GÓP Ý DỰ THẢO 10 BỘ LUẬT THI HÀNH ÁN

Thứ Hai 15:00 19-06-2006

Để thi hành bản án, quyết định của Trọng tài Nước ngoài tại Việt Nam được khả thi, tôi xin góp ý một số nội dung liên quan đến án của Toà Kinh tế.

Trang 25, Mục 2 thi hành án kinh tế: theo chúng tôi nên đổi chữ “kinh tế” thành chữ “kinh doanh – thương mại” vì sau khi Bộ luật dân sự, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2005 có hiệu lực thì không còn khái niệm án kinh tế nữa. Tòa kinh tế thì không sửa được bởi vướng luật Tổ chức Toà án.

Thứ hai: Đối với trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến thi hành án Chương XIII:
Điều 155: nhiệm vụ, trách nhiệm của Toà án nhân dân đối với việc thi hành án, tại Khoản 2 Điều 155 nên nghiên cứu chỉnh sửa lại, vì không có giá trị nhiều, đó chỉ là thủ tục công tác. Khi thực hiện áp dụng những điều về biện pháp khẩn cấp tạm thời thì cũng có những lúc phải thực hiện ngoài giờ, còn bố trí như thế nào để có thẩm phán thì theo tôi nên dành cho Chánh án. Ta nên quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Chánh án, về cụ thể bố trí người ngày nào, giờ nào, tháng nào, quý nào vv… thì thực tế chánh án không cần giải thích.

Để thi hành bản án dân sự cũng như cũng như quyết định của trọng tài nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực, được nhanh chóng: chúng tôi thấy theo thủ tục này thì từ khi đương sự ở nước ngoài gửi đơn đến Bộ Tư pháp Việt Nam yêu cầu Toà án Việt Nam công nhận cho thi hành án tại Việt Nam nếu suôn sẻ cũng đã mất trên dưới 10 tháng, còn nếu không cũng mất đến 1 năm. Theo tôi thời hạn hơi dài, nhưng không sửa được vì Bộ luật dân sự của chúng ta mới ra đời năm 2005. Phải qua Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp chuyển cho Toà án, Toà có 4 tháng nghiên cứu, xem xét, nếu Toà án thấy là Toà án nước ngoài, Trọng tài nước ngoài hoặc người có đơn yêu cầu được công nhận cần phải giải thích thì được kéo dài thêm 2 tháng nữa là mất 6 tháng. Rồi lại đưa ra cuộc họp xét như trình tự xử án, phải qua cấp thứ nhất, nếu không đồng ý thì lại kháng cáo quyết định ấy lên qua cấp thứ hai của Toà án nhân dân tối cao ra quyết định cuối cùng. Theo trình tự như vậy nếu suôn sẻ thì mất 10 tháng. Rồi cũng có hoãn, đương sự vắng mặt lần thứ nhất thì phải hoãn, viện kiểm sát vắng mặt cũng phải hoãn. Như vậy rất mất thời gian, ở đây tôi đề cao trách nhiệm của các cơ quan với nhau, Bộ Tư pháp xem xét sớm, gửi đến Toà án, Toà án có cần giải thích thì gửi đến Bộ Tư pháp. Thực tế ở các Toà án địa phương có nhiều văn bản gửi đến Bộ Tư pháp, sau năm, sáu tháng không thấy trả lời. Điều quan trọng là làm thế nào để có được quyết định là công nhận hay không công nhận cho rạch ròi, rõ ràng.

Theo chúng tôi, muốn thi hành án tốt thì pháp luật chúng ta phải đồng bộ. Thí dụ: bây giờ chúng ta còn vướng rất nhiều quy định về quyền tài sản, thế nào là động sản, thế nào là bất động sản? Trong Bộ luật thi hành án cần quy định cụ thể, rõ ràng quyền, trách nhiệm của từng người, ví dụ kiểm sát viên, chấp hành viên. Cơ quan thi hành án không thể đề nghị là bản án sai hay đúng, chấp hành viên chỉ có nhiệm vụ thi hành lệnh của Toà thôi. Tôi nghĩ việc phát hiện bản án đúng hay sai là rất hoan nghênh nhưng về nguyên tắc là vẫn phải thi hành, chứ không thể nói rằng bản án này sai chúng tôi không thi hành.

Về giải quyết: quy định đương sự có quyền yêu cầu Toà án ra các biện pháp khẩn cấp tạm thời. Vấn đề này cần xem lại, vì nếu theo điều này thì toà án trong lúc giải quyết vụ kiện, hoặc trước khi giải quyết vụ kiện nếu đương sự viết đơn xin áp các biện pháp khẩn cấp tạm thời lại phải kèm với đơn khởi kiện.

Các văn bản liên quan