Góp ý của Ông Vũ Xuân Hiến – CT TNHH MTV Khoáng sản Hòa Bình

Thứ Tư 17:37 27-04-2011

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khoáng sản Hòa Bình góp ý hai Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản và Nghị định quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản

* Nghị định đấu giá quyền khai thác khoáng sản:

- Về Phụ lục: không biết căn cứ vào đâu để quy định khoáng sản kim loại đen là 6% hay là khoáng sản không kim loại như vật liệu xây dựng thông thường khác (cát, sỏi, đá, gạch...) 6%? Khoáng sản không kim loại đã có sự khác nhau rồi. Có loại phải chế biến và có loại không chế biến. Như cát, sỏi thì là những khoáng sản không phải chế biến. Như vậy, cần phân loại khoáng sản chế biến và không chế biến mới đúng. Nếu đánh đồng một mức thì sẽ có người rất lợi và ngược lại có người bị thiệt, không khuyến khích được người làm vất vả hơn.

- Còn nữa, tại sao lại 8%? Tôi xin báo cáo: một viên đá chúng tôi làm ra tính trên một m3 tại Hòa Bình đã phải nộp thuế tài nguyên 6%, phí bảo vệ môi trường 2% (thực tế cũng mang tính chất thuế) cộng vào đã là 8%, rồi 10% thuế Giá trị gia tăng là 18%. Tôi chưa nói đến những vấn đề khác phải có vay vốn ngân hàng, chi phí khác. Như vậy, một m3 đá mất bao nhiêu phần trăm? Tôi không bàn đến chuyện quy định 8% là đúng hay sai nhưng rõ ràng là chưa thấy thỏa đáng. Bởi một m3 đã phải gánh đến tối thiểu 18% - những cái nhìn thấy- còn những cái như vay vốn ngân hàng...là rất lớn. Một ngành sản xuất nếu lợi nhuận 30, 40% thì có dễ hay là khó? Vô cùng khó.

Đề nghị nghiên cứu lại giá khởi điểm, tôi lấy ví dụ một mỏ khoáng 15 ha được 8 triệu m3, nếu nhân 8% giá khởi điểm tức là phải trả số tiền 640.000 đồng/m3 rồi nhân với 100.000 đồng. Tức là phải trả ngay lập tức hoặc không ngay lập tức 3 đến 4 triệu đô la Mỹ. Vậy thì với 15 ha mà làm như vậy, chúng tôi nghĩ rằng sức của các nhà đầu tư không chịu nổi. Chúng tôi đã làm thực tế như thế, mới mức đó thì không thể đấu giá được.

- Một vấn đề nữa chúng tôi cũng xin nêu ý kiến: G là tổng số của khối lượng chúng ta sản xuất. Trong khi chúng tôi sản xuất rất nhiều loại sản phẩm cùng một lúc thì theo quy định sẽ căn cứ vào loại sản phẩm nào để tính giá? Cần một chỉ dẫn cụ thể hơn.

- Hệ số K3: dùng để phân biệt một doanh nghiệp được khai thác ở một địa điểm thuận lợi với những nơi đường núi đi rất khó khăn, tốn kém. Có những nơi muốn khai thác được phải làm rất nhiều đường tốn kém hàng tỷ đồng. Cần một hệ số khác cho các doanh nghiệp ở vùng có địa hình xấu, khoảng 0,2 - 0,3.

- Vấn đề cuối cùng, điều khoản thanh toán. Cần thông cảm trong điều kiện lạm phát quá lớn, chúng ta rất khổ trong vấn đề sản xuất. Nên chăng quy định thanh toán một năm một lần dựa trên khối lượng khai thác được. Cũng không phải lo lắng chuyện doanh nghiệp trốn thuế. Chúng tôi phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho đối tác hay có thể kiểm tra bằng thuốc nổ nên chúng tôi không thể nào trốn được.

Tóm lại, chúng tôi mong muốn Ban Soạn thảo cụ thể hóa hơn nữa các quy định trong Nghị định này. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan