Góp ý vào Dự thảo Luật Trọng tài thương mại: Phạm vi điều chỉnh cần được mở rộng

Thứ Ba 08:55 10-03-2009
Dự thảo Luật Trọng tài thương mại (TTTM) do Hội Luật gia Việt Nam - cơ quan chủ trì soạn thảo đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các chuyên gia pháp lý trong và ngoài nước. Nội dung được nhiều người quan tâm và đánh giá cao, chính là Dự thảo đã mở rộng phạm vi điều chỉnh. Không bó hẹp như phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003 chỉ giải quyết các vụ tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại theo sự thoả thuận của các bên, Dự thảo Luật TTTM quy định phạm vi điều chỉnh là các tranh chấp về quyền và nghĩa vụ dân sự theo thoả thuận của các bên.

GS Lưu Văn Đạt - Nguyên PCT kiêm TTK Hội LG Việt Nam tán thành việc Dự thảo mở rộng phạm vi điều chỉnh ra các quan hệ dân sự nói chung. Tuy nhiên, trong dân sự có rất nhiều lĩnh vực: đất đai, nhà ở, hôn nhân và gia đình... Luật điều chỉnh lĩnh vực nào, bỏ lĩnh vực nào, Ban soạn thảo cần cân nhắc thật kỹ. Đồng quan điểm với GS.Lưu Văn Đạt, TS Nguyễn Minh Chí - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam góp ý: Mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh là một bước tiến mới của dự thảo Luật  so với Pháp lệnh năm 2003. Tuy nhiên, chúng ta không thể đưa lĩnh vực hôn nhân và gia đình (mặc dù cũng thuộc lĩnh vực dân sự) vào Luật được. Không thể đưa hết những tranh chấp về quyền và nghĩa vụ dân sự theo thoả thuận của các bên vào Luật TTTM được. Phải có sự lựa chọn loại trừ sao cho phù hợp với thực tiễn khách quan của cuộc sống. Và trên hết là nó phải phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trong quá trình xây dựng Luật TTTM, việc nghiên cứu tiếp thu kinh nghiệm của nước ngoài để áp dụng phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam là nhân tố có vai trò quan trọng. Một xu hướng đang phổ biến trên thế giới là các nước tiếp thu có chọn lọc Luật mẫu về TTTM Quốc tế của UNCITRAL làm cơ sở để xây dựng luật về trọng tài của quốc gia mình. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng đó. Bà Helle R.Weeke - Cố vấn pháp luật Dự án Star Việt Nam cho rằng, Dự thảo có một điểm khác biệt quan trọng so với Luật mẫu UNCITRAL vì nó đã mở rộng phạm vi áp dụng với mọi loại tranh chấp, chứ không hạn chế ở các tranh chấp thương mại. "Chúng tôi ghi nhận sự khác biệt này. Nó sẽ giúp cho pháp luật về trọng tài của Việt Nam tiến gần hơn với các chuẩn mực quốc tế". Bà Helle R. Weeke bình luận.

Hiện tại hệ thống toà án các cấp đang phải đối mặt với một khối lượng công việc khổng lồ là những tranh chấp dân sự, kinh tế, hành chính, thương mại, hình sự... Và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ phát sinh nhiều tranh chấp về kinh doanh, thương mại, dân sự giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Nhiều chuyên gia pháp lý nhận định, việc Ban soạn thảo Luật TTTM mở rộng phạm vi điều chỉnh không chỉ tạo cơ hội cho trọng tài tham gia giải quyết các vụ tranh chấp về quyền và nghĩa vụ dân sự theo thoả thuận của các bên, đồng thời chia sẻ bớt gánh nặng xét xử cho ngành toà án, tạo sự lựa chọn tự do cho các bên tranh chấp. Hy vọng rằng, với những tính năng ưu việt của trọng tài khi giải quyết tranh chấp: bí mật, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và quyết định có giá trị chung thẩm và việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Trọng tài, sẽ mang lại nhiều thuận lợi thúc đẩy hoạt động trọng tài ở Việt Nam phát triển lên tầm cao mới.           

Các văn bản liên quan