Góp ý Nghị định hướng dẫn thi hành Luật SHTT phần quyền đối với giống cây trồng

Thứ Sáu 14:22 14-07-2006


THAM GIA Ý KIẾN
(Đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Sở hữu trí tuệ, phần Quyền đối với giống cây trồng)


            I. NHẬN XÉT CHUNG
 
          Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã dành Phần thứ tư (từ Điều 157 đến Điều 197) để quy định về quyền đối với giống cây trồng, trong đó Quốc hội đã giao cho Chính phủ nhiệm vụ quy định chi tiết các nội dung sau đây:
 
          - Đăng ký quyền đối với giống cây trồng (khoản 3 Điều 164);
 
          - Các trường hợp bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng đối với giống cây trồng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và khung giá đền bù (khoản 4 Điều 195);
 
          - Thủ tục chuyển giao đối với giống cây trồng (khoản 5 Điều 196).
 
          Do đó, chúng tôi cho rằng dự thảo Nghị định cần tập trung quy định bám sát những nội dung mà Luật Sở hữu trí tuệ đã quy định Chính phủ có thẩm quyền quy định chi tiết thi hành như đã đề cập ở trên và đồng thời hạn chế quy định những vấn đề mà Chính phủ không được Quốc Hội giao theo Luật Sở hữu trí tuệ. Theo những gì mà dự thảo Nghị định đã thể hiện thì có thể thấy Ban soạn thảo đã có quy định khá cụ thể các nội dung nêu ở trên, tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng có một số vấn đề như trách nhiệm quản lý nhà nước, xử phạm vi phạm hành chính khá “lạc lõng” so với tinh thần chung của Dự thảo Nghị định này.
 
          Ngoài ra, nếu đọc Luật Sở hữu trí tuệ thì có thể thấy Luật này đã quy định khá chi tiết, kể cả các vấn đề về kỹ thuật và thủ tục, do đó chúng tôi cho rằng dự thảo Nghị định nên hạn chế tối đa sự trùng lặp đối với những quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.        
 
          II. MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH
 
          1. Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị định
 
          Chúng tôi cho rằng cơ quan soạn thảo cần cân nhắc lại phạm vi điều chỉnh tại khoản 1 Điều 1 dự thảo Nghị định vì một số nội dung không nên quy định trong Nghị định này như trách nhiệm quản lý nhà nước, các mức phạt vi phạm hành chính đối với từng hành vi cụ thể trong lĩnh vực quyền đối với giống cây trồng mà nên quy định ở các văn bản pháp luật về tổ chức (đối với vấn đề về trách nhiệm quản lý nhà nước) và các văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (đối với phần xử phạt vi phạm hành chính). Điều này là để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
 
          Ngoài ra, khoản 2 Điều 1 "Phạm vi điều chỉnh" cần cân nhắc lại vì khái niệm "giống cây trồng" nêu tại khoản này không phù hợp với khoản 3 Điều 3 của Luật Sở hữu trí tuệ, theo đó giống cây trồng chỉ bao gồm giống cây trồng và vật liệu nhân giống mà không bao gồm các đối tượng khác như "vật liệu thu hoạch của các giống cây trồng thuộc loài cây nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản, các loài nấm, mới được chọn tạo hoặc được phát hiện và phát triển từ một loài cây hoang dại thuộc Danh mục loài cây trồng được bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành". Như vậy, có thể cho rằng quy định tại dự thảo Nghị định liên quan đến cách hiểu giống cây trồng đã vượt ra ngoài phạm vi của Luật Sở hữu trí tuệ.
 
          2. Về đối tượng áp dụng của Dự thảo Nghị định
 
          Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc khi sử dụng cụm thuật ngữ “tổ chức nước ngoài có cơ sở kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam” tại khoản 2 Điều 2 vì theo quy định của pháp luật hiện hành thì nếu một tổ chức nước ngoài muốn tiến hành hoạt động kinh doanh ở Việt Nam thì họ phải hiện diện ở Việt Nam dưới các hình thức (1) doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, (2) doanh nghiệp liên doanh và (3) chi nhánh của thương nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Như vậy, trong trường hợp này nếu tổ chức nước ngoài có cơ sở kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam thì họ phải thành lập ở Việt Nam các chủ thể kinh doanh được liệt kê ở trên, vì vậy, dự thảo Nghị định nên quy định rõ các trường hợp này. Trong trường hợp Ban soạn thảo cho rằng nếu một tổ chức nước ngoài có cơ sở giống cây trồng ở Việt Nam nhưng không vì mục đích kinh doanh thì có thể quy định lại khoản 2 Điều 2 theo hướng không sử dụng từ kinh doanh trong cụm thuật ngữ nói ở trên.       
 
          3. Về các quy định về việc đặt tên giống cây trồng (Điều 14)
 
          Điều 14 “Các quy định về việc đặt tên giống cây trồng” mở đầu bằng cụm từ “Phù hợp với khoản 3 Điều 163 của Luật...”. Tuy nhiên, ngay bản thân nội dung của Điều này đã cho thấy sự không thực sự phù hợp với khoản 3 Điều 163 của Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể, khoản 3 Điều 163 nêu các trường hợp tên của giống cây trồng được coi là không phù hợp và chúng tôi không thấy khoản này nêu các trường hợp quy định tại điểm đ, e và g khoản 1 của Điều 14 dự thảo Nghị định. Đối với khoản đ và e Điều 14 quy định về việc tên của giống cây trồng không được sử dụng tên các quốc gia, tên các tỉnh ở cấp quốc gia hoặc trên cấp đó; tên các địa danh nổi tiếng của nước ngoài; trùng hoặc tương tự với tên của các tổ chức liên chính phủ hoặc những tổ chức quốc tế, quốc gia nổi tiếng chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo cần giải thích cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn của các quy định này. Trong khi đó điểm e khoản 1 Điều 14 là một quy định khá mơ hồ, không đảm bảo tính minh bạch cần thiết khi được thể hiện trong một văn bản quy phạm pháp luật, như thế nào được coi là “mang tính chất quảng cáo quá mức” là câu hỏi mà chúng tôi cho rằng có thể Ban soạn thảo cần phải làm rõ.
 
          4. Về khảo nghiệm kỹ thuật (Điều 16)
 
          Với cách quy định như tại Điều 16 dự thảo Nghị định, có vẻ như tổ chức, cá nhân nộp đơn đề nghị đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng không được tham gia một cách tích cực và chủ động vào hoạt động khảo nghiệm kỹ thuật. Chúng tôi đề xuất Ban soạn thảo xem xét quy định Điều 16 theo hướng mở hơn, theo đó tổ chức, cá nhân đề nghị đăng ký bảo hộ đối với giống cây trồng có quyền chủ động đề xuất một tổ chức độc lập để tiến hành khảo nghiệm kỹ thuật để cơ quan bảo hộ giống cây trồng xem xét, quyết định. Cách quy định này vửa đảm bảo được quyền quyết định lựa chọn hình thức, tổ chức chịu trách nhiệm khảo nghiệm kỹ thuật của cơ quan bảo hộ giống cây trông đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho chính cơ quan này trong quá trình lựa chọn hình thức khảo nghiệm kỹ thuật trên cơ sở đề xuất của tổ chức, cá nhân nộp đơn đề nghị đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.
 
          Ngoài ra, cũng cần phải đề cập đến khoản 4, Điều 16 khi liên quan đến vấn đề “thẩm định lại” trong trường hợp kết quả khảo nghiệm chưa thoả đáng. Có thể thấy rằng hoạt động thẩm định lại là hoạt động có khả năng xẩy ra rất lớn do đó, dự thảo Nghị định cần làm rõ thủ tục, nội dung thẩm định lại để hoạt động này được tiến hành một cách minh bạch và thuận lợi.
 
          5. Về một số nội dung khác
 
          Trong một số Điều, khoản cụ thể của dự thảo Nghị định, chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc, bổ sung sửa đổi hoặc làm rõ để đảm bảo phù hợp và chính xác hơn như sau:
 
          - Đề nghị làm rõ cụm từ “giấy xác nhận quốc tịch của cơ quan có thẩm quyền” quy định tại khoản 2 Điều 7. Loại giấy tờ này là một loại giấy tờ riêng biệt do các cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp hay là các giấy tờ cần và đủ để chứng minh quốc tịch của một cá nhân nước ngoài.
 
          - Đề nghị cân nhắc bổ sung vào điểm a khoản 2 Điều 16 như sau:
 
          “a) Giá trị của hợp đồng chuyển giao cùng giống đó cho một đối tượng khác tại thời điểm gần nhất, tương ứng với thời gian và số lượng với giống chuyển giao bắt buộc.”
 
          Trên đây là một số ý kiến về dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Sở hữu trí tuệ, phần Quyền đối với giống cây trồng, xin kính chuyển Ban soạn thảo xem xét, tổng hợp.
 
 
                  

Các văn bản liên quan