Công chức không được nhận quà…

Thứ Sáu 15:03 26-05-2006
Giáo sư-Tiến sĩ luật học Đỗ Ngọc Quang

CÔNG CHỨC KHÔNG ĐƯỢC NHẬN QUÀ...

Thọ Bình-Phan Mai thực hiện
Pháp luật TP Hồ Chí Minh ngày 25/07/2005


Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: “Cán bộ, công chức không được nhận quà biếu, quà tặng của các doanh nghiệp hoạt động phạm vi quản lý trực tiếp của mình”. Theo GS-TS Đỗ Ngọc Quang, ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, quy định này không đủ mạnh để ngăn chặn tham nhũng.

Ông Quang nói:”Nhiều nước trên thế giới quy định rất chặt chẽ. Đã là cán bộ, công chức (CBCC) thì nghiêm cấm nhận quà dưới bất kỳ hình thức nào. Trong trường hợp không nhận không được thì phải kê khai và nộp vào công quỹ nhà nước.
Có nước người ta cho phép nhận quà nhưng phải kê khai và đưa vào bảo tàng nhà nước quản lý chứ không có nước nào như nước ta, CBCC đi công tác các địa phương hoặc nước ngoài được tặng quà lại mang về nhà mình và thành của riêng”

Quà tặng không để mang về nhà riêng

Ông nói có nước quy định CBCC được nhận quà nhưng phải đưa vào bảo tàng?

Tại thủ đô Jakarta ở Indonesia, trong bảo tàng người ta trưng bày rất nhiều quà tặng của nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng, vụ trưởng và ghi rất cụ thể: quà này do ai tặng; tổ chức, nước nào tặng; nhân dịp nào, ngày tháng tặng…

Có nghĩa là cá nhân được tặng nhưng phải đưa vào bảo tàng?

Tặng cho cá nhân nhưng vẫn phải đưa vào bảo tàng. Người ta quan niệm tuy là tặng quà cá nhân nhưng không phải là tặng để “ông” mang về nhà dùng riêng mà đây là mang tính chất nhà nước. Vì chức vụ mà “ông” đang giữ là do cử tri bầu nên và kỳ này “ông” làm, kỳ sau người khác làm. Vì vậy, người ta tặng quà cho “ông” là tặng cho cái chức “ông” đang đảm trách chứ không phải cho cá nhân ông.

Ví dụ quà do người nước ngoài tặng ông Đỗ Nhật Quang. Khi về nước, ông Quang vẫn phải kê khai và nộp vào ngân quỹ nhà nước?

Vẫn phải nộp hết vào bảo tàng chứ không được đút túi riêng.

Thưa ông, nghe nói luật pháp Singapore quy định việc này rất chặt chẽ?

Phái đoàn mình sang thăm Singapore tặng họ cái gì, họ đều hỏi cái này giá bao nhiêu, nếu mà nhiều tiền quá họ không giám nhận. Có lần mình tặng họ một bức tranh giá cũng vừa phải thôi, chừng 200.000 đồng gì đó, nhưng mình nói vài chục đô thì thấy ái ngại quá. Người Việt Nam chúng ta tặng ai món quà do quý mến họ thì không bao giờ nói ra giá là bao nhiêu. Chẳng lẽ khi đưa cho người ta quà lại đi nói món này tôi mua 200.000-300.000 đồng à? Nhưng ở bên họ là phải nói rõ. Nếu giá cao quá quy định, họ không nhận.

Có trường hợp do quên mà không kê khai thì sao, thưa ông?

Nếu các cơ quan chức năng phát hiện ra sẽ xử lý ngay. Tùy theo mức độ và giá trị của món quà mà có thể bị xử lý về hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.

Buộc phải nhận quà, nhất quyết phải nộp

Hiện nay, Quốc hội nước ta đã có bảo tàng nhưng không thấy có kỹ vật nào được tặng hoặc được biếu mang ra trưng bày?

Có người cũng nói với tôi là bao nhiêu năm nay có biết bao nhiêu đoàn khách nước ngoài đến thăm Quốc hội Việt Nam, tặng không ít quà mà đến nay khi xây dựng phòng trưng bày lại chẳng có quà gì cả. Ở ta chẳng có quy định cụ thể nào cả nên khách nước ngoài sang đây họ tặng cá nhân, cá nhân mang về nhà mình thành của mình. Vì vậy, bây giờ Quốc hội muốn thành lập bảo tàng hiện vật nhưng không có cái gì cả.

Thưa ông, dự án luật phòng, chống tham nhũng nước ta quy định CBCC chỉ không được nhận quà biếu của các doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi quản lý trực tiếp của mình mà không cấm tất cả. Như vậy là CBCC vẫn có thể nhận quà và mang về nhà, nhất là do nước ngoài biếu?

Theo tôi thì cần phải quy định thật rõ ràng là CBCC thì không được nhận quà dưới bất cứ hình thức nào. Trong trường hợp buộc phải nhận, nhất quyết phải kê khai và nộp vào công quỹ hoặc đưa vào bảo tàng do nhà nước quản lý.

Nhưng có cái khó là đôi khi người ta tặng quà nhau vì tình cảm quý trọng nhau thì sao?

Đã là luật thì phải thực thi. Theo luật, anh nhận quà gì và ít hay nhiều anh đều phải kê khai. Còn nói hôm nay nhận vì tình cảm quý mến nhau, mai cũng lại nói thế thì không được. Nhận nhiều quà, nhiều lần rồi sẽ trở thành bảo kê cho những hành vi phi pháp rất nguy hiểm.

Nhiều khi tặng quà cho nhau chỉ hai người biết và người ta không tự giác kê khai thì làm sao biết để xử lý được?

Trước hết mình tạo ra một hành lang pháp lý đã và đó sẽ là cơ sở để xử lý những người vi phạm. Có những chuyện tuy không bắt được tận tay, nhưng theo tôi, khi đã có luật rồi, không mấy ai lại đi mạo hiểm đánh đổi cương vị công tác, uy tín của mình để mang về nhà một món quà nhỏ được tặng cả. Tức là có cái để mà sợ cái đã.

Các văn bản liên quan