Góp ý của Ths Nguyễn Thị Thuỷ – Khoa Luật Thương mại – ĐH Luật TP HCM

Thứ Hai 15:00 08-10-2007


Một số góp ý đối với Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức, quản trị và hoạt động của Ngân hàng thương mại.

Ths.Nguyễn Thị Thủy – Khoa Luật thương mại - Đại học Luật Tp. HCM.
 
Hoạt động ngân hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với nền kinh tế. Thực tế đã chứng minh, hiệu quả của hoạt động ngân hàng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát tirển của nền kinh tế. Cụ thể, hệ thống ngân hàng là kênh cung ứng vốn chủ yếu cho nền kinh tế, vì vậy, muốn có một nền kinh tế phát triển với nguồn vốn đầu tư dồi dào thì phải có một hệ thống ngân hàng vững mạnh.
Thấy được tầm quan trọng của hoạt động ngân hàng nói chung và sự tồn tại và phát triển của hệ thống ngân hàng nói riêng đối với nền kinh tế, Nhà nước ta đã thiết lập một mảng pháp luật riêng để điều chỉnh và quản lý hoạt động ngân hàng cũng như quy định về cơ cấu tổ chức của những chủ thể thực hiện hoạt động ngân hàng mang tính chất thường xuyên, chuyên nghiệp đó là các Tổ chức tín dụng. Qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển pháp luật ngân hàng cho thấy, Nhà nước đã có những nổ lực rất lớn trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về ngân hàng cũng như đã có những cơ chế quản lý thích hợp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước, với tư cách là chủ thể quản lý nhà nước đối với các tổ chức tín dụng đã thực hiện tốt chức năng của mình trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động ngân hàng, tạo sự an toàn cho nền kinh tế cũng như sự an tâm của người dân đối với các ngân hàng.

Hoạt động ngân hàng là hoạt động mang tính nhạy cảm, sự ảnh hưởng của hoạt động này đối với nền kinh tế là rất lớn, do vậy, sự điều chỉnh từ phía Nhà nước bằng hệ thống pháp luật đối với hoạt động ngân hàng cũng phải đảm bảo tính kịp thời để tránh những hậu quả xảy ra đối với nền kinh tế. Vì vậy, khi Nhà nước ban hành một văn bản pháp luật để điều chỉnh trong lĩnh vực ngân hàng cần phải đảm bảo tính kịp thời và phù hợp với tính chất của hoạt động này.

Với những vai trò của hoạt động ngân hàng và pháp luật ngân hàng đối với sự phát triển của nền kinh tế và xã hội, thì việc phải ban hành Nghị định thay thế cho Nghị định 49/NĐ-CP ngày 12/9/2000 là cần thiết. Vì trên thực tế, Nghị định 49 đã bộc lộ một số bất cập trong việc điều chỉnh về tổ chức, quản trị và hoạt động ngân hàng, hơn nữa, khi Việt nam gia nhập WTO thì một số quy định về hoạt động ngân hàng cũng phải sửa đổi, bổ sung để phù hợp với những cam kết của Việt nam đối với WTO trong lĩnh vực ngân hàng. Nhìn chung, Dự thảo Nghị định đã quy định khá chi tiết, các khái niệm trong Dự thảo được định nghĩa rất cụ thể và dễ hiểu, nội dung của các chương trong Nghị định là phù hợp với nội dung quản lý nhà nước về tổ chức, quản trị và hoạt động ngân hàng. Để đảm bảo tính phù hợp và khả thi của Nghị định, chúng tôi xin có một vài góp ý nhỏ sau:
 
Thứ nhất, chúng tôi đồng ý với quan điểm của Ban soạn thảo trong việc xác định căn cứ để ban hành Nghị định đó là căn cứ vào Luật chuyên ngành như Luật Ngân hàng nhà nước Việt nam, Luật các tổ chức tín dụng và các cam kết quốc tế của Việt nam mà không căn cứ vào Luật doanh nghiệp năm 2005. Sở dĩ, chúng tôi có ý kiến trên bởi vì, hoạt động ngân hàng là hoạt động rất đặc thù, tính chuyên môn và sự chuyên nghiệp trong hoạt động này rất cao, hơn nữa hoạt động này lại có sự ảnh hưởng rất lớn đền chính sách tiền tệ của nhà nước, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế quốc gia, chính vì vậy mà đây là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Xuất phát từ tính đặc thù của hoạt động ngân hàng nên pháp luật điều chỉnh hoạt động của các chủ thể này cần có những quy định riêng, phù hợp với lĩnh vực hoạt động ngân hàng, do vậy, một số quy định của pháp luật áp dụng chung cho doanh nghiệp sẽ không phù hợp với chủ thể thực hiện hoạt động ngân hàng. Cụ thể, chúng ta sẽ khó có thể dẫn chiếu một số quy định của Luật doanh nghiệp năm 2005 để áp dụng cho các chủ thể kinh doanh ngân hàng như các quy định về cổ đông sáng lập, về cơ cấu tổ chức quản lý doanh nghiệp, về tiêu chuẩn, điều kiện đối với thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, Tổng giám đốc… vì cơ cấu của ngân hàng phải đảm bảo tính chặt chẽ trong quản lý tài chính, tránh rủi ro trong việc thực hiện hoạt động kinh doanh tiền tệ, tránh sự ảnh hưởng mang tính dây chuyền trong hệ thống ngân hàng, hơn nữa, để điều hành được một ngân hàng, yêu cầu các chủ thể này phải có chuyên môn, trình độ trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Chính vì vậy, nội dung Nghị định chỉ nên tham khảo các quy định của Luật doanh nghiệp để phù hợp với Luật chung mà không cần căn cứ vào Luật doanh nghiệp để ban hành.

Thứ hai, về tính cấp thiết của việc ban hành Nghị định, chúng tôi đồng ý với ý kiến của Ngân hàng nhà nước là cần thiết phải ban hành Nghị định mà không nên chờ Luật sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng vì các lý do sau:

- Ngân hàng nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, do vậy, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, Ngân hàng nhà nước là chủ thể biết rõ nhất về sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung những quy định pháp luật về ngân hàng để phục vụ cho hoạt động quản lý của mình.

- Hoạt động ngân hàng là hoạt động rất nhạy cảm đối với nền kinh tế, vì vậy, để đảm bảo sự an toàn cho nền kinh tế, nhà nước phải có những điều chỉnh mang tính chất kịp thời để tránh những ảnh hưởng không tốt từ hoạt động này đối với nền kinh tế. Có nghĩa là, nếu chúng ta không có sự quản lý kịp thời đối với những thay đổi về cơ cấu tổ chức của những chủ thể thực hiện hoạt động ngân hàng cũng như điều chỉnh kịp thời những biến động của hoạt động ngân hàng trong nền kinh tế thì hậu quả của nó sẽ là rất lớn.

- Việc ban hành Nghị định trước khi sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng không có nghĩa là Nghị định này sẽ hết hiệu lực khi Luật sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng được ban hành. Lý do là quy định trong Luật thường chỉ mang tính định hướng, là những quy định chung, do vậy, nếu một văn bản pháp luật (cụ thể là Nghị định) dù có ban hành trước nhưng nội dung của nó không trái với quy định của Luật thì cũng không ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý của Nghị định.
 
Thứ ba, tại điều 1, quy định về phạm vi điều chỉnh của Nghị định chỉ cần ghi: “Nghị định này quy định về tổ chức, quản trị và hoạt động của các ngân hàng thương mại được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng” là được. Bởi vì nếu ghi như dự thảo liệt kê Luật các tổ chức tín dụng ngày 12/12/1997 và Luật sửa đổi bổ sung ngày 15/6/2004 thì đến khi Quốc hội ban hành Luật sửa đổi bổ sung Luật các tổ chức tín dụng vào năm 2008, chúng ta sẽ phải ban hành lại Nghị định này.
 
Thứ tư, quy định về việc sử dụng thuật ngữ “ngân hàng” tại điều 3 của Dự thảo cần xem lại. Theo quy định của Dự thảo thì: “Chỉ các tổ chức được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động theo Luật các Tổ chức tín dụng, hoặc được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép mới được quyền sử dụng thuật ngữ “ngân hàng” trong tên gọi của mình”. Theo chúng tôi quy định này chưa chuẩn. Cụ thể, theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng thì tổ chức tín dụng được phân thành 2 loại là tổ chức tín dụng là ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Đối với tổ chức tín dụng là ngân hàng thì được phép thực hiện toàn bộ hoạt động ngân hàng, trong khi đó tổ chức tín dụng phi ngân hàng chỉ được phép thực hiện một số hoạt động ngân hàng mà thôi (loại hình tổ chức tín dụng này không được nhận tiền gửi không kỳ hạn, không được thực hiện dịch vụ thanh toán). Chính vì sự phân loại này trong Luật các tổ chức tín dụng mà đối với các tổ chức tín dụng phi ngân hàng không được phép dùng thuật ngữ “ngân hàng” trước tên gọi của mình để phân biệt với loại hình tổ chức tín dụng là ngân hàng. Nếu quy định như trong dự thảo, thì tổ chức tín dụng phi ngân hàng cũng được phép dùng thuật ngữ “ngân hàng” trước tên gọi của mình (vì tổ chức tín dụng phi ngân hàng cũng chính là tổ chức được cấp giấy phép thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng) như vậy sẽ trái với quy định của Luật các tổ chức tín dụng và gây nhầm lẫn với loại hình tổ chức tín dụng là ngân hàng. Vì vậy chúng tôi kiến nghi, Điều 3 của dự thảo nên ghi là “chỉ các tổ chức tín dụng là ngân hàng hoặc các tổ chức được ngân hàng Nhà nước Việt nam cho phép mới được sử dụng thuật ngữ “ngân hàng” trong tên gọi của mình”.

Thứ năm, tại chương 7 của Dự thảo quy định về “quản trị ngân hàng thương mại 100% vốn nước ngoài” theo chúng tôi không cần thiết đưa thành một chương riêng. Theo Dự thảo thì chương này chỉ có hai điều nhưng lại dẫn chiếu chương 5 và chương 6 của Nghị định. Khi thiết lập một chương nhưng chỉ có 2 điều mà dẫn chiếu lại nội dung của Nghị định thì theo chúng tôi là không cần thiết lại tăng thêm sự rờm ra cho bố cục văn bản. Vì vậy, Dự thảo nên bỏ chương này và chỉ cần quy định thành hai điều luật ở cuối chương 5 và chương 6 là được.

Tóm lại, sau khi đọc Dự thảo Nghị định chúng tôi thấy rằng, Dự thảo đã quy định khá đầy đủ và chi tiết các lĩnh vực về tổ chức, quản trị và hoạt động của ngân hàng thương mại. Cơ sở ban hành Nghị định như tờ trình là phù hợp với tính chất và nội dung hoạt động ngân hàng của các ngân hàng thương mại. Theo ý kiến của cá nhân, thì Nghị định này nên sớm được ban hành để đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

Các văn bản liên quan