Góp ý của ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, ngân sách
Kính thưa các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Thưa toàn thể các đồng chí.
Thứ nhất là về cơ bản tôi thấy rằng báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được Ủy ban Kinh tế tổng hợp thì cũng bắt đầu làm rõ thêm một số vấn đề và để lý lẽ và tính thuyết phục nó sẽ cao hơn so với Báo cáo Thẩm tra trước đây. Thứ nhất, tôi cũng thống nhất với vai trò của ngân hàng thì đối với vai trò ngân hàng có lẽ chúng ta vẫn giữ nguyên như dự thảo Luật vì nó đảm bảo cho tính Hiến pháp. Còn mong mỏi của chúng ta thì cũng muốn là ngân hàng Nhà nước trở thành ngân hàng Trung ương và nó có vai trò độc lập hơn. Nhưng có lẽ cái đó nó cũng phải là một quá trình rất dài. Hai là điều kiện thể chế kinh tế chúng ta thì chúng ta trước mắt trong khi chưa sửa đổi Hiến pháp và với tình hình thực tiễn thì chúng ta vẫn để như hiện nay là phù hợp.
Vấn đề thứ hai, tôi thấy rằng cũng cần phải làm rõ mục tiêu của chính sách tiền tệ là gì?. Có lẽ bây giờ phải từ mục tiêu của chính sách tiền tệ chúng ta phải xem mục tiêu của chính sách kinh tế vĩ mô. Trong mục tiêu của chính sách kinh tế vĩ mô có 4 mục tiêu hết sức quan trọng, thứ nhất là phải tăng trưởng kinh tế, thứ hai là vấn đề lao động và việc làm, thứ ba là lạm phát và giá cả hay giá cả chính là biểu hiện của lạm phát và thứ tư là các chính sách về ngoại thương. Đó là 4 mục tiêu mà kinh tế vĩ mô phải đạt được.
Chính sách tiền tệ phải phục vụ tốt cho cả 4 mục tiêu này, nhưng mục tiêu cơ bản nhất của chính sách tiền tệ chính là vấn đề ổn định giá cả và khống chế được lạm phát, đó là điều quan trọng nhất. Vậy chúng ta nói mục tiêu của chính sách tiền tệ là ổn định đồng tiền, tôi cho đó chưa phải là mục tiêu cuối cùng. Mục tiêu cuối cùng và có tính chất lâu dài nhất của chính sách tiền tệ chính là phải ổn định được giá cả, khống chế được lạm phát, cho nên tôi đề nghị cần phải làm rõ và phân tích rõ hơn mục tiêu của chính sách tiền tệ của chúng ta. Nếu chúng ta phân tích được rõ mục tiêu của chính sách tiền tệ thì chúng ta mới thấy được mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn của chính sách tiền tệ là gì.
Vấn đề thứ ba, tôi muốn nêu đó là vấn đề lãi suất cơ bản, đúng như anh Giàu phân tích hiện nay số nước sử dụng lãi suất cơ bản cũng còn ít nhưng bản thân tôi lại rất tâm đắc với lãi suất cơ bản. Vì trong giai đoạn vừa qua chúng ta thấy khi chúng ta thực hiện cơ chế thị trường và như anh Giàu nói chúng ta điều tiết chính sách tiền tệ quốc gia là thông qua những công cụ gián tiếp tác động đến những tổ chức tín dụng, tất cả những chính sách đó đều có độ trễ của nó. Khi sự tác động đến được thì đều có thời gian rồi nhưng nếu chúng ta sử dụng lãi suất cơ bản có thể nói là trực tiếp ngay và nó như là một cái barie, hay nói như biển báo để cho các tổ chức tín dụng người ta cũng thấy rằng tăng lãi suất hay thực hiện chính sách cho vay của mình như thế nào đó nó đã có barie rồi, khống chế anh rồi. Còn bây giờ bản thân các tổ chức tín dụng vì nó là kinh doanh tiền tệ, mà kinh doanh đó là các ngân hàng kinh doanh tiền tệ mà kinh doanh đặc biệt thôi, mục tiêu lợi nhuận vẫn là mục tiêu cơ bản. Cho nên chúng ta lại mong các tổ chức tín dụng này thể hiện trách nhiệm của mình tôi cho rằng trách nhiệm đó người ta sẽ chạy theo lợi nhuận chứ người ta không thể chạy theo những chính sách của Nhà nước được, cho nên cần có công cụ khống chế. Tôi thấy lãi suất cơ bản vừa qua không tác hại gì cả, không có tác hại gì cho nền kinh tế này cả, mà bản thân nó đã phát huy tác dụng trong thời gian vừa qua khi chúng ta thấy lạm phát như thế thì lãi suất cơ bản tác dụng tốt. Tại sao ta lại bỏ đi một công cụ rất hay như thế? Cho nên theo tôi không nên bỏ lãi suất cơ bản. Thực ra mà nói bản thân một số nước bây giờ cũng phải xem lại, vừa qua những chính sách cổ súy cho thị trường tự do một cách thuần túy thì đều có những tác hại nhất định. Cho nên phải chăng chúng ta phải giữ lãi suất cơ bản này để ít nhất chúng ta có công cụ khi cần thiết chúng ta có thể xử lý. Tôi đề nghị không nên bỏ lãi suất cơ bản là như vậy.
Vấn đề thứ tư, tôi băn khoăn ở đây và đúng là suy nghĩ rất nhiều lần, bây giờ vai trò của Quốc hội như thế nào khi quyết định chính sách tiền tệ? Thưa các đồng chí, trong Hiến pháp quy định rõ rồi Quốc hội là người quyết định chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia. Ở đây ta đi sâu phân tích thêm vậy chính sách tiền tệ như phần trước tôi đã nói thực ra cốt yếu nhất của chính sách tiền tệ chính là sự kiểm soát lượng tiền cung ứng ra lưu thông. Có thể anh cung ứng tiền vào hay anh rút tiền ra cuối cùng cũng là để điều chỉnh vấn đề lãi suất, lãi suất lúc tăng, lúc giảm. Tăng, giảm như thế cũng tác động đến khuyến khích đầu tư. Mục tiêu là như vậy.
Tất cả những công cụ đó nhưng cuối cùng mục tiêu lâu dài của nó vẫn là ổn định giá cả và lạm phát. Như vậy thì vấn đề lạm phát ở đây là vấn đề dài hạn nhưng trong dự thảo các đồng chí quy định là "Quốc hội quyết định chính sách" tức là chỉ tiêu lạm phát hàng năm, đã lạm phát thì ổn định nó là giá cả và lạm phát là dài hạn mà tại sao ta quyết định hàng năm được, hàng năm là ngắn hạn. Cho nên cái đó là cái mâu thuẫn, nếu đúng như Hiến pháp quy định thì báo cáo các đồng chí, Quốc hội phải quyết định tổng lượng tiền thanh toán cho lưu thông. Ví dụ trong này tôi quy định như thế này, nếu như các đồng chí phân tích thế này thì Quốc hội phải quyết định tổng phương tiện thanh toán rồi khung lãi suất, còn khung tỷ giá, tỷ giá nó lại thuộc vào chính sách tức là ngoại thương, chính sách đối ngoại chứ không nằm trong chính sách tiền tệ. Tất nhiên nó cũng có liên quan nhưng nó ở chính sách đối ngoại, chính sách kinh tế đối ngoại là chủ yếu chứ không phải chính sách tiền tệ. Rõ ràng ở đây vậy thì chúng ta phải quy định như thế này, nhưng tôi thấy là rất khó chỗ này nếu mà Quốc hội quyết định tổng phương tiện thanh toán này và khung được ban hành cũng phức tạp lắm thì cứng ngay, bó chặt ngay ngân hàng. Cho nên câu chuyện hôm nay để đưa ra bàn về vấn đề là Quốc hội quyết định cái gì, báo cáo đồng chí đúng là chúng ta cũng phải phân tích kỹ hơn. Chứ nếu chúng ta đưa ra ngay thì bản thân ngay những điều luật này nó đã có sự mâu thuẫn rồi, từ mục tiêu dài hạn anh đưa thành mục tiêu ngắn hạn. Cho nên thực ra khi phân tích ở trong dự thảo ban đầu nói là Quốc hội chỉ quyết định những mục tiêu dài hạn, nêu như thế thì nó mới phù hợp, chứ nếu quyết định hàng năm thì lại không được.
Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm thì cái này tôi cho lại mâu thuẫn, cho nên theo tôi chính điều này tôi nghĩ đề nghị là các đồng chí phân tích và nghiên cứu kỹ hơn chứ không có bản thân ngay trong điều luật này nó lại mâu thuẫn với nhau. Tôi xin có một số ý kiến phát biểu thế. Xin hết.