần của “chủ nghĩa hiến pháp” nên trong hệ thống định chế, thể chế luật pháp chúng ta còn thiếu nhiều vấn đề. Và khi một hậu quả nào đó xảy ra thì người dân phải hứng chịu.

. Xin cảm ơn ông.

Theo Pháp luật TPHCM ngày 7/8/2010

MINH CƯỜNG thực hiện

 

Các văn bản liên quan