Góp ý của Tổng cty Thương mại HN Hapro

Thứ Hai 17:02 22-05-2006
Tổng công ty thương mại Hà Nội (HAPRO)

- Thời hạn của chứng thư giám định: trước đây Tổng cục hải quan cho 1 năm, nay chỉ cho 6 tháng, xin đề nghị cho thời hạn là 1 năm như trước đây vì nhập hàng thường xuyên nên thời gian 6 tháng quay vòng rất nhanh.

- Thời hạn phân tích phân loại: theo quy định của Tổng cục hải quan là 10 ngày nhưng thực tế thì có những lô hàng phải đi giám định thành phần, tên gọi mất 2-3 tháng, thậm chí có những lô hàng cả năm cũng chưa có chứng thư, hoặc có lô hàng thì không xác định được, gây ảnh hưởng cho doanh nghiệp trong việc đưa hàng vào sản xuất.

- Đối với chứng thư giám định chất lượng: trước đây, Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường cho sử dụng chứng thư này trong vòng 6 tháng, nhưng trong thực tế thì tất cả các lô hàng gửi đi giám định đều phải giám định hết, trừ trường hợp từ 5 lô trở lên đã giám định lại chất lượng rồi thì mới cho miễn. Như vậy, đối với các mặt hàng sản xuất thường xuyên mà lô hàng nào cũng phải đi giám định thì rất mất thời gian, chi phí và công sức.

- Về trị giá tính thuế đối với hàng hóa nhập khẩu: theo trị giá GATT, nếu chứng minh hợp đồng nhập là đúng theo hợp đồng thương mại, đúng giá mua thực tế của nhà sản xuất thì được áp giá hợp đồng. Nhưng cơ quan hải quan vẫn áp giá cao hơn giá trong hóa đơn thương mại, mặc dù mặt hàng hạt nhựa thì thuế nhập khẩu là 0%, chỉ tính thuế VAT và doanh nghiệp vẫn phải nộp tiền trước rồi mới được hoàn thuế sau.

- Danh mục hàng tiêu dùng phải nộp thuế ngay: không quy định rõ những loại hàng nào là hàng tiêu dùng và hàng để sản xuất nên nếu là hàng để sản xuất thì cũng phải có công văn giải trình đề nghị cho thời hạn 30 ngày, đề nghị rà soát lại danh mục hàng hóa để dễ dàng cho hoạt động của doanh nghiệp.

- Đối với hàng nhập khẩu phi mậu dịch: khi xin giấy phép nhập khẩu của Bộ Thương mại thì cũng không xác định hết được các loại mặt hàng, chẳng hạn như các phụ tùng thay thế, dụng cụ phòng thí nghiệm… không có trong danh mục hàng phi mậu dịch nên khi nhập khẩu thì lại phải đi xin giấy phép thì rất mất thời gian và lãng phí trong khi những mặt hàng này không có nhiều giá trị thanh toán. Đề nghị chỉ nên cấp giấy phép cho những mặt hàng cấm nhập hay nhập có điều kiện, hay phải xin giấy phép của Bộ Y tế (dược phẩm, mỹ phẩm…) còn những mặt hàng Nhà nước cho nhập khẩu thì miễn giấy phép cho hàng phi mậu dịch, có thể quy định trị giá phi mậu dịch để doanh nghiệp được nhập hàng dễ dàng hơn.

- Về cưỡng chế thuế: doanh nghiệp bị cưỡng chế thuế nhiều trong khi nộp thuế rất đúng hạn, trước thời hạn, đề nghị gia hạn thời gian cưỡng chế để doanh nghiệp và cơ quan hải quan đều có thời gian xử lý (thời gian tiền thuế vào đến tài khoản của hải quan), nhất là đối với hàng cần lấy về để sản xuất ngay trong ngày.

Tờ khai của Việt Nam có đến 15 chữ ký, đề nghị giảm bớt khâu không cần thiết để tránh thủ tục rườm rà trong khai báo hải quan.

- Xử lý vi phạm hải quan: việc vi phạm có thể do doanh nghiệp không nắm rõ nên áp sai mã HS là do vô ý, đề nghị cơ quan hải quan xem xét để áp dụng từng mức độ vi phạm cho hợp lý và thỏa đáng, khác với việc doanh nghiệp cố tình trốn thuế hoặc gian lận thương mại.

- Chưa có sự bình đẳng giữa cơ quan hải quan với doanh nghiệp, cùng một bản chất nhưng sự việc nếu do doanh nghiệp làm sai thì sẽ khó khăn hơn đối với cùng việc đó mà do cơ quan hải quan làm sai.

Bà Doãn Thị Dung

Các văn bản liên quan