Góp ý của Ông Trần Văn Trung

Thứ Hai 16:37 22-05-2006
1. Nên có một tư duy khác đối với việc soạn thảo Luật Phá sản. Nếu nhấn mạnh đến việc phá sản là một thủ tục đòi nợ tập thể thì ở một góc độ nào đó, chúng ta vẫn rơi vào tình trạng như hiện nay. Bởi vì trong đòi nợ, con nợ không có nhu cầu. Nếu con nợ có quyền đòi nợ, tư duy khác hẳn, không còn là việc đơn thuần chỉ là thủ tục phá sản. Trong phá sản có hai thủ tục riêng rẽ: thủ tục phục hồi, cơ cấu doanh nghiệp và phá sản. Trong khi đó chúng ta lại đưa vào một luật với tên là luật phá sản và nhấn mạnh đến yếu tố đòi nợ tập thể.
Nhấn mạnh đến thủ tục phục hồi liên quan đến thời điểm mở thủ tục phục hồi. Phải sớm lên thì mới có thể phục hồi được. Xác định Ban giám đốc, thành viên HĐQT phải có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu phục hồi.

2. Phạm vi phá sản: Giữ nguyên như Điều 2 luật hiện hành và bỏ lý do đi: Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nợ đến hạn là lâm vào tình trạng phá sản. Điều 3 quy định… và khi chủ nợ có yêu cầu thì doanh nghiệp bị coi là lâm vào tình trạng phá sản, trong khi đó theo Điều 16 khi nhận thấy doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản thì các chủ nợ đều có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Vậy thủ tục nào có trước, có sau. Chỉ cần doanh nghiệp không thanh toán được các khoản nợ đến hạn thì được xem là lâm vào tình trạng phá sản.

3. Về thủ tục phá sản: khó hiểu. Điều 83 Quyết định tuyên bố phá sản khi hội nghị chủ nợ không thành cần sửa thành Quyết định thanh toán khi hội nghị chủ nợ không thành. Thủ tục theo như Điều 5 Dự thảo rất phức tạp gồm thủ tục phục hồi, thủ tục thanh toán và ba mới là tuyên bố phá sản. Không nên quy định như vậy, nên quy định theo như Luật hiện hành, gồm 2 thủ tục thủ tục phục hồi và thủ tục phá sản. Khi có quyết định phá sản mới tiến hành thanh toán.

4. Điều 89 khoản 1 sẽ không bao giờ xảy ra vì không bao giờ doanh nghiệp không có một tí gì tài sản cả. Khoản 2 Điều này cũng không rõ ràng vì không biết bao giờ nghị quyết về phương án phân chia tài sản đã được thực hiện xong. Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh thì chủ doanh nghiệp còn chịu trách nhiệm mãi về sau, vậy khi nào thì thực hiện xong.

5. Điểm bất hợp lý là khi ra quyết định phá sản theo Điều 96 về giải quyết khiếu nại, kháng nghị thì quyết định đã được thực hiện và tài sản phân chia xong hết rồi, quyết định lại được kháng nghị thì chẳng còn ý nghĩa gì cả. Vì có khiếu nại, kháng nghị thì cũng tuyên bố phá sản rồi. Nên tiến hành theo Luật cũ: một là phục hồi. Hai là tuyên bố phá sản và phân chia tài sản.

6. Điều 75, 80 Dự thảo quy định về "quá nửa số chủ nợ không có bảo đảm dại diện cho hai phần ba trở lên tổng số nợ không có bảo đảm biểu quyết tán thành", trong khi chúng ta xem người lao động cũng là chủ nợ thì rất khó có "quá nửa". Hàng nghìn người lao động không đáng là bao so với một chủ nợ ngân hàng lớn.

7. Điều 61 quy định "kể từ ngày Toà án quyết định mở thủ tục phá sản thì đình chỉ mọi vụ án có liên quan đến nghĩa vụ tài sản của doanh nghiệp cần phải xem lại. Vì có nhiều vụ án khác như tái thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm thì toà án giải quyết phá sản không thể có thẩm quyền đình chỉ những vụ án này.

Trần Văn Trung
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao

Các văn bản liên quan