Góp ý của VPLS Hoàng Long

Thứ Sáu 10:31 26-05-2006
[size=18]Góp ý cho dự thảo Luật Doanh nghiệp thống nhất

Mở đầu: Việc ban hành 1 đạo luật về thành lập, tổ chức, hoạt động và chấm dứt hoạt động để áp dụng chung cho tất cả các loại hình doanh nghiệp không phân biệt đầu tư trong nước và nước ngoài là cần thiết và góp phần tạo sự bình đẳng cho sự phát triển chung của các doanh nghiệp thuộc mọi hình thức sở hữu.

Trên cơ sở những kinh nghiệm về doanh nghiệp thu được trong quá trình hoạt động trong lĩnh vực tư vấn và cung cấp dịch vụ pháp lý hỗ trợ cho các doanh nghiệp mà Văn phòng luật sư Hoàng Long và trước kia là Công ty luật Hoàng Long, chúng tôi xin đóng góp một số ý kiến cho dự thảo Luật doanh nghiệp thống nhất như sau:

I. Về cơ cấu:

Vì đây là đạo luật về doanh nghiệp từ khi thành lập cho đến khi chấm dứt hoạt động nên chúng tôi thấy rằng cần phải có những quy định về giải quyết tranh chấp - là vấn đề thường xảy ra trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp và là yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của doanh nghiệp vì mặt tích cực của tranh chấp là động lực để doanh nghiệp phát triển.
Trong Bộ luật Tố tụng Dân sự (và Pháp lệnh Trọng tài thưong mại) cũng có quy định về giải quyết tranh chấp nhưng giải quyết tranh chấp bằng toà án hay trọng tài chỉ là 1 phương thức giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp, mặt khác trong Bộ luật Dân sự thì doanh nghiệp chỉ là 1 đương sự. Do đó trong Luật này cần phải có quy định về giải quyết tranh chấp.
Chúng tôi thấy cần Bổ sung thêm 1 chương có tiêu đề: "Giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp".

Cơ cấu của chương này: Theo chúng tôi nên có những quy định chung về các vấn đề sau:
1. Các loại tranh chấp thường phát sinh trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp bao gồm:
- Tranh chấp bên ngoài: là tranh chấp giữa các doanh nghiệp với nhau.
- Tranh chấp trong nội bộ doanh nghiệp: là tranh chấp giữa các thành vien của doanh nghiệp.
- Ngoài ra cần quy định về việc quyền khiếu, kiện của doanh nghiệp liên quan đến các quyết định, hành vi hành chính mà các doanh nghiệp cho rằng đã xâm phạm vào quyền hoạt động kinh doanh của họ.
2. Cơ chế giải quyết tranh chấp:
+ Cần quy định về quyền lựa chọn các phương thức giải quyết tranh chấp của doanh nghiệp bao gồm:
- Tự thoả thuận
- Hoà giải qua trung gian
- Bằng cơ quan chuyên giải quyết tranh chấp: Toà án, Trọng tài. Đặc biệt để phù hợp với thế giới nên cần có những quy định mở về các cơ quan giải quyết tranh chấp bằng trọng tài như: trọng tài quy chế, trọng tài ad-hoc), bằng toà án và tính bảo đảm cho hiệu lực thực thi của các phán quyết trọng tài.
+ Cần quy định về quyền lựa chọn luật áp dụng để giải quyết tranh chấp trong hoạt động kinh doanh: luật Việt Nam và có thể luật nước ngoài.
+ Còn về thẩm quyền và trình tự thủ tục giải quyết tranh chấp bằng toà án hoặc trọng tài: Đây là những quy định cụ thể thì sẽ tuân theo Bộ luật tố tụng dân sự hoặc Pháp lệnh trọng tài thương mại.
+ Để bảo đảm quyền khiếu kiện hành chính của các doanh nghiệp chúng tôi thấy có 2 biện pháp: (i) Có thể quy định rõ trong Luật những quyết định hoặc hành vi hành chính nào liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. (ii) Hoặc bổ sung Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính cụ thể mở rộng thẩm quyền của toà án hình chính đối với các quyết định/hành vi hành chính trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ thương mại.

II. Góp ý theo danh mục gợi ý:

1. Vấn đề giấy phép kinh doanh: Định nghĩa như trong Dự thảo là khá phù hợp. Qua thực tế vướng mắc thường xảy ra trong quá trình cấp giấy phép kinh doanh cho doanh nghiệp chúng tôi thấy cần phải ban hành 1 quy trình thống nhất nhưng đảm bảo sự đơn giản tiện lợi và rõ ràng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có được giấy phép nhanh.
2. Vấn đề 2: Về một số ngành nghề đòi hỏi hình thức công ty hợp danh.
Theo chúng tôi, việc quy định 4 ngành nghề bắt buộc phải theo hình thức công ty hợp danh theo như Dự thảo chưa ổn vì vi phạm quyền tự do lựa chọn hình thức hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, có nghĩa là những nhà đầu tư có quyền lựa chọn bất kỳ hình thức nào miễn là họ phải tuân thủ quy định của pháp luật (cụ thể là họ có thể lựa chọn hình thức Công ty TNHH chẳng hạn).
Ngoài ra đối với công ty hợp danh hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ pháp lý chúng tôi thấy loại công ty này nên áp dụng theo quy định của Pháp lệnh Luật sư chứ không quy định trong Luật doanh nghiệp TN.
3. Vấn đề 3: Về hạn chế mức góp vốn vào các doanh nghiệp khác
Chúng tôi thấy rằng trừ một số lĩnh vực nhà nước quản lý có những quy định riêng thì không nên hạn chế mà chỉ cần sự đồng ý của các thành viên của doanh nghiệp đó.
4. Về quy định "Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự"
Chúng tôi hiểu là người này đang ở trong giai đoạn bị Cơ quan điều tra khởi tố bị can và đang chờ truy tố, xét xử (nghĩa là chưa có bản án có hiêụ lực pháp luật của toà án tuyên họ là có tội hay không có tội). Việc cấm những người đang ở trong tình trạng này thành lập doanh nghiệp nên quy định cụ thể là khi đã có kết luận của cơ quan điều tra thì không được tham gia thành lập doanh nghiệp.
5. Về cơ chế đăng ký thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài:
Chúng tôi thấy đã là Luật chung cho các doanh nghiệp không phụ thuộc vào nguồn vốn đầu tư thì nên quy định chung là chỉ cần đăng ký thành lập chứ không cần phải xinphép rồi mới được đăng ký kinh doanh. Ngoài ra quy định về vốn 100.000 $ chúng tôi thấy cũng không cần thiết.
6. Vấn đề 6: Chúng tôi thấy rằng 1 cá nhân cũng có quyền lựa chọn hình thức công ty TNHH để kinh doanh. Khác với hình thức doanh nghiệp tư nhân (là do 1 cá nhân làm chủ) thì hình thức này chủ sở hữu chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn trong số vốn mà họ đã đăng ký.
7. Vấn đề 7: Không cần quy định về tiêu chuẩn của người đại diện theo uỷ quyền vì đã có chế định người đại diện theo uỷ quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự và hoàn toàn có thể áp dụng đối với Luật DNTN. Bởi vì doanh nghiệp có quyền lựa chỉ định người phù hợp là đại diện theo uỷ quyền cho họ.
8. Vấn đề 8: Tương tự đối với giám đốc và TGĐ của Công ty TNHH cũng vậy cũng không cần quy định cụ thể trong luật mà tiêu chuẩn của loại người này sẽ được chính doanh nghiệp quy định trong điều lệ của họ.
9. Vấn đề 9: Tương tự như các vấn đề nêu trên vì đây là chuyện nội bộ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ tự quy định những biện pháp chống sự lạm dụng trong việc chi lương, thù lao, tiền thưởng cho những người này bằng các quy định cụ thể trong điều lệ.
10: Về Ban kiểm soát: Chúng tôi thấy đối với Công ty TNHH có 2 thành viên thì không cần Ban kiểm soát.
11. Về cơ chế vận hành của các cơ quan trong công ty: Chúng tôi thấy trong Luật chỉ cần quy định có tính nguyên tắc còn từng DN sẽ tự ban hành quy chế hoạt động của Ban giám đốc, của HĐQT để quy định về quyền hạn, trách nhiệm cũng như mối quan hệ của những thành viên này phù hợp với điều lệ của DN.
12. Vấn đề tỷ lệ cỷa thành viên, cổ đông: không có ý kiến
13. Về cung cấp thông tin:
Cần quy định thêm về hạn chế là phải nêu rõ lý do thì mới được cung cấp thông tin của doanh nghiệp đây cũng là biện pháp bảo đảm quyền kinh doanh hợp pháp của DN.
14. Về tư cách pháp lý của công ty hợp danh. Loại công ty này vẫn được quyền tham gia tố tụng với tư cách Nguyên đơn và bị đơn theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Chúng tôi thấy quy định về cách thức chịu trách nhiệm tài sản đối với loại DN đối nhân này là hơi nặng (là phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng tài sản của mình). Quy định này thì cũng chưa đảm bảo khả thi vì những thành viên loại công ty này không phải đăng ký vốn nên cũng không xác định là bao nhiêu nên quy định về tính vô hạn này là trừu tượng và không khả thi. Chúng tôi thấy rằng có thể áp dụng quy định là phải bòi thường thiệt hại cho đối tác với giá trị gấp bao nhiêu lần giá trị dịch vụ mà họ thu của khách hàng hoặc giá trị thiệt hại do hành vi của họ gây nên (gấp 2 lần chẳng hạn).
15. Vấn đề áp dụng Luật DNTN đối với các công ty nhà nước: là đúng và cần thiết và phù hợp với mục tiêu ban hành Luật DNTN. Tuy nhiên khác với DN có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo hình thức liên doanh và 100% vốn NN (là hình thức Công ty TNHH) cần phải quy định về trình tự thủ tục riêng để chuyển đổi sang công ty TNHH hay cổ phần - là loại công ty mà vốn của doanh nghiệp tách bạch với vốn của chủ sở hữu.
16: Vấn đề 16 về chuyển đổi các công ty FDI: Chúng tôi thấy cần quy định trình tự thủ tục gọn nhẹ để chuyển sang đối với DN liên doanh và 100% nước ngoài trừ loại hình hợp đồng hợp tác kinh doanh.
17. Về hộ kinh doanh cá thể: Chúng tôi thấy không cần vì tự họ sẽ phải chuyển đổi hình thức phù hợp.
18. Về Chương quản lý nhà nước: Chúng tôi thấy Chương này là không cần thiết.

III. Góp ý từng điều khoản:
Điều 1: Các loại hình doanh nghiệp (sửa đổi làm cho rõ nghĩa)
Để gọi cho đúng với loại hình doanh nghiệp tư nhân theo chúng tôi nên đổi tên "Doanh nghiệp tư nhân" thành "DN do 1 cá nhân làm chủ sở hữu". Vì Công ty TNHH do các cá nhân góp vốn cũng có hình thức sở hữu tư nhân.
Điều 2: áp dụng luật (bổ sung)
Vì quy định về nguyên tắc luật như trong dự thảo là chưa đầy đủ bởi vì có nhiều nguyên tắc áp dụng văn bản pháp luật như: đối với cùng 1 vấn đề nhưng có hai văn bản cùng 1 cơ quan ban hành điều chỉnh (hai cơ quan khác nhau, hoặc đối với cùng 1 vấn đề mà có hai văn bản của 2 cơ quan khác nhau ban hành (nhưng thời gian ban hành khác nhau). Do đó theo chúng tôi nên bổ sung như sau: Nguyên tắc áp dụng theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Điều 3: Giải thích từ ngữ:
Khoản 1: Làm rõ từ "ổn định". Thế nào là ổn định? (1 năm, 2 năm hay bao lâu).
Khoản 4: Bổ sung thêm phần góp vốn như sau: Thương hiệu của hàng hoá, dịch vụ cũng là tài sản góp vốn theo định giá thoả thuận.
Khoản 12a: Trong dự thảo sử dụng cụm từ người đại diện uỷ quyền là chưa chính xác mà là "Người đại diện theo uỷ quyền" - là đây là 1 chế định về uỷ quyền quy định trong Bộ luật Dân sự).
Khoản 13: Trong dự thảo sử dụng cụm từ "Tổ chức lại doanh nghiệp" sẽ gây nhầm lẫn với việc tổ chức (sắp xếp lại) cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp) nên theo chúng tôi phải sử dụng cụm từ " Tổ chức lại hình thức doanh nghiệp" mới chính xác.
14đ. Trong Dự thảo sử dụng cụm từ "người thừa kế đương nhiên" là chưa rõ nên theo chúng tôi nên sử dụng cụm từ "Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất hoặc thứ hai của người quản lý doanh nghiệp" (theo quy định của Bộ luật Dân sự).

18. Chúng tôi thấy rằng cần quy định về địa chỉ như sau: "Địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú hoặc địa chỉ làm việc hay thường xuyên sinh sống của cá nhân mà người đó đăng ký với doanh nghiệp để làm địa chỉ liên hệ (Theo quy định về nơi cư trú theo BLDS).

19. Trong thực tế đã xuất hiện một chủ thể nước ngoài là Người nước ngoài gốc Việt Nam hoặc ngưòi Việt Nam chưa vào quốc tịch nước ngoài nhưng định cư ở nước ngoài nên theo chúng tôi thấy cần bổ sung thêm như sau: "Người nước ngoài gồm cá nhân nước ngoài, người Việt nam định cư ở nước ngoài và doanh nghiệp nước ngoài".
Điều 4: Bảo đảm của Nhà nước đối với DN và người sở hữu DN
Bổ sung thêm quy định sau: "Không có cá nhân, tổ chức nào được quyền can thiệp vào công việc nội bộ của doanh nghiệp".
Điều 6: Ngành nghề kinh doanh: (quy định rõ)
Điểm d khoản 5: Kinh doanh dịch vụ pháp lý:
Vì trong Pháp lệnh luật sư cũng quy định loại hình Công ty luật hợp danh nên trong dự thoả cần quy định sự khác nhau giữa Công ty luật hợp danh thành lập theo Pháp lệnh luật sư và Công ty kinh doanh dịch vụ pháp lý thành lập theo Luật doanh nghiệp thống nhất? Theo chúng tôi bỏ quy định loại hình Công ty luật hợp danh theo Pháp lệnh luật sư.
Điều 6a: Điều kiện kinh doanh và quản lý điều kiện kinh doanh
Điều 7: Quyền của doanh nghiệp:
- Bổ sung: Tự chủ trong việc tổ chức hoạt động, giải quyết các công việc nội bộ và yêu cầu các Cơ quan Nhà nước giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.
- Bổ sung quyền tố tụng của doanh nghiệp như sau: DN có thể trở thành nguyên đơn và bị đơn và có quyền tham gia tố tụng thông qua người đại diện theo uỷ quyền và theo pháp luật.
- Cần quy định rõ: Đối với tài sản mà đi vay của người khác thì thể nào?
Điều 11: Hợp đồng được ký trước khi đăng ký kinh doanh:
- Bổ sung: Cần quy định thêm mối quan hệ giữa Hợp đồng với Điều lệ của doanh nghiệp và thời điểm chấm dứt hiệu lực hợp đồng (ví dụ: Sau khi được cấp giấy phép).
Điều 12: Trình tự thành lập.
- Bổ sung: Cơ quan cấp giấy phép công bố các mẫu hồ sơ đăng ký kinh doanh
- Nghiêm cấm mọi hành vi cản trở gây khó khăn cho người xin đăng ký kinh doanh.
Điều 13a: Hồ sơ đăng ký kinh doanh doanh nghiệp tư nhân.
- Bổ sung: Chứng minh nhân dân có giá trị (Vì theo quy định của Nghị định về CMND thì CMTND có giá trị trong thời hạn 15 năm).
Điều 13a, 13d, 13c
- Bổ sung: Các giấy tờ của người nước ngoài, cá nhân nước ngoài bằng tiếng nước ngoài cần phải được hợp pháp hóa lãnh sự trừ trường hợp có hiệp định tương trợ tư pháp với Việt nam
Điều 20: Cung cấp thông tin về nội dung đăng ký kinh doanh
- Bổ sung: Để tránh việc lấy các thông tin của doanh nghiệp 1 cách tuỳ tiện và góp phần bảo đảm bí mật thông tin cho doanh nghiệp chúng tôi thấy rằng nên bổ sung vào khoản 2 cụm từ: "và phải nêu lý do"
Điều 24: Con dấu của doanh nghiệp.
- Vì con dấu là 1 trong những biểu hiện chính doanh nghiệp có tư cách pháp nhân và được phép hoạt động nên chúng tôi thấy cần bổ sung các quy định sau:
"- Con dấu là tài sản của doanh nghiệp.
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về quản lý sử dụng con dấu theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp cần thiết được sự đồng ý của cơ quan cấp dấu và người quản lý doanh nghiệp có thể có 2 con dấu.
Điều 25: Văn phòng đại diện, chi nhánh và địa điểm KD của DN
- Cần bổ sung thêm quy định sau: Một doanh nghiệp có thể đặt 1 hoặc nhiều Văn phòng đại diện (Chi nhánh) tại 1 địa phương theo địa giới hành chính
Điều 26: Công ty TNHH
Vì là Luật doanh nghiệp thống nhất nên chúng tôi thấy cần có những định nghĩa về từng loại doanh nghiệp cụ thể (trong dự thảo chỉ mới định nghĩa về Công ty TNHH 1 thành viên và doanh nghiệp tư nhân).
Bổ sung thêm định nghĩa về Công ty THH: Theo chúng tôi định nghĩa này như sau: "Là doanh nghiệp mà chủ sở hữu là cá nhân, pháp nhân, chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh và gọi là thành viên công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã cam kết...".
Điều 29: Quyền của thành viên
Theo quy định của Bộ luật Dân sự thì một trong những quyền dân sự có bản của cá nhân là quyền để lại thừa kế nên chúng tôi thấy nên bổ sung một quyền của thành viên (thành 1 mục) như sau: "Được quyền để lại thừa kế phần vốn góp của minh vào công ty theo quy định của pháp luật, được quyền định đoạt phần vốn này bằng cách tặng cho người khác theo quy định của Điều lệ hoặc sự chấp nhận của Hội đồng thành viên".
Điều 33: Xử lý phần vốn góp trong các trường hợp khác
- Bổ sung khoản 1: Vì quyền được hưởng thừa kế cũng là quyền cơ bản của công dân nên và người được hưởng thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự là người được người chết chỉ định trong di chúc hoặc người thừa kế theo hàng thừa kế của người chết. Trong dự thảo sử dụng cụm từ "người thừa kế đương nhiên" là không cính xác nên theo chúng tôi sửa đổi điều này như sau: "Trường hợp thành viên là cá nhân bị chết hoặc bị toà án tuyên bố là đã chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của họ là thành viên của công ty".
Điều 34: Cơ cấu tổ chức quản lý Công ty
- Chúng tôi thấy quy định về sự "thường trú" của Chủ tịch HĐTV và Tổng giám đốc là chưa rõ nên theo chúng tôi nên bổ sung như sau: Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Tổng giám đốc phải sống tại Việt nam ít nhất là 200 ngày cộng dồn trong 1 năm.
- Về Ban kiểm soát: Theo chúng tôi trong Công ty TNHH có 2 thành viên thì không cần thành lập Ban kiểm soát.
Điều 35 (35a) Tiêu đề mục này là"Người đại diện theo uỷ quyền" mới chính xác.
Điều 41: Giám đốc (Tổng giám đốc)
Khoản 1: Cần quy định về các loại giám đốc như:. Giám đốc (Tổng giám đốc) có thể được Hội đồng thành viên bầu hoặc thuê.
Khoản 2: Về quyền của Giám đốc hoặc tổng giám đốc cần bổ sung như sau: Giám đốc hoặc TGĐ cũng là người lao động vì được giao kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật. Hợp đồng lao động của giám đốc (Tổng giám đốc) do Chủ tịch HĐTV ký kết.
Điều 41b: Tiêu chuẩn của giám đốc (TGĐ)
Theo chúng tôi nên bỏ điều này vì thuộc quyền định đoạt của doanh nghiệp, tự các chủ sở hữu sẽ tìm ra 1 giám đốc điều hành doanh nghiệp có hiệu quả.
Điều 41c: Tiền lương và các lợi ích khác của thành viên HĐTV và giám đốc (TGĐ)
Theo chúng tôi cũng nên bỏ điều này vì thuộc quyền định đoạt của doanh nghiệp và vấn đề này sẽ được quy định trong điều lệ của doanh nghiệp.
Điều 51: Công ty Cổ phần
- Bổ sung 1 mục về định nghĩa công ty cổ phần. Theo chúng tôi thì định nghĩa này như sau: "Công ty cổ phần là doanh nghiệp mà các chủ sở hữu (gồm các cá nhân hoặc pháp nhân) là các cổ đông có cổ phần góp vào doanh nghiệp để tạo thành vốn điều lệ của công ty.
Điều 85: Giám đốc (TGĐ)
Tương tự như đối với Công ty TNHH cần bổ sung các nội dung sau:
Khoản 1: Cần quy định về các loại giám đốc như:. Giám đốc (Tổng giám đốc) có thể được Hội đồng quản trị bầu hoặc thuê.
Khoản 2: Tổng giám đốc (giám đốc) là người lao động được Chủ tịch hội đồng quản trị giao kết hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động.
Điều 85a: Tiền lương và các lợi ích khác của thành viên HĐTV và giám đốc (TGĐ): Bỏ điều này vì thuộc quyền định đoạt của doanh nghiệp và vấn đề này sẽ được quy định trong điều lệ của doanh nghiệp.
Điều 95: Công ty hợp danh:
Đây là loại doanh nghiệp mới nên cần có định nghĩa nhất là để phân biệt với 1 loại công ty hợp danh đó là Công ty luật hợp danh theo quy định của Pháp lệnh luật sư (không phải là doanh nghiệp). Theo chúng tôi nên bỏ quy định về công ty hợp danh trong kinh doanh dịch vụ pháp lý để Pháp lệnh Luật sư điều chỉnh.
- Theo chúng tôi định nghĩa như sau: Công ty hợp danh là doanh nghiệp mà có chủ sở hữu ít nhất từ 2 thành viên trở lên và là đồng sở hữu chung của Công ty.
Điều 96: (h) Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh
- Trong dự thảo sử dụng cụm từ "người kế thừa" là không chính xác mà là "người thừa kế". Chúng tôi bổ sung điều này như sau: " Người thừa kế" theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật...".
- Do đặc thù về chủ thể của thành viên Công ty hợp danh nên chúng tôi thấy nên bổ sung về điều kiện của người thừa kế để trở thành thành viên công ty hợp danh như sau:" Người thừa kế có thể trở thành thành viên hợp danh nếu có đủ năng lực, chuyên môn phù hợp và được Hội đồng thành viên chấp nhận". (Tiêu chuẩn năng lực chuyên môn là điểm khác của người thừa kế của thành viên các loại doanh nghiệp khác như Công ty TNHH, Công ty cổ phần).
Điều 113: Phá sản doanh nghiệp
Chúng tôi thấy nội dung của điều này sơ sài nên cần quy định về những nguyên tắc chung còn trình tự thủ tục điều kiện phá sản của doanh nghiệp sẽ do Luật phá sản DN điều chỉnh.
- Điều kiện doanh nghiệp được tuyên bố phá sản
- Trình tự thủ tục tuyên bố phá sản
- Những ai có quyền yêu cầu toà án tuyên bố 1 DN phá sản
- Khi thành viên công ty là pháp nhân bị phá sản hoặc khi Công ty mẹ của công ty con bị phá sản hoặc công ty chủ sở hữu của công ty TNHH bị phá sản thì dẫn đến phá sản hoặc chuyển đổi hình thức doanh nghiệp tại các doanh nghiệp này.
Chương VIII: Quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp.
Chúng tôi thấy Chương này nên bỏ bởi vì đây là chương quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các công việc cụ thể của các cơ quan Nhà nước chứ không liên quan gì đến doanh nghiệp và trong Luật đã có những quy định về nghĩa vụ của DN.
Chương này nên thay thế bằng Chương Giải quyết tranh chấp.
Chương X: Điều khoản thi hành.
Chúng tôi thấy Luật DN thống nhất tất yếu phải bao gồm cả các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả DN có vốn 100% nước ngoài và các doanh nghiệp nhà nước, các hộ kinh doanh (trước kia thành lập theo Nghị định 66) do đó chúng tôi thấy cần bổ sung Điều 123 các mục sau:
+ Khoản 1: Bổ sung mục về Trình tự thủ tục, thời gian chuyển đổi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sang hoạt động theo Luật DN thống nhất.
+ Khoản 2 điều 123: Đối với các hộ kinh doanh cá thể: Theo chúng tôi không nên quy định về quy mô là điều kiện buộc loại hình này chuyển đổi thành một các hình thức doanh nghiệp theo quy định của Luật DN thống nhất vì xâm phạm đến quyền tự do lựa chọn hình thức doanh nghiệp của cá nhân.
+ Khoản 2.a: Cần bổ sung mục: Trình tự thủ tục, thời gian chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước sang hoạt động theo Luật.


Luật sư Nguyễn Thanh Hùng, Phan Thị Hương Thủy
Văn phòng luật sư Hoàng Long
Đoàn luật sư Hà Nội

Các văn bản liên quan