Góp ý của Ông Phùng Đắc Lộc – Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Thứ Sáu 14:36 22-02-2008

 
 
BẢN GÓP Ý CỦA HIỆP HỘI BẢO HIỂM VIỆT NAM
 
Phùng Đắc Lộc
Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
 
 
 
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhận được dự thảo Luật Thuế GTGT và Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp (sửa đổi) và xin góp một số ý kiến như sau:
 
I.                   Dự thảo Luật Thuế GTGT
 
1.      Riêng đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm: Hiện nay Việt Nam đã là thành viên của WTO, ngành bảo hiểm cũng như các ngành khác ngày càng hội nhập quốc tế sâu rộng hơn. Vì vậy, việc áp dụng thuế đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam cần được cân nhắc với việc áp dụng thuế đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm tại các nước khác là thành viên của tổ chức WTO.

Theo quan điểm quốc tế: Bảo hiểm là một dịch vụ tài chính trong đó người tham gia bảo hiểm đồng ý đóng một khoản phí bảo hiểm để công ty bảo hiểm hình thành nên Quỹ bảo hiểm sẵn sàng bù đắp tổn thất bằng tiền cho cộng đồng những những tham gia bảo hiểm kém may mắn gặp rủi ro được bảo xảy ra gây nên tổn thất đó.Như vậy, bảo hiểm là một dịch vụ tài chính như bao dịch vụ tài chính khác: tín dụng, chứng khoán, quỹ đầu tư, cho thuê tài chính…

Bản chất của bảo hiểm không có giá trị gia tăng trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm vì chỉ nhằm mục đích hình thành nên quỹ bảo hiểm bồi thường cho những tổn thất được bảo hiểm xảy ra. Người tham gia bảo hiểm với mục đích đem lại quyền lợi cho họ được bồi thường nếu tổn thất được bảo hiểm xảy ra và nếu không xảy ra thì họ không được hoàn tiền phí bảo hiểm đã đóng. Số tiền này được bồi thường cho những người kém may mắn khi tham gia bảo hiểm gặp rủi ro tổn thất . Khía cạnh này chứng tỏ:

-         Nếu người tham gia bảo hiểm bị tổn thất được bồi thường thì không nên đánh thuế GTGT vào đối tượng đang gặp khó khăn, thiên tai hay tai nạn.

-         Người tham gia bảo hiểm không gặp tổn thất thì họ trở thành nhà từ thiện góp quỹ bảo hiểm để bồi thường cho người khác kém may mắn hơn bị tổn thất. Vì vậy, không nên đánh thuế GTGT với hoạt động “từ thiện” này.

Hơn nữa, khi nhận tiền bồi thường, theo nguyên tắc cơ bản của bảo hiểm thì người tham gia bảo hiểm chỉ nhận được nhiều nhất bằng đúng giá trị tổn thất thực tế được bảo hiểm xảy ra, không có giá trị gia tăng ở phần này. Cho dù, một người có mua nhiều hợp đồng bảo hiểm cho một chiếc ô tô của mình thì tổn thất xảy ra chỉ được bồi thường tối đa duy nhất là một chiếc ô tô đã bị thiệt hại được bảo hiểm.

Mặt khác, công ty bảo hiểm bồi thường chủ yếu là bồi thường bằng tiền hoặc thanh toán bằng tiền cho các chi phí sửa chữa mua sắm lại tài sản bị tổn thất mà hoá đơn chứng từ mang tên người tham gia bảo hiểm thực hiện (sau đó công ty bảo hiểm sẽ giám định xem xét loại trừ những chi phí sửa chữa cho những tổn thất không thuộc rủi ro được bảo hiểm, sửa chữa thêm, nâng cấp thêm hoặc mua sắm tài sản hiện đại hơn). Chính vì vậy, nếu áp dụng thuế GTGT trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm đem lại thiệt hại cho khách hàng tham gia bảo hiểm (vì là thuế gián thu nên họ phải mua bảo hiểm với số tiền cộng thêm 10%) và làm khó khăn cho DNBH trong khâu khấu trừ hoá đơn đầu vào khi bồi thường bằng tiền.

Với giác độ trên, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính, Vụ Chính sách Thuế xem xét các nước đánh thuế đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm để không đánh thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm vì quyền lợi của khách hàng (cá nhân và doanh nghiệp) mua bảo hiểm đem lại lợi ích cho cộng đồng, những người gặp rủi ro tai nạn và có phần nào đó giảm đi sự trợ giúp của ngân sách Nhà nước với rủi ro tai nạn nói trên.
 
2.      Trường hợp không thể thuyết phục Quốc Hội không thu Thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm thì một số vướng mắc trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm đã được giải quyết bằng Thông tư 111 và các văn bản, công văn khác cần được cụ thể hoá trong Luật Thuế GTGT lần này như không đánh thuế GTGT với dịch vụ bảo hiểm sau:

-         Bảo hiểm nhân thọ, các loại sản phẩm bảo hiểm liên quan đến bảo hiểm tai nạn sức khoẻ con người (không riêng gì bảo hiểm học sinh).

-         Các dịch vụ bảo hiểm bán cho người nước ngoài, doanh nghiệp nước ngoài và tiêu dùng tại nước ngoài hoặc khu chế xuất tại Việt Nam

-         Tái bảo hiểm (không riêng gì tái bảo hiểm ra nước ngoài) vì thuế GTGT đã thu ở bảo hiểm gốc, tái bảo hiểm là phần chia sẻ rủi ro giữa công ty bảo hiểm với các nhà nhận tái bảo hiểm trong và ngoài nước trên cơ sở rủi ro và phí bảo hiểm gốc đã thu được và không phát sinh GTGT, nếu đánh thuế GTGT thì “thuế chồng lên thuế”.
 
II.                Dự thảo Luật Thuế Thu nhập Doanh nghiệp

Hoạt động kinh doanh bảo hiểm có nhiều đặc thù như sau:

-         Là chu trình sản xuất ngược: định phí bảo hiểm (đầu ra) trước sau đó mới phát sinh các chi phí thực tế: bồi thường, giám định tổn thất … phụ thuộc vào rủi ro thiên tai xảy ra từng năm.

-         Hoạt động bảo hiểm gắn liền với quỹ dự phòng rủi ro tổn thất cho việc thu phí ngày hôm nay nhưng phải trích lập dự phòng bồi thường cho tổn thất có thể xảy ra tháng sau, quý sau, năm sau, thậm chí là 30, 50 hay 100 năm sau đó. Việc trích lập và sử dụng quỹ dự phòng nói trên sẽ ảnh hưởng rất nhiều với doanh thu và chi phí để tính thuế Thu nhập doanh nghiệp.

-         Khi ký hợp đồng bảo hiểm đối với khách hàng có thu phí bảo hiểm giá trị lớn, công ty bảo hiểm thường cho trả làm nhiều kỳ, song thực tế có nhiều khách hàng nộp được một vài kỳ thì chuyển sang bảo hiểm tại một công ty bảo hiểm khác hoặc lờ đi không nộp phí, hợp đồng đương nhiên bị chấp dứt gây khó khăn cho việc hạch toán doanh thu (vì Luật Kinh doanh bảo hiểm cho phép gia hạn trong 60 ngày)

-         Hoạt động kinh doanh bảo hiểm luôn gắn liền với kênh phân phối qua đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm. Chi phí cho việc tổ chức đào tạo, trả hoa hồng đại lý, môi giới bảo hiểm; hỗ trợ kinh phí cho đại lý, môi giới hoạt động; chi phí quản lý đại lý bảo hiểm là một khoản chi không nhỏ của doanh nghiệp bảo hiểm

-         Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn quy định doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần tách quỹ chủ sở hữu và tách quỹ chủ hợp đồng. Phí bảo hiểm nhân thọ thu được từ khách hàng (chủ hợp đồng bảo hiểm) được tách riêng tập hợp thành quỹ chủ hợp đồng. Quỹ này được trích lập dự phòng bảo hiểm và đầu tư sinh lời và trả bảo tức cho người thamg gia bảo hiểm. Vậy lãi đầu tư từ quỹ chủ hợp đồng không phải trả tiền vốn của doanh nghiệp bảo hiểm có được đưa vào doanh của doanh nghiệp bảo hiểm hay không và từ đó có phải nộp thuế Thu nhập doanh nghiệp hay được hạch toán theo lãi phải trả cho khách hàng tham gia bảo hiểm giống như hạch toán của các tổ chức tín dụng: lãi phải trả cho việc huy động vốn từ các tổ chức cá nhân gửi tiền vào ngân hàng thương mại.

-         Bộ Tài chính đã cho phép doanh nghiệp bảo hiểm triển khai loại sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư trong đó ngoài phần bảo hiểm rủi ro, người tham gia bảo hiểm còn liên kết với doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư vào các quỹ phù hợp với đối tượng khách hàng ưa mạo hiểm, tương đối mạo hiểm, bình ổn, tương đối an toàn và an toàn nhằm thu được khả năng sinh lời khác nhau. Vậy kết quả đầu tư trên (lãi thu được từ việc mua bán giá trị đơn vị của các quỹ nói trên) là của doanh nghiệp bảo hiểm phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hay là của người tham gia bảo hiểm được hưởng không phải nộp Thuế Thu nhập doanh nghiệp.

Gần đây, Nhà nước đã ban hành một số văn bản pháp quy về hoạt động kinh doanh bảo hiểm như Nghị định 45, Nghị định 46 ngày 27/3/2007, Thông tư 155, 156 ngày 20/12/2007, Quyết định 96/BTC ngày 23/11/2007 và Quyết định 102 ngày 14/12/2007 sẽ liên quan rất nhiều với doanh thu chi phí và Thuế Thu nhập Doanh nghiệp đối với hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
 
Vậy Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đề nghị Bộ Tài chính thực hiện Luật Thuế TNDN gắn liền với Luật Kinh doanh bảo hiểm và các văn bản pháp quy nói trên một cách đồng nhất.
 
III.             Góp ý chung
 
Khi Luật Thuế GTGT, Luật Thuế TNDN (sửa đổi) được ban hành thì các văn bản hướng dẫn (Nghị định, Thông tư, công văn trả lời) trước đây đương nhiên hết hiệu lực. Vì vậy, chúng tôi e rằng với nội dung dự thảo Luật Thuế GTGT và Thuế TNDN quá ngắn gọn, cô đọng sẽ phải ban hành theo hàng loạt Nghị định, Thông tư và các văn bản hướng dẫn khác gây khó khăn cho việc tiếp cận và thông hiểu các văn bản này. Vậy đề nghị Bộ Tài chính đưa những vấn đề chung nhất đã được nêu trong các Nghị định, Thông tư, Công văn trả lời về Thuế GTGT, Thuế TNDN và Dự thảo Luật Thuế GTGT, Thuế TNDN lần này.
 
 
 
 

Các văn bản liên quan