Góp ý của Ths Nguyễn Thị Yến – Khoa luật kinh tế Đại học Luật Hà Nội

Thứ Năm 13:58 01-04-2010

BÌNH LUẬN VỀ TÍNH THỐNG NHẤT VÀ HỢP LÝ CỦA DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH THAY THẾ NGHỊ ĐỊNH 139/2007/NĐ-CP NGÀY 5/9/2007 HƯỚNG DẪN CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT DOANH NGHIỆP

                                               Ths. Nguyễn Thị Yến

Khoa Pháp luật Kinh tế - Đại học Luật Hà Nội

 

Nghị định 139/2007/NĐ-CP ngày 5/9/2007 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp (sau đây gọi tắt là NĐ139/2007) ra đời đã được gần 4 năm. Qua thời gian áp dụng vào thực tiễn, NĐ139/2007 đã phát huy những tác dụng tích cực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công Luật Doanh nghiệp (2005). Tuy nhiên, bên cạnh đó, NĐ139/2007 cũng bộc lộ một số điểm hạn chế mà nếu khắc phục được, việc điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong quá trình thực thi Luật Doanh nghiệp (2005) sẽ hiệu quả hơn và bảo vệ tốt hơn lợi ích của các nhà kinh doanh cũng như lợi ích chung của nền kinh tế. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã nghiên cứu và soạn thảo Nghị định thay thế NĐ139/2007.

Với tư cách là một nhà nghiên cứu và giảng dạy pháp luật thương mại, tôi có một số bình luận về bản Dự thảo Nghị định thay thế NĐ139/2007. Những bình luận trong bản tham luận của tôi được chia thành ba vấn đề lớn:

Thứ nhất: Những vấn đề còn tồn tại trong NĐ139/2007 chưa được Dự thảo Nghị định khắc phục

Một là: Quy định về ngành nghề cấm kinh doanh (điều 4 NĐ139/2007, điều 7 Dự thảo)

NĐ139/2007 quy định Danh mục ngành nghề cấm kinh doanh gồm 14 ngành nghề được liệt kê cụ thể. Để đảm bảo tính dự báo của pháp luật và khắc phục nhược điểm của phương pháp liệt kê, mục cuối cùng (mục p khoản 1 có đưa thêm: Các ngành nghề cấm kinh doanh khác được quy định tại các luật, pháp lệnh và nghị định chuyên ngành). Dự thảo Nghị định giữ nguyên quy định này, nhưng quy định theo phương pháp này bộc lộ hai điểm hạn chế cơ bản:

(i) Phương pháp liệt kê không bao quát được hết các ngành nghề pháp luật cấm kinh doanh. Khi có một quan hệ mới phát sinh, nhà kinh doanh cũng như cơ quan nhà nước có thẩm quyền không biết đây là lĩnh vực bị cấm kinh doanh hay được phép kinh doanh (vì không có trong Danh mục cấm nhưng cũng chưa chắc đã được phép), do đó gây lúng túng cho chủ thể áp dụng pháp luật và làm mất thời cơ kinh doanh của các nhà kinh doanh. Vì thế, nếu quy định theo phương pháp này, nhà làm luật cần phải cập nhật liên tục những quan hệ mới phát sinh trong đời sống kinh tế xã hội để luật không bị lạc hậu và kìm hãm sự phát triển của các quan hệ kinh tế. Hơn nữa, tồn tại sự không tương thích trong hệ thống pháp luật hiện hành về ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Cụ thể, điểm i khoản 1 điều 4 NĐ139/2007 (điểm i khoản 1 điều 7 Dự thảo) quy định: Kinh doanh dịch vụ tổ chức đánh bạc, gá bạc dưới mọi hình thức là ngành nghề cấm kinh doanh; trong khi điểm đ khoản 1 điều 37 NĐ108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư (gọi tắt là NĐ108/2006) quy định kinh doanh casino là ngành nghề kinh doanh có điều kiện và dự án đầu tư phải được sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

(ii) Việc đưa thêm mục cuối cùng của quy định sau khi liệt kê cụ thể các ngành nghề cấm kinh doanh lại khiến luật pháp trở nên không cụ thể, làm cho nhà kinh doanh khó theo dõi để thực thi luật. Khi muốn kinh doanh một ngành nghề, lĩnh vực đặc thù nào đó, nhà kinh doanh không chỉ tìm hiểu Luật Doanh nghiệp (2005) và các văn bản hướng dẫn thi hành, mà còn phải tìm hiểu các văn bản pháp luật đối với ngành nghề mà mình dự định kinh doanh. Vì thế, nếu đã liệt kê cụ thể, Dự thảo Nghị định nên liệt kê đầy đủ các lĩnh vực bị cấm trong các văn bản khác nữa để Danh mục ngành nghề cấm kinh doanh đầy đủ hơn; hoặc chỉ dẫn cụ thể văn bản quy định ngành nghề cấm kinh doanh đối với từng lĩnh vực cụ thể. Như thế, việc theo dõi và áp dụng pháp luật đối với nhà kinh doanh sẽ dễ dàng hơn.

            Hai là: Quy định về ngành nghề kinh doanh phải có vốn pháp định (điều 7 NĐ139/2007, điều 10 Dự thảo)

            Khoản 1 điều 7 NĐ139/2007 quy định các vấn đề liên quan đến vốn pháp định như: ngành nghề kinh doanh phải có vốn pháp định, mức vốn pháp định, cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về vốn pháp định... áp dụng theo các quy định của pháp luật chuyên ngành (Dự thảo Nghị định giữ nguyên quy định này). Tuy nhiên, một số văn bản pháp luật chuyên ngành lại dẫn chiếu sang các quy định của Luật Doanh nghiệp. Đây là tình trạng không đáng có xảy ra trong hệ thống pháp luật hiện hành mà nếu rơi và tình trạng này, nhà kinh doanh và cơ quan nhà nước sẽ không biết cách áp dụng. Hơn nữa, NĐ139/2007 hay Dự thảo không quy định rõ quy trình đăng ký vốn pháp định (gồm bao nhiêu bước, cách thức đăng ký như thế nào...) gây lúng túng cho các nhà kinh doanh khi muốn hoạt động trong những ngành nghề này. Do vậy, Dự thảo cần quy định rõ về ngành nghề kinh doanh phải có vốn pháp định và quy trình đăng ký vốn pháp định; hoặc dẫn chiếu cụ thể các văn bản pháp luật hiện hành quy định về vấn đề này để nhà kinh doanh dễ dàng tìm hiểu và áp dụng hơn; hơn nữa tránh tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn nhau giữa các quy định trong cùng hệ thống pháp luật.

            Ba là: Quy định về quyền thành lập doanh nghiệp (điều 9 NĐ139/2007, điều 12 Dự thảo)

            Quy định này được đánh giá là “bước đột phá” của NĐ139/2007 khi không hạn chế quyền thành lập doanh nghiệp đối với pháp nhân và cá nhân trong nước hay nước ngoài. Tuy nhiên, NĐ139/2007 không có sự giải thích rõ ràng khi trích dẫn quy định của Luật Đầu tư (2005). Cụ thể, khoản 1 điều 50 Luật Đầu tư quy định: “Nhà đầu tư nước ngoài lần đầu đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư và làm thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Khoản 3 điều 9 NĐ139/2007, khoản 3 điều 12 Dự thảo trích dẫn nguyên tinh thần của điều luật này, nhưng không giải thích rõ: thế nào là đầu tư lần đầu vào Việt Nam? Làm thế nào để cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết đây là dự án đầu tư lần đầu của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam? Hiện tại, việc kiểm tra của cơ quan đăng ký kinh doanh bằng cách nối mạng toàn quốc mới chỉ thực hiện được ở những dự án được cấp phép trong thời gian gần đây, khi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đồng thời là giấy đăng ký mã số thuế của doanh nghiệp. Nếu việc đăng ký lần đầu của nhà đầu tư nước ngoài để thành lập doanh nghiệp đã diễn ra ở thời điểm trước đó, sẽ rất khó có cơ chế kiểm tra. Hơn nữa, cũng theo quy định này của Luật Đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư lần đầu vào Việt Nam phải có dự án đầu tư, nhưng nếu quy định về quyền thành lập doanh nghiệp như trên, có thể hiểu rằng, nhà đầu tư nước ngoài có quyền thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam mà không cần dự án đầu tư.

           Như vậy, cần phải sửa đổi quy định này theo hướng khắc phục những hạn chế hiện nay mà không nên giữ nguyên.

            Bốn là: Quy định về tiêu chuẩn và điều kiện đối với Giám đốc (Tổng giám đốc) và thành viên Hội đồng quản trị là không cần thiết và trái tinh thần của Luật Doanh nghiệp.

            Khoản 1 điều 57, khoản 1 điều 110, khoản 2 điều 116 Luật Doanh nghiệp quy định tiêu chuẩn và điều kiện trở thành Giám đốc (Tổng giám đốc) và thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty cổ phần, theo đó, các điều kiện cụ thể bao gồm: điều kiện về năng lực chủ thể, về vốn góp (đối với thành viên) hoặc trình độ chuyên môn, kinh nghiêm thực tế trong quản lý (đối với người không phải thành viên công ty). Ngoài ra, các chủ thể này phải thỏa mãn các điều kiện khác nếu Điều lệ công ty quy định. Điều 13 NĐ139, điều 16 Dự thảo lặp lại quy định này của Luật, nhưng lại quy định các chủ thể này chỉ phải thỏa mãn một trong hai loại điều kiện: hoặc các điều kiện theo quy định của Luật; hoặc các điều kiện khác với các tiêu chuẩn, điều kiện trên do Điều lệ công ty quy định. Như vậy, quy định này không cần thiết như nhắc lại quy định của Luật; hơn nữa lại bất hợp lý bởi vì, Điều lệ công ty nếu có quy định các điều kiện khác, chỉ được quy định thêm các điều kiện mà Luật không đặt ra, chứ không được quy định trái Luật. Trong trường hợp này, quy định của Nghị định trái Luật mà vẫn có hiệu lực là điều cần phải sửa đổi, không nên giữ nguyên.

            Năm là: Quy định về phương thức bầu dồn phiếu

            Phương thức bầu dồn phiếu được áp dụng đối với tất cả các công ty cổ phần, được quy định tại điểm c khoản 3 điều 104 Luật Doanh nghiệp và hướng dẫn cụ thể tại điều 17 NĐ139/2007, điều 30 Dự thảo. Tuy nhiên, Nghị định chỉ hướng dẫn về tỷ lệ vốn tương ứng với số lượng ứng cử viên được bầu, mà chưa quy định rõ cách thức bầu dồn phiếu. Vì thế, với những công ty cổ phần không nhiều cổ đông, các thành viên có sự nhất trí cao trong việc bầu thành viên lãnh đạo, để tránh thủ tục không rõ ràng (vì không được hướng dẫn) nên khi bầu dồn phiếu, họ thường áp dụng nguyên tắc nhất trí. Do đó, hiệu quả điều chỉnh của các quy định pháp luật không cao.

            Sáu là: Quy định về chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn 

            Theo điều 24 NĐ139/2007, điều 37 Dự thảo: doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn nếu thỏa mãn điều kiện. Quy định này có điểm tích cực là tạo điều kiện thuận lợi cho chủ thể kinh doanh khi muốn chuyển đổi hình thức, nhưng sẽ dẫn đến những bất hợp lý sau:

            (i) Đây là quy định trái luật, bởi Luật Doanh nghiệp (2005) chỉ quy định chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn thành công ty cổ phần hoặc ngược lại (điều 154) và chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (điều 155), không quy định chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn. Sở dĩ Luật quy định như vậy vì chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn là chuyển đổi từ sở hữu của một thể nhân sang sở hữu của pháp nhân. Điều này sẽ gây ra những khó khăn nhất định khi trách nhiệm của thể nhân là trách nhiệm vô hạn, trong khi trách nhiệm của pháp nhân là trách nhiệm cho đến khi hết tài sản mà pháp nhân có, do vậy, quyền lợi của các chủ thể liên quan khó được bảo đảm một cách thỏa đáng.

            (ii) Nếu đã cho phép doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn một hay nhiều thành viên (tức giải quyết được vấn đề về sở hữu), không có lý do gì để hạn chế việc doanh nghiệp này có thể chuyển đổi thành công ty cổ phần. Nếu Dự thảo Nghị định không quy định, doanh nghiệp tư nhân nếu muốn chuyển đổi thành công ty cổ phần sẽ phải chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn, sau đó mới chuyển thành công ty cổ phần. Như thế sẽ gây lãng phí thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

            (iii) Nếu đã cho phép doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi thành các loại hình công ty, cần thiết phải bổ sung quy định: Công ty được chuyển đổi từ doanh nghiệp tư nhân được kế thừa và tiếp tục thực hiện các hợp đồng, dự án... của doanh nghiệp tư nhân đã có, kể cả các hợp đồng thuê đất của Nhà nước. Có như vậy, công ty được chuyển đổi mới là chủ thể hợp pháp của các hợp đồng mà doanh nghiệp tư nhân đã ký trước đó, hơn nữa, sẽ không phải làm lại các thủ tục phức tạp do thay đổi chủ đầu tư dự án đã được cấp phép (vì doanh nghiệp tư nhân là chủ dự án hay chủ thể các hợp đồng trước đây)

            Bảy là: Quy định về việc giám sát của cơ quan đăng ký kinh doanh đối với trình tự, thủ tục tiến hành họp và quyết định của Đại hội đồng cổ đông (điều 27 NĐ139/2007, điều 40 Dự thảo)

            Quy định này là không khả thi, do cơ quan đăng ký kinh doanh hiện tại không đủ nhân lực, thông tin và điều kiện để theo dõi, giám sát việc họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần. Quy định này cũng không cần thiết, bởi việc họp Đại hội đồng cổ đông là công việc nội bộ của từng công ty, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không nên can thiệp. Hơn nữa, nếu phát hiện sai phạm, cơ quan đăng ký kinh doanh cũng không có thẩm quyền xử lý, bởi vì không phải là cơ quan tài phán. Do vậy, đây là quy định không có nhiều ý nghĩa và nên sửa đổi, không nên giữ nguyên.

Thứ hai: Những sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Nghị định chưa thực sự hợp lý, cần chỉnh sửa hoàn thiện

            Một là: Một số quy định bổ sung vào Dự thảo là không cần thiết, vì đã có các văn bản khác quy định.

Cụ thể, điều 4: “Tổ chức Đảng trong doanh nghiệp” đã được quy định tại điều 6 Luật Doanh nghiệp; điều 5: “Góp vốn bằng quyền sở hữu trí tuệ”, quyền sở hữu trí tuệ đã được Luật sở hữu trí tuệ giải thích cụ thể; điều 15: “Bảo quản và sử dụng con dấu của doanh nghiệp”, con dấu đã được Thông tư 05/TT/BCA ngày 5/2/2010 quy định cụ thể; khoản 3 điều 24 về số cổ phần tối thiểu cổ đông sáng lập phải mua khi thành lập công ty cổ phần đã được quy định tại khoản 1 điều 84 Luật Doanh nghiệp; điều 25: “Chào bán cổ phần” đã được NĐ01/2010 về chào bán cổ phần riêng lẻ quy định chi tiết. Như vậy, những quy định này đưa vào Dự thảo không có mấy ý nghĩa, vì vậy cần xem xét lại.

            Hai là: Một số quy định trong Dự thảo thể hiện sự can thiệp khá sâu của Nhà nước (cụ thể là của cơ quan đăng ký kinh doanh) vào hoạt động nội bộ của doanh nghiệp.

            Cụ thể: Cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền kiểm tra kết quả tiến độ góp vốn hoặc góp cổ phần nếu thấy cần thiết hoặc theo yêu cầu của ít nhất một thành viên của công ty (khoản 9 điều 19, khoản 8 điều 24); cơ quan đăng ký kinh doanh có quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo của thành viên đối với Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng thành viên (khoản 1 điều 20); công ty cổ phần bắt buộc phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh khi chào bán cổ phần theo điểm d  khoản 1 điều này (khoản 3, 4 điều 25); cơ quan đăng ký kinh doanh hoặc cơ quan nhà nước quản lý đầu tư có thẩm quyền giám sát trình tự, thủ tục tiến hành họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông công ty cổ phần nếu được đề nghị (điều 40). Những hoạt động này đều là hoạt động quản lý nội bộ của doanh nghiệp, vì thế, những quy định này vừa không thực sự cần thiết, vừa thiếu tính khả thi, vừa thể hiện sự can thiệp sâu của cơ quan nhà nước vào hoạt động của doanh nghiệp. Hơn nữa, nếu doanh nghiệp có những sai phạm, cơ quan đăng ký kinh doanh cũng không đủ thẩm quyền xử lý, mà thẩm quyền này thuộc về các cơ quan tài phán hay quản lý nhà nước. Do vậy, cần phải xem xét sự cần thiết của việc bổ sung những quy định này vào Dự thảo.

            Ba là: Một số quy định trong Dự thảo chưa thực sự hợp lý, cần chỉnh sửa để hoàn thiện hơn

            (i) Quy định về vốn điều lệ của công ty cổ phần

            Theo Luật Doanh nghiệp, các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% số cổ phần phổ thông được quyền chào bán, phải thanh toán đủ trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (khoản 1 điều 84). Như vậy, công ty cổ phần tồn tại hai loại vốn và đều được ghi vào Điều lệ: một là tổng số cổ phần dự kiến phát hành trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (hay vốn điều lệ dự kiến), hai là tổng số cổ phần thực tế đã bán được (hay vốn điều lệ thực tế). Vì thế, khoản 3, 4 điều 6 Dự thảo quy định: “Vốn điều lệ của công ty cổ phần là tổng giá trị mệnh giá số cổ phần đã phát hành; vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký kinh doanh là tổng giá trị mệnh giá các cổ phần do các cổ đông sáng lập và các cổ đông khác đăng ký mua và được ghi trong điều lệ công ty” chỉ phản ánh được một loại vốn điều lệ, đó là vốn điều lệ thực tế đã bán được tại thời điểm đăng ký kinh doanh, không bao gồm vốn điều lệ dự kiến phát hành. Nếu vậy, cơ sở nào để xác định số cổ phần mà các sáng lập viên bắt buộc phải nắm giữ khi muốn thành lập công ty cổ phần?

            (ii) Quy định về quyền khiếu nại, khởi kiện đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng Giám đốc)

            Khoản 1 điều 27 Dự thảo quy định: Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 1% số cổ phần phổ thông liên tục trong thời hạn 6 tháng có quyền yêu cầu Ban kiểm soát khiếu nại, khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc (Tổng Giám đốc) trong các trường hợp được liệt kê. Quy định này có ý nghĩa bảo vệ cổ đông thiểu số, nhưng có nên chăng khi cổ đông chỉ chiếm 1% cổ phần phổ thông có quyền yêu cầu Ban kiểm soát khởi kiện. Nếu như vậy, e rằng rất nhiều cổ đông đủ điều kiện sẽ phát huy tối đa quyền lợi này, và các thành viên lãnh đạo công ty luôn luôn phải đối mặt với nguy cơ bị khiếu nại, khởi kiện.

            (iii) Quy định về chuyển đổi công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

            Khoản 1 điều 32 Dự thảo quy định: Công ty trách nhiệm hữu hạn 100% sở hữu nhà nước không được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên. Đây là điểm bổ sung của Dự thảo so với điều 19 NĐ139/2007, nhưng điểm bổ sung này là trái Luật Doanh nghiệp (2005), Luật Doanh nghiệp nhà nước (2003) vì cả hai Luật này đều không cấm. Bên cạnh đó, khoản 2 điều 32 Dự thảo quy định: công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên được chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi chủ sở hữu công ty đã góp đủ số vốn vào công ty như đã cam kết. Quy định này là không thực sự cần thiết và không bao quát được hết các trường hợp xảy ra trên thực tế, bởi vì, nếu chủ sở hữu công ty không đủ khả năng để góp đủ số vốn đã cam kết, muốn kết nạp thêm thành viên và chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên sẽ không được chấp nhận theo điều này. Do đó, quy định này nên sửa đổi để có thể tạo điều kiện tốt hơn cho nhà kinh doanh khi muốn chuyển đổi hình thức doanh nghiệp mà không nên giữ nguyên như trước đây.

            (iv) Quy định về chữ ký của thành viên, người đại diện thành viên trong biên bản họp Hội đồng thành viên

            Điều 22 Dự thảo quy định theo tinh thần của điểm e khoản 2 điều 53 Luật Doanh nghiệp, nhưng giải thích thêm: Trường hợp thành viên, người đại diện thành viên không đồng ý về một hoặc một số nội dung đã được Hội đồng thành viên thông qua và từ chối ký biên bản cuộc họp đó của Hội đồng thành viên, thì chữ ký xác nhận việc tham dự họp của họ được coi là chữ ký của họ tại biên bản họp Hội đồng thành viên. Điểm bổ sung này là không hợp lý, bởi vì việc thành viên hoặc người đại diện thành viên không đồng ý với một hoặc một số nội dung của cuộc họp và không ký vào biên bản thể hiện sự phản đối của họ với một hoặc một số nội dung cuộc họp. Trong trường hợp này, phải chỉnh sửa theo hướng: nếu không đồng ý với nội dung nào của cuộc họp, thành viên đó vẫn ký và ghi rõ là “không đồng ý”; nếu họ bỏ cuộc họp giữa chừng, tất cả các thành viên còn lại phải lập biên bản và ghi rõ sự việc đó. Không thể coi việc họ có mặt tại cuộc họp đồng nghĩa với việc họ đồng ý với các nội dung của cuộc họp Hội đồng thành viên.

            Thứ ba: Những sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Nghị định là hợp lý, nên giữ nguyên và đưa thành những nội dung chính thức của Nghị định mới

Bên cạnh những tồn tại đã được chỉ ra, Dự thảo đã bổ sung và sửa đổi nhiều quy định hợp lý, cần thiết và nên giữ nguyên để đưa vào nội dung chính thức của Nghị định mới. Cụ thể:

(i) Điều 17 quy định cách thức xử lý khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không quay trở lại Việt Nam quá 30 ngày. Quy định này là cần thiết để tránh trường hợp công ty không có người đại diện hoặc người đại diện đã hết thời hạn được làm đại diện nhưng không có quy định xử lý.

(ii) Khoản 3 điều 19 quy định về số phiếu biểu quyết và lợi nhuận chia cho thành viên trong thời hạn chưa góp đủ số vốn cam kết là tương ứng với tỷ lệ số vốn thực góp, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác. Quy định này là hợp lý, bởi sẽ khuyến khích thành viên góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết, hơn nữa cũng giúp việc xử lý số sách kế toán trong công ty thống nhất hơn. Quy định này cũng tránh được việc hiểu và áp dụng khác nhau ở các công ty, như trong thời gian vừa qua, một số công ty hiểu quyền lợi và nghĩa vụ của thành viên tương ứng với số vốn cam kết góp; một số khác lại hiểu nghĩa vụ của thành viên tương ứng với số vốn cam kết góp, nhưng quyền lợi lại tương ứng với số vốn thực góp.

(iii) Khoản 5 điều 24 quy định các trường hợp xử lý khi cổ đông không thanh toán đủ số cổ phần đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là cần thiết và hợp lý, bởi vì hiện tại, nếu cổ đông không góp hoặc không góp đủ số cổ phần đã đăng ký cũng không có quy định nào điều chỉnh. Cơ quan đăng ký kinh doanh không có quyền can thiệp trong trường hợp này, các cổ đông khác của công ty cũng không có cơ sở pháp lý để xử lý. Do vậy, đây là bổ sung cần thiết để giúp tháo gỡ vướng mắc này, cần đưa vào nội dung chính thức của Nghị định.

(iv) Điều 29 quy định việc công khai hóa những người có liên quan và các giao dịch của họ với công ty. Đây là quy định cần thiết để tránh các giao dịch tư lợi của thành viên công ty với những người có liên quan khi thiết lập giao dịch. Luật Doanh nghiệp đã quy định về các giao dịch này, nhưng nếu danh sách những người có liên quan của thành viên công ty không được tập hợp, cập nhật và công khai hóa, rất khó để kiểm soát các giao dịch. Vì thế, quy định này cần đưa chính thức vào nội dung Nghị định.

(v) Điều 41 quy định về giải thể doanh nghiệp đã khắc phục được những điểm bất hợp lý trước đây. Cụ thể, điều 28 NĐ139/2007 quy định: hồ sơ giải thể doanh nghiệp gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh, ngoài các giấy tờ cần thiết, phải có: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đầu tư; Con dấu, Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu, Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế của doanh nghiệp; Số hóa đơn giá trị gia tăng chưa sử dụng (điểm d, đ, e khoản 3). Quy định này là bất hợp lý, vì cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ có quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không có quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư, con dấu, Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu, Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế, hóa đơn giá trị gia tăng. Quy định của Dự thảo đã bỏ đi những giấy tờ trên, thay bằng: Giấy xác nhận của cơ quan thuế về việc đã hoàn thành các nghĩa vụ về thuế, Giấy xác nhận của cơ quan công an về việc hủy con dấu (điểm d, đ khoản 3 điều 41). Như vậy, cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ dễ thực thi pháp luật về giải thể doanh nghiệp hơn khi không phải thực hiện chức trách của cơ quan khác. Tuy nhiên, Dự thảo nên quy định các thủ tục, quy trình đơn giản hơn nữa để khuyến khích các doanh nghiệp vì một lý do nào đó mà không hoạt động được nữa sẽ tiến hành thủ tục giải thể, bởi vì, nếu thủ tục quá phức tạp, doanh nghiệp sẵn sàng “biến mất” mà không cần thông qua thủ tục giải thể. Khi đó, việc bảo vệ quyền lợi của các chủ thể có liên quan sẽ trở nên khó khăn hơn.

Tóm lại: Dự thảo Nghị định đã có nhiều điểm tiến bộ so với NĐ139/2007; khắc phục được nhiều hạn chế, thiếu sót của NĐ139/2007 khi sửa đổi, bổ sung và ban hành mới nhiều quy định. Liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp, vướng mắc hiện nay phần nhiều lại thuộc về Luật đầu tư và một số Luật khác có liên quan như Luật Đất đai, Luật kinh doanh bất động sản, Luật đấu thầu… Nghị định này chỉ trong phạm vi hướng dẫn thực hiện Luật Doanh nghiệp nên nhiều vướng mắc chưa thể giải quyết, cần có sự sửa đổi đồng bộ các quy định trong nhiều văn bản pháp luật. Nếu một số những bất cập, tồn tại của Dự thảo được khắc phục cùng với một số văn bản khác thì đây sẽ là một văn bản tốt, điều chỉnh tương đối toàn diện các quan hệ có liên quan, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các nhà kinh doanh phát huy hơn nữa quyền tự do kinh doanh đã được pháp luật thừa nhận./.

 

 

 

 

 

Các văn bản liên quan