Góp ý Luật chống tham nhũng, lãng phí

Thứ Sáu 15:02 26-05-2006
Góp ý vào Dự thảo
LUẬT CHỐNG THAM NHŨNG VÀ LUẬT THỰC HÀNH TIẾT KIỆM


Theo An ninh Thế giới ngày 23/07/2005[/I]

Một số ý kiến của bạn đọc về Dự thảo Luật Thực hành tiết kiệm và Luật chống tham nhũng

Điều 31: Những việc cán bộ, công chức không được làm

1. Cán bộ, công chức không được làm những việc sau đây:
a, Cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong khi giải quyết công việc.
b, Thành lập, tham gia thành lập hoặc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
c, Làm tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh và tổ chức cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về các công việc có liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, những công việc thuộc thẩm quyền giải quyết của mình hoặc mình tham gia giải quyết.
d, Kinh doanh trong lĩnh vực mà mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ trong một thời gian nhất định theo quy định của Chính Phủ.
2. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước.
3. Người đứng đầu, cấp phó của người cơ quan, tổ chức không được bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh chị, em ruột của mình giữ chức vụ về quản lý tổ chức nhân sự, kế toán-tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức hoặc mua bán vật tư, hàng hoá, giao dịch, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức đó.
4. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan không được để bố mẹ, vợ hoặc chồng, con kinh doanh trong phạm vi do mình quản lý trực tiếp.
5. Cán bộ, công chức là thành viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kế toán trưởng và những người quản lý khác trong doanh nghiệp nhà nước không được ký kết hợp đồng kinh tế với doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh chị, em ruột; cho phép doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham dự các gói thầu của doanh nghiệp mình; bố trí vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán-tài vụ, làm thủ quỹ, thủ kho trong doanh nghiệp hoặc mua bán vật tư, hàng hoá, giao dịch, ký kết hợp đồng cho doanh nghiệp.
6. Quy định tại các khoản 1,2,3 và 4 điều này cũng được áp dụng đối với các đối tượng sau đây:
a, Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp công nhân quốc phòng trong cơ quan, đơn vị trực thuộc Quân đội nhân dân.
b, Sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn-kỹ thuật trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân.

Điều 32: Nghĩa vụ báo cáo và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng

1. Trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ, nếu phát hiện hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của mình thì cán bộ công chức có trách nhiệm báo cáo kịp thời, trung thực với người có thẩm quyền.
2. Khi nhận được báo cáo về hành vi tham nhũng, người có thẩm quyền phải kịp thời xử lý; trường hợp cần thiết thì quyết định hoặc đề nghị người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng và bảo vệ người báo cáo.

Điều 33: Trình tự, thủ tục báo cáo và xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng

1.Khi phát hiện có hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình thì cán bộ, công chức phải báo cáo ngay với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; nếu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan đến hành vi tham nhũng đó thì báo cáo với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp.
2. Chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo về hành vi tham nhũng, người được báo cáo phải xử lý vụ việc theo thẩm quyền hoặc chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xem xét xử lý và thông báo cho người báo cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn trên có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.

Điều 34: Trách nhiệm của người không báo cáo hoặc không xử lý báo cáo về hành vi tham nhũng

Người phát hiện hành vi tham nhũng mà không báo cáo, người nhận được báo cáo về hành vi tham nhũng mà không xử lý thì phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Điều 35: Việc tặng quà và nhận quà tặng của cán bộ, công chức

1. Việc tặng quà và nhận quà của cán bộ, công chức phải phù hợp với truyền thống và phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; nghiêm cấm lợi dụng việc tặng quà, nhận quà để hối lộ hoặc thực hiện các hành vi khác vì vụ lợi.
2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị thụ hưởng ngân sách nhà nước và doanh nghiệp nhà nước không được sử dụng tài sản và ngân sách nhà nước làm quà tặng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Cán bộ, công chức không được nhận quà tặng có giá trị lớn của doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi quản lý trực tiếp của mình.
4. Chính phủ quy định chi tiết việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của cán bộ, công chức.

Điều 36. Quy tắc xử sự của cán bộ, công chức

1. Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành quy tắc ứng xử của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
2. Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ban hành quy tắc ứng xử của thẩm phán, hội thẩm nhân dân, thư ký toà án, kiểm sát viên và cán bộ, công chức khác trong cơ quan Toà án, Viện kiểm sát.
3. Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức làm việc trong ngành, lĩnh vực do mình quản lý.
4. Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương.
5. Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức bộ, ngành được gửi cho Bộ Nội vụ để thực hiện thanh tra công vụ.

Điều 37: Quy tắc đạo đức nghề nghiệp

Tổ chức xã hội - nghề nghiệp phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy tắc đạo đức nghề nghiệp đối với hội viên của mình theo quy định của pháp luật.

Các văn bản liên quan