Góp ý Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) của Luật sư Nguyễn Lan Phương – Công ty Luật Baker & McKenzie – Hội thảo VCCI (Tp. HCM ngày 11/3/2014)

Thứ Ba 11:27 18-03-2014

NHẬN XÉT VỀ LUẬT ĐẦU TƯ

Luật sư Nguyễn Lan Phương

Công ty Luật Baker & McKenzie

Nhận xét

Nội dung hiện tại

Kiến nghị

Nhiều nội dung của Luật Đầu tư trùng lắp với nội dung của Luật Doanh nghiệp, và các luật chuyên ngành khác, không giải quyết được yêu cầu cấp bách của tình hình hiện nay là giảm thiểu thủ tục hành chính và tạo môi trường thông thoáng để thu hút đầu tư trong bối cảnh đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đi xuống và cạnh tranh từ các nước khác trong khu vực càng tăng cao.  Thậm chí những điều chỉnh đề xuất vào Luật Đầu tư 2015 còn tạo thêm thủ tục hành chính cho nhà đầu tư nước ngoài với 2 bước cấp phép, mà nội dung bước sau trùng lặp với bước đầu tiên và trùng lắp với các thủ tục khác theo luật chuyên ngành như đất đai, xây dựng.

Trong thực tiễn áp dụng Luật Đầu tư 2005 cho đến nay, Luật Đầu tư không thực sự cần thiết trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.  Có vẻ như điều khác biệt duy nhất, và cũng là điều phiền toái, mà Luật Đầu tư có được đó là quy trình thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư rườm rà, không minh bạch, và được áp dụng theo sự chủ quan của những cơ quan  có thẩm quyền.

Điều 1 về Phạm vi điều chỉnh của Luật Đầu tư (quy định về hoạt động đầu tư nhằm mục đích kinh doanh tại Việt Nam), và Điều 3.1 đưa ra định nghĩa về "Đầu tư" (nhà đầu tư bỏ vốn để tiến hành các hoạt động đầu tư), là hoàn toàn dư thừa vì đây chính là phạm vi điều chỉnh và nội dung chính của Luật Doanh nghiệp, được thể hiện qua tinh thần và nhiều điều khoản cụ thể xuyên suốt Luật Doanh nghiệp.

Trong khi Luật Doanh nghiệp đã quy định rõ doanh nghiệp có quyền chủ động lựa chọn ngành nghề, địa bàn, hình thức kinh doanh đầu tư (Điều 8 LDN) và được tiến hành kinh doanh các ngành nghề kinh doanh có điều kiện sau khi đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật (Điều 9 LDN), yêu cầu doanh nghiệp đã được thành lập lại phải có dự án đầu tư và phải xin Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo Luật Đầu tư là hoàn toàn dư thừa.

Nên xem xét bỏ Luật đầu tư, hoặc xem xét bỏ toàn bộ các điều khoản quy định về dự án đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, vì hoàn toàn không cần thiết.

Quy định về các lĩnh vực ưu đãi đầu tư và đầu tư có điều kiện (được hiểu là các lĩnh vự hạn chế đầu tư) còn quy định chung chung và mâu thuẫn nhau.

Cụ thể, 3 lĩnh vực rất lớn bao gồm văn hóa, y tế, giáo dục được liệt kê dưới Điều 22 (các lĩnh vực ưu đãi đầu tư) và Điều 24 (các lĩnh vự đầu tư có điều kiện).  Cách xử lý các dự án tại Điều 22 và 24 là rất khác nhau, vậy làm sao xem xét mà cấp giấy chứng nhận đầu tư một cách minh bạch và thống nhất được?

Đề nghị nghiên cứu lại xem các lĩnh vực này có cần phải hạn chế hay không và điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của đất nước.

Luật Đầu tư trở lại cách tiếp cận cũ về vấn đề áp dụng ưu đãi đầu tư, gắn với việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.  Theo tôi, doanh nghiệp không cần phải thực hiện thủ tục gì thêm để có thể được hưởng những ưu đãi đầu tư.  Luật thuế, Luật đất đai đã quy định rất rõ những trường hợp doanh nghiệp được ưu đãi và chỉ cần thực hiện trên cơ sở những luật chuyên ngành đó.  Giấy phép đầu tư trước đây đã ghi những ưu đãi và Giấy chứng nhận đầu tư hiện nay không còn ghi những ưu đãi nữa nhằm bảo đảm tính bình đẳng cho mọi doanh nghiệp.  Tại sao lại áp dụng cơ chế cũ?

Điều 33 của dự thảo LĐT đặt nghĩa vụ lên nhà đầu tư là phải xin được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới được hưởng ưu đãi đầu tư.  Điều này suy ra nếu doanh nghiệp không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư một cách kịp thời, họ sẽ không được hưởng ưu đãi đầu tư.

Đề nghị điều chỉnh Điều 33 theo hướng doanh nghiệp được hưởng  các ưu đãi đầu tư theo các luật chuyên ngành.  Bỏ yêu cầu phải xin và cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.  Hưởng ưu đãi đầu tư là quyền của doanh nghiệp, không phải qua cơ chế xin cho.

Cũng về vấn đề có cần thiết phải cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, nếu mục tiêu của Luật Đầu tư là tạo môi trường đầu tư thông thoáng thì nên bỏ thủ tục hành chính này.  Không có thủ tục này thì các quy định còn lại và các luật chuyên ngành đã giải quyết tốt vấn đề quản lý Nhà nước liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

- Cụ thể, khi nhà đầu tư thành lập doanh nghiệp, nhà đầu tư (nước ngoài) đã phải nộp đầy đủ giấy tờ pháp lý của nhà đầu tư, phải đăng ký ngành nghề kinh doanh và phải giải trình lý do đáp ứng điều kiện đầu tư vào Việt Nam, giải trình về địa bàn/địa điểm hoạt động của doanh nghiệp.  Tất cả những tiêu chí này trùng khớp với nội dung của dự án đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.  Đối với nhà đầu tư nước ngoài, giấy tờ pháp lý của họ phải hợp pháp hóa lãnh sự và chỉ được sử dụng trong 3 tháng.  Cho mỗi thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư, họ lại phải thực hiện hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ.  Nhà đầu tư nước ngoài hoàn toàn không hiểu tại sao nhà nước Việt Nam lại phải yêu cầu họ nộp cùng một loại giấy tờ nhiều lần như vậy.

- Đối với các doanh nghiệp thực hiện dịch vụ theo các cam kết quốc tế của Việt Nam, họ không có dự án đầu tư (theo định nghĩa tại Điều 3.6) bởi hoạt động của những doanh nghiệp này trên toàn lãnh thổ Việt Nam và họ không cần phải bỏ vốn trung dài hạn vào một địa bàn hay địa điểm nào cả.

- Về mặt thời gian, theo quy định là 30 ngày làm việc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cấp (giống như quy định hiện tại là từ 15 đến 45 ngày), nhưng trên thực tế là từ 4-6 tháng.  Quy định là sau 15 ngày làm việc thì nhà đầu tư được cấp giấy đăng ký doanh nghiệp, trên thực tế có thể cũng sẽ là 4-6 tháng.

- Về mặt hồ sơ (Điều 45), những đầu mục hồ sơ này bao gồm những hồ sơ đã nộp khi đăng ký doanh nghiệp (văn bản liên quan đến tư cách pháp lý của nhà đầu tư, giải trình năng lực tài chính, quyền sử dụng địa điểm, giải trình về dự án đầu tư ), vào còn bao gồm những hồ sơ khác mà sẽ trùng lắp với các thủ tục hành chính khác (hồ sơ về xây dựng đối với dự án có xây dựng công trình), sẽ trùng lắp với khâu đánh giá tác động môi trường hay xin phép xây dựng.  Nhà đầu tư chưa biết là có được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hay không, và khi nào thì được cấp, thì ai mà đầu tư tài chính vào hồ sơ xây dựng công trình ở thời điểm này?

- Nội dung thẩm tra (Điều 46): không có gì mới so mới thẩm tra để cho đăng ký kinh doanh.

Các điều về thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, từ Điều 41 - 47 đều không cần thiết, tăng thủ tục hàn chính và gây thêm lãng phí về thời gian và tiền bạc cho cả nhà đầu tư và nhà nước Việt Nam.

Đề nghị bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.  Để doanh nghiệp thực hiện đăng ký doanh nghiệp và các thủ tục hành chính sau khi đăng ký doanh nghiệp theo những quy định của luật chuyên ngành, môi trường, xây dựng, đất đai, thuế, tín dụng, v.v…

Nguyên tắc không phân biệt đối xử chưa thể hiện đầy đủ khi Luật đầu tư dành một Mục quy định riêng cho Nhà đầu tư nước ngoài (Điều 60-22). 

Điều 61 quy định rằng cơ quan đăng ký kinh doanh đăng ký thành lập doanh nghiệp cho nhà đầu tư nước ngoài trong vòng 15 ngày, trong khi theo Luật doanh nghiệp thời gian này là 5 ngày cho doanh nghiệp trong nước.  Trên thực tế, 15 ngày có thể kéo dài nhiều tháng, dựa theo kinh nghiệm hiện tại.

Đề nghị điều chỉnh Điều 61 và 62 xuống 5 ngày theo quy định của Luật doanh nghiệp để thực thi cam kết quốc tế của Việt Nam.

Các văn bản liên quan