Một số ý kiến đối với dự thảo rà soát Luật Quản lý thuế – Luật sư Đào Ngọc Chuyền

Thứ Tư 08:52 14-09-2011

GÓP Ý DỰ THẢO RÀ SOÁT LUẬT QUẢN LÝ THUẾ

 

1. Quy định về thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp

Tại vấn đề 4 của bản Dự thảo báo cáo có nêu lên quy định tại Điều 32 Luật quản lý thuế về thời hạn nộp hồ sơ khai thuế. Theo đó, báo cáo chỉ ra thời gian 90 ngày là quá ngắn để DN tập hợp chứng từ lập quyết toán thuế. Có trường hợp, đến hạn DN vẫn nộp quyết toán, sau khi có kết quả kiểm toán lại làm hồ sơ điều chỉnh quyết toán thuế năm, rất mất thời gian cho DN. Trên cơ sở đó, khuyến nghị để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đề nghị sửa đổi Điều 32 Luật Quản lý thuế theo hướng kéo dài thời hạn nộp hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo tôi khuyến nghị như vậy cần cân nhắc thêm. Bởi vì, Điều 19 Luật Kế toán quy định chứng từ kế toán phải được lập rõ ràng, đầy đủ, kịp thời (Luật kế toán thời hạn nộp báo cáo tài chính là 90 ngày), Điều 33 Luật Quản lý thuế quy định về việc gia hạn nộp hồ sơ khai thuế trong trường hợp người nộp thuế không có khả năng nộp hồsơ khai thuế đúng hạn do thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ. Thời gian gia hạn không quá 30(ba mươi) ngày đối với việc nộp hồ sơ khai thuế tháng, khai thuế năm, khai thuế tạm tính, khai thuế theo từng lần phát sinh nghĩa vụ thuế; 60 (sáu mươi) ngày đối với việc nộp hồ sơ khai quyết toán thuế, kể từ ngày hết thời hạn phải nộp hồ sơ khai thuế. Bên cạnh đó, Luật Quản lý thuế còn quy định Điều 34 về việc khai bổ sung hồ sơ khai thuế.
Như vậy, pháp luật hiện hành đã quy định thủ tục gia hạn nộp hồ sơ, khai bổ sung hồ sơ cho những trường hợp doanh nghiệp chưa thể hoàn thành quyết toán thuế. Và tình trạng chung, mỗi khi vướng mắc phát sinh sẽ có khái niệm “kéo dài” thời gian. Tôi cho rằng đó là một bước thụt lùi về quản lý, trong khi chúng ta đang đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đơn giản hóa và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp kinh doanh sản xuất. Vấn đề này cần phải được cân nhắc từ cả góc độ cơ chế quản lý và phía doanh nghiệp; cơ chế quản lý tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhưng mặt khác doanh nghiệp cũng phải tự mình đổi mới, cải tiến trong hoạt động sản xuất kinh doanh, không nên gặp vướng mắc khó khăn là đòi kéo dài/hoãn ….Đề nghị chỉ quy định việc khai bổ sung đối với hoạt động của doanh nghiệp đặc thù quy mô lớn, mang lưới tổ chức rộng, nhiều đơn vị thành viên..nhất là những doanh nghiệp cần phải có thời gian khá dài để kiểm toán (các tập đoàn, tổng công ty). Nội dung sửa đổi theo hướng cho phép gia hạn thời gian nộp hồ sơ quyết toán, tính từ ngày hết thời hạn phải nộp hồ sơ khai quyết toán thuế TNDN nhưng phải có biện pháp kiểm soát có điều kiện. Có thể giao Bộ tài chính làm cơ quan nghiên cứu và đưa ra đề xuất sửa đổi cho phù hợp. 
           

2. Một số khuyến nghị khác

-  Cần quy định mở rộng phạm vi thu thập thông tin về người nộp thuế từ nguồn nước ngoài theo các Hiệp định, Điều ước Việt Nam đã ký kết. Như chúng ta đã biết xu hướng hội hập và cải cách hành chính đã tạo ra thông thoáng cho doanh nghiệp, các giao dịch quốc tế được đa dạng hoá, do đó cũng phát sinh những mặt tiêu cực như việc dàn xếp tránh thuế, giả mạo doanh nghiệp... Vì vậy, cần thiết bổ sung nội dung cho phép cơ quan quản lý thuế được thu thập và sử dụng các thông tin do các đối tác nước ngoài cung cấp trên cơ sở các điều ước quốc tế. Bổ sung vào khoản 2 Điều 70 cho phép cơ quan quản lý thuế áp dụng các biện pháp nghiệp vụ cần thiết để thu thập, xử lý thông tin theo mục tiêu và yêu cầu của từng giai đoạn, bao gồm cả việc thu thập và sử dụng các thông tin do cơ quan thuế của những nước có hiệp định chống gian lận về thuế và hiệp định tránh đánh thuế trùng với Việt Nam cung cấp trên cơ sở điều ước quốc tế. 
           

- Quy định về quản lý thông tin về người nộp thuế. Khoản 1 Điều 69 Luật quản lý thuế quy định: “Hệ thống thông tin về người nộp thuế bao gồm những thông tin, tài liệu có liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế”. Như vậy, Luật quản lý thuế chỉ đưa ra  khái niệm chung giới hạn phạm vi thông tin về người nộp thuế là những thông tin, tài liệu liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế. Luật không quy định cụ thể và không làm rõ được những thông tin, tài liệu nào là thông tin, tài liệu liên quan đến nghĩa vụ thuế của người nộp thuế? Chính lý do đó nên mỗi lần cơ quan quản lý thuế yêu cầu chủ thể nào đó cung cấp thông tin về người nộp thuế thì phải giải thích rõ thông tin đó có liên quan đến nghĩa vụ thuế của ai, cụ thể là loại thuế nào? Tại khoản 4 Điều 70 Luật quản lý thuế quy định: “Bộ tài chính quy định cụ thể việc xây dựng, thu thập, xử lý và quản lý hệ thống thông tin về người nộp thuế”. Luật quản lý thuế quy định về những chủ thể có trách nhiệm phải giữ bí mật thông tin của người nộp thuế nhưng lại chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Như vậy, mọi thông tin về người nộp thuế đều được giữ bí mật hay chỉ một nhóm những thông tin cần thiết? Cơ chế bảo mật thông tin về người nộp thuế như thế nào? Trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, cán bộ công chức thuế, người có liên quan như thế nào khi vi phạm quy định về bảo mật thông tin của người nộp thuế? vv… 
           

 - Cần tổng hợp được các vướng mắc của doanh nghiệp và người nộp thuế để bổ sung/ quy định chi tiết cụ thể hơn trong Luật. Vì hiện nay các vướng mắc tồn tại mà Tổng cục thuế phải trả lời hàng tháng cho các Cục thuế địa phương/ các doanh nghiệp và người nộp thuế trong cả nước. Điều đó là do Luật của chúng ta quy định chưa rõ ràng, Nghị định, Thông tư cũng không giải thích được các vướng mắc đó hay là cơ chế thực hiện còn những khúc mắc khác? Nếu Thông tư không rõ ràng được thì nếu có thể, việc xây dựng Luật cần nghiên cứu lại để dễ hiểu và dễ áp dụng. 
           

- Đối với các quy định của pháp luật quản lý thuế về xử phạt vi phạm. Tại Khoản 5, Điều 33, Nghị định 51/2010 về hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ. Trong trường hợp các giao dịch có giá trị lớn, trả tiền nhiều lần đến hàng chục tỷ đồng mà người bán hàng hóa không xuất hóa đơn hoặc xuất hóa đơn nhưng không giao cho người mua thì phạt đến 20 triệu đồng là quá thấp. Quy định như vậy liệu có còn phù hợp không? Có đủ sức răn đe không? Có thể tăng mức xử phạt không? 
           

- Cần quy định cụ thể: Chi phí trích khấu hao chỉ đặt ra đối với tài sản hoạt động trong sản xuất kinh doanh, còn tài sản chưa được đưa vào sản xuất thì có thể tính “hao mòn vô hình” tương ứng (nếu có) nhằm xác định đúng giá trị doanh nghiệp và có thể liên hệ giữa quy định về tính khấu hao tài sản cố định hay giảm giá trị tài sản cố định do hao mòn vô hình, đưa vào chi phí. Ví dụ năm 2005 Doanh nghiệp A mua tài sản cố định là 01 máy nghiền để phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, do thay đổi về cơ cấu ngành sản xuất của Doanh nghiệp nên đến thời điểm năm 2011 máy này vẫn chưa được đưa vào sử dụng. Theo quy định, thì máy nghiền này không được tính khấu hao tài sản cố định do chưa được đưa vào sản xuất. Như vậy việc không được tính khấu hao tài sản cố định đối với máy nghiền này là thiệt cho Doanh nghiệp. Nên chăng cần quy định không được tính khấu hao tài sản cố định thì tài sản chưa được đưa vào sử dụng sẽ được tính hao mòn vô hình để DN không bị thiệt. 
           

 - Luật quản lý thuế cần điều chỉnh quy định không tính vào chi phí hợp lí các khoản tiền lương, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đối với luật sư Trưởng văn phòng.  Bởi vì theo quy định của Luật Luật sư thì người tập sự hành nghề Luật sư không được ký vào các văn bản tư vấn và không được bào chữa tại Tòa án. Ví dụ đối với văn phòng luật sư chỉ có Trưởng văn phòng là Luật sư thì người làm chính của VP đó chính là Trưởng văn phòng. Nhưng các khoản chi lương, chi bảo hiểm cho Trưởng văn phòng lại không được tính vào chi phí hợp lý là một điều rất thiệt thòi cho Văn phòng luật sư khi hạch toán. 
  
           

Do vậy, cần sớm sửa đổi, bổ sung các luật về chính sách thuế và các văn bản pháp luật khác có liên quan để bảo đảm tính đơn giản, minh bạch, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện tạo thuận lợi cho người nộp thuế tự nguyện tuân thủ pháp luật thuế. 
           

Đồng thời với việc sửa đổi, bổ sung các Luật và chính sách thuế, các văn bản có liên quan, cần tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thuế và phát triển hệ thống tin học ngành thuế theo chuẩn quốc tế. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc hỗ trợ người nộp thuế thực hiện thủ tục khai thuế, nộp thuế, giảm thời gian thực hiện TTHC và giảm chi phí cho người nộp thuế.

 

Các văn bản liên quan