Góp ý Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) của Ông Nguyễn Việt Khoa- Giám đốc trung tâm tư vấn và bồi dưỡng pháp luật kinh doanh- Khoa Luật- Trường Đại học Kinh tế TP.HCM – Hội thảo VCCI (Tp. HCM ngày 11/3/2014

Thứ Hai 16:28 17-03-2014

GÓP Ý DỰ ÁN LUẬT ĐẦU TƯ( SỬA ĐỔI)

Trên cơ sở dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và những vấn đề cần xin ý kiến góp ý của ban soạn thảo dự án Luật Đầu tư sửa đồi, chúng tôi xin đánh giá lại nhiệm vụ và vai trò của Luật Đầu tư năm 2006 để từ đó đánh giá xem có cần thiết ban hành Luật Đầu tư sửa đổi hay nên bỏ Luật Đầu tư nhằm đơn giản hoá thủ tục hành chính, đồng thời đánh giá xem liệu không có Luật Đầu tư thì các doanh nghiệp có thực hiện hoạt động đầu tư được không?

1. Đánh giá về  Nhiệm vụ và vai trò của Luật đầu tư năm 2006

1.1 Về tạo hành làng pháp lý cho các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư được đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, ít tốn kém.

Trong  những năm qua Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư như: Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Luật khuyến khích đầu tư trong nước, Luật doanh nghiệp nhằm tạo nên một khung pháp lý quan trọng điều chỉnh các hoạt động đầu tư phù hợp với đường lối, quan điểm của Đảng và thực tiễn phát triển kinh tế-xã hội, phù hợp với yêu cầu hội nhập; tạo môi trường thuận lợi, hấp dẫn đối với các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.

Tuy nhiên trên thực tế những quy định hiện hành của Luật đầu tư vẫn chưa thực hiện đúng nhiệm vụ và vai trò của mình khi các thủ tục pháp lý vẫn có sự chồng chéo, phiền phức, mất nhiều thời gian, qua nhiều cơ quan đơn vị gây tốn kém. Mặc dù rất nhiều chính sách kinh tế được thể hiện trong các văn bản pháp luật ban hành trong những năm gần đây, nhưng chính sách thu hút đầu tư vẫn còn thiếu bền vững. Các quy định hiện hành cũng chưa ưu tiên phát triển đồng bộ các thị trường như thị trường bất động sản, thị trường công nghệ, thị trường lao động, thị trường vốn. Thiếu chính sách, biện pháp khuyến khích phát triển đối với sản xuất, thị trường trong nước, như thiếu chính sách phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ. Ví dụ về ưu đãi về thuê đất đã có quy định trong Luật đất đai, ưu đãi về thuế đã có quy định trong Luật thuế nhưng Luật Đầu tư cũng đưa những ưu đãi này vào, như vậy không khác nào là chép lại từ các luật khác và tạo ra sự chồng chéo, gây khó khăn thêm về thủ tục cho doanh nghiệp. Điều này đã phần nào làm cho môi trường đầu tư của Việt Nam thêm kém cạnh tranh với các nước trong khu vực.Thiếu khung pháp lý phát triển các dịch vụ hỗ trợ làm gia tăng giá trị cho hàng hoá sản xuất tại Việt Nam như các loại tư vấn, hỗ trợ pháp lý... đáp ứng yêu cầu và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường khu vực và thế giới.

1.2 Về tạo môi trường đầu tư bình đẳng cho các nhà đầu tư theo cam kết của WTO.

Luật đầu tư đã tạo sự phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đặc biệt liên quan đến thủ tục đầu tư. Đây có thể xem là một hình thức bảo hộ tinh vi cho các nàh đầu tư trong nước. Nước ta đã ký kết nhiều hiệp định song phương và đa phương liên quan đến hoạt động đầu tư như những cam kết trong khuôn khổ AFTA, Hiệp định khung về khu vực đầu tư ASEAN, Hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ, Hiệp định tự do, khuyến khích và bảo hộ đầu tư với Nhật Bản và đang tích cực đàm phán gia nhập WTO. Việc ký kết và thực hiện các cam kết quốc tế trên một mặt đòi hỏi Việt Nam phải mở cửa thị trường, xóa bỏ các rào cản thuế quan, phi thuế quan hoặc các trợ cấp không phù hợp với thông lệ quốc tế, mặt khác vẫn phải duy trì một số chính sách bảo hộ sản xuất trong nước có điều kiện, có thời gian, mở cửa thị trường theo lộ trình xác định. Tuy nhiên, do được ban hành vào các thời điểm khác nhau, có phạm vi, đối tượng điều chỉnh khác nhau nên các chính sách đầu tư chưa có sự nhất quán, chưa thực sự tạo được “một sân chơi” bình đẳng; tình trạng phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư vẫn còn tồn tại, đã hạn chế việc phát huy các nguồn lực. Những bất cập của hệ thống pháp luật tách biệt theo thành phần kinh tế ngày càng bộc lộ rõ trước sự phát triển năng động, đa dạng của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường.

1.3 Về  góp phần thu hút, khuyến khích các hoạt động đầu tư.

Luật Đầu tư năm 2006 là một trong những nguyên nhân tạo ra rào càn trong thu hút đầu tư. Cuộc cạnh tranh thu hút vốn đầu tư nước ngoài trên thế giới và khu vực đang diễn ra ngày càng gay gắt, các nước trong khu vực đang cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư theo hướng tự do hóa đầu tư, thương mại, làm cho hệ thống luật pháp về đầu tư nước ngoài thông thoáng thì hệ thống pháp luật nước ta tạo ra nhiều rào cản, thủ tục hanh chính rườm rà, tốn kém kho6gn cần thiết làm giảm dần tính cạnh tranh so với các nước trong khu vực. Thực tế cho thấy rằng Luật đầu tư vẫn chưa thể hiện chính sách ưu đãi, khuyến khích có tính cạnh tranh và vẫn chưa có sự tương đương so với các nước trong khu vực nhằm huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài của mọi thành phần kinh tế.

1.4 Về cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước thực hiện việc quản lý các nhà đầu tư và các hoạt động đầu tư.

Luật đầu tư được ban hành với mục đích tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, đầy đủ, thống nhất cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động xúc tiến đầu tư, bảo đảm việc quản lý nhà nước đối với hoạt động hiệu quả, tạo điều kiện động viên các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân tích cực, chủ động tham gia vào hoạt động xúc tiến đầu tư. Tuy nhiên điều này vẫn chưa thực thi triệt để trên thực tế. Hiện nay, công tác quản lý hoạt động đầu tư và sử dụng vốn đầu tư vẫn chưa được thực hiện; chưa khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư theo đúng mục tiêu, định hướng của chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; chống thất thoát, lãng phí; bảo đảm tính công khai, minh bạch trong quản lý đầu tư.  Đồng thời, nguyên tắc “tiền đăng, hậu bỏ” cũng nên được bãi bỏ và thay thể bằng một nguyên tắc khác thật sự có lợi hơn cho doanh nghiệp đó là “tiền đăng, hậu kiểm”. Theo đó, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước theo nguyên tắc này là được xác định rõ là tạo luật chơi, hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ luật chơi đồng thời qua đó xử lý kịp thời hành vi vi phạm chứ không phải là chỉ tìm kiếm vi phạm để xử lý. Tư duy quản lý nhà nước theo nguyên tắc này buộc từng công chức trong bộ máy phải thay đổi cách hành xử với doanh nghiệp. Đặc biệt, trên nguyên tắc này, yêu cầu phối hợp giữa các cơ quan nhà nước cùng một cấp, giữa các cấp trong theo dõi, giám sát doanh nghiệp nhằm tránh chùng lặp, chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp có nghĩa quyết định.

2.  Không cần thiết phải sửa đổi Luật đầu tư mà nên bãi bỏ Luật Đầu tư

Giả sử nếu không có Luật đầu tư năm 2006 thì vấn đề thì sẽ xảy ra?

Có thể đặt một số câu hỏi sau:

-          Các nhà đầu tư có thể thực hiện hoạt động đầu tư dựa vào các văn bản pháp luật khác mà không cần có Luật đầu tư hay không?

-          Hoạt động thu hút đầu tư sẽ theo chiều hướng nào, nghĩa là hoạt động đầu tư sẽ tăng hay giảm?

-          Chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam do ngân hàng thế giới đánh giá sẽ là tăng hay giảm, so với chỉ số đánh giá năm 2013 là 99/189?

-          Nếu không có Luật đầu tư thì cơ quan nhà nước có quản lý được hoạt động đầu tư hay không?

Chúng tôi xin đi vào trả lời từng câu hỏi trên.

Thứ nhất, tôi cho rằng các nhà đầu tư hoàn toàn có thể thực hiện hoạt động đầu tư và hoạt động kinh doanh mà không nhất thiết phải có Luật đầu tư năm 2006. Đối với thủ tục đầu tư, chúng ta hoàn toàn có thể cho phép các nhà đầu tư nước đăng ký doanh nghiệp theo Luật doanh nghiệp năm 2005 giống như các nhà đầu tư trong nước, vừa tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng cho các nhà đầu tư không phân biệt trong nước và nước ngoài phù hợp với những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã, đang và sẽ tham gia. đối với các hoạt động, khuyến khích , ưu đãi, điều kiện đầu tư đã được quy định trong các văn bản chuyên ngành khác như Luật Thuế, Luật Đất đai…

Thứ hai, nếu thủ tục đầu tư đơn giản, thuận tiện thông qua việc đăng ký doanh nghiệp giống như nhà đầu tư trong nước thì trong thời gian 8 năm sẽ thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài sẽ đầu tư vào Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi muốn đề nghị Bộ kế hoạch- Đầu tư đánh giá lại xem, trong thời gian 8 năm kể từ ngày Luật đầu tư  năm 2006 có hiệu lực đến nay thì có bao nhiêu nhà đầu tư nước ngoài đã từ bỏ thị trường Việt Nam vì lý do thủ tục đầu tư phiền hà không cần thiết, và chúng ta đã đánh mất bao nhiêu cơ hội trong việc thu hút đầu tư trong việc tạo công ăn việc làm, phát triển kinh tế và có phần nào là nguyên nhân trong việc suy giảm nguồn vốn đầu tư trong việc phát triển kinh tế của đất nước.

Thứ ba,  Nếu không có  những văn bản như Luật Đầu  tư năm 2006 thì môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ không bị đánh giá ở mức rất thấp như năm 2013 là 99/189 mà có thể tăng ít nhất vài chục bậc.

Thứ tư, Chúng tôi cho rằng, các cơ quan nhà nước hoàn toàn có thể quản lý hoạt động đầu tư mà không nhất thiết phải có Luật đầu tư năm 2006. Trong trường hợp này chúng ta sẽ áp dụng triết để nguyên tắc “tiền đăng, hậu kiểm” đối với nhà đầu tư nước ngoài.Tuy nhiên,  hiện nay chúng ta vẫn còn mang tư kiểm kiểm tra chặc chẽ thủ tục ban đầu trước cho nhà đầu tư nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư, điều này là hoàn toàn không cần thiết, chúng tôi tin rằng hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều có những mục đích tốt đẹp khi thực hiện hoạt động đầu tư ở Việt Nam, còn việc sai phạm của các nhà đầu tư trong quá trình đầu tư đã có những quy định và biện pháp xử lý rõ ràng, còn việc chúng ta không thể xử lý hoặc không xử lý đã thể hiện trình độ quản lý yếu kém của cán bộ nhà nước hoặc có hiện tượng tiêu cực trong quản lý nhà nước đối với các hoạt động đầu tư.

            Từ những lý do đó, tôi cho rằng không cần thiết phải ban hành Luật đầu tư gây thêm tốn kém, những quy định nào của Luật đầu tư có thể đưa vào các đạo Luật khác như thủ tục đầu tư đưa vào Luật doanh nghiệp chẳng hạn, còn những vấn đề khác nếu đã được quy định rồi thì nên vận dụng xử lý. Hiện nay, nước ta đã có quá nhiều những văn bản pháp luật trùng lắp và chồng chéo thì không nên ban hành thêm nhiều đạo luật mà tính khả thi không cao.

            Rất cám ơn các cơ quan soạn thảo, ban tổ chức đã tổ chức buổi lấy ý kiến, theo ý của chúng tôi thì việc tổ chức lấy ý kiến Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp nên diễn ra cùng một lúc để thuận tiện cho hoạt động góp ý vì hai văn bản này có liên quan một cách chặt chẽ với nhau.

Chúc hội thảo thành công tốt đẹp.

Trân trọng.

Các văn bản liên quan