Góp ý của Lê Hoàng Tùng

Thứ Ba 14:42 04-07-2006

I. VỀ SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH
 
            Nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị định này nhằm quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại năm 2005, đồng thời qua 7 năm thực hiện Quy chế Ghi nhãn hàng hóa ban hành kèm theo Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999, hệ thống pháp luật về ghi nhãn hàng hóa cần được sửa đổi, hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn hoạt động thương mại trong nước cũng như quá trình hội nhập thương mại quốc tế.
 
            II. NHẬN XÉT CHUNG
 
            Chúng tôi cho rằng, quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa là một trong những lĩnh vực gắn rất nhiều và trực tiếp đến thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của thương nhân. Ghi nhãn hàng hóa không chỉ là một trong những phương thức cho thương nhân công bố, cam kết về chất lượng hàng hóa mà mình cung cấp mà còn có công cụ hết sức quan trọng bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thương nhân làm ăn chân chính và của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, xét về khía cạnh chính sách thương mại, ghi nhãn hàng hóa được coi là một trong những hàng rào kỹ thuật được thực thi phục vụ chính sách thương mại quốc gia trong từng thời kỳ, phải tuân thủ theo những cam kết quốc tế mà quốc gia đó tham gia.
 
            Do ghi nhãn hàng hóa vừa có khía cạnh thực tiễn, vừa có khía cạnh chính sách, đặc biệt trong thương mại quốc tế, chúng tôi xin đề nghị Ban soạn thảo cần tổng kết việc thực thi quy định về ghi nhãn hàng hóa trên cả nước thời gian vừa qua, đồng thời có nghiên cứu, báo cáo đánh giá sự phù hợp của pháp luật hiện hành về ghi nhãn hàng hóa với những tiêu chuẩn chung của quốc tế, đặc biệt là của WTO, để có cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng Nghị định này.
 
            Do dự thảo Nghị định không có dự thảo Tờ trình kèm theo, nhiều vấn đề về quan điểm và nguyên tắc chưa được thể hiện rõ, nên chúng tôi chỉ xin tham gia một số ý kiến cụ thể của dự thảo như phần III dưới đây.
 
            III. MỘT SỐ GÓP Ý CỤ THỂ
 
            1. Về tên của Nghị định: chúng tôi đề nghị tên của Nghị định là: "Nghị định về ghi nhãn hàng hóa". Dùng tên của Nghị định là "nhãn hàng hóa" không phản ánh đúng nội dung của Nghị định đều là về việc cần ghi nhãn như thế nào, có những nội dung gì, yêu cầu đối với việc ghi nhãnh .v.v… Hơn nữa, tên của Nghị định là "ghi nhãn hàng hóa" là phù hợp với quy định của khoản 3 Điều 32 Luật Thương mại 2005.
 
            2. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1 dự thảo): khoản 2 Điều 1 quy định về những hàng hóa không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định. Việc ghi liệt kê như dự thảo Nghị định có ưu điểm là chi tiết, tuy nhiên e rằng không đầy đủ. Chúng tôi cho rằng về phương pháp tiếp cận, chúng ta cần xác định những loại hàng hóa nào chưa đưa ra lưu thông (tức là đang là sản phẩm để phục vụ cho một quá trình sản xuất, hoàn thiện thành sản phẩm khác) hoặc để xuất khẩu nên được loại trừ khỏi phạm vi điều chỉnh của Nghị định. Đối với hàng xuất khẩu đã được quy định tại Điều 4 dự thảo, chúng tôi về cơ bản nhất trí với quy định này.
 
            Vì vậy, xin bổ sung một số loại hàng hóa sau không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định:
           
            - Những hàng hóa là sản phẩm được sản xuất để tổ chức, cá nhân khác sử dụng để sản xuất tiếp ra loại hàng hóa khác mà không bán trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng;
 
            - Hàng hóa là phụ tùng thay thế của máy móc, phương tiện vận tải, trừ trường hợp các phụ tùng thay thế này nhằm trưng bày, giới thiệu đến người tiêu dùng để bán;
 
            - Những hàng hóa là tác phẩm nghệ thuật như tranh chụp, tranh vẽ, đồ gốm sứ, tráng men .v.v… được sản xuất mang tính đơn chiếc.
 
            3. Về khái niệm "ghi nhãn hàng hóa" (khoản 2 Điều 5 dự thảo): đề nghị bỏ đoạn "… để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất kinh doanh quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm soát." vì không cần thiết, hơn nữa nếu nêu như vậy thì cũng không đủ.
 
            4.  Về vị trí của nhãn hàng hóa (Điều 6 dự thảo): đề nghị bỏ "hạn sử dụng" tại điểm a khoản 3 Điều này bởi đây không phải là nội dung bắt buộc ghi trên nhãn đối với tất cả các loại hàng hóa theo quy định của Điều 12 dự thảo Nghị định này.
 
            5. Về kích thước nhãn hàng hóa (Điều 7 dự thảo): đề nghị cân nhắc lại quy định nhãn hàng hóa phải "bảo đảm ghi đầy đủ nội dung bắt buộc theo quy định tại Điều 11 và 12 của Nghị định này" bởi nhiều trường hợp nhãn hàng hóa không đủ diện tích để ghi đủ các nội dung bắt buộc. Đề nghị bổ sung quy định: "trường hợp nhãn hàng hóa không đủ để ghi hết các nội dung bắt buộc theo quy định thì những thông tin bắt buộc phải được thể hiện trên tài liệu kèm theo hàng hóa khi bán hàng cho người mua hàng".
 
            Đề nghị bổ sung quy định về kích cỡ tối thiểu của chữ viết ghi trên nhãn hàng hóa ngoài quy định chung tại Điều 7 là "nhận biết dễ dàng bằng mắt thường". Ngoài ra, đề nghị bổ sung thêm: "… nhận biết dễ dàng bằng mắt thường trong điều kiện bình thường"
  
            6. Đề nghị bổ sung quy định về những yêu cầu cơ bản đối với nhãn hàng hóa, ví dụ như: tất cả các chữ viết, chữ số, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu, ký hiệu ghi trên nhãn hàng hóa phải rõ ràng, đúng với thực chất của hàng hóa, không được ghi mập mờ, gây ra sự nhầm lẫn với nhãn hàng hóa khác (Điều 4 Quy chế Ghi nhãn hàng hóa ban hành kèm theo Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg). Những quy định này xác định những yêu cầu mang tính nguyên tắc đối với nhãn hàng hóa nhằm chống cạnh tranh không lành mạnh. 
  
            7. Về nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa (Điều 11 dự thảo) 
  
            - Đề nghị bổ sung nội dung thành phần cấu tạo và hướng dẫn sử dụng, bảo quản là nội dung chủ yếu của nhãn hàng hóa. 
  
            - Đề nghị xem xét lại điểm c khoản 1 Điều này quy định xuất xứ hàng hóa là một nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa vì trong trường hợp ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu thì sẽ có nhiều trường hợp hàng xuất khẩu không bắt buộc phải ghi xuất xứ hàng hóa. 
  
            8. Về các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu: chúng tôi cho rằng, nhãn hàng hóa là một phương thức công bố chất lượng hàng hóa, trên cơ sở đó thương nhân cam kết với khách hàng về chất lượng hàng hóa do mình cung ứng. Vì vậy, những chỉ tiêu chất lượng chủ yếu cần phải là một nội dung bắt buộc được công bố trên nhãn hàng hóa. Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu có thể là những chỉ tiêu quyết định giá trị sử dụng chính của hàng hóa và chỉ tiêu an toàn đối với người, vật nuôi, cây trồng, môi trường khi sử dụng hàng hóa đó.

             9. Về điều khoản chuyển tiếp: do quy định về ghi nhãn hàng hóa mang tính kỹ thuật cao, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của thương nhân. Khi ban hành Nghị định này, chắc chắn có một số nội dung khác với Quy chế Ghi nhãn hàng hóa hiện hành mà thương nhân đang thực hiện. Vì vậy, chúng tôi đề nghị cần có điều khoản chuyển tiếp quy định những nội dung nào theo Quy chế cũ vẫn được chấp nhận hay không được chấp nhận để hàng hóa có thể lưu thông, thời hạn chuyển đổi nhãn hàng hóa theo yêu cầu của Nghị định mới, vấn đề thay thế, hủy bỏ những nhãn hàng hóa cũ không hợp lệ .v.v… Đây là những vấn đề hết sức thực tiễn, đã xảy ra trong quá trình thực thi Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg, đề nghị dự thảo Nghị định phải lường trước được những vấn đề này để tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân tuân thủ pháp luật về ghi nhãn hàng hóa.

Các văn bản liên quan