Góp ý của ông Vũ Duy Thái – HH Công thương HN

Thứ Sáu 10:25 26-05-2006
Về những vấn đề nêu ra tại hội nghị lấy ý kiến về dự án luật doanh nghiệp thống nhất

Để Luật Doanh nghiệp thống nhất góp phần huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực; đẩy mạnh công cuộc đổi mới, bảo đảm quyền tự do và bình đẳng trong kinh doanh; bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư , thúc đẩy hội nhập và hiệu lực quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh… Ban soạn thảo đã quán triệt tư duy tiếp tục đổi mới về kinh tế và cải cách hành chính, tiếp thu có chọn lọc những quan điểm tiên tiến của các Luật DN, Luật DNNN, Luật Khuyến khích đầu tư nước ngoài, đã được thực tế kiểm nghiệm… trong quá trình biên soạn. Nhờ vậy mà, tuy mới là Dự thảo làn 1 song người đọc đã cảm thấy tương đối “hòm hòm”. Nhưng theo yêu cầu của Ban tổ chức, chúng tôi xin đóng góp một số ý kiến như sau:

1. Về giấy phép kinh doanh
Thực chất của Giấy phép là để điều tiết các hoạt động kinh doanh vì lý do an ninh chính trị, và trình độ năng lực của nhà quản lý hơn là kinh tế và pháp luật!. Do vậy, đa số các nước trên thế giới đều áp dụng ở mức độ khác nhau, tuỳ theo tình hình hoàn cảnh hay năng lực quản lý của mỗi nhà nước mà nới lỏng hay thắt chặt. Vấn đề đặt ra là phải có những quy định chống lại sự lạm dụng của một số Ban ngành chức năng đã tùy tiện đưa ra những qui định cốt để giành thuận lợi cho mình đẩy khó khăn cho người khác như đã và đang diễn ra trong quá trình thực thi Luật Doanh nghiệp. Muốn vậy Luật phải quy định (hay giao cho Chính phủ quy định) danh mục những ngành nghề, ngành hàng chỉ nhà nước mới được phép kinh doanh (mà trước đây ta gọi là ngành nghề bị cấm), những ngành nghề ngành hàng kinh doanh có điều kiện và điều kiện cần phải hội đủ mới được phép kinh doanh cho đối tượng là nhà đầu tư trong nước và đối tượng là nhà đầu tư nước ngoài (dĩ nhiên danh mục này càng ít càng tốt), những ngành nghề còn lại mọi nhà đầu tư đều được quyền tự do kinh doanh. Trường hợp Chính phủ ủy quyền cho các Bộ, ngành hay địa phương đưa ra điều kiện, thì phải quy định các thủ tục, quy trình và chế tài buộc các tổ chức có thẩm quyền phải tuân thủ nghiêm chỉnh.

2. Về kinh doanh dưới hình thức hợp danh
Sở dĩ đặt ra loại hình này là thể hiện tính phong phú các loại hình doanh nghiệp, và bảo đảm lợi ích cho người mua khi họ (có thể) không “biết trước” giá trị của những dịch vụ đã mua, nên pháp luật buộc những nhà muốn kinh doanh dịch vụ này phải “đặt cược” bằng toàn bộ hay một phần lớn tài sản của nhà đầu tư, để lỡ có rủi ro thì “có cái” mà bồi thường cho khách hàng.
Trên thực tế qua 4 năm thi hành Luật Doanh nghiệp chưa thấy công ty hợp danh đúng đắn nào phải bồi thường do chất lượng dịch vụ cung cấp kém gây thiệt hại cho người mua, chỉ thấy loại hình công ty này phát triển rất ì ạch; Ví dụ ở Hà Nội sau 4 năm số công ty loại này chỉ dừng ở 2 con số (hàng chục)…! Hơn nữa trong luật còn quy định những ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bao gồm cả những ngành nghề mà doanh nghiệp phải có bằng cấp chuyên môn hay vốn pháp định tối thiểu mới được đăng ký kinh doanh. Nghĩa là nếu nhà đầu tư hội đủ các điều kiện pháp luật quy định thì đều có quyền kinh doanh. Do vậy không nhất thiết phải quy định loại hình pháp lý riêng.
Nếu Luật Doanh nghiệp thống nhất vẫn muốn có loại hình doanh nghiệp này, thì các tổ chức cá nhân đều có quyền thành lập. Điều 85 của Dự án Luật Dân sự (sửa đổi) đã bổ sung: “Pháp nhân có thể được thành lập theo sáng kiến của cá nhân, tổ chức hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”.

3. Hạn chế hay khống chế mức góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác
Chỉ nên áp dụng đối với những ngành nghề kinh doanh có vốn pháp định, và mức khống chế chỉ trong khuôn khổ số vốn pháp định, không khống chế phần lớn hơn. Vì việc tăng giảm vốn và quyết định đầu tư thuộc quyền của chủ sở hữu, nhà nước chỉ cập nhật sự tăng giảm chứ không quản lý vốn của doanh nghiệp, do đó không cần thiết phải đặt ra “tỷ lệ” làm gì, hãy để cho các chủ sở hữu tự chịu trách nhiệm, luật pháp chỉ bảo đảm chứ không can thiệp vào quyền tự chủ của doanh nghiệp khi đã được pháp luật thừa nhận và chủ sở hữu giao phó.

4. Về thực hiện cơ chế đăng ký thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thay vì “xin phép”
Nên theo thông lệ quốc tế, người Việt Nam đầu tư ra nước ngoài phải có Đề án và được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho phép (trước đây là Chính phủ).
Vì vậy, người nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng phải có (i) Đề án sản xuất kinh doanh, (ii) giấy phép được đầu tư ra nước ngoài của nước họ, (iii) và mức vốn đầu tư tối thiểu là 100.000 USD. Một khi họ đáp ứng các yêu cầu trên và hội đủ các điều kiện về ngành nghề như nói ở điểm 1 thì họ được quyền đăng ký như những nhà đầu tư trong nước!

5. Có nên cho phép cá nhân thành lập công ty TNHH (một chủ)
Khi Quốc hội thảo luận và thông qua Luật Doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến đề xuất cho phép cá nhân được thành lập công ty TNHH 1 thành viên – song vì có nhiều ý kiến lo ngại hàng loạt Doanh nghiệp tư nhân, sẽ chuyển đổi sang loại hình công ty TNHH một chủ vì vậy Quốc hội chỉ cho Tổ chức được thành lập loại hình công ty này. Bởi vậy trong nhiều năm qua chỉ có một số ít doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi theo loại hình này, còn các hộ cá thể dù có doanh thu lớn, thậm chí có mạng lưới bán lẻ khá rộng nhưng vẫn e ngại những rắc rối về tài chính có thể sảy ra khi ai đó trong gia đình đòi chia tách… nên họ vẫn giữ nguyên loại hình kinh tế hộ mà không muốn chuyển đổi thành công ty TNHH 2 thành viên trở lên. Vì vậy đến nay loại hình hộ kinh doanh cả nước vẫn hơn 2 triệu và đại bộ phận trong số này là kinh doanh thương mại, số hộ sản xuất tiểu thủ công nghiệp chiếm xấp xỉ 20%; tốc độ tăng trưởng và đóng góp vào ngân sách ngày càng giảm (chưa kể đến những bất tiện về quản lý và môi trường). ở Hà Nội tính đến cuối năm 2004 có 90426 hộ trong đó sản xuất tiểu thủ công nghiệp 17.245 hộ, thương mại dịch vụ 73.184 hộ…
Vì vậy, nếu Luật Doanh nghiệp thống nhất có loại hình Công ty TNHH 1 thành viên do cá nhân thành lập thì chắc chắn sẽ góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế; không gây biến động mà còn có lợi cho việc tổ chức lại hệ thống phân phối trong nước trước sự lấn lướt của các siêu thị do các thương nhân nước ngoài đầu tư hiện tại đã chiếm trên 10 đến 25% thị phần bán lẻ và ngày càng có xu hướng tăng cao đến 40%!.

6. Về tiêu chuẩn người đại diện theo ủy quyền
Theo dự thảo thì người đại diện ủy quyền có thể bị thay thế bất kỳ lúc nào không chờ chấp nhận, như vậy dễ gây ra sự gián đoạn trong việc điều hành nếu người được ủy quyền đang quản lý một công việc nào đó của công ty. Đề nghị bổ sung: “Trong trường hợp người đó đang giữ chức vụ quản lý công ty (Tổng giám đốc – Giám đốc chẳng hạn) thì phải được công ty mà người được ủy quyền tham gia chấp thuận thì sự thay thế mới có hiệu lực song không được kéo dài quá 60 ngày” nghĩa là đủ thời gian tìm người thay thế.

7. Về tiêu chuẩn người đại diện theo ủy quyền
Đối với các công ty TNHH hay cổ phần tư nhân vì không có sự tách bạch giữa chủ sở hữu và người quản lý điều hành nên không có vấn đề gì song đối với công ty TNHH, công ty cổ phần mà thành viên là tổ chức tham gia Hội đồng thành viên (hay HĐQT) không phải là chủ sở hữu đích thực, mà chỉ là người đại diện cho chủ sở hữu hay người được ủy quyền khác ở cấp cao hơn thì rất dễ sảy ra sự lạm dụng địa vị để làm lợi cho riêng mình, làm hại cho công ty và những người khác (kể cả chủ sở hữu mà họ được ủy quyền làm đại diện), nhất là khi người đó được giao chức vụ Giám đốc hay Tổng giám đốc công ty.
Do vậy người được ủy quyền phải hội đủ các tiêu chuẩn ít nhất như dự thảo.

8. Cơ chế vận hành của các cơ quan trong công ty và quyền của các cổ đông thiểu số đang là vấn đề cấn cá nhất trong phần lớn các công ty nhất là công ty cổ phần hoá. Dự thảo đã quan tâm đến quyền lợi của các cổ đông thiểu số, cho nhóm cổ đông sở hữu 10% cổ phần phổ thông của công ty (hoặc tỷ lệ nhỏ hơn do điều lệ quy định) có quyền yêu cầu triệu tập Đại hội cổ đông, đề cử người vào Hội đồng quản trị, kiến nghị chương trình họp Đại hội cổ đông.v.v. song trên thực tế những quyền này thường không được thực hiện đầy đủ, thậm chí quyền chuyển nhượng cổ phần cho người khác (kể cả trường hợp đã tìm được người mua) cũng không thực hiện được, do HĐQT không chấp thuận, trong khi những cổ đông không có quyền đó trong 3 năm đầu, lại có thể tự do chuyển nhượng “ngầm” cho người khác!
Mặt khác có không ít cổ đông thiểu số, chưa hiểu, hoặc cố tình không hiểu tính chất “đối vốn” của công ty cổ phần, nên họ thường tỏ ra ấm ức khi tiếng nói của mình không bằng tiếng nói của các cổ đông lớn. Không ít công ty cổ phần mối quan hệ giữa HĐQT và giám đốc bằng mặt không bằng lòng thậm chí ngầm chống đối nhau. Vì vậy công việc giám sát và chỉ đạo giám đốc (và những người quản lý khác trong công ty) của HĐQT bị hạn chế. Hiện tại chưa có biện pháp gì khắc phục được một khi nhận thức của cổ đông và những nhà quản lý công ty còn bị ám ảnh bởi thói quen thiếu dân chủ.

9. Về công ty Nhà nước
Dù mục tiêu của Luật Doanh nghiệp (thống nhất) là áp dụng cho cả DNNN nhưng trên thực tế việc sắp xếp chuyển đổi DNNN rất khó khăn. Hơn nữa số lượng doanh nghiệp nhà nước dù có thu hẹp thì nó vẫn còn, như một công cụ cần thiết của Nhà nước trong nền kinh tế. Vì vậy, theo tôi cứ để 2 Luật DNNN và Luật DN (thống nhất) song song tồn tại, khi nào có DNNN hoặc bộ phận của nó, được chuyển đổi thành công ty TNHH 1 thành viên, hay công ty cổ phần thì các công ty này, tự nhiên trở thành đối tượng áp dụng của Luật Doanh nghiệp (thống nhất) theo trình tự thủ tục như đang áp dụng hiện nay, không cần thiết phải đặt ra thời hạn hay bắt buộc để “đưa” công ty nhà nước vào Luật Doanh nghiệp (thống nhất).
Cái khó trong việc chuyển đổi công ty Nhà nước thành công ty cổ phần sau khi có Nghị định 187 đã bước đầu được thị trường hoá trong việc xác định giá trị, và bán cổ phần. Vấn đề còn lại là “nhận thức” và “quyền lợi” riêng tư của những người trong các công ty được cổ phần hoá!
Khung giá đất theo NĐ 188 cao hơn nhiều và được tính vào giá trị tài sản doanh nghiệp khi cổ phần hoá, cũng như giá cho thuê đất (mới) Bộ Tài chính đang tính cũng là một nhân tố tác động không thuận cho tiến trình này.

Vũ Duy Thái
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký
Hiệp hội Công thương TP Hà Nội

Các văn bản liên quan