Không tổ chức HĐND Quận, Huyện, Phường: Sẽ sửa trước một số điều Hiến pháp?

Thứ Hai 10:52 16-08-2010

KHÔNG TỔ CHỨC HĐND QUẬN, HUYỆN, PHƯỜNG:

Sẽ sửa trước một số điều Hiến pháp?

 

Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đang chuẩn bị những đề xuất cho việc nghiên cứu, sửa đổi hiến pháp 1992.

Trong những nghiên cứu ấy có một phương án sửa ngay bản hiến pháp này dù chỉ vài điều để có thể thống nhất thực hiện không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trong cả nước. Song song đó, Bộ Nội vụ cũng đang ráo riết tổ chức tổng kết một năm rưỡi thực hiện chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và đưa ra những kiến nghị cụ thể.

Chỉ đạo thông suốt

Theo ba nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành tháng 11-2008 và 1-2009, 67 huyện, 32 quận và 438 phường ở 10 tỉnh, thành trong cả nước được chỉ định thí điểm không tổ chức HĐND. Ở những đơn vị hành chính này, HĐND nhiệm kỳ 2004-2009 chấm dứt hoạt động từ ngày 25-4-2009. Còn ở những địa phương không tổ chức thí điểm, cơ quan dân cử được kéo dài nhiệm kỳ thêm hai năm (đến 2011 với mục đích sẽ lồng ghép bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND vào cùng thời điểm liền sau khi có kết quả bầu nhân sự chủ chốt ở Đại hội Đảng XI, tiện cho việc quyết định nhân sự cho chính quyền nhiệm kỳ mới, cả trung ương và địa phương.

Theo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 16/8/2010

Dự thảo báo cáo đánh giá tình hình thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường do Bộ Nội vụ đang soạn thảo nhận định: Thực tế kết quả sau hơn một năm thí điểm là khá tích cực. Công tác của các UBND nơi không tổ chức HĐND cùng cấp có phần thông suốt hơn do bớt đi khâu báo cáo, phê duyệt hình thức trước cơ quan dân cử. Bỏ đi phần thảo luận, biểu quyết tại HĐND, các UBND vẫn đảm bảo được nguyên tắc dân chủ bằng bàn bạc tập thể, quyết định theo đa số trong các thành viên ủy ban. UBND các địa phương ấy không còn là cơ quan chấp hành của HĐND cùng cấp nhưng trở thành cơ quan hành chính trực thuộc UBND cấp trên. Như thế, chỉ đạo điều hành trên-dưới trong hệ thống hành chính có phần thông suốt, nhanh chóng hơn, chủ động hơn.

Hiệu quả tổng hợp nhất cho những mặt tích cực này, như đánh giá của Bộ Nội vụ, là các chỉ tiêu kinh tế-xã hội ở những nơi thí điểm đều hoàn thành và vượt mức kế hoạch.

Hạn chế do tình trạng xôi-đỗ

Tuy nhiên, cũng theo Bộ Nội vụ, thí điểm như vậy lại gây ra nhiều khó khăn, bất cập trong quản lý nhà nước. 63 tỉnh, thành thì ngoài 10 địa phương tham gia thí điểm, số còn lại tổ chức bộ máy chính quyền ở huyện, quận, phường vẫn giữ nguyên. Việc thí điểm này cũng làm mất tính thống nhất, đồng bộ trong tổ chức bộ máy cũng như vận hành của hệ thống hành chính, gây nhiều khó khăn cho việc hoạch định chính sách ở trung ương. Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành mỗi khi ban hành văn bản liên quan đến địa phương, nhất là ở quận, huyện, phường sẽ phải phân làm hai loại, hai thủ tục, hai trình tự và thực thi sẽ rất rắc rối.

Những bất cập như vậy sẽ càng rắc rối hơn nếu kỳ bầu cử hợp nhất tới tình trạng xôi đỗ này không được giải quyết. Bởi tiếp tục thí điểm thì ngay địa phương giữ nguyên mô hình cũ, những cán bộ được cơ cấu, bầu vào các chức trách tại HĐND huyện, quận, phường sẽ không yên tâm công tác. Chưa kể tới giữa nhiệm kỳ mà sửa Hiến pháp toàn diện mới quyết định bỏ hẳn HĐND các cấp này thì việc giải quyết chế độ chính sách, sắp xếp công việc cho những người dôi dư sẽ rất khó khăn, phức tạp.

Đổi mới ngay từ mùa bầu cử 2011

Từ đánh giá nêu trên, chuẩn bị cho hội nghị tổng kết chương trình thí điểm diễn ra hôm nay (16-8), Bộ Nội vụ nghiêng về phương án nhiệm kỳ chính quyền địa phương tới (2011-2016) sẽ bỏ luôn cơ cấu HĐND huyện, quận, phường.

Cũng đồng tình với hướng đề xuất này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đang chuẩn bị một phương án sửa Hiến pháp 1992 ở những điều khoản liên quan đến chính quyền địa phương ngay trong một kỳ họp của Quốc hội.

Theo đó, kỳ họp Quốc hội tới, dự kiến vào tháng 11 sẽ được kéo dài hơn bình thường. Quốc hội sẽ thảo luận xem có thống nhất sửa một vài điều của Hiến pháp ngay trong kỳ họp không. Nếu thống nhất cao, Quốc hội sẽ bầu luôn ban soạn thảo. Trong thời gian Quốc hội họp, ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, đề xuất dự thảo những điều sửa đổi để các đại biểu cho ý kiến, đồng thời đưa ra để nhân dân góp ý. Đến cuối kỳ họp, sau khi tiếp thu góp ý, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nghị quyết sửa đổi một số điều của Hiến pháp 1992, mở đường cho cải cách sâu rộng chính quyền địa phương ngay trong mùa bầu cử năm 2011.

Các hướng nghiên cứu, đề xuất trên vẫn sẽ tiếp tục được hoàn thiện trong quá trình tổng kết thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Tham mưu chính thức sẽ được Đảng, đoàn Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo với Bộ Chính trị. Nếu thông suốt, sang tháng 9, Ban Chấp hành Trung ương sẽ họp, quyết định chủ trương này.

NGHĨA NHÂN

 

Các văn bản liên quan