Góp ý của ông Trần Thế Vượng – Trưởng Ban Dân nguyện
Kính thưa các đồng chí,
Về vấn đề địa vị pháp lý của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, nó là vấn đề rất lớn vì đây là 2 anh hoàn toàn khác nhau mà ta ghép vào giao cho một người. Tức là anh là cơ quan ngang Bộ, là thành viên của Chính phủ, đồng thời anh lại là cơ quan độc lập và hoạt động theo quy định của pháp luật. Vậy vấn đề đặt ra ở đây trong hàng loạt quá trình anh thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình thì cái gì, lúc nào anh là thành viên Chính phủ? Vì đã là thành viên Chính phủ thì anh phải tuân theo, anh phải là cấp dưới của Thủ tướng, những vấn đề hệ trọng theo Luật tổ chức Chính phủ là phải được thảo luận và quyết định theo đa số. Trong khi đó anh lại là ngân hàng Trung ương, anh lại là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Tôi xin thưa với các đồng chí, ngay cả khái niệm này cũng phải nghiên cứu rất kỹ. Vì sao? Cho đến bây giờ tôi cũng không hiểu các nước là tam quyền phân lập, có hành pháp, có lập pháp và có tư pháp, tư pháp là độc lập và tuân theo pháp luật. Bây giờ ở nước ta không có tam quyền phân lập, có phân công, phân nhiệm, nhưng cũng chỉ có Tòa án là độc lập và tuân theo pháp luật. Bây giờ anh không nằm ở Chính phủ, anh không nằm ở Quốc hội, anh không nằm ở tư pháp, vậy anh là ai? Tất nhiên việc này phải nghiên cứu ở nước ngoài nó như thế nào? Như vậy nếu với cách viết ở đây là độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nghĩa là ở nước ta có một thứ quyền lực thứ tư đó là quyền lực ngân hàng, có phải thế không?
Cho nên khái niệm gọi là độc lập và tuân theo pháp luật. Độc lập và tuân theo pháp luật, bây giờ Tòa người ta phán quyết, Quốc hội không làm gì được. Cho nên ta cứ nói nước ngoài, nhưng cho đến bây giờ tôi cũng chưa hiểu nước ngoài người ta tam quyền phân lập như vậy mà người ta bảo Ngân hàng Trung ương là độc lập và tuân theo pháp luật thì không biết nó có trực thuộc ông Tổng thống hay như thế nào không thì chưa biết.
Chính vì hai anh hoàn toàn khác nhau mà lại giao cho một người làm, cho nên trong toàn bộ những quy định về sau này không ai hiểu nó như thế nào. Khi nào thì anh độc lập với tư cách là Ngân hàng Trung ương và khi nào anh với tư cách là thành viên Chính phủ? Cho nên ngay tiền lương của cán bộ công chức cũng thế, khi có chế độ riêng về cái đó thì anh lập luận anh là độc lập, anh có vai trò rất quan trọng, đóng góp ngân sách Nhà nước, nhưng chuyện đấy tôi sẽ nói sau, tất nhiên hôm nay rất kẹt về thời gian.
Thứ hai, bây giờ chính sách tiền tệ quốc gia. Báo cáo các đồng chí, bây giờ ngay cả tên điều đã không đúng rồi, không ai có quyết định thực hiện cả. Luật hiện hành của người ta là quyết định chính sách tiền tệ quốc gia, anh lại bảo quyết định thực hiện. Quyết định thực hiện là gì, không ai hiểu. Quyết định là người ta quy định về chính sách tiền tệ quốc gia, còn thực hiện là việc anh tổ chức thực hiện. Ở đây anh làm tên điều là quyết định thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, không ai hiểu.
Thứ hai, lập luận của Ủy ban Kinh tế nói thật tôi cũng chưa đồng tình lắm. Bây giờ ta cứ nói là Hiến pháp đã quy định rồi, điều lệ, điều ước quốc tế, Chủ tịch nước đầy đủ hết rồi. Tất cả những điều này báo cáo anh Hiền trong Hiến pháp quy định cả rồi, ý của tôi muốn nói riêng trong lĩnh vực tiền tệ này vai trò của Chủ tịch nước như thế nào, có cụ thể hóa được hơn không, loại nào thì Chủ tịch nước quyết định như ký kết điều ước hay phê chuẩn, ví dụ như vậy. Bây giờ ta lại nói là Hiến pháp quy định cả rồi thì báo cáo các anh có gì mà Hiến pháp không quy định. Hiến pháp quy định rõ là Quốc hội quyết định chính sách tiền tệ quốc gia, như anh Thuận nói là trong nhiều luật nhưng nói thực tôi thử hỏi Chính phủ bây giờ nói tóm lại chúng ta hiểu chính sách tiền tệ quốc gia gồm những nội dung gì và ở những luật nào đã quy định nội dung nào.
Đáng nhẽ trong Luật tổ chức Quốc hội phải quy định Quốc hội quyết định chính sách tiền tệ quốc gia là cái gì và Luật ngân sách quy định Quốc hội quyết định cái gì. Ta phải liệt kê ra chính sách tiền tệ quốc gia gồm 7 vấn đề, luật này đã quy định như thế này, luật kia đã quy định như thế kia, trong phạm vi của luật này Quốc hội chỉ quyết định về vấn đề này thôi thì người ta sẽ hiểu ngay. Nhưng ở đây tên luật là quyết định chính sách tiền tệ quốc gia nhưng ở dưới là tỷ lệ lạm phát và bội chi gì đó, như thế thì không ai hiểu. Rõ ràng là nội dung của điều luật và tên điều không liên quan gì đến nhau cả cho nên không thể lập luận việc này đã có Hiến pháp và Luật điều ước quốc tế quy định là không được.
Về vấn đề lãi suất, một mặt tôi đồng ý như anh Hiển về lập luận ở một khía cạnh nhưng một khía cạnh khác tôi đã nói rất nhiều là Chính phủ trong Tờ trình và kể cả Ủy ban Kinh tế không giải quyết vấn đề của Bộ luật hình sự và Bộ luật dân sự. Tôi đồng ý anh có thể có hướng như thế này nhưng bây giờ anh trả lời tôi là Bộ luật hình sự quy định rằng người nào cho vay lãi nặng thì bị phạt tù như thế này, như thế này. Khi thảo luận người ta dựa trên lãi suất cơ bản là 8%, anh nào cho vay 12% chấp nhận nhưng anh cho vay 15% là anh phạm tội cho vay lãi nặng, đấy là Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự thì tất cả các thành phần kinh tế dù là tổ chức tín dụng quốc doanh của Nhà nước hay là tư nhân thì mọi thành phần vay mượn thoải mái, tự do thị trường, các anh muốn thỏa thuận nhau lãi bao nhiêu cũng được. Nhưng như anh Hiển nói nó là cái Barie bởi quan điểm của Đảng tôi và của Nhà nước tôi là thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chứ không phải để cho người giàu áp đặt và bắt nạt người nghèo được. Vì vậy các anh muốn thỏa thuận với nhau bao nhiêu cũng được nhưng miễn là các anh phải theo Nhà nước tôi là không được vượt quá lãi suất cơ bản mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố hàng năm. Còn công bố bao nhiều đó là quyền của ông Thống đốc, ông xem xét tình hình kinh tế đất nước, lúc này ông công bố bằng này, lúc khác ông công bố bằng khác, miễn làm sao nó phù hợp với tình hình và nó bảo đảm cho góp phần phát triển kinh tế của đất nước. Đấy là quyền của ông và cũng là trách nhiệm của ông. Bao nhiêu năm không công bố đùng một cái cho vay lên 23% bây giờ giật mình ra nhìn Bộ Luật dân sự thế thì sai hết rồi, trình Quốc hội đề nghị cho đưa lên 300% và đề nghị là có hiệu lực kể từ ngày ban hành Bộ Luật dân sự. Thế là ta làm sai nhiều năm song bây giờ muốn giải quyết cái sai bằng cách đề nghị Quốc hội sửa luật, mà sửa lại có hiệu lực kể từ ngày ban hành Bộ luật dân sự, tôi thấy làm sao làm như thế được và chẳng có lý gì mà phải bỏ lãi suất cơ bản cả. Còn việc làm sao chiết khấu, tái chiết khấu chuyện đó nếu anh cần có quy định thêm thì anh cứ quy định còn lãi suất cơ bản Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải công bố, mà đây là giải quyết chung cho mọi thứ, tôi đề nghị như vậy. Cho nên những lập luận trong này tôi thấy nó cũng không rõ lắm.
Về bảo hiểm tiền gửi thì tôi thấy bảo hiểm tiền gửi nó là cái gì? vấn đề đặt ra là như thế, bảo hiểm tiền gửi là một tổ chức tài chính đặc biệt nó bảo vệ lợi ích của người có tiền gửi. Bây giờ trong lúc ta đang xây dựng thì có nên quy định một số nguyên tắc không, quan trọng là một số nguyên tắc, mà trong lúc bây giờ chưa biết, chưa bàn về Luật Bảo hiểm tiền gửi nó như thế nào, trong khi đó anh ta là người bảo vệ lợi ích của người gửi tiền. Còn anh này thì anh lại quản lý các tổ chức tín dụng đồng thời thậm chí anh còn là đại diện cho chủ sở hữu phần góp vốn của Nhà nước ở các tổ chức và ngân hàng tín dụng, tổ chức tín dụng. Thế thì anh bảo vệ ai? cho nên tôi vẫn đề nghị là hết sức cân nhắc trong khi chúng ta đang nghiên cứu để xây dựng Luật Bảo hiểm tiền gửi thì lúc đó ta tính mọi chuyện, còn bây giờ cứ bảo là nêu vào đây một số nguyên tắc, quan trọng nhất là một số nguyên tắc, nếu một số nguyên tắc đến lúc nó bó hết những nội dung khác thì không được. Tôi đề nghị chỗ này hết sức cân nhắc, đã nên đưa vào đây chưa và nó có trở thành vấn đề cấp thiết không cái đó cũng phải tính.
Về chế độ, chính sách đối với cán bộ, vấn đề này thì tùy nhưng tôi thấy lý lẽ trong này chưa thuyết phục. Ví dụ cơ quan ngang bộ đóng vai trò quản lý nhưng lại là Ngân hàng Trung ương thực hiện các hoạt động nghiệp vụ tạo thu nhập cho ngân sách nhà nước đòi hỏi phải có chất lượng. Lập luận này không vững chắc gì, anh tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước, nhưng có anh khổ sở vất vả làm ra cái để cho anh tạo ra nguồn thu. Tôi muốn mọi chuyện có tổng thể, ngân hàng thì lập luận như thế này, Tòa án có lập luận của Tòa án, quân đội là xương máu, công an là thức cho dân ngủ, giáo viên tạo nguồn nhân lực, là quốc sách hàng đầu, cuối cùng lập luận như vậy thì tất cả lên lương hết, nếu tất cả lên lương thì ngân sách có cho phép không.
Từ lâu tôi đã nói rằng vấn đề chính sách tiền lương đối với cán bộ nên đưa hết lên bàn, đánh giá cho thích đáng rồi lúc đó chúng ta quyết. Hôm trước Chính phủ ra nghị định tăng lương cho xã đội trưởng làm cho mặt bằng ở xã rối lên, cho nên phải thôi nghị định đó. Cách làm của chúng ta không có tổng thể, quan điểm của tôi phải có tổng thể mới tránh được mọi việc. Xin hết.