Góp ý Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) của Ths.Ls.Phan Thông Anh – Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam; Trọng tài viên VIAC – Hội thảo VCCI (Tp.HCM ngày 11/3/2014)

Thứ Ba 11:29 18-03-2014

GÓP Ý KIẾN CHO DỰ THẢO SỬA ĐỔI LUẬT ĐẦU TƯ 2005

------------------------------------------------

Ths.Ls.Phan Thông Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam; Giám đốc Công ty Luật hợp danh Việt Nam; Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC)

            Tám năm một chặng đường nhìn lại, Luật đầu tư (2005) đã phát huy được hiệu quả và đóng góp không nhỏ cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, Luật Đầu tư đã mở rộng quyền tự chủ trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư bằng việc xóa bỏ một loạt rào cản đầu tư không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư.

            Do chưa có quy định phân định rõ mối quan hệ cũng như nguyên tắc áp dụng giữa Luật Đầu tư cùng với các Luật Xây dựng, Luật Đấ đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Chứng khoán, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu đã làm cho hệ thống pháp luật về đầu tư có một số nội dung chồng chéo, thiếu tính đồng bộ, minh bạch và khả thi nên việc xem xét sửa đổi bổ sung Luật đầu tư 2005 là cần thiết.

            Theo yêu cầu của Ban tổ chức hội thảo chúng tôi xin góp ý vào các vấn đề chính như sau :

1-Phạm vi điều chỉnh

            1.1.-Dự thảo có nên quy định tất cả các vấn đề về đầu tư (chuẩn bị - thực hiện – chấm dứt dự án đầu tư, ưu đãi – hỗ trợ đầu tư, đầu tư có điều kiện, thủ tục đăng ký – xin chứng nhận đầu tư…) hay không? Hay là chỉ nên tập trung vào các vấn đề liên quan tới khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư?

            Theo chúng tôi là nên quy định đầy đủ các nội dung : chuẩn bị - thực hiện – chấm dứt dự án đầu tư, ưu đãi – hỗ trợ đầu tư, đầu tư có điều kiện, thủ tục đăng ký – xin chứng nhận đầu tư…mà không dừng lại chỉ quy định các vấn đề liên quan đến khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vì càng được quy định chi tiết thì càng dễ áp dụng trong thực tiễn mà không phải cậy nhờ vào các văn bản hướng dẫn thi hành.

            1.2-Có nên quy định đầu tư ra nước ngoài trong Luật Đầu tư không hay là quy định riêng về đầu tư ra nước ngoài trong một văn bản độc lập khác?

            Việc đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp là một hoạt động hết sức quan trọng đối với các doanh nghiệp có nhu cầu mở rộng thị trường ra nước ngoài nên cần có một hành lang pháp lý chặt chẻ nên theo chúng tôi không nên quy định trong Luật đầu tư mà cần được quy định trong một văn bản pháp luật độc lập khác và có thể quy định ban đầu trong một Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

2-Khái niệm nhà đầu tư nước ngoài

            2.1-Khái niệm nhà đầu tư nước ngoài như thế nào? Cần làm gì để đảm bảo tính tương thích với quy định về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Luật Doanh nghiệp?

Khái niệm "nhà đầu tư nước ngoài" là chủ thể đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và có mối liên quan mật thiết giữa hai đạo luật "đầu tư" và "doanh nghiệp" nên theo chúng tôi cần thiết nên có một quy định tương thích 

Về cơ bản dự thảo của hai đạo luật "đầu tư" và "doanh nghiệp" cơ bản là tương thích về loại chủ thể là  : a) Cá nhân có quốc tích nước ngoài; b) Tổ chức được thành lập ở nước ngoài và theo pháp luật nước ngoài ; c) Doanh nghiệp được thành lập ở Việt Nam; nhưng tỷ lệ thành viên của loại hình Công ty hợp danh là chưa phù hợp : Tại dự thảo Luật doanh nghiệp quy định : Trên 50% số thành viên hợp danh là người có quốc tịch nước ngoài đối với công ty hợp danh còn tại dự thảo Luật đầu tư quy định : công ty hợp danh có cá nhân nước ngoài làm thành viên.Do đó theo chúng tôi cần cân nhắc hiệu chỉnh hai dự thảo cho phù hợp và thống nhất

            2.2-Chính sách áp dụng đối với nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngòai như thế nào?

            + Đối xử bình đẳng hoàn toàn hay có giới hạn giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài?

            Theo chúng tôi là cần đối xử một cách bình đẳng giữa các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, vì đều là hai nguồn vốn cần thiết cho nền kinh tế quốc dân, không nên xem nặng nhẹ bên nào. Trong thực tế hiện nay thì các nhà đầu tư nước ngoài được ưu đãi hơn theo chúng tôi cần nên điều chỉnh.

            + Bảo đảm đầu tư trong trường hợp pháp luật thay đổi ảnh hưởng đến lợi ích của nhà đầu tư như thế nào?

            Đây là một vấn đề hết sức quan trọng liên quan đến tuyên bố của nhà nước về bảo đảm đầu tư cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài (không chỉ bảo đảm cho nhà đầu tư nước ngoài) nhất là khi nhà nước sửa đổi Luật đất đai 2013 thay đổi về hình thức giao đất đối với các nhà đầu tư có trường hợp trước đây được giao đất nay thay đổi chỉ cho thuê đất; trường hợp trước đây nhà đầu tư được nộp tiền thuê đất một lần hết thời gian sử dụng đất bị thay đổi là nộp tiền thuê đất hàng năm. Khi pháp luật thay đổi phương thức thực hiện nghĩa vụ tài chính thì quyền nghĩa vụ tương ứng của nhà đầu tư cũng bị thay đổi, khi đó lợi ích nhà đầu tư sẽ bị xâm phạm.Do đó lần sửa đổi này cần cân nhắc câu chữ để xử lý tình huống thay đổi của Luật đất đai và 83 luật khác chuẩn bị sửa đổi sắp đến cho phù hợp với Hiến pháp 2013.      

3-Thủ tục đầu tư

            + Có nên quy định chung cho tất cả các dự án đầu tư hay chỉ áp dụng thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư cần ưu đãi, hỗ trợ hoặc tài nguyên từ Nhà nước?

            Nhằm đơn giản hóa thủ tục đầu tư, theo chúng tôi không nên quy định chung cho tất cả các dự án đầu tư mà chỉ áp dụng thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư cần ưu đãi, hỗ trợ hoặc tài nguyên từ nhà nước.

            + Thủ tục quản lý các dự án đầu tư có điều kiện nên quy định ở Luật này hay theo pháp luật chuyên ngành?

            Thủ tục quản lý các dự án đầu tư có điều kiện nên quy định ở Luật này mà không theo pháp luật chuyên ngành khác.

            + Trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư nên quy định theo hướng nào để cần đảm bảo yếu tố minh bạch, hiệu quả, đơn giản, tránh chồng chéo, mâu thuẫn với Luật doanh nghiệp và các luật khác, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư?

            Nhằm đảm bảo yếu tố minh bạch, hiệu quả, đơn giản, tránh chồng chéo, mâu thuẫn với Luật doanh nghiệp và các luật khác, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư nên quy định theo hướng "hồ sơ hình thành nên dự án đầu tư để cấp phép đầu tư" còn các vấn đề khác liên quan đến đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường.... để văn bản luật khác quy định

            Về thủ tục đăng ký đầu tư và thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư:

            + Có nhất thiết phải có thủ tục đăng ký đầu tư không? Nếu có nên áp dụng cho trường hợp nào, hay là tất cả?

            Thủ tục đăng ký đầu tư nên áp dụng cho tất cả, ngoại trừ các dự án có điều kiện thì thực hiện việc thẩm định dự án đầu tư.

            + Nếu vẫn giữ thủ tục đăng ký đầu tư thì có cần quy định giá trị pháp lý của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo hướng là cơ sở pháp lý đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư khi thực hiện các dự án đầu tư mà mình đăng ký?

            Theo chúng tôi cần quy định giá trị pháp lý của giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo hướng là cơ sở pháp lý đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư khi thực hiện các dự án đầu tư mà mình đã đăng ký.

            + Nên thiết kế các quy định như thế nào để bảo đảm  tính minh bạch, hiệu quả trong quy định về thủ tục đầu tư.

            Quy định một cửa, một hệ thống biểu mẫu, hồ sơ dự án đầu tư rõ ràng để nhà đầu tư chỉ có thể nộp một lần.

4-Những vấn đề khác

            4.1-Những khái niệm cần làm rõ trong Luật Đầu tư: “dự án đầu tư mới”; “dự án đầu tư mở rộng”, “khái niệm hình thức hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (Hợp đồng PPP)”

            + Tán thành theo dự thảo cần làm rõ trong Luật Đầu tư: “dự án đầu tư mới”; “dự án đầu tư mở rộng” để đảm bảo quyền lợi rỏ ràng cho nhà đầu tư trong hai trường hợp là “dự án đầu tư mới”; “dự án đầu tư mở rộng”

            + Tán thành theo dự thảo cần thay đổi trong Luật Đầu tư: “khái niệm hình thức hợp đồng đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (Hợp đồng PPP)” thay thế cho các hình thức "B.T" "B.O" "B.O.T"

            4.2-Các hình thức đầu tư

            + Tán thành theo dự thảo

            4.3-Lĩnh vực, địa bàn đầu tư và ưu đãi, hỗ trợ đầu tư

            + Tán thành theo dự thảo

            4.4.-Những vấn đề vướng mắc, bất cập trong Luật Đầu tư khác cần kiến nghị sửa đổi.

            + Cần tách bạch hai nội dung riêng biệt (i) thủ tục và pháp lý thành lập pháp nhân của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và (i) thủ tục và pháp lý cấp phép đầu tư dự án cho nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam./.

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 03 năm 2014

Các văn bản liên quan