Góp ý của PGS. TS. Lê Thị Thu Thủy – Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội

Thứ Hai 15:55 11-07-2011

Góp ý dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán
 
PGS. TS. Lê Thị Thu Thủy – Khoa Luật - ĐHQGHN
 
1.     Về phạm vi điều chỉnh: đồng ý với Dự thảo là cần thiết phải qui định rõ về việc áp dụng luật chuyên ngành đối với các doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện. Ngoài ra, trong phạm vi điều chỉnh cần bổ sung thêm về hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán vì đây là hoạt động rất quan trọng, quyết định tới hiệu quả của đợt phát hành. Thêm nữa, trong dự thảo cũng đã liệt kê các hình thức bảo lãnh phát hành.
2.     Về hoạt động chào bán chứng khoán Chương II: nên bổ sung thêm điều kiện, trình tự, thủ tục chào bán chứng khoán phái sinh như quyền mua cổ phần, hợp đồng góp vốn đầu tư, hợp đồng quyền chọn… Những chứng khoán này đã được ghi nhận bởi Luật Chứng khoán. Ok
3.     Về bảo lãnh phát hành chứng khoán: khái niệm BL phát hành chứng khoán trong phần giải thích từ ngữ (Điều 2, Khoản 12 Dự thảo) không chính xác. Nên định nghĩa là: “việc người bảo lãnh phát hành cam kết với tổ chức phát hành…..” trong đó, người bảo lãnh phát hành có thể là công ty chứng khoán hay ngân hàng thương mại hoặc ở một số nước trên thế giới có thể là cá nhân hành nghề bảo lãnh phát hành CK. Ngoài ra, nên bổ sung thêm các hình thức bảo lãnh như bảo lãnh tất cả hoặc là không hoặc bảo lãnh cố gắng tối đa, cố gắng tối thiểu, bảo lãnh theo phương thức dự phòng để phù hợp với thông lệ quốc tế. Năm 2012 là năm Việt Nam phải mở cửa hoàn toàn trong lĩnh vực dịch vụ chứng khoán (theo cam kết khi gia nhập WTO), vì vậy các qui định về chứng khoán cũng nên có những sửa đổi đáng kể để hài hòa hóa với thông lệ quốc tế. Vì vậy, Khoản 16 Điều 2 cũng không nên qui định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa. Nếu thấy cần thiết qui định vấn đề này thì nên để ở một văn bản khác có tính thi hành nhất thời. ok (giải thích từ ngữ)
4.     Về hợp đồng quản lý đầu tư (khoản 4 Điều 2): nên bổ sung chủ thể là công ty chứng khoán vì công ty này được thực hiện nghiệp vụ quản lý tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư là cá nhân theo Luật CK sửa đổi, bổ sung.
5.     Về điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ: nên chia thành 2 loại: đối với công ty cổ phần không phải là công ty đại chúng và công ty đại chúng. Không dùng thuật ngữ “công ty chưa đại chúng”, bởi lẽ “chưa” có nghĩa là trong tương lai là “sẽ”, nhưng trong thực tế có công ty cổ phần không thể trở thành công ty đại chúng vì những hạn chế nhất định.
6.     Về điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với một số doanh nghiệp cụ thể (Điều 12 Dự thảo): tại sao lại chỉ qui định về hình thức bảo lãnh cam kết chắc chắn? Những doanh nghiệp mới thành lập, chưa gây dựng được uy tín muốn ký các hợp đồng này thường rất khó, các công ty chứng khoán với mục đích kinh doanh lợi nhuận, với tư tưởng “ăn chắc, mặc bền” khó có thể chấp nhận hình thức bảo lãnh này. Điều này vô hình chung gây khó cho doanh nghiệp khi huy động vốn trên TTCK. ok
7.     Về chào bán trái phiếu riêng lẻ: nên qui định trong Dự thảo nhằm tạo sự thống nhất và đầy đủ của văn bản qui phạm pháp luật, không nên tách rời vấn đề này trong văn bản khác, bởi lẽ nó có nhiều điểm tương đồng với chào bán cổ phần riêng lẻ.
8.     Về điều kiện niêm yết chứng khoán (Điều 38): số vốn tối thiểu 30 tỷ VNĐ cần xem xét lại, liệu có quá cao hay không? Liệu đây có là rào cản doanh nghiệp khi tham gia TTCK không?
9.     Về hủy bỏ niêm yết (Điều 43): không nên có các qui định quá cụ thể về vấn đề này, bởi lẽ Qui chế niêm yết do các Sở giao dịch CK quyết định. Hơn nữa, SGDCK là các công ty TNHH, vì vậy nó cũng có quyền tự chủ, tự quyết định ở mức độ cao.
10. Về công ty chứng khoán: nên qui định các nguyên tắc hoạt động của công ty chứng khoán và về hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán. Các vấn đề này trong Luật CK và trong dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật CK còn rất chung chung.

Các văn bản liên quan