Góp ý của Luật gia Vũ Xuân Tiền – GĐ Công ty tư vấn VFAM

Thứ Năm 15:11 09-08-2007

 
 
MỘT SỐ Ý KIẾN GÓP Ý VÀO DỰ THẢO
NGHỊ ĐỊNH CỦA CHÍNH PHỦ VỀ  HỖ TRỢ PHÁP LÝ
CHO DOANH NGHIỆP.


                                                    Luật gia Vũ Xuân Tiền
                                 Giám đốc Công ty tư vấn VFAM Việt Nam

 
Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được đưa ra trưng cầu ý kiến lần thứ nhất trong phạm vi hẹp trước đây và đã nhận được khá nhiều ý kiến đóng góp. Tại hội thảo hôm nay do Bộ Tư pháp và VCCI tổ chức, với tư cách là một luật gia, đã và đang tham gia một số chương trình mang tính chất hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp và là Giám đốc một công ty tư vấn về pháp luật kinh doanh, tôi xin nêu một số ý kiến sau:

I.         VỀ SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH

Trong hội thảo lần trước, có khá nhiều ý kiến cho rằng không cần thiết phải ban hành Nghị định này. Song, trước một thực trạng về sự am hiểu pháp luật trong kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay còn rất hạn chế, nếu không muốn nói là rất yếu và đã có chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này, cho nên, theo tôi không nên tranh luận về việc có cần hay không cần ban hành nghị định này. Việc ban hành Nghị định này là cần thiết. Quan trọng hơn là, Nghị định cần đưa vào những nội dung gì để có thể đi vào cuộc sống một cách thiết thực.

II.       NHẬN XÉT KHÁI QUÁT VỀ DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH (bản DT ngày 11/7/2007)

Nghiên cứu bản dự thảo Nghị định ngày 11/7/2007, có thể nêu một vài nhận xét khái quát sau:

1)  So với bản dự thảo ngày 26/5/2007, DT lần này đã có tiến bộ hơn, thể hiện rõ nhất ở việc bổ sung Chương III “Xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”. Đây là nội dung rất cơ bản cần tập trung nghiên cứu để từng bước tiến tới “xã hội hoá” việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

2)  Nghiên cứu toàn văn DT Nghị định lần này vẫn có thể thấy, Nghị định còn quá chung chung, mang nặng tính “định hướng” và “nguyên lý”. Vì vậy, sẽ rất khó cho việc triển khai, tổng kết, đánh giá.

3)  Câu hỏi đặt ra là: Sau Nghị định này, có cần phải ban hành một Thông tư hướng dẫn không? Hiện nay ở nước ta, tình trạng thiếu thông tư hướng dẫn và “vận dụng sáng tạo” trong các Thông tư hướng dẫn nhằm hạn chế quyền kinh doanh của các DN và công dân làm cho Luật, Nghị định đã ban hành trở thành “văn bản treo” đang xẩy ra khá phổ biến. Đề nghị Bộ Tư pháp đi tiên phong trong việc soạn thảo một Nghị định của Chính phủ mà không cần có Thông tư hướng dẫn và thực hiện ngay đối với Nghị định này. Điều đó có nghĩa là cần quy định một cách cụ thể hơn, chi tiết hơn.

III- NHỮNG GÓP Ý CỤ THỂ

1. Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

Đề nghị tách thành hai điều để phân biệt rõ phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Có thể là:

Điều 1.Phạm vi điều chỉnh

Điều 1 sẽ có nội dung sau: “Nghị định này quy định về việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước và việc thực hiện các Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”.

Điều 2 ( mới): Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng của Nghị định này gồm:

2.1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ);  

2.2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trong việc hỗ trợ doanh nghiệp;

2.3.  Các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp tham gia thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

2.4. Các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) thuộc mọi thành phần kinh tế là đối tượng được hỗ trợ pháp lý;

2.5. Các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện pháp luật được huy động xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

2. Về tên gọi và nội dung của Chương II:

Với đối tượng áp dụng theo Điều 2 (mới) kiến nghị trên, xin đề nghị đổi tên Chương II thành “Trách nhiệm của các đối tượng liên quan đến việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”.

Với tên mới của Chương II, các Điều 5, 6, 7, 8, 9 là quy định về trách nhiệm của: Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi chung là Bộ); Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) trong việc hỗ trợ doanh nghiệp.Cần bổ sung thêm ít nhất ba Điều khoản quy định trách nhiệm của:

§        Các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp tham gia thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

§        Các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh (sau đây gọi chung là doanh nghiệp) thuộc mọi thành phần kinh tế là đối tượng được hỗ trợ pháp lý;

§        Các tổ chức, doanh nghiệp thực hiện pháp luật được huy động xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

3. Khoản 1 Điều 5, chương II, đề nghị sửa lại như sau:

1. Các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm  xây dựng, duy trì, cập nhật các cơ sở dữ liệu có liên quan về pháp luật trong lĩnh vực, phạm vi do mình phụ trách phục vụ hoạt động của doanh nghiệp.

4. Tại khoản 1 Điều 8 có quy định:

“Các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không có trách nhiệm giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về các vụ việc cụ thể”.
Quy định như trên sẽ hạn chế phần lớn việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Bởi lẽ, thực tiễn cho thấy, mỗi năm cộng đồng doanh nghiệp đã gửi tới Tổng cục thuế, Tổng cục Hải quan, Bộ Lao động Thương binh và xã hội hàng ngàn câu hỏi. Trong số đó rất ít câu đề nghị giải thích nội dung của Luật, pháp lệnh và Nghị định. Phần lớn các câu hỏi đều gắn với một vụ việc cụ thể.

5. Khoản 4 Điều 8 quy định: 

“4. Các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị bằng văn bản của doanh nghiệp. Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 của điều này thì thời hạn trả lời là 20 ngày”

Chúng tôi cho rằng, thời hạn như trên là quá dài. Cần rút xuống như sau: “4. Các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị bằng văn bản của doanh nghiệp. Đối với trường hợp quy định tại khoản 2 của điều này thì thời hạn trả lời là 10 ngày làm việc”.

Lý do để rút ngắn thời gian như trên là những vướng mắc của doanh nghiệp phần lớn xuất hiện trong kinh doanh, do đó, cần giải quyết gấp. 
    
6. Về tiếp nhận, tổng hợp những kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Đề nghị nghiên cứu lại nội dung của Điều 9. Cần làm rõ:

Việc tiếp nhận ý kiến của DN để xử lý những bất hợp lý, thậm chí là trái luật trong các văn bản quy phạm pháp luật được quy định như thế nào? Nếu giao cho Bộ hoặc tỉnh nào ban hành văn bản thì có trách nhiệm giải quyết thì rơi vào tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” và kiến nghị của DN trở thành vô nghĩa? Trường hợp cần bổ sung, sửa đổi luật và pháp lệnh thì sao?  Đây là vấn đề bức xúc nhất của các DN ở nước ta hiện nay. Nguyên nhân cơ bản là: khi đã “cài” được vào Luật, Nghị định hoặc Thông tư hướng dẫn một nội dung nhằm nâng cao quyền lực của Bộ, ngành, đặc biệt là cho ra đời được một “Giấy phép con” thì việc đấu tranh xoá bỏ hiệu lực của nó vô cùng khó khăn.

7. Về chương III:

Ngoài những điều khoản trong dự thảo, xin đề nghị bổ sung thêm những điều khoản quy định về:

-         Các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

-         Các tổ chức đủ diều kiện được huy động tham gia Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

Với việc thực hiện các Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, cách làm của Cục Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ( Bộ Kế hoạch và Đầu tư) trong tổ chức thực hiện Quyết định số 143/2004/QĐ-TTg ngày 10/8/2004 của Thủ tướng Chính phủ “phê duyệt  chương trình trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2004 – 2008” có thể là kinh nghiệm tốt. Điều quan trọng là: phải mạnh dạn “xã hội hoá” hoạt động này. Các cơ quan quản lý nhà nước không thể đủ nhân lực và thời gian để trực tiếp tổ chức thực hiện các chương trình hõ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp. Thông qua các Hội nghề nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp, các công ty tư vấn... để triển khai chương trình là cách làm hợp lý hơn cả.

8. Về những vấn đề liên quan đến pháp luật trên thị trường quốc tế:

Việc các DN kinh doanh va chạm trực diện với pháp luật của các nước trên thị trường quốc tế đã, đang và sẽ xẩy ra ngày càng nhiều. Đề nghị làm rõ trong Nghị định này:

-         Những vấn đề liên quan đến pháp luật của các nước trên thị trường quốc tế có thuộc phạm vi trợ giúp của Nghị định này không?

-         Nếu có thì phương thức hỗ trợ như thế nào?

-         Nếu không thì tổ chức nào chịu trách nhiệm?

Trên đây là một số ý kiến trong bước đầu nghiên cứu.. Xin gửi tới Ban soạn thảo Nghị định để tham khảo.
Xin trân trọng cảm ơn!
                                    -------------------------------------------------------------- 
  
  
 

Các văn bản liên quan