Bản tổng hợp của VCCI TP Hồ Chí Minh

Thứ Hai 15:06 08-10-2007

Trong khuôn khổ chương trình xây dựng pháp luật năm 2007, Chi nhánh dưới sự điều phối của Ban Pháp chế đã  phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng thực hiện Buổi Toạ đàm lấy ý kiến đóng góp cho Dự thảo Nghị định tổ chức, quản trị và hoạt động của Ngân hàng thương mại ngày 27/09/2007. Chi nhánh kính chuyển đến Ban Pháp chế tập hợp những ý kiến đóng góp cho dự thảo như sau:
 
*Những góp ý chung.
 
Qua nghiên cứu dự thảo lần này, chúng tôi thấy rằng có nhiều vấn đề đã được ban hành soạn thảo chỉnh sửa, bổ sung. Dự thảo đã toàn diện hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế và nhu cầu thực tế của Việt Nam. Việc ban hành Nghị định là cần thiết vì nó sẽ kịp thời điều chỉnh các vướng mắc và những nội dung phù hợp sẽ được kế thừa trong Luật các tổ chức tín dụng ban hành về sau.
 
*Những góp ý cụ thể.

1. Về phạm vi điều chỉnh (điều 1).

Phạm vi điều chỉnh nên thêm căn cứ vào luật doanh nghiệp, chỉ những vấn đề gì luật doanh nghiệp chưa cụ thể thì theo luật các tổ chức tín dụng.

2.Về giải thích từ ngữ (điều 5).

- Khoản 5 “Ngân hàng thương mại liên doanh là …trên cơ sở hợp đồng liên doanh” đề nghị bổ sung “trừ những trường hợp khác khi có sự chấp thuận của Chính phủ”. Lý do: trường hợp cụ thể của NHLD Việt Thái có 2 đối tác nước ngoài, trong đó một đối tác không phải là ngân hàng.

- Khoản 7 “Một công ty được coi là công ty mẹ…” đề nghị bỏ 2 từ “ngân hàng” ở đầu điểm c.

3.Về người đại diện theo pháp luật (điều 6).

- Người đại diện theo pháp luật nên quy định là tổng giám đốc, sẽ tạo thuận lợi cho việc giao dịch của doanh nghiệp, không cần uỷ quyền của chủ tịch HĐQT.

4.Về cơ chế ủy quyền nội bộ (điều 7).

 - Cơ chế uỷ quyền nội bộ thực tế đúng nghĩa là ủy nhiệm nội bộ, đề nghị sửa lại “ủy quyền” thành “ủy nhiệm” để đề cao trách nhiệm của người được ủy quyền.

5.Về cơ cấu tổ chức quản lý (điều 14)

- Khoản 2, điều 14 không nên quy định “bộ máy giúp việc” đây là quy định đã lạc hậu trong Luật doanh nghiệp nhà nước.
 
6.Về Cơ cấu của Hội đồng quản trị (điều 16).

- Khoản 8, điều 16, thành lập ủy ban quản lý rủi ro là cần thiết, quản lý trên cơ sở định lượng là nhiều chứ không định tính. Đối với uỷ ban nhân sự là những công việc mang tính định tính nên không cần thiết.

7.Về những trường hợp không cùng đảm nhiệm chức vụ (điều 20).

- Khoản 1, điểm c: “chủ tịch HĐQT không được đồng thời …trừ trường hợp tổ chức đó là công ty trực thuộc của ngân hàng”. Đề nghị bổ sung: “hoặc đơn vị liên doanh, liên kết với ngân hàng mà ngân hàng nắm giữ trên 20% giá trị vốn tham gia trở lên”
8.Về  Bãi nhiệm, miễn nhiệm (điều 24).

- Khoản 1, điểm b “có đơn xin từ chức…”: điểm này không nên quy định chi tiết về thủ tục như trong dự thảo, vì cũng sẽ không đầy đủ. Thí dụ: quy định là đơn xin từ chức gửi NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi NH đặt trụ sở chính là không phù hợp với NH nước ngoài, liên doanh (Vụ các ngân hàng là nơi quản lý trực tiếp, chứ không phải chi nhánh NHNN nơi đặt trụ sở).

- Điểm này đề nghị chỉ ghi trong NĐ là “có đơn xin từ chức gửi các cấp có thẩm quyền trước thời điểm ngừng thực hiện nhiệm vụ ít nhất 30 ngày”, chi tiết về thủ tục nên được thông tư hướng dẫn một cách đầy đủ hơn.

9.Về yêu cầu chuẩn y và bổ nhiệm (Điều 26).

- Việc chuẩn y của Thống đốc ngân hàng cho là không cần thiết. Vì ngân hàng thương mại cổ phần là do vốn của các cổ đông thành lập, do đó người được bầu phải là người được sự tín nhiệm của các cổ đông, sự chuẩn y của Thống đốc là sự bất hợp lý, nhà nước không nên can thiệp sâu vào tổ chức của các ngân hàng. Hoặc nếu có chuẩn y thì cũng minh bạch hóa các tiêu chuẩn của người được phê chuẩn để tránh phát sinh những tiêu cực.

10.Về chuyển nhượng cổ phần (điều 39).

-Chức danh Tổng giám đốc do bổ nhiệm thành viên HĐQT làm hoặc thuê người ngoài làm. Do đó, việc thuê người ngoài thì việc làm sẽ trói buộc trách nhiệm pháp lý chứ không thể trói buộc bằng tài chính như tại k4 điều 39.

11.Về Nhiệm vụ, quyền hạn của HĐQT (Điều 55).

- Cơ cấu quản lý NHTM theo tinh thần nghị định này đặt Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát thành 2 bộ phận ngang nhau, cùng chịu trách nhiệm trước đại hội cổ đông (đối với NHTM cổ phần) hoặc các thành viên góp vốn, chủ sở hữu (đối với NHTM liên doanh, nhà nước). Ban kiểm soát có nhiệm vụ giám sát cả HĐQT trong việc thực hiện Nghị quyết của Đại hội cổ đông, các chủ trương của thành viên góp vốn.

- Do vậy cần bổ sung một khoản quy định về nhiệm vụ của HĐQT là: “tiếp thu các kiến nghị của Ban kiểm soát về những vấn đề có liên quan tới nhiệm vụ của HĐQT và giải trình cho Ban kiểm soát, cho đại hội cổ đông khi ban kiểm soát có yêu cầu”.

12. Về Họp hội đồng quản trị (Điều 58).

- Khoản 1

+Dự thảo ghi: “HĐQT có thể họp định kỳ hoặc bất thường. cuộc họp định kỳ của HĐQT do chủ tịch triệu tập bất cứ khi nào nếu xét thấy cần thiết, nhưng mỗi quý phải họp ít nhất 1 lần”.

+Đề nghị sửa lại là: “Số lần họp định kỳ trong một năm được quy định trong quy chế nội bộ của HĐQT nhưng mỗi quý phải họp ít nhất 1lần”

+Lý do: đã gọi là định kỳ thì phải có ấn định trước số lần nhất định trong 1 khoảng thời gian, chứ không thể là bất cứ khi nào nếu xét thấy cần thiết.

- Khoản 7:

+Dự thảo ghi “thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc không phải là thành viên HĐQT có quyền dự các cuộc họp của HĐQT, có quyền thảo luận…”

+Đề nghị sửa lại là “HĐQT có thể mời Ban kiểm soát, Tổng giám đốc không phải là thành viên HĐQT tham dự các cuộc họp của HĐQT. Những người này có quyền thảo luận…”

+Lý do: Nếu ghi như trong dự thảo thì có nghĩa là bất cứ cuộc họp nào của HĐQT, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc đều có quyền đến dự, kể cả không được HĐQT mời (vì thấy chưa cần thiết). Sửa lại như đề nghị thì sẽ hiểu là việc mời hay không là do HĐQT chủ động, tuỳ theo nhu cầu.

13.Về Nhiệm vụ và quyền hạn Ban kiểm soát (Điều 61).

- Khoản 5 “…Ban kiểm soát thực hiện kiểm tra trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của cổ đông…”. Đề nghị sửa lại là “khi nhận được yêu cầu của cổ đông….,chậm nhất là 7 ngày sau đó Ban kiểm soát phải tiến hành việc kiểm tra”

- Đề nghị bổ sung một khoản quy định về quyền hạn của Ban kiểm soát như sau: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát hoạt động ngân hàng, ban kiểm soát có quyền yêu cầu HĐQT giải trình bằng văn bản khi phát hiện có sự vi phạm về quyền hạn, nhiệm vụ của HĐQT”

14.Về nhiệm vụ, quyền hạn HĐQT, chủ tịch và các thành viên..( Điều 81 ).

- Khoản 1, điểm p “thông qua các hợp đồng giao dịch của ngân hàng với … thành viên góp vốn của ngân hàng và người có liên quan của họ…”. Đây là điểm quy định rất khó tuân thủ nghiêm túc. Lý do là :

+Từ ngữ “giao dịch” có nghĩa rộng không chỉ giao dịch về cấp tín dụng, mà còn gồm cả mua bán ngoại tệ, làm dịch vụ thanh toán, ngân quỹ, giao dịch gửi, nhận vốn liên ngân hàng…

+Mặt khác lại không có quy định khối lượng giao dịch bao nhiêu trở lên.

+Như vậy, loại giao dịch này rất thường xuyên xảy ra, đặc biệt đối với ngân hàng ld Việt thái có giao dịch khá thường xuyên với các chi nhánh NHNN và PTNTVN (hoạt động liên NH, hợp đồng đồng tài trợ) và vài công ty thuộc tập đoàn CP. Các đơn vị này đều là những bên có liên quan với thành viên góp vốn.

- Xin đề nghị ban soạn thảo xem xét lại để có quy định phù hợp với đặc thù của loại hình ngân hàng liên doanh: số cổ đông ít (chỉ vài ba thành viên góp vốn chứ không có tính đại chúng như NH cổ phần), trong HĐQT, Ban kiểm soát, Ban điều hành đều có đại diện của các thành viên góp vốn tham gia.

- Đề nghị bổ sung một điểm vào khoản 1 “nhiệm vụ, quyền hạn HĐQT” để làm rỏ nhiệm vụ của HĐQT đối với các kiến nghị của Ban kiểm soát về những vấn đề có liên quan tới nhiệm vụ của HĐQT, và giải trình cho Ban kiểm soát, cho các thành viên góp vốn khi Ban kiểm soát có yêu cầu”

15.Về Cuộc họp HĐQT (Điều 83).

- Khoản 1: giống như đề nghị sửa khoản 1, điều 58.

- Khoản 5: “Quyết định của HĐQT được thông qua nếu được đa số thành viên biểu quyết tán thành”. Đề nghị thay “đa số thành viên” thành “quá bán số thành viên”. Lý do: để cụ thể hơn, vì quá bán là khẳng định chỉ cần trên 50% (nói lên 1 con số cụ thể hơn là “đa số”)

16.Về nhiệm vụ và quyền hạn của Ban kiểm soát, trưởng ban và các thành viên(Điều 85).

- Đề nghị bổ sung một khoản quy định về quyền hạn của Ban kiểm soát như sau: “trong quá trình thực hiện vụ giám sát hoạt động ngân hàng, Ban kiểm soát có quyền yêu cầu HĐQT giải trình bằng văn bản khi phát hiện có sự vi phạm về quyền hạn, nhiệm vụ của HĐQT
 
Trên đây là một số ý kiến đóng góp ý kiến cho Dự thảo Nghị định tổ chức, quản trị và hoạt động của Ngân hàng Thương mại của đại điện các Ngân hàng, chuyên gia tham gia tọa đàm kính chuyển đến Ban pháp chế để tổng hợp ý kiến gửi đến Ban soạn thảo để hoàn thiện dự thảo tốt hơn.

Các văn bản liên quan