Góp ý của LS.Trần Vũ Hải – VLPS Trần Vũ Hải

Thứ Sáu 10:27 26-05-2006
Những lý do để luật doanh nghiệp chung cần điều chỉnh, sửa đổi, thậm chí thay thế Luật doanh nghiệp nhà nước

1. Về cơ bản, các Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sẽ tiến tới chuyển đổi thành các công ty cổ phần, công ty TNHH một chủ, công ty TNHH nhiều chủ, và ngày càng ít DNNN mà được Nhà nước chịu trách nhiệm vô hạn (Một trong những biểu hiện “trách nhiệm vô hạn” của Nhà nước đối với DNNN là Chính phủ thường xem xét xoá nợ cho các DNNN gặp khó khăn và cơ quan chủ quản tiếp tục các nghĩa vụ của DNNN sau khi giải thể DNNN).

2.Về pháp lý, cơ quan Nhà nước vẫn phải chịu trách nhiệm về những nghĩa vụ mà DNNN bị giải thể để lại. Tiếp tục như vậy sẽ là gánh nặng cho Nhà nước nên phải thay đổi. Nếu như bản chất của hầu hết các doanh nghiệp có vốn Nhà nước trong tương lai là doanh nghiệp trách nhiệm hữu hạn (tức người bỏ vốn - Nhà nước - chỉ chịu trách nhiệm trong phần vốn góp đã bỏ ra và/hoặc phần vốn cam kết sẽ bỏ ra), đương nhiên khái niệm DNNN không còn ý nghĩa và cũng không còn cần một luật để điều chỉnh riêng DNNN.

3.Khái niệm DNNN còn tồn tại, đương nhiên còn sự phân biệt giữa doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Xoá bỏ sự phân biệt này chính là làm mất đi khái niệm DNNN (Tuy nhiên vẫn còn khái niệm doanh nghiệp có vốn Nhà nước). Các doanh nghiệp được bình đẳng như nhau trong quyền và nghĩa vụ đối với Nhà nước và trong việc tiếp cận các nguồn vốn, tài chính, đất đai...

4. Hiện nay, phần lớn các DNNN không đem lại sự thịnh vượng cho Nhà nước, hoạt động kinh doanh phần lớn là lỗ. Số tiền xoá nợ hàng năm lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, cũng có nghĩa hàng năm ngân sách nhà nước mất hàng chục nghìn tỷ đồng vì những doanh nghiệp này. Có ít DNNN có lãi, lãi của phần lớn DNNN có lãi thấp đến mức không nhà đầu tư nào chấp thuận (thông thường chỉ từ 1-> 3%). Chỉ có một số rất ít doanh nghiệp có lợi nhuận cao hơn nhưng Nhà nước không được hưởng lợi nhuận đó vì: Nhà nước chỉ được thu thuế lợi nhuận và các thuế khác đối với các doanh nghiệp này. Còn khoản thu từ lợi tức như một cổ đông thì Nhà nước không thu. Những doanh nghiệp này phần lớn là những doanh nghiệp độc quyền (Ví dụ: Bưu điện, xăng dầu, hàng không,...). Nhà nước khi sử dụng những dịch vụ độc quyền này cũng phải trả giá cao mặc dù người dân phần nào cũng được coi là chủ sở hữu trong doanh nghiệp đó nhưng lại bị thiệt hại vì người dân cũng là người tiêu dùng, và thông thường phải trả giá cao từ 20 -> 40%, thậm chí cao hơn nếu như không có sự độc quyền.

5. Với mô hình quản trị vẫn giữ như hiện nay, với những khái niệm tổng công ty, công ty nhà nước không rõ ràng được quy định trong Luật DNNN tất yếu những vấn đề như trên lại tiếp tục xảy ra. Đã đến lúc cần hình thành một cơ chế mới để quản lý vốn Nhà nước được đưa vào kinh doanh và Luật Doanh nghiệp chung sắp được ban hành là một cơ hội cho ra đời cơ chế mới đó và vì lẽ đó, Luật Doanh nghiệp chung cần và phải điều chỉnh, thay đổi thậm chí thay thế Luật DNNN.

6. Chúng tôi đề nghị cần quy định trong một Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện Luật Doanh nghiệp chung và Luật Đầu tư chung ,rằng tất cả các DNNN hiện nay trong vòng 5 năm kể từ ngày Luật Doanh nghiệp chung có hiệu lực phải chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp được điều chỉnh theo Luật Doanh nghiệp chung, và Luật DNNN sẽ bị huỷ bỏ trong thời hạn này sau khi Quốc hội ban hành Luật về quản lý và đầu tư nguồn vốn Nhà nước trong hoạt động kinh doanh.

7. Trong Nghị quyết đó cần khẳng định cơ chế mới về quản lý đối với vốn Nhà nước kinh doanh theo những hướng mà trên thế giới áp dụng và có kinh nghiệm, đặt ra lộ trình cho Chính phủ và các cơ quan khác thực hiện.

8. Chúng tôi xin đề xuất một cơ chế liên quan đến việc quản lý vốn Nhà nước kinh doanh như sau:

a/ Thành lập một cơ quan chuyên trách quản lý và giám sát vốn nhà nước kinh doanh. Cơ quan này sẽ quản lý những doanh nghiệp Mẹ bằng việc quản lý về nhân sự và về vốn. Cơ quan này bằng những cơ chế thích hợp sẽ lựa chọn ra những quản trị viên làm đại diện sở hữu nhà nước (Ví dụ: làm thành viên Hội đồng quản trị doanh nghiệp Mẹ), những quản trị viên này chịu trách nhiệm trước cơ quan trên về việc duy trì và phát triển nguồn vốn của doanh nghiệp Mẹ, họ có thể bị cơ quan này bãi chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ và họ được hưởng thù lao xứng đáng theo hiệu quả của doanh nghiệp đem lại theo cơ chế hợp đồng, họ có toàn quyền lựa chọn giám đốc doanh nghiệp Mẹ và cơ quan quản lý chỉ có quyền phủ quyết quyết định này nếu có những lý do chính đáng. Cơ quan quản lý vốn sẽ giám sát các doanh nghiệp Mẹ thông qua nhiều hình thức thích hợp như thuê kiểm toán, buộc các doanh nghiệp Mẹ phải thường xuyên báo cáo về tình hình tài chính và khi cần thiết trưng cầu các chuyên gia tài chính để đánh giá hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp. Cơ quan quản lý vốn có trách nhiệm yêu cầu doanh nghiệp phải nộp đủ lợi nhuận sau thuế cho Nhà nước và xác định hiệu quả của doanh nghiệp thông qua việc nộp này. Các quản trị viên và giám đốc doanh nghiệp Mẹ được hành động tự do trong khuôn khổ điều lệ được cơ quan quản lý vốn phê chuẩn, và khuôn khổ pháp luật. Nói chung giảm tối đa các việc phê chuẩn từ cơ quan quản lý vốn.

b/ Đối với một số doanh nghiệp đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định sẽ do Thủ tướng Chính phủ hoặc một số Bộ, một số Uỷ ban nhân dân trực tiếp quản lý, nhưng những doanh nghiệp này không nhiều. Ví dụ: chỉ cho phép Uỷ ban nhân dân TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trực tiếp quản lý một đến hai doanh nghiệp Mẹ, các tỉnh thành khác không được quyền này. Trong các Bộ chỉ còn Bộ Công nghiệp, Bộ Giao thông vận tải trực tiếp quản lý một vài doanh nghiệp. Ví dụ: Bộ Công nghiệp quản lý điện lực Việt Nam, dầu khí Việt Nam. Bộ Giao thông quản lý đường sắt Việt Nam. Tiến tới Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các Bộ khác không quản lý doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ có thể quản lý trực tiếp một hai doanh nghiệp cực lớn như bưu chính viễn thông Việt Nam. Trong trường hợp này, cơ quan quản lý vốn sẽ làm chức năng giám sát vốn đối với những doanh nghiệp mà họ không quản lý, và có quyền đề cử một số quản trị viên vào trong Hội đồng quản trị những doanh nghiệp này.

c/ Như vậy những doanh nghiệp Mẹ thực chất sẽ trở thành những tổ chức tài chính, đầu tư vào những lĩnh vực mà các quản trị viên của doanh nghiệp đó cho rằng có lơị ích, hoặc họ nắm một số lĩnh vực rất then chốt của nền kinh tế quốc dân mà một số doanh nghiệp khác vì nhiều lý do khác nhau không thể nắm được.

d/ Cơ quan quản lý vốn có quyền đề xuất bán những doanh nghiệp Mẹ hoặc cổ phần hoá nó và trực tiếp cử người đại diện quản trị phần vốn nhà nước còn lại trong những doanh nghiệp đã được chuyển đổi này.

Nói cách khác, cơ quan quản lý vốn sẽ thoát khỏi chức năng là cơ quan quản lý hành chính, mà sẽ trở thành cơ quan điều hành kinh doanh, quyết định vốn và nhân sự cho những doanh nghiệp quan trọng nhà nước nắm phần vốn chi phối.


Luật sư Trần Vũ Hải
Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải (Công ty Luật Hà Nội)
[/b]

Các văn bản liên quan