Góp ý vào Dự thảo Luật Trọng tài thương mại: Hội đồng trọng tài có được quyền áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời?

Thứ Ba 08:56 10-03-2009
Bản phác thảo Mô hình Luật Trọng tài thương mại (TTTM) có nhiều tiến bộ so với Pháp lệnh TTTM 2003, vì đáp ứng được các nguyên tắc cơ bản được quốc tế công nhận, phù hợp với nhu cầu xã hội và sự phát triển kinh tế hiện nay. Có rất nhiều điểm mới được đề cập trong dự thảo luật lần này. Đó là phạm vi áp dụng của luật không chỉ bó hẹp trong các tranh chấp thương mại mà còn áp dụng giải quyết các tranh chấp liên quan đến quyền và nghĩa vụ dân sự; Thẩm quyền của Toà án liên quan đến trọng tài... Dự thảo Luật TTTM đã giúp cho pháp luật Trọng tài của chúng ta tiến gần hơn so với các chuẩn mực của pháp luật quốc tế.

Nhìn chung, bố cục hình thức của luật là hợp lý. Tuy nhiên, về nội dung không tránh khỏi có một số điểm nên xem xét và cân nhắc lại. Tôi xin được phép đề xuất một số ý kiến sau: Tại khoản 4 Điều 2 của chương I (Phần giải thích từ ngữ) định nghĩa "tranh chấp có yếu tố nước ngoài là tranh chấp phát sinh trong giao dịch dân sự mà một bên hoặc các bên là người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tham gia hoặc căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ có tranh chấp phát sinh ở nước ngoài, hoặc là tài sản liên quan đến tranh chấp để ở nước ngoài". Định nghĩa như trên không sát với thực tế và vô tình đã loại bỏ các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đang tham gia các giao dịch tại Việt Nam, có tranh chấp phát sinh tại Việt Nam và tài sản liên quan tại Việt Nam chứ không phải ở nước ngoài hoặc các doanh nghiệp có vốn đầu tư ở nước ngoài, các thương nhân nước ngoài. Theo tôi, cần xem xét lại khoản này và định nghĩa mở rộng hơn để họ được tham gia lựa chọn trọng tài.

Điều 5 quy định Toà án từ chối thụ lý trong trường hợp có thoả thuận trọng tài: "Trong trường hợp vụ tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài, nếu một bên khởi kiện tại toà thì toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được". Theo tôi nên bỏ câu "hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được".

Điều 7 xác định Toà án đối với Trọng tài (đây là điều mới quy định trong luật này) đề nghị viết rõ hơn tại khoản 1 là: Toà án có thẩm quyền xem xét tính hợp lệ của thoả thuận trọng tài, áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc hỗ trợ thi hành án là toà án cấp tỉnh thuộc một trong các trường hợp sau đây: a/ Toà án cấp tỉnh nơi Hội đồng trọng tài tiến hành phiên xét xử; b/ Toà án cấp tỉnh nơi Hội đồng trọng tài thụ lý; c/ Toà án cấp tỉnh nơi có tài sản tranh chấp. Do đó nên bỏ phần d (Toà án cấp tỉnh do các bên thoả thuận).

Điều 34: Hội đồng trọng tài do các bên thành lập. Đề nghị không nên quy định trường hợp hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày bị đơn nhận được đơn kiện của nguyên đơn. Bị đơn phải chọn trọng tài viên và thông báo cho nguyên đơn biết trọng tài viên mà mình chọn.. nếu bị đơn không thông báo cho nguyên đơn tên trọng tài viên mình chọn, nguyên đơn có quyền yêu cầu Toà án có thẩm quyền theo quy định tại khoản 1, Điều 7 của Luật này chỉ định trọng tài viên cho bị đơn... Luật nên quy định và chỉ rõ là chủ tịch trung tâm trọng tài (nơi đang thụ lý giải quyết việc tranh chấp) chỉ định một trọng tài viên có tên trong danh sách trọng tài viên làm trọng tài viên cho bị đơn.

Tương tự như vậy, tại khoản 2, 3, 4 Điều 34 cũng cần được sửa như trên. Như vậy sẽ không kéo dài thời gian yêu cầu Toà án chỉ định hoặc lựa chọn trọng tài cho bị đơn và cũng không quá lạm dụng Toà án phải hỗ trợ trọng tài những việc mà trọng tài có thể xử lý được.

Điều 44 về thủ tục áp dụng biện pháp khẩn tạm thời. Trước đây, Pháp lệnh TTTM 2003 quy định: thẩm quyền để thực hiện áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là do Toà án. Hội đồng trọng tài không có thẩm quyền này. Theo tôi, nên bổ sung quy định: giao thẩm quyền được áp dụng các biện pháp khẩn tạm thời cho Hội đồng trọng tài và Toà án sẽ hỗ trợ thực thi vì trong nhiều trường hợp, nếu một bên muốn bảo vệ chứng cứ của mình, thủ tục này sẽ mất thời gian nếu bên đó phải đến Toà làm thủ tục xin được tiến hành biện pháp khẩn cấp tạm thời đó. Mặt khác, tôi nghĩ rằng Toà án luôn hỗ trợ để thực thi việc này. Nếu Hội đồng trọng tài làm không đúng thì đã có Toà can thiệp và giám sát (điểm này được quy định tại Điều 46 quy định rõ trách nhiệm của Toà án trong việc không cho áp dụng hoặc áp dụng không đúng biện pháp khẩn cấp tạm thời).

LS Phạm Hoàng Việt - VPLS Việt Thành - Đoàn LS Hà Nội

Trọng Tài viên Trung tâm TTTM Hà Nội

Các văn bản liên quan