Góp ý của Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam

Thứ Hai 14:36 22-05-2006
GÓP Ý DỰ THẢOQUY CHẾ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CỦA CÔNG TY NHÀ NƯỚC VÀ QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC ĐẦU TƯ VÀO DOANH NGHIỆP KHÁC


Căn cứ nội dung dự thảo Nghị định ban hành Quy chế quản lý tài chính của Công ty Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác; Sau khi nghiên cứu, Tổng công ty xăng dầu Việt Nam tham gia ý kiến như sau:

1. Về cơ bản thống nhất với nội dung của dự thảo.

2. Một số ý kiến tham gia cụ thể:

2.1 Điều 1: Khoản 1 nêu Quy chế tài chính; khoản 2 nêu Quy chế quản lý vốn Nhà nước. Thực tế theo tên của dự thảo thì đây chỉ là một quy chế bao gồm 2 nội dung chứ không phải 2 quy chế riêng biệt vì vậy đề nghị xem lại để thống nhất cách gọi.
Về đối tượng: Theo dự thảo đối tượng áp dụng thì chỉ có: Công ty Nhà nước độc lập và Tổng công ty; Tuy nhiên trên thực tế theo qui định tại Luật DNNN thì Tổng công ty do Nhà nước đầu tư thành lập vẫn còn tồn tại loại hình Công ty thành viên hạch toán độc lập vì vậy đề nghị Công ty này cũng là đối tượng để áp dụng Nghị định này.

2.2 Điều 13:
- Đề nghị xem lại khái niệm:Xí nghiệp liên doanh, hợp danh ( loại hình này không thấy đề cập trong Luật doanh nghiệp )
- Tại khoản 3: Đề nghị sửa thành: Thẩm quyền quyết định dự án đầu tư ra ngoài công ty.
- Tại tiết 3.2 khoản 3: Nếu qui định như dự thảo thì sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình thu hút FDI theo hướng 1 cửa vì theo qui định này, DN Việt Nam trước khi thực hiện góp vốn liên doanh với nước ngoài phải lập phương án đầu tư và phải được đơn vị quyết định thành lập phê duyệt phương án; Trong khi đó, theo luật FDI khi trình hồ sơ thành lập DN có vốn đầu tư nước ngoài, đơn vị cấp giấy phép đầu tư đều cần phải lấy ý kiến từ đơn vị chủ quản DN tham gia liên doanh.

2.3 Điều 14:
Đề nghị xem lại qui định tại tiết a khoản 1 vì: Nếu qui định như dự thảo thì sẽ khác với qui định trong các Nghị định về quản lý đầu tư và xây dựng. Theo như Nghị định 07/2003 ( tới đây là Luật xây dựng ), đối với các dự án ( A,B và C ), do doanh nghiệp đầu tư, doanh nghiệp tự thẩm định dự án, tự quyết định đầu tư và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật nhưng theo dự thảo quy chế này lại đặt ra hạn mức đầu tư.

2.4 Khoản 3 điều 17:
Về cơ bản khi nhượng bán tài sản phải thực hiện theo hình thức đấu giá nhưng cũng cần phải qui định giá trị dự kiến thu hồi là bao nhiêu mới tổ chức đấu giá vì trong thực tế có những tài sản giá trị thu hồi không đáng kẻ nhưng theo dự thảo vẫn phải tổ chức đấu gía là không phù hợp.

2.5 Tại tiết i khoản 1 điều 24:
Đề nghị qui định bổ xung đối với chênh lệc tỷ giá thực tế khi thanh toán, vì theo qui định các đơn vị hạch toán giá vốn hàng hoá nhập khẩu theo tỷ giá bình quân liên ngân hàng nhưng khi ngân hàng bán ngoại tệ thường cộng (+ ) với 0,25% là biên độ tối đa được phép đặc biệt việc tỷ giá không ổn định như hiện nay thì các doanh nghiệp nhập khẩu phát sinh chênh lệch này là rất lớn.

2.6 Điều 28: Phân phối lợi nhuận
- Cần làm rõ phần lợi nhuận tạo ra đối với các khoản vay có bảo lãnh của Chính phủ, Bộ Tài chính, các khoản vay được hỗ trợ lãi suất thì được phân phối như thế nào? ( vì trong tiết đ khoản 1 khi nói về khái niệm vốn do công ty tự huy động ).
- Dự thảo qui định rất nhiều nội dung được chi từ quỹ khen thưởng, phúc lợi nhưng nếu trong trường hợp công ty chỉ có 100% vốn Nhà nước thì theo dự thảo không có nguồn để trích lập trong khi nếu Công ty vốn huy động lớn thì nguồn trích lập lớn như vậy cũng chưa thực sự công bằng. Theo Tcty xăng dầu Việt Nam thì việc bổ xung từ lợi nhuận vào vốn điều lệ chỉ phần thuế vốn mà nhà nước để lại doanh nghiệp như qui định tại Thông tư 30/2002/TT-BTC ngày 27/3/2002 của Bộ Tài chính ( bình đẳng giữa các nguồn vốn )
- Tại khoản 2: Đề nghị mức trích quỹ đầu tư phát triển và quĩ khen thưởng Ban quản lý điều hành công ty do Hội đồng quản trị ( Công ty có HĐQT ) và Giám đốc ( Cty không có HĐQT ) quyết định theo khung qui định của Nhà nước.

2.7 Điều 32:
Tại khoản 2 qui định về kiểm toán bắt buộc; vấn đề này đề nghị xem xét khả năng các tổ chức kiểm toán độc lập có thực hiện được không?

2.8 Doanh thu, chi phí, tài sản:
Đề nghị qui định rõ đối với các Tổng công ty Nhà nước có các công ty độc lập do Nhà nước đầu tư vốn hiện nay vẫn còn tồn tại ( các Tcty 90, 91 ). Nếu theo dự thảo thì phần doanh thu, chi phí, tài sản của Tcty chỉ bao gồm : Trực tiếp tại văn phòng Cty, các đơn vị hạch toán phụ thuộc Tcty … ( không bao gồm các Cty độc lập ).

Trên đây là một số ý kiến tham gia trên giác độ doanh nghiệp. Tổng công ty xăng dầu Việt Nam báo cáo Quí cơ quan xem xét.


[b]TỔNG CÔNG TY XĂNG DẦU VIỆT NAM

Các văn bản liên quan