Góp ý của VCCI về Dự thảo NĐ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí

Thứ Ba 14:28 04-07-2006


PHÒNG THƯƠNG MẠI
VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
................................................
Số:              5  /PTM-PC


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
...................................................
Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2006


Kính gửi: Bộ Công nghiệp 

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận được công văn số 2897/BCN-NLDK ngày 29 tháng 5 năm 2006 đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí. Sau khi nghiên cứu Dự thảo Nghị định và Dự thảo Tờ trình Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số góp ý sau:

I. CÁC VẤN ĐỀ CHUNG

1. Sự cần thiết ban hành văn bản

            Để thay thế cho các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí tại Điều 71, Điều 72 của Nghị định số 48/200/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật dầu khí và để thực hiện Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2006 của Chính phủ, việc ban hành một Nghị định riêng quy định cụ thể về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí là cần thiết.

2. Tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật hiện hành

Dự thảo Nghị định bảo đảm được tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

3. Nhận xét chung về dự thảo

Nhìn chung dự thảo đã xác định đầy đủ các hành vi vi phạm hành chính đặc thù của lĩnh vực dầu khí, xây dựng quy định về các hình thức xử phạt, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm phù hợp với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và phù hợp với đặc thù của ngành.

II. CÁC VẤN ĐỀ CỤ THỂ

1.      Dự thảo Tờ trình

- Sự cần thiết ban hành văn bản về mặt pháp lý:

Các hành vi vi phạm trong lĩnh vực dầu khí là rất đa dạng và được nhiều ngành luật khác nhau điều chỉnh bao gồm pháp luật hình sự, hành chính, kinh tế và đặc biệt là các quy định có tính quốc tế nên Dự thảo Tờ trình ngoài việc tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí cũng cần nêu tóm tắt về hệ thống các văn bản liên quan thuộc các ngành luật khác như đã đề cập để có thể khái quát quy định các hành vi hành chính, chế tài hành chính… trong mối tương quan giữa chúng.

- Sự cần thiết ban hành văn bản về mặt thực tiễn:

Dự thảo Tờ trình chưa nêu được tình hình thực tiễn diễn biến các hành vi vi phạm hành chính, hậu quả của việc vi phạm liên quan đến yêu cầu thiết lập sự quản lý nhà nước đối với những hành vi này và thực tiễn công tác xử lý các hành vi vi phạm dựa trên các văn bản hiện hành như thế nào.

- Các hành vi vi phạm:

Dự thảo Nghị định chỉ nên quy định các hành vi vi phạm mang tính đặc thù của ngành dầu khí như thăm dò, khai thác… Các hành vi vi phạm hành chính thuộc các lĩnh vực khác có liên quan đến lĩnh vực dầu khí nên được điều chỉnh bởi các văn bản quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật. Trường hợp trong thực tiễn hình thành những hành vi vi phạm mới cần có quy định cụ thể và hợp lý hơn điều chỉnh thì có thể kiến nghị Chính phủ sửa đổi các văn bản đó.

2.      Bố cục Dự thảo Nghị định

Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14/11/2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 đã xây dựng rất chi tiết những quy định về nguyên tắc xử phạt; thời hạn xử phạt; tình tiết tăng nặng giảm nhẹ; thủ tục xử phạt… nên việc nêu lại những quy định trên tại các điều 3, 4, 5 Dự thảo Nghị định này sẽ gây ra sự rườm rà không cần thiết của văn bản, thậm chí việc viện dẫn không chính xác, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thực thi của các cơ quan liên quan. Các quy định chung chỉ nên được đề cập đến trong trường hợp có liên quan đến quy định cụ thể như xác định mức phạt tối đa, xác định thời hiệu xử phạt đối với hành vi vi phạm được quy định tại Dự thảo.

Cũng như vậy, thực hiện xu hướng chung là giản lược những nội dung không cần thiết nêu lại của các văn bản quy phạm pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét lược bỏ Chương IV khiếu nại, tố cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm. Nội dung này đã được quy định cụ thể trong các văn bản khác, do đó, chỉ cần viện dẫn, không nhất thiết phải quy định tại Dự thảo này.

3. Điều 1: Phạm vi điều chỉnh

Nhất trí với quan điểm thứ hai, các hành vi vi phạm không chỉ có những hành vi, nhóm hành vi liên quan trực tiếp đến hoạt động dầu khí đã được định nghĩa tại khoản 4 Điều 3 Luật Dầu khí và các hành vi có liên quan nhưng mang tính đặc thù về dầu khí.

Tuy nhiên khoản 1 cần định nghĩa rõ hơn “lĩnh vực dầu khí”. Trong Luật dầu khí, khái niệm “hoạt động dầu khí” bao gồm “hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, kể cả các hoạt động phục vụ trực tiếp cho các hoạt động này”. Hiện nay Việt Nam đang xây dựng nhà máy lọc dầu Dung Quất để phát triển khâu công nghiệp hạ nguồn của ngành dầu khí, do đó trong khái niệm “hoạt động dầu khí” cần thêm hoạt động chế biến, sản xuất, tồn trữ, vận chuyển và kinh doanh các sản phẩm từ dầu khí, các hành vi có liên quan nhưng mang tính đặc thù về dầu khí.

Đoạn đầu của khoản 2 nên bỏ đoạn “và theo quy định của Nghị định này phải bị xử phạt vi phạm hành chính” vì quy định như vậy không rõ ràng.

Khoản 3 cần viết rõ hơn “Các hành vi vi phạm hành chính khác có liên quan đến lĩnh vực dầu khí được quy định tại các Nghị định khác…”, nếu không sẽ có thể xử phạt hai lần một hành vi vi phạm.

4. Điều 2: Đối tượng áp dụng

Đối tượng điều chỉnh của Nghị định là cá nhân và tổ chức Việt Nam, cá nhân và tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí là hợp lý. Tuy nhiên, về  mặt kỹ thuật lập quy, đề nghị Ban soạn thảo thể hiện lại Điều này cho chính xác hơn như sau:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cá nhân, tổ chức Việt Nam có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí bị xử phạt hành chính theo quy định của Nghị định này.

2. Cá nhân, tổ chức nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí trên lãnh thổ, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bị xử phạt theo quy định tại Nghị định này. Trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác thì áp dụng theo quy định của Điều ước quốc tế đó.

3. Người chưa thành niên có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí thì bị xử lý theo quy định tại Điều 7 của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính”.

5.      Điều 7: Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí

- Điểm b khoản 1 nên quy định như sau:

Phạt tiền tối đa đến 500.000.000 đồng đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực dầu khí”.

- Khoản 2 Điều 7 nên bổ sung quy định về hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề của các chủ thể vi phạm để bảo đảm triệt để ngăn chặn hành vi vi phạm.

6. Về các biện pháp khắc phục hậu quả (tại Chương II dự thảo)

Để bảo đảm tính chính xác và thống nhất của các quy định pháp luật về biện pháp khắc phục hậu quả, Dự thảo nên viện dẫn tới các biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 12 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và có thể quy định bổ sung một số biện pháp khác tại Điều này để các quy định cụ thể tại Chương II viện dẫn.

Ngoài ra, việc quy định thêm các các biện pháp khắc phục hậu quả tuy thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhưng cần cân nhắc để có sự tương quan đối với thẩm quyền ra quyết định xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của người có thẩm quyền. Nếu quy định các biện pháp khắc phục hậu quả tràn lan như tại Chương II của Dự thảo như đã nêu ở trên sẽ tạo ra bất cập trong việc xác định thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của một số chức danh như chiến sĩ công an, thanh tra viên… do Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 rất hạn chế thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả của những chức danh này tương ứng với thẩm quyền phạt tiền mà họ được quy định (quy định thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả tại Điều 18 Dự thảo là không hợp lý).

7.Điều 22 Dự thảo

Quy định về phân định thẩm quyền tại Điều này là không cần thiết mà nên viện dẫn tới Điều 42 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002. Cũng theo khoản 1 Điều 42 thì các chức danh được xác định có thẩm quyền xử phạt sẽ tiến hành thụ lý và ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực mình quản lý và các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực cụ thể cũng phải thể hiện được quy định này (Điều 21 Dự thảo đã có quy định về Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí của các cơ quan, lực lượng khác).

8.      Kỹ thuật soạn thảo

Điều 4 và Điều 31 Dự thảo có nội dung trùng nhau, do đó đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu để chỉnh lý cho phù hợp, tránh sự quy định lại không cần thiết.

Điều 35 sửa thành “…Nghị định số 48/2000/NĐ-CP ngày…” vì Nghị định này ban hành năm 2000.

Trên đây là một số góp ý Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi tới quý Bộ nghiên cứu để hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Bộ.


 
 
 
Nơi nhận:
-          Như trên
-          Ban TT (để báo cáo)
-         Lưu VT, PC


K/T CHỦ TỊCH
PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆTNAM
PHÓ CHỦ TỊCH
 
 
Đoàn Duy Khương


Các văn bản liên quan