Một số ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định – Luật sư Đào Nguyên Khải

Thứ Hai 10:58 17-07-2006

Ý kiến đóng góp Dự thảo Nghị định về quản lý nhà nước đối với giấy phép kinh doanh của luật sư Đào Nguyên Khải - Phó trưởng Văn phòng luật sư Đào và Đồng nghiệp.

Việc Chính phủ có chủ trương ban hành Nghị định về quản lý giấy phép kinh doanh là hết sức cần thiết và nên thực hiện sớm vì nó thể hiện tính minh bạch của pháp luật về kinh doanh, qua đó công khai cho những nhà kinh doanh biết họ sẽ được kinh doanh ở những lĩnh vực nào và muốn kinh doanh trong mỗi lĩnh vực sẽ cần phải có những điều kiện gì.

Theo tôi hiểu thì mục đích của Nghị định là nhằm tháo gỡ cho doanh nghiệp thoát khỏi những rào cản pháp lý của các cơ quan quản lý chuyên ngành, của các địa phương bằng hình thức cấp giấy phép con, vì vậy, để đạt được mục đích đó thì Nghị định nên được soạn thảo theo hướng quy định rõ ràng, chi tiết những gì có thể rõ ràng, chi tiết được. Với tư cách là phụ trách chuyên môn của một Văn phòng Luật sư chuyên tư vấn và cung cấp dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp, thường xuyên phải tiếp xúc với các thủ tục hành chính, cơ chế xin cho, tôi xin có một số đóng góp vào dự thảo như sau:

  1. Tôi đồng tình với quan điểm của một số đồng nghiệp của tôi về việc nên thay cụm từ “giấy phép kinh doanh” bằng “giấy chứng nhận đủ điều kiện đăng ký kinh doanh “ bởi vì: Thứ nhất, khi thành lập doanh nghiệp, doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và trong đó có mở ngoặc là doanh nghiệp chỉ kinh doanh khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Nếu dùng cụm từ “giấy chứng nhận đủ điều kiện đăng ký kinh doanh“ thì các quy định về kinh doanh sẽ đồng bộ hơn. Thứ hai, mục đích của Nghị định là tạo điều kiện cho doanh nghiệp không bị những cơ quan quản lý chuyên ngành gây khó dễ thông qua việc cấp giấy phép nên dùng cụm từ “giấy chứng nhận đủ điều kiện đăng ký kinh doanh“ sẽ thể hiện được rõ mục đích đó. Bản thân từ giấy phép đã thể hiện sự cho phép của cơ quan công quyền khi doanh nghiệp đi xin phép, và nếu dùng cụm từ “giấy phép kinh doanh” thì có lẽ sẽ không xóa bỏ được cơ chế xin cho. Còn nếu dùng “giấy chứng nhận đủ điều kiện đăng ký kinh doanh“ thì có nghĩa là khi doanh nghiệp có đủ điều kiện để kinh doanh trong lĩnh vực ngành nghề nào đó thì chỉ cần đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và cơ quan đó có nghĩa vụ phải cấp giấy chứng nhận cho doanh nghiệp.
  2. Khi Nghị định này được ban hành và có hiệu lực thì người được hưởng lợi trực tiếp là các doanh nghiệp và người bị ảnh hưởng trực tiếp là các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Từ trước tới nay, việc cấp giấy phép có thể nói là một đặc quyền của các bộ, ngành, địa phương. Cứ lĩnh vực nào khó quản lý hoặc dễ gây khó khăn cho doanh nghiệp thì họ sẵn sàng quy định về việc cấp giấy phép. Nghị định này đã ít nhiều đã làm giảm bớt quyền hành của họ, do vậy để họ nghiêm túc thực hiện thì theo tôi, nên chăng ta bỏ Khoản 1 Điều 27 Bộ kế hoạch và đầu tư chủ trì  phối hợp với Hội đồng và các cơ quan có liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này. Thay vì để Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thì nghị định nên quy định cụ thể luôn để đảm bảo tính hiệu lực nghị định. Một lý do nữa để ta nên bỏ khoản 1 điều 27 là Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ là một cơ quan soạn thảo và ban hành giấy phép, do vậy khi hướng dẫn Nghị định, có thể Bộ sẽ hướng dẫn theo hướng có lợi cho các cơ quan quản lý nhà nước và bất lợi cho doanh nghiệp.
  3. Theo tôi nên bỏ điểm d khoản 1 điều 7 vì hành vi yêu cầu cá nhân, tổ chức đề nghị cấp giấy phép kinh doanh phải mua sản phẩm hoặc sử dụng dịch vụ của một hoặc một số cá nhân, tổ chức nhất định mà các sản phẩm hoặc dịch vụ đó giống hoặc tương tự như sản phẩm hoặc dịch vụ của các cá nhân, tổ chức khác chính là những hành vi Áp đặt hoặc ép buộc thực hiện quy định về giấy phép kinh doanh trái với một hoặc một số nguyên tắc quy định tại Điều 6 Nghị định này  đã được quy định tại điểm a hoặc hành vi yêu cầu hoặc nhận bất kỳ khoản đóng góp hoặc lợi ích nào khác dưới mọi hình thức của cá nhân, tổ chức trực tiếp đề nghị cấp hoặc có liên quan đến việc cấp giấy phép kinh doanh đã được quy định tại điểm e.  Hơn nữa, việc mua hàng hóa, dịch vụ của ai là quyền của doanh nghiệp. Cơ quan cấp phép (tôi cứ tạm gọi như vậy) không thể có quyền ép đặt doanh nghiệp mua hàng hóa dịch vụ của bất kỳ người nào cho dù hàng hóa dịch vụ của ngưới đó có chất lượng cao hơn của nười khác. Nếu giữ lại điểm d khoản 1 điều 7 nêu trên thì có nghĩa là đã mặc nhiên thừa nhận cơ quan cấp phép có đặc quyền bắt doanh nghiệp xin phép phải mua hàng hóa, dịch vụ của một người nào đó nếu hàng hóa, dịch vụ đó khônggiống hoặckhôngtương tựnhư sản phẩm hoặc dịch vụ của các cá nhân, tổ chức khác.
  4. Tại điều 21 hoặc điều 26 nên bổ sung thêm một quy định là tất cả các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương: (i) phải thực hiện việc đánh giá lại các giấy phép được ban hành trước khi nghị định này có hiệu lực; (ii) phải ra ngay quyết định hủy bỏ những loại giấy phép trái với những quy định của nghị định này. Hiện nay, có rất nhiều giấy phép bất hợp lý thậm chí còn trái pháp luật nhưng vẫn tồn tại, nếu không bổ sung những quy định trên thì những giấy phép đó vẫn tồn tại được một thời gian dài vì pháp luật nước ta không có hiệu lực hồi tố.
  5. Tại đều 26 nên bổ sung thêm một khoản quy định nếu giấy phép kinh doanh (trong danh mục do các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo) không đủ căn cứ pháp lý và không được Hội đồng đăng ký thì đương nhiên hết hiệu lực trong một thời hạn tối đa là 06 tháng. Theo tôi nên quy định thêm bởi vì chỉ quy định Hội đồng báo cáo  và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ các giải pháp đối với các loại giấy phép thiếu cơ sở pháp lý thì chưa đạt được mục đích của nghị định là tháo gỡ cho doanh nghiệp những rào cản bởi các giấy phép bất hợp lý.
  6. Theo tôi thì nên quy định cơ quan có thẩm quyền phải công khai trên trên website của mình về chủ trương ban hành giấy phép kinh doanh và các dự thảo về giấy phép kinh doanh, đồng thời quy định một thời hạn nhất định kể từ khi cơ quan có thẩm quyền soạn thảo giấy phép tới khi giấy phép có hiệu lực làm bước đệm đủ cho doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, điều chỉnh chiến lược kinh doanh.

Trên đây là một số ý kiến đóng góp của tôi, rất mong nhận được ý kiến phản biện của các chuyên gia cũng như các luật sư đồng nghiệp.

Tôi sẽ trở lại chủ đề này trong một ngày gần đây

 

Các văn bản liên quan