Góp ý của Ông Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm VN

Thứ Năm 15:08 09-08-2007


Đóng góp ý kiến Dự thảo
Nghị định hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

 
Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký HHBHVN
 
Doanh nghiệp là nơi tạo ra của cải vật chất cho đất nước, là nơi tạo ra nguồn thu ngân sách chủ yếu cho quốc gia như thuế GTGT, thuế TNDN và suy cho cùng là thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương tiền công người lao động, thuế tài nguyên, thuế đất đai… Vì vậy, hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phát triển là rất cần thiết.
 
Thực tế, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đủ sức nuôi bộ máy pháp lý riêng của doanh nghiệp. Ngay những doanh nghiệp lớn, tập đoàn kinh tế mạnh thì bộ phận pháp lý của họ cũng không bao hàm các văn bản pháp quy hiện hành điều chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp cận thị trường, marketing, tiêu thụ sản phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, vệ sinh môi trường, trật tự an ninh, quốc phòng, đất đai, tài chính tín dụng, kế toán kiểm toán, các sắc thuế, sử dụng lao động, xây dựng cơ bản…
 
Trong khi đó, Ban lãnh đạo doanh nghiệp – người cần được trang bị kiến thức, thông hiểu các văn bản pháp quy hiện hành và bị nhiều vướng mắc trong thực tế điều hành doanh nghiệp lại rất bận trong việc điều hành quản lý doanh nghiệp, không đủ thời gian nghiên cứu kỹ, đầy đủ tới mức độ thông hiểu văn bản pháp quy hoặc đưa ra những kiến nghị có lý có tình để sửa đổi bổ sung chính sách chế độ văn bản pháp quy sao cho có thể chấp thuận được.
 
Hiện nay, hầu như công báo doanh nghiệp nào cũng mua cho Giám đốc 01 cuốn, nhiều khi Giám đốc không đọc đến hoặc đọc, hiểu không hết rồi xếp đó. Ít doanh nghiệp làm được công việc là chuyển tải những nội dung văn bản pháp quy tới từng bộ phận có liên quan để thực hiện như kế toán tài vụ, lao động tiền lương, xây dựng cơ bản, tiêu thụ sản phẩm… Một số dự thảo văn bản pháp quy gửi tới doanh nghiệp xin ý kiến thì lại được giao cho một cán bộ nhân viên đọc và cho ý kiến vì vậy người đóng góp ý kiến này không mang hết tầm và tâm của doanh nghiệp. Đó là những nguyên nhân trì trệ dẫn đến tình trạng:

-         Văn bản pháp quy nhiều nhưng không được đi vào cuộc sống doanh nghiệp vì ít người được tiếp cận, đọc, hiểu để thực hiện đúng nội dung văn bản.

-         Doanh nghiệp kêu ca nhiều khi chưa hiểu sự điều chỉnh của văn bản pháp quy với tầm vĩ mô của một nền kinh tế, của một ngành, từng địa phương và chỉ nhìn trên giác độ cục bộ lợi ích của doanh nghiệp mình.

-         Không ít doanh nghiệp, cán bộ doanh nghiệp vi phạm văn bản pháp quy vì không được biết hoặc biết không rõ thậm chí hiểu sai nội dung tinh thần văn bản pháp quy.
 
Chính vì vậy, việc phổ biến, tập huấn và tổ chức tiếp thị ý kiến đóng góp các văn bản pháp quy cho doanh nghiệp là điều cần phải làm ngay và thường xuyên hơn.

Theo chúng tôi, hình thức trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp là:

1)     Từ quyết định, thông tư, nghị định, Luật mới được ban hành cần có tập huấn tới các lãnh đạo doanh nghiệp để có được cách hiểu và cách thực hiện thống nhất giữa các doanh nghiệp cũng như có được vướng mắc có thể xảy ra từ ý kiến kiến nghị của các doanh nghiệp (trong đó có một số đã kiến nghị lúc lấy ý kiến cho văn bản dự thảo nhưng không đưa vào văn bản được ban hành) để có văn bản hướng dẫn bổ sung. Cấp nào được giao soạn thảo văn bản trên thì cấp đó phải là người tổ chức tập huấn hướng dẫn.

2)     Mỗi cấp được phép ban hành văn bản pháp quy phải có bộ phận chuyên trách để hướng dẫn trả lời doanh nghiệp (trong vòng 10 ngày kể từ khi nhận được công văn đề xuất kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến văn bản pháp quy đã ban hành).

3)     Mỗi cấp quản lý Nhà nước, Bộ, Ngành, tỉnh cần có trang Web đăng tải toàn bộ nội dung các Luật và văn ban pháp quy hiện hành của ngành mà được Chính phủ giao cho cấp này quản lý hoặc địa phương quản lý.
 
Đồng thời các văn bản hướng dẫn doanh nghiệp trên cơ sở trả lời công văn của doanh nghiệp cũng cần được đăng tải trên trang Web này để các doanh nghiệp khác cùng biết, cùng thực hiện đỡ phải hỏi chồng chéo nhau. Thời gian đăng tải trên trang Web chậm nhất là 5 ngày kể từ ngày Luật và văn bản pháp quy được ban hành.
 
4)     Hàng năm cần có tổ chức Hội nghị tiếp xúc và tôn vinh doanh nghiệp trong đó có nội dung giải quyết vướng mắc về cơ chế, chính sách, chế độ hiện hành của doanh nghiệp (không nhất thiết phải làm 2 lần như dự thảo nghị định).

Theo ý kiến chúng tôi nên lấy ngày doanh nhân Việt Nam để tổ chức Hôi nghị này.

-         Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ, VCCI tổ chức Hội nghị tiếp xúc tôn vinh doanh nghiệp là các tập đoàn kinh tế lớn, doanh nghiệp xếp hạng đặc biệt, Tổng Công ty 90, 91 (trước đây).

-         Các Bộ và Lãnh đạo cấp Vụ tổ chức Hội nghị tiếp xúc và tôn vinh doanh nghiệp trực thuộc Bộ quản lý.

-         UBND tỉnh, thành phố trực thuộc và lãnh đạo cấp sở tổ chức tiếp xúc và tôn vinh doanh nghiệp, chi nhánh doanh nghiệp có trụ sở hoạt động tại địa phương.
 
5)     Phát hành những ấn phẩm phổ biến các văn bản pháp quy trong đó có 2 loại:

-         Đối với doanh nghiệp mới vào hoạt động, được cấp không ấn phẩm ngay sau khi nhận được giấy phép.

-         Đối với doanh nghiệp đã đi vào hoạt động cần có những ấn phẩm mang tính tổng hợp hệ thống các văn bản pháp quy tổng hợp cho từng lĩnh vực, chuyên ngành. Hiện nay, chúng ta in quá nhiều sách loại này, mỗi khi có một văn bản mới ra đời lại làm lại từ đầu. điều này gây lãng phí tiền của và công sức của doanh nghiệp.
 
Nên chăng các cơ quan quản lý nhà nước được giao soạn thảo văn bản pháp quy sẽ tập hợp phát hành ấn phẩm này một cách có hệ thống từ tập 1 đến các tập tiếp theo sao cho tập sau không in lại nội dung đã phát hành tại tập trước (không kể phải tái bản), chỉ in những nội dung văn bản pháp quy mới ban hành và phổ biến các văn bản trước khi không còn hiệu lực.

Các văn bản liên quan