Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ

Thứ Sáu 11:23 30-06-2006

1. Sự cần thiết ban hành Nghị định 
 
So với pháp luật về sở hữu trí tuệ trước đây, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 quy định một cách toàn diện và đầy đủ hơn đối tượng, phạm vi, phương thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam. Điều này cũng có nghĩa rằng, xu hướng tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam trong thời gian tới là khó có thể đảo ngược. Đây là tín hiệu tốt cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Tuy vậy, nhiều quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ, nhất là các quy định về phương thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính vẫn còn nhiều điểm chưa cụ thể, rõ ràng, đòi hỏi phải được cụ thể hóa.
Chính vì thế, việc ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là cần thiết.
Đây là một biện pháp quan trọng góp phần hoàn thiện và minh bạch hóa môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam.
         
2. Nhận xét chung
 
a. Quan điểm tiếp cận
 
Về cơ bản, các quy định của Dự thảo Nghị định đáp ứng các yêu cầu cơ bản trong việc hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam hiện nay như:
- Xoá bỏ các phân biệt đối xử bất hợp lý giữa các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác nhau; 
- Hạn chế sự can thiệp của nhà nước vào các quyết định của doanh nghiệp; tôn trọng tối đa quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; hạn chế việc tăng thêm nghĩa vụ của doanh nghiệp, tăng chi phí đối với Nhà nước/ xã hội;
- Đổi mới chức năng quản lý nhà nước theo hướng khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn nhà đầu tư, doanh nghiệp là chính; không làm cản trở sự gia nhập thị trường của các doanh nghiệp;
 
b. Tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia 
 
Dự thảo Nghị định có một số vấn đề chưa đảm bảo được yêu cầu về tính thống nhất của hệ thống pháp luật hiện hành mà ở phần sau tôi sẽ phân tích kỹ hơn khi phân tích về phạm vi điều chỉnh và một số nội dung khác của Dự thảo Nghị định.
 
c. Kỹ thuật lập pháp
 
Kỹ thuật lập pháp trong Dự thảo Nghị định còn nhiều vấn đề rất đáng bàn. Chẳng hạn:
Thứ nhất, về việc sử dụng thuật ngữ “xâm phạm” thay cho thuật ngữ “hành vi xâm phạm”:
Khi nói về “xâm phạm”, Luật Sở hữu trí tuệ luôn dùng cụm từ “hành vi xâm phạm”, trong khi đó Dự thảo Nghị định lại nói tắt lại thành “xâm phạm” mà không có sự giải thích rõ ràng (hãy xem, chẳng hạn đáng lẽ phải nói “xử lý hành vi xâm phạm” thì Dự thảo Nghị định chỉ nói là “xử lý xâm phạm”, cách nói này hoàn toàn khác với cách nói tại Luật Sở hữu trí tuệ[1]). Vậy phải chăng, “hành vi xâm phạm” và “xâm phạm” là đồng nhất nhau? Thực chất, xét về mặt ngữ nghĩa, điều này là không chuẩn xác.
Chính vì thế, để tránh cho việc sản sinh những thuật ngữ pháp lý mới mà không có sự giải thích đầy đủ trong khi đã có những thuật ngữ được sử dụng quen hơn, đảm bảo tính thống nhất, nhất quán của hệ thống pháp luật, tôi cho rằng Dự thảo Nghị định không nên đồng nhất thuật ngữ “hành vi xâm phạm” trong Luật Sở hữu trí tuệ với “xâm phạm” trong Dự thảo Nghị định. Thuật ngữ “xâm phạm” trong Dự thảo Nghị định cần chỉnh sửa thành “hành vi xâm phạm” trong những trường hợp cần thiết.
         
Thứ hai, một số Điều luật bị dẫn chiếu sai trong Dự thảo Nghị định.
Ví dụ, Điều 5 Dự thảo Nghị định có nhắc tới Điều 168 Luật Sở hữu trí tuệ, đáng lẽ ra điều luật chính xác phải là Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ.

Thứ ba, một số lỗi kỹ thuật lập pháp khác. Chẳng hạn, ngay trong Điều 5 của Dự thảo Luật, theo ngôn từ của Dự thảo thì chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thì đồng thời vừa có quyền khởi kiện tại Tòa án lại vừa có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm về mặt hành chính (Khoản 1). Trong khi đó, người bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra thì chỉ có 1 quyền duy nhất là quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm về mặt hành chính (Khoản 2).
Cách quy định này dễ dẫn người đọc hiểu rằng, người bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra không có quyền khởi kiện tại Tòa án. Điều này là hoàn toàn không đúng bởi lẽ theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (cũng như Bộ luật dân sự) thì mọi tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi của người khác gây ra (tức là có quyền dân sự bị xâm hại), đều có thể tiến hành khởi kiện tại Tòa án.
Do vậy, để tránh những hiểu nhầm đáng tiếc, những lỗi kỹ thuật lập pháp kể trên cần phải chỉnh sửa lại cho phù hợp.
Hay cũng chính quy định tại khoản 1 Điều 5 “Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền khởi kiện tại Tòa án …. hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp hành chính …”. Việc sử dụng từ “hoặc” trong quy định này dễ dẫn đến cách hiểu là nếu đã khởi kiện tại Tòa án thì mất quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp hành chính (chủ thể có quyền chỉ có thể chọn lựa 1 trong 2 biện pháp, nếu đã chọn biện pháp này thì không được chọn biện pháp khác nữa). Cách hiểu này rõ ràng không phù hợp với yêu cầu bảo vệ sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp này, từ “hoặc” cần phải sửa lại thành “hoặc/và” (dù cách dùng cụm từ này không phổ biến trong văn bản quy phạm pháp luật ở Việt Nam).
 
3. Những góp ý cụ thể:
 
3.1. Về căn cứ ban hành Nghị định 
 
Tuy trong tên của Dự thảo Nghị định nêu rõ đây là “Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ” nhưng khi xét kỹ nội dung của Dự thảo Nghị định thì rõ ràng, Nghị định được thiết kế theo hướng cụ thể hóa các quy định của không chỉ Luật Sở hữu trí tuệ mà còn cả Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính. Do vậy, để đảm bảo tính gắn kết, nhất quán trong hệ thống pháp luật, trong phần căn cứ ban hành Nghị định cần bổ sung căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành.
 
3.2. Về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Nghị định:
 
a. Có nên điều chỉnh quan hệ tố tụng trong Dự thảo Nghị định không? 
  
 Dự thảo Nghị định có rất nhiều nội dung điều chỉnh quan hệ tố tụng giữa Tòa án với các tổ chức, cá nhân trong xã hội (quyền khởi kiện, vấn đề cung cấp chứng cứ trước Tòa án). Cụ thể:
          - Điều 2 khoản 6 có nhắc tới Bộ luật tố tụng dân sự;
          - Điều 4 khoản 1 có nhắc tới thời hiệu yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp dân sự đối với hành vi xâm phạm thực hiện theo quy định tại Điều 159 của Bộ luật tố tụng dân sự;
          - Điều 5 khoản 1 có khẳng định lại quy định đã có trong Luật Sở hữu trí tuệ “Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền khởi kiện tại Tòa án có thẩm quyền yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình”.
          - Điều 6 khoản 1 “Đơn khởi kiện phải tuân theo quy định tại Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự”.
          - Các quy định tại Điều 7, 8, 9, 10, 11, 12 đều ngụ ý sẽ được áp dụng cho các hoạt động tố tụng dân sự.
          - Các quy định về giám định tại khoản 1 Điều 47, Điều 50, Điều 52, Khoản 1 Điều 53 trong Dự thảo Nghị định.

Tôi cho rằng, trong bối cảnh xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay, trong đó nguyên tắc phân công quyền hạn giữa các ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp, đề cao tính độc lập của việc thực thi quyền tư pháp xét xử thì việc ngành hành pháp (Chính phủ) ban hành quy định điều chỉnh các hoạt động tiến hành tố tụng của Tòa án là điều không phù hợp với các quy định trong Hiến pháp, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, tuân thủ các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), Luật Tổ chức Chính phủ, các quy định điều chỉnh hoạt động tố tụng dân sự trong Dự thảo Nghị định kể trên cần phải được loại bỏ ra khỏi Dự thảo Nghị định (chỉ giữ lại các quy định liên quan đến hoạt động của ngành hành pháp – chủ yếu là hoạt động xử lý bằng biện pháp hành chính mà thôi).
 
b. Vấn đề xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh: 
 
Trong Điều 1 (khoản 2) khi quy định về phạm vi điều chỉnh của Nghị định, Dự thảo Nghị định nêu rõ “Nghị định này không quy định việc xử lý hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Các hành vi này được xử lý theo quy định của pháp luật cạnh tranh”.
Theo tinh thần này, các hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ nhưng nếu thuộc diện điều chỉnh của pháp luật cạnh tranh (chẳng hạn các hành vi xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh) thì Nghị định này sẽ không điều chỉnh. Các quy định về hành vi vi phạm, mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt đối với những hành vi này sẽ do pháp luật cạnh tranh quy định.
Hiện tại, pháp luật cạnh tranh cũng đã có quy định về vấn đề này ở mức độ nhất định. Chẳng hạn, Nghị định 120/2005/NĐ-CP ngày 30/9/2005 tại Điều 31 có quy định cụ thể như sau:

Điều 31.
Hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh
1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người sở hữu hợp pháp bí mật kinh doanh đó;
b) Tiết lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh;
c) Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập và làm lộ thông tin thuộc bí mật kinh doanh của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó;
d) Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người khác khi người này làm thủ tục theo quy định của pháp luật liên quan đến kinh doanh, làm thủ tục lưu hành sản phẩm hoặc bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan nhà nước hoặc sử dụng những thông tin đó nhằm mục đích kinh doanh, xin cấp giấy phép liên quan đến kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm.
2. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh quy định tại khoản 1 Điều này thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Sử dụng bí mật kinh doanh để sản xuất và lưu thông hàng hoá, cung ứng dịch vụ trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên;
b) Tiết lộ, cung cấp bí mật kinh doanh cho đối thủ cạnh tranh của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó.
3. Ngoài việc bị phạt theo khoản 1 Điều này, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm bao gồm cả tịch thu toàn bộ khoản lợi nhuận thu được từ việc thực hiện hành vi vi phạm.
Về thẩm quyền xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh này được Nghị định 120/2005/NĐ-CP quy định dành cho cả cơ quan quản lý cạnh tranh (Điều 42) và cả các cơ quan khác (Điều 45). Thậm chí, Điều 45 của Nghị định này còn nêu rõ “Thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ của các cơ quan khác được xác định theo các quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính”.
Vậy, nếu Dự thảo Nghị định không đặt vấn đề quy định thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ nhưng đồng thời cũng là hành vi cạnh tranh không lành mạnh thì việc thực hiện Điều 45 của Nghị định 120/2005/NĐ-CP là không thể triển khai. Đây là vấn đề Ban soạn thảo Dự thảo Nghị định cần tính tới khi xây dựng Nghị định này.
Thêm vào đó, nếu thực sự Nghị định này không điều chỉnh việc xử lý các hành vi xâm phạm bí mật kinh doanh (vi phạm Điều 127 Luật Sở hữu trí tuệ), thì Khoản 1 Điều 3 của Dự thảo Nghị định cần phải sửa lại theo hướng không nhắc tới Điều 127 Luật Sở hữu trí tuệ, như thế mới đảm bảo tính nhất quán của văn bản.
 
3.3. Các quy định về giám định sở hữu trí tuệ 
 
Các quy định về giám định sở hữu trí tuệ trong Dự thảo Nghị định vừa thiếu lại vừa thừa. Giải trình của Ban soạn thảo còn nhiều điểm chưa thuyết phục.
Theo giải trình của Ban soạn thảo Nghị định thì giám định sở hữu trí tuệ quy định trong Dự thảo Nghị định có lúc là hoạt động giám định tư pháp (khi Tòa án trưng cầu), nhưng có lúc lại không phải.
Tuy vậy, đối với trường hợp giám định sở hữu trí tuệ không phải là giám định tư pháp thì có lúc Dự thảo Nghị định lại sử dụng luôn quy định về giám định tư pháp để điều chỉnh. Chẳng hạn, Điều 50 khoản 2 Dự thảo Nghị định quy định “Việc giám định theo trưng cầu có thể do cá nhân người giám định hoặc tập thể người giám định thực hiện. Trong trường hợp có trưng cầu giám định lại thì việc giám định lại do hội đồng giám định thực hiện theo quy định của Pháp lệnh giám định tư pháp”. Tương tự, Điều 51 khoản 2 của Dự thảo Nghị định cũng quy định “Trong trường hợp có yêu cầu giám định lại thì việc giám định lại do hội đồng giám định thực hiện theo quy định của Pháp lệnh Giám định Tư pháp”?
Đối với trường hợp giám định sở hữu trí tuệ không phải là giám định tư pháp, thì liệu Bộ Tư pháp có nên được trao thẩm quyền thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước đối với hoạt động giám định này không? (Như quy định trong Khoản 3 Điều 48, Khoản 3 Điều 49, Điều 54 của Dự thảo Nghị định?).
Đối với trường hợp giám định sở hữu trí tuệ không phải là giám định tư pháp thì liệu các quy định như Dự thảo Nghị định liệu đã đủ để đảm bảo việc cung cấp dịch vụ giám định được khách quan, có chất lượng ko? Câu trả lời chắc chắn là không. Nếu so với các quy định trong Pháp lệnh giám định tư pháp năm 2004, nhiều quy định trong Nghị định còn thiếu. Ví dụ, Điều 37 Pháp lệnh này có quy định quan trọng:

“Điều 37.
Những trường hợp không được thực hiện giám định tư pháp.
Người thuộc một trong những trường hợp sau đây thì không được thực hiện giám định tư pháp:
1. Đã tiến hành tố tụng với tư cách là Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm, Thư ký Toà án hoặc đã tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người phiên dịch trong vụ án đó;
2. Đồng thời là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; là người đại diện hợp pháp, người thân thích của những người đó hoặc của bị can, bị cáo;
3. Được trưng cầu giám định lại về cùng một nội dung trong một vụ án mà mình đã thực hiện giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;
4. Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng người đó có thể không vô tư trong khi thực hiện giám định”.

Vậy trường hợp giám định sở hữu trí tuệ không phải là giám định tư pháp thì liệu quy định này có nên được áp dụng ko? Câu trả lời chắc chắn là “có”. Tuy vậy, Dự thảo Nghị định hoàn toàn bỏ qua những quy định tương tự như vậy.
Ngoài ra, Điều 48 Dự thảo Nghị định có quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức giám định sở hữu trí tuệ mà đáng ra, các quy định đó nên dành cho người giám định sở hữu trí tuệ. Việc quy định như Khoản 2 Điều 48 dễ đưa đến hiện tượng tổ chức giám định chịu trách nhiệm thay cho người thực hiện hành vi giám định. Chúng ta đều biết rằng, giám định là hoạt động chuyên môn sâu. Người thực hiện hành vi giám định phải chịu trách nhiệm cá nhân rất cao. Chính vì thế, nói chung, pháp luật về giám định đều quy định theo hướng đề cao trách nhiệm cá nhân của người thực hiện giám định đồng thời đảm bảo tính độc lập của người làm công tác giám định.
Tôi cho rằng, Ban soạn thảo Nghị định cần nghiên cứu kỹ hơn kinh nghiệm lập pháp trong Pháp lệnh giám định tư pháp để có sự sửa đổi, bổ sung hợp lý.
Trên đây là một số ý kiến góp ý vào Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ. Xin gửi Ban Soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc và tiếp thu.
 
 


[1] Hãy so sánh, chẳng hạn, Điều 5 Dự thảo Nghị định với Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ.

Các văn bản liên quan