Góp ý dự thảo báo cáo rà soát Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp – Luật sư Đào Ngọc Chuyền

Thứ Tư 08:55 14-09-2011

Luật thuế thu nhập doanh nghiệp từ khi ban hành đã tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tăng cường hạch toán kế toán, mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tiễn của nền kinh tế và phù hợp với Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định số 732/QĐ-TTg ngày 17/05/2011.

 

Bản Báo cáo rà soát Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đã nêu được những kết quả có ý nghĩa to lớn không thể phủ nhận, đồng thời chỉ ra các bất cập, vướng mắc nổi bật trong quá trình thực hiện

 

1. Thời điểm xác định doanh thu chịu thuế chưa rõ ràng

 

Theo đó, hiện nay Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định đối với họat động cung ứng dịch vụ thì thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hoá đơn cung ứng dịch vụ. Trường hợp thời điểm lập hoá đơn xảy ra trước thời điểm dịch vụ hoàn thành thì thời điểm xác định doanh thu được tính theo thời điểm lập hoá đơn.

           

Tuy nhiên, đối với hoạt động bán hàng hóa thì luật lại chỉ quy định thời điểm xác định doanh thu để tính thu nhập chịu thuế là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hoá cho người mua. Luật chưa quy định trường hợp thời điểm lập hoá đơn xảy ra trước thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hoá thì thời điểm xác định doanh thu được tính theo thời điểm lập hoá đơn. Trên thực tế, đối với hoạt động này thời điểm lập hóa đơn thường xảy ra trước thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, và mặc dù chưa giao hàng nhưng vẫn phải xác định doanh thu tính thuế.

           

Do đó, kiến nghị bổ sung  về thời điểm xác định doanh thu chịu thuế trong trường hợp bán hàng nhưng xuất hóa đơn trước khi giao hàng là hoàn toàn hợp lý.

           

2. Vấn đề các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

           

2.1. Đối với quy định về khoản chi phí nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng để tính thu nhập chịu thuế.

 

Hiện nay, vẫn chưa có văn bản nào quy định cụ thể căn cứ để xác định định mức tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng đối với từng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo quy định tại Thông tư 130/2008/TT-BTC thì mức tiêu hao hợp lý nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá sử dụng vào sản xuất, kinh doanh do doanh nghiệp tự xây dựng. Mức tiêu hao hợp lý được xây dựng từ đầu năm hoặc đầu kỳ sản xuất sản phẩm và thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 3 tháng kể từ khi bắt đầu đi vào sản xuất theo mức tiêu hao được xây dựng. Trường hợp doanh nghiệp trong thời gian sản xuất kinh doanh có điều chỉnh bổ sung mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu, nhiên liệu, năng lượng, hàng hoá thì doanh nghiệp phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

           

Việc doanh nghiệp tự kê khai, tự chịu trách nhiệm và thông báo với cơ quan thuế dẫn đến việc không rõ ràng, minh bạch, khó khăn trong việc kiểm tra. Căn cứ để xác định thế nào là mức tiêu hao hợp lý chủ yếu dựa vào ý chí chủ quan của người đánh giá. Do đó, gây khó khăn cho cả người kê khai lẫn người kiểm tra.

           

2.2. Theo quy định của pháp luật thì khoản chi tiền lương, tiền công của chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên (do một cá nhân làm chủ); thù lao trả cho các sáng lập viên, thành viên của hội đồng thành viên, hội đồng quản trị không trực tiếp tham gia điều hành sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ không được tính vào chi phí. Tuy nhiên, khoản tiền nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản chi phí an sinh khác cho những người này có được tính vào chi phí của doanh nghiệp không thì lại chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể gây ảnh hưởng tới quyền lợi của các đối tượng nêu trên. Do đó cần có quy định làm rõ vấn đề này.

           

2.3. Hiện nay các quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế được quy định rải rác tại các văn bản pháp luật về thuế. Cụ thể được quy định tại Điều 9 Luật thuế thu nhập doanh nghiệp; Điều 9 Nghị định 124/2008/NĐ-CP; điểm 2 mục IV Thông tư 130/2008/TT-BTC. Theo đó có những quy định được nhắc lại nhiều lần tại các văn bản, có những quy định bổ sung, có những quy định làm rõ dẫn đến việc theo dõi, áp dụng, thực hiện là rất khó khăn, thiếu thống nhất … Vì vậy để việc theo dõi, thực hiện các quy định này được dễ dàng và thống nhất thì theo tôi quy định về các khoản chi được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế nên được quy định thống nhất tại một văn bản.

 

3. Một số khoản chi phí cụ thể

 

3.1. Tại điểm 4: Tiền lương, tiền công  và các khoản phải trả cho người lao động, Báo cáo viết: “Theo quy định trên: cùng là tiền học cho con, tiền nhà ở: nếu DN chi trả hộ thì sẽ được hạch toán vào chi phí, nếu DN trả tiền cho người Lao động để người lao động tự tìm nhà ở, tự trả tiền nhà thì lại không tính vào chi phí. Nên lấy yếu tố có hóa đơn chứng từ, không nên gắn ai chi trả”.

           

Đề xuất: “Nên lấy yếu tố có hóa đơn chứng từ, không nên gắn ai chi trả” là không cần thiết. Chỉ cần đặt ra 2 trường hợp:

           

+ Thứ 1: Doanh nghiệp trả tiền nhà, tiền học thay cho người lao động (Quy định trong Hợp đồng lao động) ---> chi phí hợp lý.

           

+ Thứ 2: Người lao động tự trả tiền nhà, tiền học; doanh nghiệp trả cho Người lao động khoản tiền này qua lương (Quy định trong hợp đồng lao động)

---> chi phí hợp lý.

Điều quan trọng nhất trong vấn đề này là cần phải quy định rõ trong Hợp đồng lao động.

           

3.2. Tại điểm 7: Phần chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới; chi tiếp tân, khánh tiết, hội nghị; chi hỗ trợ tiếp thị, chi hỗ trợ chi phí, chiết khấu thanh toán, Báo cáo viết: “Hiện hành, mức chi này khống chế theo mức 10% và 15% (3 năm đầu cho DN mới thành lập). Việc khống chế trong giai đoạn tới là cần thiết, tuy nhiên trong điều kiện hiện hành DN phải cạnh tranh, giới thiếu quảng cáo để  tiêu thụ được sản phẩm chiểm lĩnh thị trường thì  tỷ lệ đó không còn phù hợp với một số lớn DN”.

 

Nhận định trên của tác giả chỉ đúng đối với các doanh nghiệp có chi phí về quảng cáo, giới thiệu trưng bày sản phẩm lớn mà không có hóa đơn chứng từ mang về hạch toán.

 

4. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp quá cao

 

Mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 25% hiện nay so với một số nước trong khu vực chỉ ở mức trung bình. Tuy nhiên, nếu như giảm thuế, doanh nghiệp sẽ nộp Ngân sách nhà nước ít hơn và phần giảm nộp Ngân sách sẽ đầu tư tái tạo mở rộng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp kinh doanh có lãi sẽ có điều kiện để nộp vào Ngân sách chu kỳ sau. Và như vậy mặc dù mức thuế giảm, nhưng ngược lại hiệu quả sản xuất kinh doanh cao, DN có lãi nhiều hơn và họ sẽ nộp thuế cho Nhà nước nhiều hơn.

 

Hơn nữa, hiện tình trạng “chuyển giá” của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang diễn ra khá phổ biến và đang tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp trong nước. Các doanh nghiệp lợi dụng việc thuế suất thu nhập doanh nghiệp ở các nước khác thấp hơn, dùng biện pháp chuyển giá để tránh thuế ở Việt Nam. Thay vì nộp thuế ở Việt Nam họ lại nộp ở quốc gia khác, có sản xuất kinh doanh tại quốc gia đó, có mức thuế thấp hơn hoặc ưu đãi thuế; hoạt động chuyển giá này sẽ dẫn đến thất thu ngân sách ở Việt Nam.

 

Đối với các doanh nghiệp trong nước, thì mức thuế suất hiện nay là 25% cũng là quá cao khi mà tất cả những chi phí đầu vào đều tăng cao; hơn nữa việc huy động vốn của doanh nghiệp hiện nay tương đối khó khăn. Do đó, nếu thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp giảm hơn nữa sẽ tạo cơ hội để  doanh nghiệp tích lũy vốn, tái sản xuất đầu tư; kích thích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Mức thuế thu nhập doanh nghiệp nên giảm xuống từ 20% đến dưới 25 % là hợp lý.

 

Mức thuế thu nhập doanh nghiệp giảm cũng là yếu tố tác động thúc đẩy thu hút vốn đầu tư nước ngoài và khuyến khích sản xuất kinh doanh.

 

Các văn bản liên quan