Góp ý của Ô.Nguyễn khắc Phụng, Cty tư vấn CIBUD

Thứ Sáu 10:32 26-05-2006
[size=18]Tham luận về luật doanh nghiệp thống nhất

Chúng ta tổ chức hội nghị góp ý về Luật Doanh nghiệp thống nhất tại thời điểm:
- Nước ta đang khẩn trương hoàn tất các thủ tục để gia nhập WTO.
- Chúng ta đang sống ở bên cạnh nước Trung Hoa to lớn và đang có mức phát triển làm cả thế giới kinh ngạc. Nước ta với dân số 80 triệu, nhưng GDP của 2004 mới chỉ đạt trên 44 tỷ USD, trong khi đó Singapore với chỉ trên 4 triệu dân mà GDP đạt trên 87 tỷ USD, đó là điều làm cho chúng ta không thể không suy nghĩ rằng chúng ta có đến nỗi phải thua kém đến như thế không, vì Singapore đâu có được những nguồn tài nguyên như chúng ta, thậm chí còn chả có nguồn tài nguyên gì. Luật Doanh nghiệp chung ra đời và viết thế nào là việc của những người làm Luật, còn những người có tiền mà ta thường gọi là các nhà đầu tư thì suy nghĩ của họ trước sau vẫn không thay đổi. Tôi xin kể hai chuyện mới gần đây:

Chuyện thứ nhất, khi tiếp xúc với một nhà đầu tư Trung Quốc, họ có một câu nói hình ảnh và khuyên tôi là cứ vào lúc bình minh ông hãy cố gắng thường xuyên lên trên tầng thượng vừa tập thể dục vừa quan sát bốn phương, tám hướng thấy ở đâu tiền rơi xuống nhiều nhất thì hãy đến đó là làm ăn, đồng thời cũng bày tỏ những suy nghĩ của mình là: Nếu đem tiền đầu tư vào Việt Nam mà lợi nhuận thu được không gấp đôi trong nước thì không đầu tư, vì ở đó có nhiều rủi ro mà không thể dự báo trước được.
Chuyện thứ hai, khi Trung Quốc có thoả thuận với các nước Asean về việc tổ chức hàng năm một hội chợ giữa Trung Quốc và Asean tại thành phố Nam Ninh, thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, tôi đã đọc được một thông tin trên báo Trung Quốc thấy Tỉnh Quảng Tây đưa ra ba nguyên tắc cho các nhà soạn thảo Luật để lôi kéo các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Thành phố Nam Ninh làm ăn. Nguyên tắc đó được thể hiện bằng 7 chữ: "đến dễ, sống dễ, làm ăn dễ", chỉ bấy nhiêu chữ thôi đã khích lệ nhiều doanh nhân tìm đến Nam Ninh khảo sát, trong đó không loại trừ có cả tôi, gia dình và bạn bè tôi.

Để góp ý cho bản dự thảo Luật này, từ góc độ cá nhân, tôi xin nêu hai vấn đề:

Một là, luật còn có một số điểm vẫn mang nặng tư duy lo hộ người khác, lo "quản lý" hơn là mở, nguyên nhân có thể có từ nhiều phía, nhưng có lẽ trước hết phải làm rõ và thống nhất lại hai khái niệm "quản lý kinh doanh" với "quản lý nhà nước" cần làm sao cho thật minh bạch (ở Trung Quốc người ta nói chính sách phải trong suốt, ý nói trong như pha lê, ai đứng ở góc nào cũng nhận biết được một cách rõ ràng, khi có tranh chấp thì Luật sư và toà án mới có điều kiện tranh tụng và đi đến sự phán xét công bằng),

Hai là, "Đầu tư là việc của nhà đầu tư", vốn của nhà đầu tư nào cũng giống nhau nên một đồng cũng phải quản "chứ không phải chỉ có vốn Nhà nước mới cần bàn đến chuyện "quản". Nhưng việc "quản" này phải hiểu thế nào cho đúng, nghĩa là không phải việc gì nhà đầu tư nào cũng "quản" hết được, từ đó mới sinh ra các công ty tư vấn và tư vấn giám sát lại tư vấn, tư vấn trong nước không làm được thì thuê tư vấn bên ngoài, đó là chuyện thường ngày của những nhà đầu tư, không kể nhà đầu tư đó là ai (nhà nước hay tư nhân). Nhưng Nhà nước ta, với phạm vi đầu tư rộng lớn, do đó, Nhà nước phải có một tổ chức chuyên quản chủ yếu là quản vốn, vì ngoài vốn ra mọi doanh nghiệp đều bình đẳng trước pháp luật và chỉ một tổ chức thôi, chứ không thể có nhiều chủ quản như hiện nay, để rồi không biết ai "quản" gây cản trở cho phát triển, làm cho các DNNN cho dù đã chuyển thành công ty TNHH một thành viên hoặc công ty cổ phần, cũng khó phát huy như các đối tượng khác trong Luật này.

Dưới đây, tôi xin trình bày hai ý kiến tham luận trên:

Thứ nhất, theo qui định đọc được trong dự Luật còn có:

1 - Một số ngành nghề đòi hỏi phải kinh doanh dưới hình thức hợp doanh, trong đó có ngành như "Dịch vụ thiết kế công trình xây dựng". Ta đã có Luật Xây dựng thì tại sao phải hạn chế loại dịch vụ này. Đối với "Dịch vụ khám và chữa bệnh" càng không nên hạn chế. Theo tôi, chỉ trừ những ngành nghề thật "nhạy cảm", ta hãy nên qui định dưới dạng "điều kiện" còn những danh mục nêu trong bản gợi ý thảo luận tôi không thấy loại nào cần hạn chế và nếu phải hạn chế thì cũng không nên nhiều quá và phải hiểu rằng sẽ không lâu nữa sau khi chúng ta tham gia thị trương thế giới, những danh mục hạn chế này đâu còn điều kiện tồn tại mãi được.

2 - Về hạn chế hay khống chế mức vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khác.

Qui định này theo tôi lại phải trở lại khái niệm "Đầu tư là của nhà đầu tư", tôi có tiền khi tham gia vào một doanh nghiệp nào đó, tham gia bao nhiêu, đầu tiên tôi phải tính đến khả năng thu hồi lại vốn và có lợi nhuận, nhưng nhiều khi lại không phải là lợi nhuận trước mắt, thí dụ khi có một số DNNN loại nhỏ vốn đến 5 tỷ hoặc thấp hơn, muốn kêu gọi góp vốn, người góp vốn có thể nghĩ ngay tới việc sử dụng cơ sở hiện có, kinh doanh ngay những mặt hàng mà xí nghiệp đang kinh doanh hoăc cũng có thể phát triển thêm những mặt hàng khác, hoặc có khi còn vì nhìn thấy ở đó có một vị trí kinh doanh, một cơ sở nhà xưởng có thể làm nhiều việc khác thu lợi ích lớn hơn, cho nên phải hiểu rằng, mỗi cuộc góp vốn đều có những mục đích riêng, nhưng mục đích tối thượng chắc chắn không thể không từ lợi nhuận cao hơn, nên cho dù là lợi ích trước mắt hay lâu dài, khi người góp vốn đã hình thành chủ ý thì họ phải xác định ngay tới tỷ lệ góp vốn làm sao đủ để chủ ý của mình có thể trở thành hiện thực, cho nên khống chế tỷ lệ góp vốn như qui định của Luật đồng nghĩa với việc ngăn chặn những sáng tạo của các nhà đầu tư, bỏ lỡ những tài năng, tất cả những suy nghĩ về "hạn chế" trong lĩnh vực kinh doanh, nếu không nghiên cứu kỹ, chính là nguyên nhân của sự kìm hãm. Qua kinh nghiệm của nước ta trong thời gian qua cái gì "Hạn chế" thì con người cũng nhanh chóng nghĩ cách biến cái "Hạn chế" thành cái "Có thể" để đưa ngay vào cuộc sống, đem lại lợi ích cho mình. Tất nhiên là phải tốn kém thêm chi phí và tiêu cực lại có đất phát triển.

3 - Về thực hiện cơ chế thành lập doanh nghiệp FDI

Tôi vẫn không thấy cần thiết phân biệt giữa ba đối tượng kinh tế của Luật này, cái gì cấm thì cấm chung, cấm không có nghĩa là không làm, mà người làm đó là ai thì do Chính phủ chọn, biết đâu sau này khi nền kinh tế nước nhà phát triển, sẽ có không ít những việc hôm nay không ai dám nghĩ đến việc giao cho các tổ chức tư nhân đảm nhiệm thì đến khi đó, người đảm nhiệm chính có khi lại là các tổ chức tư nhân thuần tuý, vì ta phải hiểu rằng tư nhân là ai, chả là ta thì là ai, mà ta chính là ngưòi Việt Nam chứ còn ai nữa. Vấn đề dặt ra ở đây là tại sao cấm, nếu là việc hệ trọng quốc gia thì tất cả các doanh nghiệp chịu sự điều tiết của Luật này đều như nhau, nếu sợ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài hoặc doanh nghiệp tư nhân qua đó kiếm được nhiều tiền hơn, thì có lẽ lại là điều chúng ta đang mong muốn, vì ai kiếm được nhiều tiền cũng đồng nghĩa với việc sẽ có đóng góp nhiều hơn cho đất nước. Còn việc qui định mức vốn của cá nhân hay tổ chức người nước ngoài tối thiểu là 100.000 USD lại là một điều khó hiểu nữa. Trước đây, tôi đã tham gia nhóm tổng kết việc thực thi các qui định của Luật Đầu tư nước ngoài. Trong đó, có mục qui định phải xem xét tới khả năng tài chính của nhà đầu tư và được qui định rất cụ thể là hồ sơ xin phép đầu tư phải có văn bản bắt buộc đính kèm vào dự án:
Đó là "báo cáo tài chính hai năm gần nhất" hoặc xác nhận của ngân hàng. Chúng tôi đã đọc trên 100 dự án FDI, và đã đi đến một nhận xét chung là: Báo cáo tài chính hai năm gần nhất của chủ đầu tư không phải dự án nào cũng là bản đã được cơ quan tài chính có thẩm quyền thẩm định như qui định trong Luật, nhiều bản viết hoàn toàn bằng tiếng Anh, rất nhiều cán bộ thẩm định của chúng ta, một là không được đào tạo nghiệp vụ đọc báo cáo tài chính, hai là không dễ gì đọc trực tiếp từ nguyên bản tiếng Anh. Chúng tôi đã phỏng một số rất ít người vừa có nghiệp vụ tài chính lại vừa thông thạo tiếng Anh thì cũng chỉ có thể đưa ra nhận xét khiêm tốn về tình hình tài chính của công ty đó lành mạnh hay không và mức độ của sự lành mạnh này đến đâu cũng không ai dám khẳng định. Còn về xác nhận của Ngân hàng bao gồm cả Ngân hàng trong và ngoài nước thì thật là muôn hình vạn trạng, có ngân hàng chỉ xác nhận đằng sau số đơn vị là bao nhiêu con số, hoăc liệt kê tài sản của chủ doanh nghiệp và xác định từng loại tài sản ấy có giá trị bao nhiêu, chủ sở hữu có quyền đến đâu, còn về tiền mặt thì hầu như không có ngân hàng nào nói rõ hoặc có nói thì cũng chỉ nói đến thời điểm xác nhận, chủ đầu tư đang có trong tài khoản là bao nhiêu, vì chỉ ngay sau đó ít phút, chủ đầu tư hoàn toàn có quyền rút số tiền đó ra để sử dụng vào bất cứ mục đích nào mà mình muốn, những xác nhận như vậy hình như mọi người đều thấy hoặc là vô lý hoặc là chả có giá trị gì, nên hầu như các dự án đó, như các bạn đã biết là đều đã được cấp giấy phép và tuyệt đại đa số dự án vẫn đang hoạt động tốt, góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng của nền kinh tế nước ta. Nhưng chúng tôi chưa đọc được một bản xác nhận nào của ngân hàng cam kết sau khi dự án được chấp thuận, Ngân hàng khẳng định sẽ cho dự án vay vốn. Nếu trong Luật này qui định mức vốn đầu tư tối thiểu cho một dự án là 100.000 USD thì người ta cũng có thể hiểu đơn giản theo một cách khác là nhà đầu phải có đủ tiền tối thiểu là 100.000 USD, điều đó nghe ra thật vô lý, vì như mọi người đều biết, vốn không phải bao giờ cũng là tiền, ngay ở nước ta đang có một vài doanh nghiệp trẻ đề nghị tôi tham gia tìm cách khai thác các "ý tưởng" hay của các doanh nhân và các nhà khoa học Việt Nam để chuyển nó thành các dự án đầu tư, nếu là "ý tưởng" thì trước hết không phải là tiền và cũng không ai cân đong, đo, đếm được ý tưởng và nếu ý tưởng đó triển khai được thì giá trị của nó chắc không dừng lại ở 100.000 USD. Như vậy, nếu cũng có nhà đầu tư nước ngoài nào đó muốn đem những "ý tưởng" này vào Việt Nam thì tại sao lại không khuyến khích và cần gì phải hỏi tiền đầu tư là bao nhiêu.

4 - Lại chuyện tiêu chuẩn người đại diện theo uỷ quyền, theo tôi trước hết phải tuân thủ các qui định của Luật Dân sự, đừng mang tư tưởng làm thay hoặc quản lý hộ họ, vì một nguyên tắc bất di bất dịch phải được xác lập là: "đầu tư là của nhà đầu tư" người nào đã được pháp luật thừa nhận, người đó đương nhiên là người đủ tư cách làm người dại diện theo uỷ quyền. Khi đó chọn ai, thuộc thẩm quyền của những người sáng lập và người được chọn đâu có phải không thể thay đổi. Tôi xin có hai thí dụ khá hài hước liên quan đến vấn đề "quản hộ, làm hộ" xin được trình bày như sau:

- Câu chuyện thứ nhất, xuất hiện trong kỳ họp Quốc hội cuối năm 2004, trong lúc Quốc hội đang sôi nổi thảo luận, chất vấn về vấn đề quản lý và chống thất thoát trong đầu tư xây dựng cơ bản, thì có một số doanh nhân Việt Nam đã nói với tôi rằng, chúng ta cũng là những nhà đầu tư đấy chứ, nhưng cái chúng ta cần tranh luận không dính dáng gì đến những nội dung mà các vị đại biểu Quốc hội đang bàn thảo, thế có nghĩa là "Chủ đầu tư Nhà nước đang không phải là chủ đầu tư thực thụ" như các nhà đầu tư tư nhân, hình như các vị đang bàn đến nguồn vốn và cách "Quản lý" có nghĩa là giao vốn nhưng vì có nhiều người "Quản lý" nên mới phải bàn bạc xem phải "quản" như thế nào. Còn chúng tôi, những nhà đầu tư cứ tạm gọi là "Tư nhân" thì dù một đồng "chúng em" cũng cứ phải quản cho thật chặt. Chính do chưa thống nhất về khái niệm nên mới có những cuộc tranh luận như vậy và ngay khi đã tìm rõ nguyên nhân gây ra sự thất thoát đó chính là do cơ chế và nó được thực hiện thông qua các tổ chức quản lý khép kín đang tồn tại ở ngay trong các Bộ, ngành, thì cũng không ai đưa ra được các biện pháp khắc phục để mọi người đồng tình, nên đành chờ để tìm cách giải quyết dần từng bước nhằm giữ yên nội bộ. Theo tôi nghĩ, đã là tiền đầu tư thì tiền nào cũng giống nhau, nhưng do cách nghĩ và cách làm không giống nhau, một bên thì làm thật (đó là các nhà đầu tư tư nhân) còn bên kia (nhà đầu tư Nhà nước) thì mới dừng lại ở khái niệm "quản" hộ, nghĩa là người được giao "quản" cũng chẳng phải "quản" cho mình, người được giao "làm" cũng chẳng phải "làm" cho mình, hình như chỉ chờ xem trên bảo sao thì làm vậy.

- Câu chuyện thứ hai, như nhiều người đã biết, khi đôi nam nữ lấy nhau, muốn đăng ký kết hôn thì phải chứng minh được họ là người chưa có vợ và chưa có chồng. Việc chứng nhận này, nhiều UBND phường dựa vào, một là do Phòng Tổ chức nhân sự cơ quan mà người đó đang làm cấp giấy giới thiệu hoặc do ông tổ trưởng dân phố nơi người ấy đang cư trú xác nhận, nhưng những người ký giấy xác nhận đó liệu đã ai biết chắc là việc chứng nhận của mình là chính xác tuyệt đối, tất nhiên đã có không ít việc lừa đảo bao gồm cả những trường hợp đã có xác nhận hẳn hoi, theo tôi, thì việc tìm hiểu để đi đến kết hôn, cũng chẳng khác gì mấy so với việc tìm đối tác để hợp tác làm ăn, để đầu tư, đó là việc riêng của người đó hoặc là việc riêng của những người đó, anh hoặc chị không tìm hiểu kỹ để gây thiệt hại cho mình thì tự mình phải chịu lấy, không thể đổ lỗi cho ai được. Pháp luật cũng không có điều khoản nào ràng buộc Ông cán bộ tổ chức hoặc Ông tổ trưởng dân phố phải chịu trách nhiệm liên đới, đây là một kiểu mang nặng tính "làm thay" "quản hộ". Về mặt pháp luật, chỉ qui định sau khi anh, chị đăng ký xong, thì bản đăng ký đó được niêm yết công khai tại trụ sở ủy ban bao nhiêu ngày, và sau ngày đó nếu không có ai khiếu nại gì thì anh, chị sẽ được chính quyền làm thủ tục cho đăng ký chính thức để thành vợ thành chồng. Và khi hai anh, chị đã được đăng ký kết hôn cũng không phải không có những chuyện gian dối hoặc lừa đảo, nhưng nếu có thì luật pháp sẽ lại giải quyết theo từng trường hợp cụ thể, chứ không vì lo hộ các vị mà phải ban hành những đạo luật ngăn trước, phòng sau giúp cho các vị được yên thân.

Thứ hai,Doanh nghiệp nhà nước, một lực lượng đang nắm giữ một tài sản khá lớn của Quốc gia, nếu với cải cách như hiện nay thì hầu như vẫn đứng ngoài cuộc, đó là một điểm chưa thành công của Luật, hay có thể nói quá ra một chút là sự thiệt hại cho đất nước. Theo tổng kết 5 năm thi hành Luật Doanh nghiệp thì Luật Doanh nghiệp là một thành công lớn trong việc huy động nguồn nội lực, Luật Doanh nghiệp chung lại đúc rút những điều đúng của Luật Doanh nghiệp để giữ lại, và còn bổ sung thêm cho tốt hơn, do đó có thể chắc chắn một điều là, sau khi Luật này ra đời, đối tượng nào tham gia vào Luật chung này thì đều có cơ hội bình đẳng như nhau để phát triển, và chắc chắn là sẽ phát triển hơn trước, đó không phải chỉ là mong muốn mà là việc đã được thực tế khảo nghiệm. Vậy tại sao các DNNN vẫn chưa thể vào cuộc được, trong lúc đó thì Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ là người đầu tiên dược thụ hưởng, để có bước phát triển mới, tiếp đó là sự kế tiếp có phát triển của các doanh nghiệp dân doanh. Nói về những vướng mắc của DNNN. Tôi xin kể một câu chuyện tôi đã trải qua trước khi nghỉ hưu. Lúc đó tôi là một trong những người được cử tham gia lập Đề án để ra đời từ mô hình Công ty, Liên hiệp các xí nghiệp rồi đến Tổng Công ty. Và ngay từ lúc đó chúng tôi đã rất lúng túng, không rõ phải "quản lý" như thế nào, mặc dù sau khi ra đời mô hình Công ty chúng tôi được nhiều cơ quan Nhà nước đánh giá là một tổ chức đổi mới, được Ban kinh tế TƯ, Bộ chủ quản thường xuyên qua lại thu thập thông tin, tổ chức hội thảo rút kinh nghiệm. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy cũng đúng, vì lúc đó nhiều mô hình Công ty chưa biết phải "quản lý" thế nào, Công ty chúng tôi đã nghĩ ra một cách làm mà lúc đó được đón nhận như một sáng kiến, đơn giản là Công ty sẽ làm những cái mà doanh nghiệp không làm được hoặc không đủ điều kiện làm bằng Công ty, điển hình nổi lên 3 việc, một là phục vụ cho việc xuất nhập khẩu trực tiếp (khi đó các xí nghiệp thành viên chưa được phép làm), hai là giúp xí nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, ba là khai thác các thông tin trong và ngoài nước rồi in ấn gửi xuống cho các xí nghiệp tham khảo. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, do kinh tế phát triển, các xí nghiệp đòi được quyền XNK trực tiếp và nhanh chóng được Chính phủ chấp nhận, điều đó là rất đúng, nhưng đồng thời cũng làm mất đi một lợi thế của Công ty, nhưng cái tệ hại hơn là sau khi các xí nghiệp thành viên được trực tiếp với thị trường bên ngoài thì họ cũng đồng thời phát hiện ra những khiếm khuyết lớn của Công ty không phải chỉ thông qua công tác xuất nhập khẩu mà ngay cả công tác giúp họ mở rộng thị trường trong nước, và cả những bản tin trước đây đối với họ chí ít cũng có ít nhiều tác dụng, thì đến nay khi họ tự tiếp xúc được với thị trường bên ngoài, những thông tin do Công ty đưa xuống thậm chí có xí nghiệp còn nói là nên bỏ để đỡ tốn giấy, điều đó cũng rất dễ hiểu vì Công ty, Liên hiệp các xí nghiệp, hay Tổng công ty không phải là họ, hay nói một cách khác chỉ là ngưòi làm hộ họ, giá như cứ được là người làm thuê cho họ thì có khi tác dụng sẽ nhiều hơn, chính với tổ chức "nửa dơi nửa chuột" đó đã xẩy ra bao nhiêu chuyện bất hoà giữa "cấp trên và cấp dưới". Qua đó, chúng tôi đã có dịp khái quát về mô hình này gồm 8 chữ: "Công ty, Công to, Công teo, Công tan", mà cho đến nay tôi vẫn cho là đúng, năm 2004, Bộ Công nghiệp đã có Quyết định cho 3 Tổng Công ty kiểu đó phải "tan" và các xí nghiệp thành viên không thấy ai đề nghị xin Bộ giữ họ lại, và đúng như dự báo vẫn đang chẳng ai làm sao cả. Thực ra lý do cũng rất đơn giản là vì việc thành lập các tổ chức kinh tế đó không phải xuất phát từ nhu cầu của nền kinh tế và quan trọng hơn nữa tổ chức đó không phải là mong muốn của những thành viên trong Công ty, nhưng khi tổ chức họ lại với nhau, thì điều quan trọng là họ phải tuân theo sự sắp sếp của tổ chức, mà đã là tổ chức thì không ai dám "chống", nhưng sau khi tham khảo Điều lệ Công ty thì mọi thành viên đều yên tâm vì tiền của thì vẫn do họ nắm giữ, kinh doanh thì do họ chủ động, khi đó đã có lúc chúng tôi tổ chức nhiều cuộc bàn luận rất sôi nổi đề tài này để cố chứng minh xem mình (tức là Công ty, Liên hiệp các xí nghiệp hoặc Tổng công ty) là ai và cho dù với trăm kiểu lập luận khác nhau, cuối cùng cũng không thể biết được chính xác "mình là ai" và khi không xác định được "mình là ai" thì đương nhiên là không thể hành động được, người khôn thì im lặng ăn tiền, người hung hăng thì sớm bị chính các doanh nghiệp thành viên kiến nghị loại bỏ. Đã có người mạnh dạn nêu giả thiết rằng, Công ty ta cứ coi như là "Bố" của nó, vì ta là cấp trên của nó, được Nhà nước bổ nhiệm và ra quyết định hẳn hoi, nhưng sau một hồi thảo luận sôi nổi, mọi lập luận đều không đứng vững, rất đơn giản bởi vì cho dù anh là "Bố" của nó thì vị trí làm bố theo nghĩa "chỉ huy" cũng chỉ tồn tại khi nó còn bé do anh nuôi nấng, nhưng khi nó đã lớn khôn lại làm được nhiều tiền, liệu anh có ra lệnh cho nó như trước được không, thí dụ như anh muốn nó phải dọn nhà đến ở với anh hoặc anh muốn lấy tiền từ hầu bao của nó để giúp cho người em ruột nó đang gập khó khăn chẳng hạn, không được, dứt khoát không được, nhưng vì việc quá cấp bách, vì uy tín, anh đành "dỗ dành" và thậm chí cả "van xin" nó, tất nhiên có lúc anh cũng đã làm được một số việc và vội cho đó là thành tích, thậm chí cho rằng không thể thiếu anh được, đó chính là thực trạng mà chúng tôi đã phải trải qua, với bao nỗi buồn vui khôn xiết, thậm chí có cả lúc phải đi vay lương cho anh em vì có thành viên giầu nhất trong Công ty không chịu trích phí đóng về Tổng công ty, mặc dù Điều lệ đã được "Bộ chủ quản" phê duyệt, đóng dấu Quốc huy hẳn hoi chỉ vì rất nhiều lý do rất đơn giản, như Công ty đã cử cán bộ nghiệp vụ xuống xí nghiệp, nhưng không hiểu biết bằng chúng tôi lại dám hoạnh họe xí nghiệp, hoặc buông một câu "xanh rờn" là các Ông làm gì mà tiêu lắm tiền thế. Gặp trường hợp này, Tổng công ty chúng tôi đâu có dám báo cáo Bộ, một vì sĩ diện, nữa vì không tin là Bộ sẽ có ngay một chỉ thị "cảnh cáo" Xí nghiệp nọ để buộc họ chuyển ngay tiền theo qui định của nhà nước về cho Tổng công ty "tiêu", chắc chính bộ chủ quản cũng thấy việc tổ chức ra các mô hình Công ty như vậy, nó không phải là một tổ chức kinh tế đích thực.

Nay, Nhà nước lại đang cho thí điểm thành lập Công ty mẹ, Công ty con và bây giờ "Mẹ" phải ra "Mẹ" là nắm chắc hầu bao. Nhưng vẫn đáng tiếc là nó vẫn không phải là một sản phẩm của một quá trình sản sinh tự nhiên, hay một đòi hỏi mà những ngưòi tham gia tự nguyện, hay nói một cách khác là nếu không tham gia thì chắc chết, tham gia thì hy vọng sống, hoặc có cơ hội phát triển. Công ty mẹ, công ty con vẫn là một sản phẩm do tổ chức sắp xếp. Những người như chúng tôi đã từng tham gia lĩnh vực kinh doanh, đều có một suy nghĩ thống nhất là: Với cơ chế hiện hành các DNNN chưa thể hoạt động như là một Công ty thực thụ, có khi lại đành phải chờ đến giai đoạn "Công teo" đi thì may ra mới thoát được cảnh lùng nhùng như hiện nay. Vì các DNNN có chuyển sang Công ty TNHH một thành viên hoặc Công ty Cổ phần như hiện nay thì đa phần Nhà nước vẫn đang cố giữ trên 50% cổ phần và do đó vẫn phải chịu sự "chủ quản" của nhiều Bộ từ chiến lược kinh doanh đến vốn, vấn đề đầu tư và quan trọng nữa là nhân sự, họ chưa thể tự quyết định và tự chịu trách nhiệm. Nên nếu sau khi họ chuyển thành Công ty TNHH một thành viên hoặc Công ty cổ phần thì đương nhiên họ vẫn được điều tiết bởi Luật Doanh nghiệp chung nhưng với cơ chế quản lý như tôi đã trình bày ở phần trên thì liệu có phát huy được hiệu quả theo đúng như mong muốn của Luật không? Đó chẳng phải là một tổn thất cho đất nước đó sao? Mong Ban soạn thảo Luật sớm có kiến nghị giải quyết. Nếu được nêu nguyện vọng cá nhân thì tôi cho rằng: ở nước ta khi sân chơi chung này chưa có các DNNN tham gia theo đúng nghĩa của nó, đó là một sân chơi chưa đủ người chơi, mà người chơi đó lại là thành phần quan trọng thì sân chơi đó đã nên mở chưa, chờ một thời gian nữa để điều chỉnh vào quĩ đạo, nắm chắc phần thắng rồi hãy chơi, âu cũng là "Diệu kế ".

[b]Nguyễn Khắc Phụng - Cố vấn cao cấp
Công ty tư vấn CIBUD

Các văn bản liên quan