Góp ý của ông KSor Phước (KPă Bình) – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc
Tôi nghe được nhiều ý kiến rồi, xin nhắc lại thôi. Một là rất đồng ý với ý kiến anh Vượng, hình như là cũng có "thần giao cách cảm" cho nên thấy ông nói cũng hung hăng mà cũng nhiều cái thấy cũng thấm.
Thứ hai, cũng rất đồng ý với anh Thuận mà tôi cũng rất băn khoăn, nội hàm chính sách tiền tệ mà nếu chỉ lạm phát không thì không phải. Thứ hai là lạm phát không phải chỉ là vấn đề chủ quan của Nhà nước mà nó còn là yếu tố khách quan nữa. Cho nên Quốc hội mà tự nhiên đi quy định lạm phát thì cũng phải xem lại. Lạm phát không phải chỉ là vấn đề chủ quan mà nó là cả vấn đề khách quan nữa, toàn bộ hoạt động của kinh tế không phải chỉ trong nước mà cả thế giới nữa vì ta giao lưu với thế giới rồi. Còn chính sách tiền tệ tôi thấy băn khoăn quá, không biết là Quốc hội quyết định chính sách tiền tệ thì đúng tôi đồng ý anh Vượng nói phải làm cho rõ có bao nhiêu việc trong chính sách tiền tệ. Thế thì trong những việc đó cái gì là cái then chốt nhất trong chính sách tiền tệ mà cái đó Quốc hội phải quyết, còn lại để Chính phủ hoặc để Thống đốc Ngân hàng, ví dụ thế thì cho nó rõ đi, sau này kiểm điểm rõ ràng ông nào thì phải chịu, chứ không thể nói chung chung rồi cuối cùng tự nhiên đùng đến lạm phát, thế rồi Quốc hội cũng bó tay thôi. Vì vấn đề lạm phát không phải chỉ là vấn đề chủ quan mà cả là vấn đề khách quan nữa.
Thứ hai, vấn đề về tiền lương thì tôi bức xúc như anh Vượng nói, ta có bài học về Tòa án nhân dân thành phố đô thị loại 3, rồi loại 2, loại 1 thuộc tỉnh, là bài học vừa rồi không gỡ ra nổi, ngay nội bộ Thường vụ cũng chưa thống nhất được với nhau. Nhưng vì do Chính phủ quy định như thế rồi, cho nên ông Tòa án thành phố loại 1 thuộc tỉnh có khi lương còn cao hơn mấy ông Tòa án ở cấp tỉnh thì nó có câu chuyện đó nếu mình không chú ý đến vấn đề lương.
Nhưng một việc nữa tôi thấy rằng qua bài học vừa qua đối với các đơn vị như thế này tôi rất đồng tình phải công khai, minh bạch hóa. Nếu thấy rằng vì ngân hàng ta làm cho nên rất có giá trị ngoài phần cứng ra như thế thì cho dưỡng liêm của họ như thế này, để động viên thì cũng phải sòng phẳng để Quốc hội quyết được tỷ lệ bao nhiêu phần trăm anh có thể vượt và đến một cái sàn nào đó. Chứ còn bảo là ngân hàng bằng hết thì tôi lại không đồng ý. Vì vậy tôi đồng ý với ý kiến anh Vượng tốt nhất là Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nên đệ trình với Thường vụ Quốc hội xem thử chính sách về lương như thế nào.
Ý thứ ba là tạm ứng về ngân sách Nhà nước, tôi đồng ý theo quan điểm việc này nên đưa vào Luật về ngân sách chứ không nên đưa vào luật này, nằm trong chính sách tài chính quốc gia. Tôi đồng ý quan điểm là sử dụng dự trữ ngoại hối là thuộc về Quốc hội nhưng ủy quyền cho Thường vụ Quốc hội.
Về những vấn đề khác tôi đồng ý như giải trình, tôi xin hết.