GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH VỀ KINH DOANH DỊCH VỤ ĐÒI NỢ

Thứ Hai 15:03 19-06-2006

Hiện nay có quá nhiều chủ nợ trong quan hệ kinh tế và dân sự không thu hồi được công nợ. Điều này làm xấu đi môi trường kinh doanh, làm cho nhiều chủ nợ lâm vào cảnh phá sản giải thể. Việc không đòi nợ quá hạn thường là những nguyên nhân sau:

Chủ nợ
: Chưa hiểu rõ về luật pháp nên có nhiều khoản phát sinh nợ không đủ bằng chứng như chấp nhận thanh toán trả sau khi nhận hàng và dịch vụ nhưng không có xác nhận nợ, mua bán chịu nhưng không tuân thủ theo pháp lệnh về thương phiếu, quá tin tưởng vào khách nợ của mình.

Khách nợ
: Lợi dụng quan hệ thân quen với chủ nợ, coi thường pháp luật, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tiền vốn bất hợp lý.

Cơ quan công quyền
: Còn thơ ơ, lãnh đạm với những đau khổ của các chủ nợ khi không đòi được nợ. Rất nhiều công chức cho rằng việc đòi nợ là nghĩa vụ của doanh nghiệp và cá nhân chủ nợ, cơ quan pháp luật không can thiệp.
 
Thực tế thời gian qua ở Việt Nam chúng ta đã có những chiến dịch thanh toán công nợ giai đoạn 1, 2, 3 mà đến nay cũng chưa giải quyết xong. Anh xuất khẩu may mặc nợ anh may mặc, anh may mặc nợ anh dệt, anh dệt nợ anh sợi, anh sợi nợ ngân hàng… Ngân hàng hiện nay cho các cá nhân vay rất nhiều như cho hộ nông dân, cán bộ công nhân viên, sinh viên vay tiền nhưng chưa được sự “bảo hộ của nhà nước” trong vấn đề đòi nợ cá nhân nói trên. Các công ty bảo hiểm nhân thọ có hàng trăm nghìn  đại lý bảo hiểm nhưng cũng không ít số đại lý thu phí bảo hiểm rồ biển thủ, khi báo với cơ quan Công an  thì doanh nghiệp bảo hiểm không nhận được sự hỗ trợ đòi nợ. Ngay cả án kinh tế, toà kinh tế không giải quyết những vụ giá trị dưới 50 triệu đồng hoặc có giải quyết thì chủ yếu là hoà giải làm nhiều đợt kéo dài thời gian xét xử và phán quyết chưa chắc được thi hành.

Hệ thống pháp luật bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ hiện nay còn quá lỏng lẻo, chưa được cơ quan công quyền coi đó là nghĩa vụ trách nhiệm của mình nhằm bảo vệ quyền lợi cho người đóng thuế (doanh nghiệp chủ nợ hoặc cá nhân chủ nợ) để có ngân sách trả lương cho họ. Chính vì vậy chủ nợ phải đi tìm đến “dịch vụ đòi nợ thuê”. Những người đòi nợ thuê có những luật chơi riêng, có thể dùng cả vũ lực để đòi được nợ.

Việc ban hành nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ là 1 khởi sắc trong cách nhìn  của cơ quan công quyền bảo vệ chủ nợ, thể hiện được tính công khai minh bạch trong dịch vụ đòi nợ.

Về cơ bản chúng tôi nhất trí với dự thảo và xin bổ sung thêm một số ý kiến sau đây:

Điều 3 khoản 5
: Dịch vụ đòi nợ bổ sung vào cuối câu cụm từ  “ đã quá hạn thanh toán” để chính xác hơn.

Điều 8
: Cần bỏ cụm từ “Nợ không phát sinh trong giao dịch dân sự” ở đoạn gạch đầu dòng thứ nhất. Chúng tôi cho rằng tất cả các khoản nợ phát sinh ở lĩnh vực nào cũng có thể thông qua địch vụ đến đòi nợ để đòi nợ. Đây là sự cạnh tranh tích cực giữa cơ quan công quyền (toà án kinh tế) với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Ai phục vụ chủ nợ tốt hơn, có hiệu quả hơn thì người đó sẽ thắng.

Điều 11 khoản 2
: Quyền hạn của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ cần bổ sung thêm: Được thay mặt chủ nợ đưa tranh chấp công nợ ra xét sử tại trọng tài hoặc toà án. Được thay mặt chủ nợ đề nghị với cơ quan công quyền có biện pháp ngăn chặn hành vi trốn nợ, phân tán tài sản, gây khó dễ cho công việc đòi nợ của các khách nợ.

Điều 13
: Và các điều sau không nên quy định chung chung là có chuyên môn về lĩnh vực pháp luật hoặc tài chính mà phải ghi rõ là có bằng cử nhân luật kinh tế, luật dân sự hoặc cử nhân tài chính kế toán.

Điều 19, 20
: Việc quy định tài liệu chứng minh tình trạng nợ phải trả của doanh nghiệp xin cấp phép hoặc thành viên sáng lập quá chung chung và ai xác nhận vấn đề này. Hiện nay đã có cơ quan kiểm toán độc lập khi kiểm toán doanh nghiệp đã thực hiện công việc trên vậy nên dùng hiệu quả của kiểm toán độc lập để kiểm tra tính xác thực “nợ phải trả” của doanh nghiệp xin cấp phép hoặc thành viên sáng lập.

Điểm cuối cùng chúng tôi muốn bổ sung thêm phạm vi hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ có thêm chức năng:
-  Tư vấn cho khách hàng về các thủ tục pháp lý nhằm khi phát sinh nợ, chủ nợ được bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng để đòi nợ,
-  Tư vấn cho khách hàng thủ tục giải quyết tranh chấp công nợ trước hội đồng trọng tài và toà án,
-  Tư vấn cho chủ nợ thương lượng giải quyết công nợ với khách nợ.

Các văn bản liên quan