Góp ý của Ông Vũ Xuân Hiến – CT TNHH MTV Khoáng sản Hòa Bình

Thứ Tư 17:35 27-04-2011

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khoáng sản Hòa Bình góp ý hai Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Khoáng sản và Nghị định đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Kính thưa Chủ tọa Hội nghị, kính thưa các anh các chị, tôi là Vũ Xuân Hiến - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khoáng sản Hòa Bình. Chúng tôi được cấp quyền khai thác mỏ đá lộ thiên và vật liệu thông thường 30 năm với trữ lượng 8 triệu tấn/diện tích 13,48 ha. Chúng tôi đã được nghe rất nhiều các anh ở trong Ban Soạn thảo, ban cố vấn và những anh xây dựng nên lý thuyết hình thành một bộ khung cho việc thi hành Luật Khoáng sản và đấu giá quyền khai thác. Chúng tôi là những người có tiếng nói thực tế, nghĩa là chúng tôi làm thế nào đó để có những giá trị căn bản để các anh xây dựng nên phần lý luận. Chúng tôi có một số ý kiến như sau:

* Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản

- Điều 13: tiêu chí khoanh định khu vực không đấu giá, chúng tôi cũng nhất trí thôi. Có những cái chúng ta phải thừa nhận với nhau chỗ của chúng ta không thể cho đấu giá một cách rộng rãi, phổ thông được. Ngoài phần chúng ta không cho đấu giá thì chúng ta sẽ đấu giá như thế nào? Bởi lẽ, ở khu vực chúng tôi có rất nhiều khu được đấu giá nhưng lại bừa bãi quá, không theo một cái luật nào cả. Chúng tôi đề nghị: ngoài khu vực không được đấu giá thì khu vực được đấu giá, đấu giá ở chương nào? đấu giá ra sao? đề nghị chi tiết ra.

Nếu đi dọc đường Hồ Chí Minh bây giờ, tất cả các dãy núi rất đẹp như vậy cũng cấp cho các doanh nghiệp cả thì chúng ta sẽ mất đi một phong vịnh của đất nước. Cuối Hà Tây và phần lưng của Hòa Bình, khu vực Quan Sơn được ví là Hạ Long trên cạn, cũng có một vài doanh nghiệp vừa biến khu vực đó thành khu vực khai thác, vừa biến đường 22 nối Hà Tây cũ với Hòa Bình trở thành bãi khai thác. Chúng ta phải cấm những khu vực quá ảnh hưởng đến môi trường. Đề nghị là những khu vực cấm đấu giá phải bao gồm những khu vực ảnh hưởng lớn tới thiên nhiên.

- Điều 15: điều kiện của hộ kinh doanh được thăm dò khoáng sản vật liệu thông thường. Không phải vật liệu thông thường mà các vật liệu khác đều có tiêu chuẩn để "cho" Giấy phép được khai thác. Khi người nước ngoài vào khai thác chúng ta đòi hỏi có chứng minh của ngân hàng. Vậy khi đối với các doanh nghiệp của chúng ta chưa biết vốn, năng lực tài chính ra sao, chưa biết thiết kế ra sao mà đã cấp vội một mỏ như thế, rồi để đấy sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến môi trường, ảnh hưởng đến kinh doanh, sản xuất. Chúng tôi nghĩ rằng, trong Điều 15 này cần cụ thể hóa ra trong một văn bản nào đó dưới luật để các anh quy định rằng cấp cho ai, cấp như thế nào, cấp với điều kiện nào? Chứ nếu chỉ xoay quanh việc làm thế nào để chúng ta đấu được giá, có được tiền cho Chính phủ. Đồng ý. Nhưng khi đã đấu giá rồi, đã cấp cho người ta rồi thì quản lý ra sao? Thực tế rất nhiều doanh nghiệp không có năng lực. Các anh nghĩ rằng cấp xong là xong? Chứ như hậu quả vừa rồi xảy ra rất đau lòng, Chính phủ cũng như các cơ quan ban ngành đang phải tổng kiểm tra, phải tổng kiểm tra hơn nữa các mỏ đá. Cứ được cấp một mỏ đá xong lại dùng các biện pháp nổ rất là cổ điển, khoan...treo người trên vách...không có một thiết kế, chuẩn bị chu đáo về an toàn lao động gì cả. Chúng tôi đề nghị có văn bản quy định cụ thể: cấp cho ai, cấp như thế nào? Một khi đã giao rồi thì phải kiểm tra, kiểm soát.

Tôi rất sẵn sàng, rất hoan nghênh nếu được làm mỏ đá đầu tiên, tôi sẽ mời tất cả các Bộ liên quan tới kiểm tra, giám sát tôi để các anh rút ra kết luận để đi thanh tra, kiểm tra các mỏ khác. Trong khi chúng tôi có 10 tỷ để khai thác một mỏ đá nhưng không biết phải vay ngân hàng bao nhiêu cả với lãi suất là 20-25%/năm trong khi đã đầu tư hạ tầng đến 4 năm nay rồi mới bắt đầu đi vào sản xuất. Vậy mà người ta vào chỉ sau 3, 4 tháng là đã có sản phẩm để bán rồi. Rất vô lý. Vậy thì những cái này có gắn vào luật không? Hay chúng ta chỉ quan tâm đấu giá được bao nhiêu tiền? Chúng tôi đề nghị tất cả các điều đó cũng được đưa thành luật hoặc dưới luật để thực thi. Không thể để xảy ra tình trạng quá nhiều điều tương tự như thế.

- Điều 16 về điều kiện chuyển nhượng: đương nhiên là khi cho phép đấu giá phải cho người ta chuyển nhượng và khi đấu giá thế nào đó thì các anh mới cho người ta giấy phép. Đối với những người làm ăn và khai thác thực sự thì không nên quy định cụ thể như thế mà chỉ nên ngăn chặn những trường hợp mua bán mỏ hay mua bán giấy phép đó thôi. Điều kiện chuyển nhượng nên là điều kiện gì đó của bản thân người đấu giá, bản thân người đã xin các anh quyền khai thác đó mới đúng. Thí dụ, sau 5 năm, 3 năm quy định nào đó các anh đã đi vào sản xuất rồi, thực hiện rồi thì các anh được quyền đấu giá và được quyền chuyển nhượng. Chúng tôi đề nghị các vấn đề này cần được quy định cụ thể hơn trong Nghị định.

Các văn bản liên quan