Góp ý của ông Vũ Thái Hà – Công ty Luật YouMe

Thứ Hai 15:57 11-07-2011

1.        Tên của Nghị định nên được sửa lại cho chính xác như sau:

Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán

2.        Về định nghĩa “Cổ phiếu quỹ”

Định nghĩa khái niệm cổ phiếu quỹ nên được sửa lại cho đúng với bản chất của cổ phiếu quỹ và không nên đưa vào phần nguồn tài chính và phương pháp hạch toán (phần này là quy định của cơ quan quản lý và có thể được thay đổi theo từng thời kỳ) như sau:
“Cổ phiếu quỹ là cổ phiếu đã phát hành và được mua lại trên thị trường bởi chính tổ chức phát hành” ok

3.        Về định nghĩa “Cổ phần lẻ: là phần vốn ít hơn một cổ phần”

Vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần (Điểm a khoản 1 Điều 77 Luật  doanh nghiệp). Cổ phần là đơn vị vốn góp nhỏ nhất trong công ty cổ phần. Do đó, bất cứ phần vốn nào nhỏ hơn đơn vị cổ phần thì không được coi là phần vốn góp. Và như vậy, không thể có khái niệm cổ phần lẻ là phần vốn góp ít hơn một cổ phần được. ok

4.        Về định nghĩa “Chào bán chứng khoán riêng lẻ là việc tổ chức chào bán chứng khoán cho dưới một trăm nhà đầu tư xác định, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng hoặc Internet.”
Nên được sửa lại thành

“Chào bán chứng khoán riêng lẻ là việc tổ chức chào bán chứng khoán cho dưới một trăm nhà đầu tư xác định, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và không sử dụng phương tiện thông tin đại chúng, kể cả Internet.”
Vì Internet không cũng là một loại phương tiện thông tin đại chúng.

5.        Về “Bảo lãnh phát hành”

Bảo lãnh phát hành là “việc” cam kết của tổ chức bảo lãnh đối với tổ chức phát hành chứ không phải là “hợp đồng”. Hợp đồng chỉ là phương tiện giao kết và thể hiện các cam kết của tổ chức bảo lãnh đối với tổ chức phát hành mà thôi. Do đó cần phải sửa lại định nghĩa Bảo lãnh phát hành cho đúng với bản chất của nó và phù hơp với định nghĩa của khái niệm này trong Luật Chứng khoán: “Bảo lãnh phát hành chứng khoán là việc cam kết với tổ chức phát hành thực hiện các thủ tục trước khi chào bán chứng khoán, nhận mua một phần hay toàn bộ chứng khoán của tổ chức phát hành để bán lại hoặc mua số chứng khoán còn lại chưa được phân phối hết của tổ chức phát hành hoặc hỗ trợ tổ chức phát hành phân phối chứng khoán ra công chúng.” ok

Phần phân loại bảo lãnh phát hành cần phải được sửa lại cho đúng. Đây không phải là hình thức thực hiện việc bảo lãnh mà là việc phân loại dựa trên tính chất của việc bảo lãnh.

Nên sửa là: “Bảo lãnh phát hành có những loại sau:” thay cho “Bảo lãnh phát hành được thực hiện theo các hình thức sau:...”

6.        Về Công ty đầu tư chứng khoán cần phải được định nghĩa lại như sau:

“Công ty đầu tư chứng khoán là công ty cổ phần được hình thành từ phần vốn góp của nhà đầu tư nhằm mục đích kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư vào chứng khoán hoặc các dạng tài sản đầu tư khác, kể cả bất động sản. Công ty đầu tư chứng khoán có hai loại: …………..”
7.        Về Chào mua công khai. Chào mua công khai không phải là thủ tục đăng ký mà là việc chào mua ...... thông qua phương tiện thông tin đại chúng. Do đó, khái niệm này cần được địnhnghĩa lại nhưu sau:

Chào mua công khai là việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, kể cả Internet ý định mua, thực hiện việc mua một phần hoặc toàn bộ số cổ phần có quyền biểu quyết, quyền mua cổ phần, trái phiếu chuyển đổi của một công ty đại chúng, chứng chỉ quỹ của một quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng dạng đóng (sau đây gọi tắt là chứng chỉ quỹ đóng) theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

8.        Về Ngân hàng giám sát nên định nghĩa rõ ràng ngay tại phần định nghĩa này vì điều kiện trở thành ngân hàng giám sát rất ngắn.

“Ngân hàng giám sát là ngân hàng thương mại có Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động lưu ký chứng khoán có chức năng thực hiện các dịch vụ lưu ký và giám sát việc quản lý quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán”

9.        Đối với Mục 1 Chương II Quy định về cháo bán cổ phần riêng lẻ.

Nên loại bỏ phần quy định đối với công ty cổ phần chưa đại chúng không thuộc đối tượng là: doanh nghiệp cổ phần bảo hiểm, tổ chức tín dụng, công ty cổ phần chứng khoán, công ty cổ phần quản lý quỹ. Vì loại hình công ty này hoàn động và thực hiện việc tăng vốn thuần tuý theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp. Hiện tại các quy định về tăng vốn của công ty dạng này đã rất chặt chẽ, không nên tạo thêm ra những quy định rắc rối, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

10.    Mục 2 Chương II phần thay đổi mục đích sử dụng vốn.

Phương án phát hành và phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán thuộc thẩm quyền phê duyệt, thông qua bởi Địa hội đồng cổ đông. Do đó, nếu không được ĐHĐCĐ uỷ quyền hoặc cho phép, Hội đồng quản trị không có thẩm quyền thay đổi phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán. (Không tìm thấy trong Dự thảo)

Do đó, các quy định có liên quan đến Nghị quyết Hội đồng quản trị phải được đổi thành Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

11.    Bỏ khoản 5 Điều 13 vì đã được liệt kê là một trong những giấy tờ đăng ký chào bán tại khoản 1 Điều 14 (không)

12.    Đăng ký công ty đại chúng, huỷ đăng ký công ty đại chúng Điều 18, 20.

Nên sửa từ “trách nhiệm” thành “nghĩa vụ” vì: việc đăng ký công ty đại chúng là bắt buộc và vi phạm nghĩa vụ này công ty đại chúng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này.

13.    Tên Điều 73 nên được sửa lại cho đúng ngôn ngữ lập pháp:

Điều 73. Điều khoản chuyển tiếp

14.    Điều 74 nên được sửa lại cho rõ ràng và chính xác như sau:

Điều 74. Hiệu lực của Nghị định

1.      Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày      tháng     năm 2011.

2.      Bãi bỏ các Nghị định 14/2007/NĐ-CP ngày 19 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ về việc quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, Nghị định 84/2010/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2007/NĐ-CP ngày 19/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Nghị định số 01/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 01 năm 2010 về chào bán cổ phiếu riêng lẻ.

15.    Khoản 1 Điều 75 nên được sửa lại thành

Điều 75. Tổ chức thực hiện

1.       Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn thi hành Nghị định này.
Lý do: Phạm vi điều chỉnh của Nghị định này không chỉ thuộc riêng phạm vi quản lý của Bộ Tài chính. Ví dụ: Vấn đề chào bán chứng khoán riêng lẻ liên quan tới các vấn đề mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư phụ trách.

Các văn bản liên quan