Góp ý của ông Trương Hồng Dương – Văn phòng Chính phủ

Thứ Tư 10:04 03-08-2011

GÓP Ý

Về Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch

I. Nhận xét chung

Về cơ bản, nội dung Dự thảo Nghị định phù hợp với Luật Du lịch, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2008 và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Việc hoàn thiện Dự thảo Nghị định về Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch đã tạo công cụ pháp lý quan trọng, cần thiết để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch; bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, bình đẳng về môi trường pháp lý nhằm đề tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi, đồng thời đề cao vai trò, trách nhiệm của mọi cá nhân, tổ chức tham gia vào hoạt động du lịch.

Nội dung Dự thảo Nghị định lần này đã bổ sung và cụ thể những quy định về tài nguyên du lịch, quy hoạch phát triển du lịch, kinh doanh du lịch, điểm du lịch, môi trường du lịch…; tăng mức xử phạt bằng tiền đối với một số hành vi vi phạm trong lĩnh vực du lịch; sửa đổi hình thức xử phạt bổ sung, thẩm quyền xử phạt của một số chức danh trong lĩnh vực du lịch cho sát với điều kiện thực tiễn và phù hợp với quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 20008… Đây là một trong những điểm mới so với quy định tại Nghị định số 149/2007/NĐ-CP.

II. Một số nội dung cụ thể

Để có thêm một bước tiếp tục hoàn chỉnh Dự thảo Nghị định trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành, tôi xin có một số ý kiến như sau:

1. Về phạm vi điều chỉnh

Dự thảo Nghị định nên bổ sung quy định nguyên tắc tại Chương I, những quy định liên quan đến du lịch thì áp dụng theo quy định tại Nghị định này; trường hợp chưa được quy định tại Nghị định này thì sẽ áp dụng theo quy định tại Nghị định khác co liên quan để bảo đảm các quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến du lịch được tập trung quy định tại Nghị định này, tránh bỏ sót những hành vi vi phạm pháp luật về du lịch, khắc phục sự trùng lặp, chồng chéo giữa các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch.

2. Việc căn cứ quy định khung xử phạt bằng tiền đối với cùng một hành vi vi phạm

Việc căn cứ vào số chỗ ngồi trên một ô tô để quy định nhiều khung xử phạt bằng tiền đối với cùng một hành vi vi phạm là không phù hợp với nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính.

Theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, thì căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính là hành vi vi phạm. Đối với cùng một hành vi vi phạm thì chỉ quy định một khung xử phạt. Căn cứ vào tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ (số lượng, giá trị hàng hóa vi phạm, số lượng người vi phạm, …) thì người có thẩm quyền có thể ra quyết định mức độ xử phạt khác nhau nhưng không được vượt quá khung xử phạt. Ví dụ: cùng một hành vi không báo cáo bằng văn bản về kinh doanh lưu trú du lịch hoặc(Điều 11), kinh doanh đại lý lữ hành( Điều 6) hoặc hoặc kinh doanh lữ hành ( Điều 4) nhưng khung xử phạt khác nhau. Vì vậy, đề nghị cân nhắc quy định tại Điều 4, Điều 6, Điều 11 và Điều 8…

3. Về việc giao thẩm quyền áp dụng biện pháp khăc phục hậu quả

Theo quy định tại Dự thảo Nghị định thì đa số các biện pháp khắc phục hậu quả do Chính phủ quy định tại Nghị định này đều thuộc thẩm quyền áp dụng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh (không thuộc thẩm quyền áp dụng của Chánh Thanh tra bộ hoặc Chánh thành tra Sở hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện). Xem xét vấn đề này dưới góc độ pháp lý thì quy định như vậy phù hợp với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính hiện hành. Tuy nhiên, xem xét dưới góc độ thực tiễn, thì nhiều vụ việc vi phạm hành chính sẽ không được xử phạt kịp thời, tạo ra nhiều thủ tục hành chính phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và người vi phạm, đồng thời gây sức ép quá tải đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Theo tinh thần của Dự án Luật xử lý vi phạm hành chính sẽ được trình Chính phủ trong tháng 8 năm 2011, thì việc giao thẩm quyền áp dụng một số biện pháp khắc phục hậu quả được quy định tại Nghị định do Chính phủ quyết định. Vì vậy, đề nghị rà soát lại các biện pháp khắc phục hậu quả trong Dự thảo Nghị định, trên cơ sở xem xét sự phù hợp với thực tiễn để giao một số biện pháp khắc phục hậu quả cho Chánh Thanh tra Sở, Chánh Thanh tra Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền áp dụng nhằm bảo đảm hiệu quả, tính khả thi trên thực tiễn của các quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

4. Về quy định bồi thường thiệt hại là một trong những giải pháp của biện pháp khắc phục hậu quả

Tại Điều 18( điểm b khoản 5) có quy định, việc bồi thường thiệt hại là một trong những biện pháp khắc phục hậu quả. Tôi cho rằng, bồi thường thiệt hại là một trong những những chế định thuộc quan hệ pháp luật dân sự điều chỉnh, không thuộc quan hệ pháp luật hành chính. Trường hợp có thiệt hại xẩy ra do hành vi vi phạm pháp luật hành chính thì đối tượng vi phạm chỉ bị áp dụng các chế tài hành chính buộc phải chi trả bằng tiền hoặc hiện vật để khắc phục hậu quả thiệt hại xây ra do hành vi vi phạm pháp luật hành chính gây ra, còn trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc quan hệ pháp luật dân sự không thuộc phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Nghị định này.

5. Về thẩm quyền quyền xử phạt

Theo quy định của Luật Thanh tra thì Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành, có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, nhưng mức xử phạt cụ thể đối với hành vi vi phạm hành chính do các chức danh trên lại chưa được quy định tại Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính năm 2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ban hành năm 2008.

Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành như Cục trưởng, Tổng cục trưởng… cũng như Chánh Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ là những người giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước ở lĩnh vực chuyên ngành. Do đó, về vị trí pháp lý những chức danh này có thể là tương đương. Theo cách lập luận trên đây, thì thẩm quyền xử phạt của Cục trưởng, Tổng cục trưởng cũng nên quy định như thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Bộ. Đối với công chức, được giao nhiệm vụ xử phạt vi phạm hành chính, thì vị trí pháp lý cũng tương đương như Thanh tra viên. Vì vậy, đề nghị khi quy định thẩm quyền xử phạt đối với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tương đương với Chánh Thanh tra Bộ; công chức được giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành tương đương với Thanh tra viên chuyên ngành hoặc quy định mang tính nguyên tắc như sau: thẩm xử phạt vi phạm hành chính của 2 chức danh trên là theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.

Trên đây là một số góp ý về Dự thảo Nghị định.

Kính,

Chuyên gia pháp lý

Trương Hồng Dương

Các văn bản liên quan