Góp ý của Luật gia Trần Quang Minh-Bộ Tư pháp

Thứ Năm 15:06 09-08-2007


GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH
VỀ HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP


Luật gia: Trần Quang Minh
Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2007

Kính gửi: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Nhằm hoàn thiện dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tôi có một số ý kiến đóng góp như sau:

I. VỀ SỰ CẦN THIẾT CỦA VIỆC XÂY DỰNG VÀ BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH

Trước hết, tôi hoàn toàn nhất trí về sự cần thiết của việc xây dựng và ban hành Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Việc ban hành Nghị định này sẽ tạo ra hành lang pháp lý của hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nâng cao trách nhiệm và phát huy vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nâng cao trình độ pháp lý và ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, do chỉ là một dự thảo Nghị định, chưa phải hình thức văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất, nên phạm vi điều chỉnh những vấn đề liên quan đến công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn bị hạn chế. Cụ thể là Nghị định không có khả năng đề cập đến vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước khác nằm ngoài Chính phủ trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đồng thời, hoạt động giải đáp thắc mắc pháp luật, trong nhiều trường hợp, đòi hỏi phải có sự tham gia của các cơ quan này. Vì vậy, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tiếp tục nghiên cứu, phát triển hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua việc xây dựng và ban hành Luật Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Chỉ có hình thức văn bản có giá trị pháp lý cao nhất này mới có khả năng điều chỉnh một cách đồng bộ, thống nhất và đầy đủ các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, phát huy sức mạnh tổng hợp của bộ máy nhà nước vào hoạt động này.

II. Ý KIẾN ĐỐI VỚI MỘT SỐ NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA DỰ THẢO

1. Về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện pháp luật (Chương II)
1.1. Trách nhiệm xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác các cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp của các Bộ, UBND cấp tỉnh (Điều 5)

Về trách nhiệm cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật vào Cơ sở dữ liệu, dự thảo cần bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây viết tắt là UBND cấp tỉnh) trong việc cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật ngay sau khi văn bản được ban hành, không phải đợi đến khi có yêu cầu của doanh nghiệp thì các cơ quan này mới thực hiện việc cập nhật.

Đối với các văn bản quy phạm pháp luật do các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành, dự thảo cần bổ sung quy định về thời hạn cập nhật văn bản vào Cơ sở dữ liệu do Bộ, UBND tỉnh đó quản lý. Theo tôi, các Bộ, UBND tỉnh phải có trách nhiệm cập nhật văn bản do mình ban hành vào CSDL do Bộ, UBND tỉnh đó quản lý ngay sau khi ban hành văn bản.

1.2. Trách nhiệm biên soạn, xuất bản tài liệu giới thiệu, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật (Điều 6)

Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND cấp tỉnh có thẩm quyền ban hành một số loại văn bản quy phạm pháp luật nhằm hướng dẫn thực hiện các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Do đó, dự thảo cần bổ sung quy định về trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc biên soạn, xuất bản tài liệu giới thiệu, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật do UBND cấp tỉnh ban hành trong trường hợp các văn bản này có điều chỉnh những vấn đề liên quan đến doanh nghiệp, các chủ thể tham gia hoạt động sản xuất, kinh doanh khác.

1.3. Trách nhiệm giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về nội dung quy định pháp luật (Điều 8) 

Đối với hình thức thể hiện yêu cầu giải đáp thắc mắc, khoản 2 Điều 8 dự thảo quy định “Yêu cầu giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về nội dung các quy định của pháp luật cần được làm thành văn bản”. Theo tôi, xét dưới góc độ sự cần thiết của vấn đề, trong nhiều trường hợp, yêu cầu giải đáp thắc mắc có thể được trình bày miệng, không cần thiết phải thể hiện dưới hình thức văn bản. Điều này cũng nhằm đảm bảo sự thuận lợi cho người yêu cầu giải đáp, đáp ứng một cách kịp thời, nhanh chóng nhu cầu giải đáp pháp luật. Pháp luật không nên quy định mang tính bắt buộc hình thức yêu cầu giải đáp thắc mắc là văn bản mà nên cho phép người yêu cầu có thể lựa chọn các hình thức trình bày bằng văn bản hoặc bằng miệng. 

Ngược lại, đối với việc giải đáp thắc mắc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dự thảo hoàn toàn không có yêu cầu bắt buộc về hình thức giải đáp. Theo tôi, dự thảo cần quy định việc giải đáp phải được lập thành văn bản, nếu có yêu cầu. Việc này cũng nhằm nâng cao trách nhiệm của cán bộ và cơ quan giải đáp, là cơ sở xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp nội dung giải đáp có sự sai sót, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, đoạn thứ hai khoản 1 Điều 8 dự thảo quy định: “Các Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không có trách nhiệm giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về các vụ việc cụ thể”. Theo cách hiểu của tôi, quy định này có nghĩa là việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định của Nghị định này không bao gồm hoạt động giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp về các vụ việc cụ thể. Còn các Bộ, UBND cấp tỉnh vẫn phải có trách nhiệm giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp về các vụ việc cụ thể theo quy định pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này. Vì vậy, Ban soạn thảo cần sửa lại quy định tại đoạn thứ hai khoản 1 Điều 8 nhằm tránh gây ra sự hiểu lầm và không thống nhất với các quy định pháp luật khác.

1.4. Việc bổ sung một số loại trách nhiệm khác

Ngoài những trách nhiệm đã được quy định trong dự thảo văn bản, đề nghị bổ sung một số trách nhiệm của Bộ, UBND cấp tỉnh như sau:

a) Trách nhiệm cung cấp thông tin về văn bản quy phạm pháp luật

Về trách nhiệm của Bộ, UBND cấp tỉnh trong việc cung cấp thông tin về nội dung văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo đã quy định các hình thức cung cấp thông tin sau đây: (1). Cập nhật vào cơ sở dữ liệu do Bộ, UBND cấp tỉnh quản lý; (2). Biên soạn, xuất bản tài liệu giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật.

Có thể nhận xét, quy định này của dự thảo chưa bao quát được hết các hình thức cung cấp thông tin, chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp về thông tin, ví dụ: nhiều lúc, doanh nghiệp chỉ cần biết một vấn đề cụ thể có những văn bản nào điều chỉnh, số, ký hiệu và tên gọi của văn bản để từ đó tra cứu trong Công báo, hoặc doanh nghiệp chỉ cần cung cấp thông tin bằng miệng ngay tại thời điểm yêu cầu cung cấp. Mặt khác, các hình thức cung cấp thông tin quy định trong dự thảo đều có những điểm hạn chế nhất định. Đối với hình thức biên soạn, xuất bản tài liệu, thời gian biên soạn, xuất bản tài liệu thường kéo dài, do đó, không đáp ứng nhu cầu có được thông tin kịp thời về nội dung văn bản quy phạm pháp luật của doanh nghiệp. Đối với hình thức cung cấp nội dung văn bản quy phạm pháp luật trong cơ sở dữ liệu, thời gian cập nhật văn bản là ba ngày cũng không đáp ứng nhu cầu nhanh chóng có được thông tin của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không thể an tâm tuyệt đối về tính chính xác của nội dung văn bản được cập nhật, vì pháp luật hiện hành chỉ quy định tính chính thức của văn bản được đăng trên Công báo và bản gốc có con dấu, chữ ký của người có thẩm quyền, còn văn bản lưu giữ trong Cơ sở dữ liệu không có giá trị chính thức.

Với những lý do nêu trên, dự thảo cần bổ sung quy định chung về trách nhiệm của Bộ, UBND cấp tỉnh trong việc cung cấp thông tin về văn bản quy phạm pháp luật. Việc cung cấp thông tin được thực hiện qua nhiều phương thức: văn bản, miệng. Thời hạn cung cấp thông tin là ngay trong ngày có yêu cầu cung cấp thông tin. Trong một số trường hợp, thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày có yêu cầu cung cấp thông tin.

b) Trách nhiệm cung cấp thông tin về hiệu lực pháp luật của các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực, phạm vi do Bộ, UBND cấp tỉnh phụ trách

Ngày nay, xã hội đã phát triển nhiều hình thức cung cấp thông tin về nội dung các văn bản quy phạm pháp luật như Công báo, các cơ sở dữ liệu điện tử, các tài liệu tổng hợp của một số tổ chức, doanh nghiệp v.v... Tuy nhiên, đa số các nguồn cung cấp thông tin này không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ, kịp thời những thông tin về thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, tình hình thay thế, bãi bỏ các quy định pháp luật. Đây là những thông tin rất quan trọng, cần thiết cho doanh nghiệp.

Để khắc phục tình trạng này, dự thảo cần bổ sung quy định về trách nhiệm của các Bộ, UBND cấp tỉnh trong việc rà soát, thông báo về việc thay thế, bãi bỏ các quy định pháp luật trong phạm vi lĩnh vực, địa phương do Bộ, UBND cấp tỉnh quản lý. Đối tượng được rà soát là các văn bản quy phạm do Bộ, UBND cấp tỉnh ban hành. Việc rà soát phải được thực hiện song song với quá trình xây dựng các quy định thay thế, bãi bỏ. Kết quả rà soát được công bố rộng rãi, công khai và được cung cấp cho các doanh nghiệp có yêu cầu ngay sau khi các quy định pháp lý thay thế, bãi bỏ có hiệu lực.

c) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của công chức, cán bộ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền gây ra trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Dự thảo cần bổ sung quy định về việc Bộ, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do công chức, cán bộ của mình gây ra cho doanh nghiệp trong hoạt động hỗ trợ pháp lý. Điều này vừa hợp lý, vừa nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, công chức, cán bộ của các cơ quan này đối với công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đồng thời, quy định này sẽ làm cơ sở cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng hệ thống các quy định về bồi thường thiệt hại trong lĩnh vực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

2. Việc tham gia công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của các tổ chức dịch vụ pháp lý

Sau khi nghiên cứu toàn bộ nội dung dự thảo, có thể thấy các quy định về việc hỗ trợ pháp lý của dự thảo mới chỉ hướng đến các đối tượng là doanh nghiệp trực tiếp chịu sự điều chỉnh của văn bản quy phạm pháp luật, chưa đề cập một cách rõ ràng đến các tổ chức dịch vụ pháp lý. Theo tôi, các tổ chức dịch vụ pháp lý có vai trò cơ bản, quyết định trong việc đưa pháp luật đến với doanh nghiệp. Vì vậy, hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng phải hướng đến các tổ chức dịch vụ pháp lý, cụ thể là Nghị định cần quy định rõ các tổ chức dịch vụ pháp lý cũng là đối tượng thụ hưởng các hoạt động phổ biến pháp luật, cung cấp thông tin về pháp luật, được đào tạo như đội ngũ báo cáo viên. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực hành nghề của các tổ chức này, đảm bảo sự thống nhất trong nhận thức và thực hiện pháp luật của tất cả các tổ chức, cá nhân trong xã hội. Việc làm này cũng nhằm cụ thể hóa một trong những mục tiêu quan trọng của dự thảo là thúc đẩy sự phát triển của thị trường tư vấn pháp luật thông qua hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

Trên đây là ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, kính gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tham khảo, tổng hợp.
 
 
 

Các văn bản liên quan