Ông Đào Ngọc Chuyền – Ngân hàng Công thương Việt Nam

Thứ Hai 14:52 19-06-2006

Điều 4: Nguyên tắc hoạt động dịch vụ đòi nợ
Khoản 1: cần phải xem xét, gắn với quan hệ với luật khác về hợp đồng uỷ quyền trong Bộ Luật dân sự, Điều 581 Bộ Luật Dân về hợp đồng uỷ quyền, nội dung quy định, phạm vi, chủ thể, đối tượng tác động, phương pháp điều chỉnh thì không khác với quy định tại Khoản 5 Điều 3 giải thích từ ngữ của dự thảo Nghị định về dịch vụ đòi nợ. Như vậy theo Điều 581 BLDS thì thực ra hoạt động uỷ quyền là chúng ta có thể uỷ quyền cho một người khác có đủ năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự để thực hiện việc này mà không cần là “một doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ”, nếu chúng ta giải quyết vấn đề này thì không bàn là tổ chức đó có 5 tỷ, hay không có tiền, đó là luật sư hay không là luật sư.

Tôi có người bạn đi chữa bệnh dài ngày ở nước ngoài, anh có một khoản nợ sắp đến hạn, anh uỷ quyền cho tôi đến hạn là đòi con nợ phải trả cả gốc và lãi, không đòi được thì phải tiến hành tất cả các biện pháp mà anh đang có quyền, kể cả việc kiện.

Khi khách hàng muốn chọn dịch vụ một phần hay trọn gói, đây là quyền dân sự tối cao, liên quan quyền tài sản được hiến pháp và pháp luật quy định rất rõ. Nếu chúng ta chấp nhận nguyên tắc dịch vụ đòi nợ theo Khoản 1 Điều 4 thì chắc chắn là trái pháp luật.

Thứ hai, Khi Hợp đồng dân sự liên quan đến thời hạn và nghĩa vụ thành toán bị vi phạm, đối với hợp đồng đối ngẫu, quyền của bên này là nghĩa vụ của bên kia, đặc biệt lại liên quan đầy đủ nợ, gốc, lãi quá hạn trong hạn, trong trường hợp này chủ nợ có toàn quyền tự mình hoặc thuê luật sư hoặc thuê người khác có đủ năng lực hành vi dân sự, năng lực pháp luật dân sự thì những người này có quyền yêu cầu khách nợ thực hiện nghĩa vụ thanh toán hoặc thực hiện nội dung hoạt động dịch vụ đòi nợ như quy định Điều 7. Tôi nghĩ rằng những việc này không đến mức là kinh doanh có điều kiện, cũng không đến mức chỉ dành cho phạm vi đối tượng là một doanh nghiệp. Chưa chắc tổ chức này có 10 tỷ hoặc trên 10 tỷ mà có đủ năng lực hành vi dân sự trong kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bởi vì đòi nợ là một kỹ năng gồm một hoặc nhiều khâu liên tiếp có sự chuyển dịch và kế thừa để buộc những người mắc nợ phải thực hiện nghĩa vụ của mình để đảm quyền lợi hợp pháp cho chủ nợ. Nếu chúng ta quy định như vậy, có thể chúng ta ban hành văn bản quy phạm pháp luật đẩy lùi sự phát triển.

Về quản lý, chúng ta không nên quản lý theo phương thức sợ người ta làm sai thì chúng ta khoanh vùng lại, còn việc một ai đó nhận trách nhiệm trước một người có quyền dân sự hay quyền thương mại liên quan đến khối tài sản mà người ta được hưởng cả gốc, lãi, phí hoặc cả quyền gia hạn nợ, cơ cấu nợ. Tôi tin rằng một người nào đó với tư cách cá nhân mà vi phạm những quy định của pháp luật ở mức độ nhẹ thì bị xử phạt hành chính hoặc mức độ nặng hơn có thể phạm tội hình sự.

Điều 8: không phù hợp, có sự mâu thuẫn “chỉ được thực hiện đối với các khoản nợ đã quá hạn thanh toán” và “không đựoc thực hiện dịch vụ đòi nợ đối với khoản nợ có tranh chấp” chúng tôi cho rằng hai ý này có mâu thuẫn về mặt pháp lý, quan hệ dân sự có tranh chấp khi có một hoặc một số điều khoản của hợp đồng bị vi phạm mà trong trường hợp này có thể vi phạm thời hạn thanh toán hoặc quá hạn trả nợ gốc hoặc lãi, khi đó nợ này có thể được thực hiện bởi dịch vụ đòi nợ vì nó quá hạn nhưng nó sẽ mâu thuẫn ở chỗ khi nó đã quá hạn trả nợ thì quyền lợi của chủ nợ và mắc nợ sẽ bị mẫu thuẫn, trường hợp này người ta coi nó là tranh chấp. Vậy nếu coi việc quá hạn là quá hạn thanh toán thì nó được thực hiện bởi dịch vụ đòi nợ, còn nếu coi nó là tranh chấp thì nó không được thực hiện bởi kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Đây là nội dung mâu thuẫn.
 

Các văn bản liên quan