Góp ý của ông Nguyễn Văn Thuận – Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật
Kính thưa đồng chí Phó chủ tịch chủ trì,
Kính thưa tất cả các đồng chí.
Về cơ bản hai nội dung tôi nói trước là những nội dung mà ý kiến khác nhau ở Mục II giữa thường trực Ủy ban kinh tế và cơ quan soạn thảo thì tôi tán thành những ý kiến của Ủy ban kinh tế, tôi nói phần đó trước tại vì phần đó nó liên quan đến việc này, nhưng riêng chỗ Hội đồng chính sách tài chính tiền tệ, đề nghị đồng chí cân nhắc việc này: Nếu Hội đồng này chỉ mang tính chất tư vấn thì không quy định trong luật làm gì, tôi đề nghị như vậy. Nếu là hội đồng này có thẩm quyền quyết định nghĩa là thẩm quyền quyết định nó có thể có hai cách thể hiện.
Một là mọi quyết định của Thống đốc về một số vấn đề phải căn cứ vào quyết định của Hội đồng chính sách tiền tệ thì mới ban hành được. Loại thứ hai là loại quyết định trực tiếp, tức là nó quyết định rồi anh mới được làm, nếu như thế thì mới quy định trong luật. Tôi đề nghị các đồng chí nghiên cứu chỗ này trong ý của Thường trực Ủy ban kinh tế thì không rõ, nếu là cơ quan tư vấn hoàn toàn thì tư vấn như dự thảo luật, đấy là quyền của Thống đốc chứ chúng ta không nên để cơ cấu phụ lấn át cơ cấu chính hiện nay, cứ hết hội đồng này, hội đồng khác, có những đồng chí làm ăn không ra sao cả rồi cũng về cũng ngồi lên ti vi phán cứ như cóc cụ, còn trong đó người chịu trách nhiệm trước pháp luật thì không có thẩm quyền gì. Theo tôi phải dẹp bỏ cái đó đi, tôi xin nhắc lại là khi anh em chúng tôi làm Nghị quyết trung ương 7 khóa VIII đã có Bộ chính trị và Ban chấp hành trung ương khẳng định một điều là chúng ta đang có một tình trạng là cơ cấu phụ lấn át cơ cấu chính thì chúng ta phải lập lại trật tự. Nếu hội đồng tư vấn thật sự không có quyền gì chỉ có tư vấn cho Thống đốc thì đó là quyền của Thống đốc, Thống đốc muốn gọi ai thì gọi, thậm chí gọi cả đồng chí Thuận đến làm tư vấn cũng không sao, nhưng nếu Hội đồng chính sách tiền tệ mà đúng nghĩa của nó, trên cơ sở quyết của nó Thống đốc mới ban hành hãy đưa vào trong luật thì hãy nghiên cứu cho kỹ.
Về Điều 5, thẩm quyền quyết định thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia đầu năm, ở đây nó liên quan đến Điều 4 về chính sách tiền tệ quốc gia. Tôi cũng tán thành nhiều ý kiến của anh Hiển. Ở đây có mấy vấn đề như sau: Tôi không phải là nhà kinh tế nhưng có nghiên cứu như sau: thực ra chính sách tài chính tiền tệ của mỗi quốc gia nó không phải chỉ quy định trong Luật ngân hàng đâu, nó trong Luật ngân sách và trong một số luật khác nữa, nó từng cái một. Nhưng thực ra tựu trung lại thì nó là chức năng tài chính của mỗi thiết chế Nhà nước. Ví dụ Nghị viện liên quan đến chính sách tài chính tiền tệ thì thực ra mình cứ nói nó thế, nhưng quy định các thứ thuế này, thu thuế nào, thu chi ngân sách ra sao, làm sao ổn định được đồng tiền, đấy là chức năng của Nghị viện, của chúng ta là Quốc hội. Bây giờ chính sách tiền tệ quốc gia ở trong Luật Ngân hàng này thì nó là cái gì? Thì phải đưa ra chứ nếu như Điều 5 thế này thì tôi thấy chỉ có dừng lại là Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm thì không biết có phải không? chính sách tài chính tiền tệ mà trong lĩnh vực của Ngân hàng thì có phải chỉ có chỉ tiêu lạm phát không hay còn có việc gì nữa. Chỗ này đề nghị các đồng chí phải nghiên cứu rất kỹ thêm, chứ nếu không là chúng ta không lý giải được. Mình cứ nói vậy nhưng mà kể cả Hiến pháp và kể cả các văn bản thì không làm rõ.
Bây giờ Điều 4 các đồng chí bảo giữ nguyên như trong luật, Điều 5 lại bó lại. Nhưng nếu như phương án của ngân hàng quyết định mà giám sát việc thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm thì chính sách tiền tệ quốc gia này nó lại không rõ, cả Luật Ngân hàng chưa làm rõ được chính sách tiền tệ quốc gia là cái gì. Nếu chúng ta chỉ nhăm nhăm vào chỗ chỉ tiêu lạm phát thì nó hoàn toàn không phải, thế còn cái gì nữa không? Ví dụ nó còn liên quan tới chuyện như ở chỗ này là việc dự trữ ngoại hối Nhà nước đấy là quyết định sự lưu thông của đồng tiền chứ, anh quyết sử dụng cái này ra thì đẩy trách nhiệm của Quốc hội đến đâu? Quốc hội phải biết, phải quyết, chứ không thể nói là chỉ có Chính phủ được. Vì sao tôi mới ủng hộ là ý kiến của Thường trực Ủy ban kinh tế làm như vậy thì đấy là chính sách tài chính. Còn tất cả những nội dung liên quan trong hoạt động ngân hàng mà có vai trò Nghị viện đến đâu, của Quốc hội đến đâu và của Chính phủ đến đâu phải làm cho rất rõ chứ không chỉ có dừng lại ở Điều 4 và như Điều 5 là được đâu, nhưng về cơ bản tôi tán thành với tư tưởng của Uỷ ban Kinh tế.
Về vấn đề lãi suất, tôi tán thành là các đồng chí phải nghiên cứu kỹ nhưng hướng dứt khoát là phải có lãi suất cơ bản. Anh Giàu nói rất đúng, về tài liệu của IMF thì ai cũng biết cả nhưng báo cáo anh Giàu ngân hàng các nước họ là Ngân hàng Trung ương thì đúng là sẽ không can thiệp vào lãi suất mà chỉ thông qua lãi suất định hướng, tái cấp vốn để cho các ngân hàng khác vay để điều tiết. Nhưng ngân hàng của ta chức năng đó không làm được, ta chỉ có 2 chức năng về cả quản lý Nhà nước và chức năng của Ngân hàng Trung ương, vì thế phải có lãi suất chứ không thể không có được còn tên là lãi suất cơ bản hay như thế nào tôi không biết.
Như các nước ngân hàng không thuộc hệ thống hành pháp, hoạt động độc lập thì đúng như anh nói, chúng ta nếu tổ chức được như thế thì chúng tôi hoàn toàn tán thành. Chừng nào ngân hàng vẫn là một cơ quan của Chính phủ, một bộ phận của Chính phủ thì vẫn phải thực hiện chức năng quản lý, mà chức năng quản lý Nhà nước cao nhất trong lĩnh vực này đó là định ra khung lãi suất để điều tiết thị trường. Chúng ta hay nói là kinh nghiệm thế giới nhưng thế giới họ khác, mình khác, ví dụ như Ngân hàng Trung ương của Mỹ họ làm khác, chức năng quản lý Nhà nước của Mỹ chính là Cục dự trữ liên bang Mỹ, họ có lãi suất định hướng nhưng Ngân hàng Trung ương của họ thì không làm việc đó.
Bây giờ chúng ta hai chức năng đang nhập làm một thì chúng ta phải thực hiện, các đồng chí tranh luận với nhau việc này làm gì. Về mặt kinh tế những lý luận rất cơ bản như thế chắc chắn anh em chúng tôi cũng biết cả nhưng cũng phải nói thật chúng ta lâu nay chỉ bảo thế giới như thế này nhưng thế giới khác. Ngân hàng Trung ương của họ khác Ngân hàng Trung ương của ta. Về chế độ chính sách tôi tán thành như trong này. Ở đây phải lý giải với Quốc hội một điểm là Ngân hàng chúng ta vẫn đang giữ 2 chức năng: Một, nó là cơ quan quản lý, cơ quan ngang bộ. Cơ quan ngang bộ này đặc thù của nó chỉ làm chút chức năng quản lý nhà nước, còn lại chức năng ngân hàng Trung ương tổ chức hoạt động kinh doanh thu nhập cho ngân sách nhà nước. Nhóm cán bộ, công chức trong này họ có đặc thù so với những điểm khác, chỗ này phải nói cho rõ thêm, phải nhấn rõ chức năng ngân hàng cũng làm nhiệm vụ như vậy.
Về vấn đề đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại các tổ chức tín dụng, tôi đề nghị ngân hàng thử làm gương. Tôi lâu nay rất trăn trở là một nghị quyết của Đảng 4 nhiệm kỳ rồi không làm, vấn đề tách quản lý nhà nước ra khỏi quản lý kinh doanh 4 nhiệm kỳ đại hội rồi, chúng ta nói rất hay nhưng không ai làm, không thấy ai kiểm điểm, không biết nó khó cái gì, hay vấn đề lợi ích ở đây. Vừa rồi báo chí đưa tin, chúng tôi đề nghị rút kinh nghiệm. Theo tôi ngân hàng chỉ làm chức năng là cơ quan ngang bộ, tức là một bộ phận cấu thành của Chính phủ, nhưng nhóm quản lý nhà nước gọi là cơ quan ngang bộ ở đây nó chỉ ở phần quản lý nhà nước về hoạt động ngân hàng chứ không phải là quản lý nhà nước như một bộ khác. Tôi không tán thành để ngân hàng tiếp tục làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước.
Tôi xin nhắc lại một tư tưởng lớn của Đảng 4 đại hội rồi không thực hiện được, không biết đến đại hội nào chúng ta mới thực hiện và chúng ta có thực hiện không. Xin hết.